Ngũ Đại Hồ ! Đất lành

 

 

Ngũ Ðại Hồ , Ðất Lành

 

 

Buổi sáng , con đường đến sở , hai hàng cây lá xanh mượt , cơn mưa đêm còn long lanh vài giọt nước. Nắng rất trong , gió thật nhẹ . Hình như , lâu lắm , ở một nơi thật xa , không nhìn thấy , nhưng cũng rất gần , nằm yên trong ký ức , cũng buổi sáng nhẹ như sương , con đường đến trường , hai hàng cây lá me bay , áo học trò phơ phất … mỗi đầu ngày .

 

Cho đến bây giờ , một điều các em vẫn không hiểu tại sao tôi lưu luyến cái xứ đạo buồn hiu hắt nầy , mùa hè theo tuổi đời thu ngắn , mùa đông theo ngày tháng chồng thêm …Bao nhiêu lần cất bước , lại quay trở về. Bạn bè lần lượt xuôi nam , về vùng vịnh Mexico đầy tôm cá , hay về mãi viễn tây Cali nắng ấm . Tôi vẩn ngày tháng mênh mang , tôi vẩn dợm đi nhưng lại về , thoắt đó mà hơn hai mươi năm .

 

Ngày đầu đặt chân xuống phi trường O ‘ Hare , ngơ ngác như bầy chim lạc , chị Lisa Vũ đến đón, rối rít , hớn hở , nồng ấm .

– Chị đưa mấy đi nghe nhạc Việt Nam , may quá , gặp đúng dịp

Con đường về thành phố , hình như trong trí nhớ mù mờ có bài hát thuở sinh hoạt cộng đồng … ” đi đến Chicago , Chicago …” có toà nhà cao nhất thế giới , nằm cạnh hồ Michigan , lớn nhất trong Ngũ đại hồ . Xa lộ bát ngát , nhộn nhip xe cộ , phố xá ven đường , thật xa những đồi cát nắng cháy da ngày nằm trong trại tị nạn , thật nhỏ con đường mòn dẩn xuống bờ biển xanh , hàng dương liễu lá mong manh rì rào .

 

Tiếng nói reo vui của chị Lisa , hỏi bao nhiêu chuyện vắn dài , bao nhiêu con đường trong trí nhớ , chị huyên thuyên về những ngày còn ở quê nhà , lúc nghe tin hòa bình cũng là lúc chia xa , nước thống nhất nhưng lại mất nhà , có muốn về cũng chẳng còn nơi dung thân , chị lang thang như du mục , mãi đến lúc dân bỏ chế độ đi tìm đường sống , luồng sóng tị nạn gia tăng mỗi ngày , chị đến làm cho cơ quan xã hội để còn nghe và nói tiếng Mẹ , hướng dẫn đồng bào những ngày đầu tiên , công việc bận bịu giúp chị quên đi phần nào nỗi nhớ nhung khao khát .

 

Chương trình văn nghệ tổ chức trong hội trường Ðại học Truman , nhỏ và ấm cúng , chúng tôi vào đến nơi đã thấy rất đông người , tiềng chào mừng rộn ràng , người người dăm ba rối rít . Khai mạc bằng những tiếng hát học trò , và bất ngờ, đôi uyên ương Văn Phụng Châu Hà nhân vật chính trong buổi văn nghệ , cũng là khuôn mặt quen thuộc của những ngày đầu tiên đến Pulau Besar .

Chúng tôi đến chào và cảm ơn anh chị , bức tượng Phật Di Lặc { hay ông Ðịa } theo mọi người tin tưởng sẽ mang lại sự an vui và may mắn , lúc anh chị rời trại tam cư tặng lại anh Huỳnh Ngọc Ẩn , lúc anh Ẩn rời đi tặng lại cho chúng tôi , và hiện nay vẫn lưu truyền trong trại do các em đến sau gìn giữ , chúng tôi hy vọng sẽ chuyền tay nhau sự may mắn của người đi trước .Tha hương ngộ cố tri , chút duyên tri ngộ từ ngày đầu thở không khí tự do , bài hát ” Trăng trên Pulau Besar ” anh chị hát tặng chúng tôi thật ấm nồng .

 

Không thể diễn tả được cảm giác bâng khuâng , trên đường về , ngang qua một cánh rừng , sau nầy tôi mới biết là đó là khu vực chánh phủ bảo vệ , bên cạnh những bụi rậm , những thân cây sồi cao , nhưng điều in đậm trong trí nhớ là màu lá thu , tôi nhớ như ngày hôm qua , mùa thu trong sách vở học trò , mùa thu ngày tựu trường , mùa thu chỉ hình dung trong tâm tưởng , mùa thu trong tranh vẽ , bức tường mùa thu trong quán kem ở đường Lê Lợi , những ngày theo nhau chân vui , mùa thu tôi mê đắm đang trải trước mắt , đang thoi thóp trong tim…Những ngày nằm nghe mưa lướt thướt trên hàng lá me mùa đông ở miền nam , tiếng ve sầu cuối thu thê thiết , có điều gì thôi thúc , có nỗi nào trăn trở , những cánh thư bay đi về vội vã …

Cũng không biết vì nghiệp duyên tiền kiếp , hay mê đắm hiện nay , tôi xuôi Nam nhưng lại trở về . Lần trở về vẫn chị Lisa , người đến đón tận cổng , lần nầy có cả hai vợ chồng cùng đứa con gái nhỏ , chị vẫn tíu tít , giới thiệu mọi người , cẩn thận mang cả áo choàng dầy cộm

– Chị biết các em chưa hình dung được mùa đông ở Chicago , hôm nay ấm gần bốn mươi độ ( 40 F ), mới vừa qua một cơn bão tuyết …

 

Chúng tôi theo anh chị về ngoại ô , cách thành phố Chicago khoảng tám mươi dặm về phía bắc , khu trại nghỉ mát chỉ dùng cho mùa hè , nhưng anh chị vẩn thường về nghỉ mỗi cuối tuần . Tôi yêu cái không gian tĩnh mịch nơi nầy . Những ngày đầu lao đao , những bước chân làm lại cuộc đời , những ngày nghỉ cuối tuần … Mùa đông , buổi sáng nhìn ra sân trước nhà , con đường mòn và đôi vệt bánh xe lăn tối qua không còn dấu vết , trên cành thông tuyết trắng phủ đầy .Tuyết bay như bông gòn trong những ngày gió lớn thời ấu thơ , những ngày bình an chạy chơi trong vườn , đuổi theo cánh chuồn chuồn mỏng như mây . Chung trà nóng trên tay , anh Hải đến bên cạnh tôi , nhìn tuyết bay phơ phất , anh và chị Lisa hoàn toàn trái ngược , anh vẫn thường nhẹ nhàng

– Chị của em nói đủ rồi , anh không cần phải nói nữa …

 

Anh sống và làm việc bên ngoài đã lâu , nhưng bước vào nhà , từ bức tranh thuỷ mặc , ngọn đèn lồng trong góc nhà , hình ảnh quê hương , con trâu , cánh đồng …và nói chuyện như một ẩn sĩ …thời gian gần nhau không bao lâu , nhắc lại kỷ niệm ban đầu , những buổi trà đàm thâu đêm , những ngày nhìn tuyết rơi đầy ngõ , cái xao xuyến của lần đầu nhìn tuyết rơi , loay quay với đôi giày tuyết cao quá gối … cô bé Alexy chim sáo , cứ nhất định lôi chúng tôi ra ngoài đắp người tuyết , mãi mê đến lúc cóng cả tay chân mới chịu vào …

 

Cuối mùa đông , khu trại nhộn nhịp chuẩn bị mở cửa . Những cành khô hai bên đường đã thấy nụ xanh non , sáng ngày nghe tiếng chim reo vui , nhìn tia nắng len qua khung cửa sổ , không gian cũng chuyển mình nhẹ nhàng . Bên cạnh khu rừng thông già , con suối nhỏ , mạch nước thật trong , như mời mọc đôi chân trần dại dột , bước vào nước lạnh tái tê .Hàng ngày , tôi theo anh Hải sang bên nhà bếp kiểm điểm các vật dụng , mở cửa mấy căn nhà không dùng suốt mùa đông , có tất cả mười bảy căn , không kể hai căn anh và người phụ tá dùng làm nơi cư ngụ . Công việc nhẹ nhàng , so với những ngày ngồi thâu đêm bên ngọn đèn dầu lu , từng mũi kim may , từng manh vải nhỏ , hay dãi nắng dầm mưa xắn từng nhát len vào đất sét xanh , nắng cháy trên da , hay nước mưa từng giọt chảy dài…

 

Cuối hạ , không còn những ngày tung tăng , cánh đồng hoa vàng đã biến dạng , tơ trắng bay rộn ràng , tiếng trẻ thơ đêm lửa trại cuối cùng , tất cả cũng qua đi…Khu trại chẩn bị đóng cửa, cũng là lúc tôi rời cánh rừng bình an , theo nhau về vùng đất hứa .

 

Ðịnh cư phía đông nam thành phố , tỉnh lỵ nhỏ hiền hoà , lúc theo nhau về đây , từ trên xa lộ nhìn xuống , gác chuông nhà thờ nhấp nhô . Bên cạnh phố xá , công viên , con đường hai hàng cây , nằm dài theo bờ hồ , những ngày hè dài mang các con ra bãi cát , những ngày thu vàng nắng nhặt lá gió bay , cuộc sống thầm lặng , bình yên …Các em lớn lên , học hành và công việc , lần lượt ra đi . Các con lớn lên , mỗi mùa hè , đi thăm một vùng đất mới , từ miền viễn tây đến cận đông , từ bờ biển bắc Maine đến miền nam Key West …mỗi nơi , câu hỏi cuối cùng , lại khăn gói quay về .

 

Tỉnh lỵ , nhỏ như Long Xuyên yêu dấu , đi năm phút đã về chốn cũ ( bài hát miền cao nguyên vẩn thường nhắc , ngày xưa …) mỗi góc đường là nóc chuông nhà thờ , mỗi cuối đường về một bờ hồ , buổi sáng nhìn mặt trời lên bên hồ đông Michigan , chiều đuổi theo chim bồ câu bên hồ tây Woft lake… mỗi góc phố in hình ảnh của quê hương xa vời , của con đường xanh bóng cây , của dạt dào nổi nhớ .

 

Mùa hè , mẹ con thơ thẩn dắt nhau ra bờ hồ nghe sóng vỗ , nhìn chiều buông , mang bắp rang rãi xuống bờ đá , nhìn bầy chim đuổi nhau tung tăng …hay ngồi thòng chân đong đưa trên cầu tàu , đếm mấy chú cá tung tăng bơi theo làn nước trong xanh biếc . Nhớ lại những ngày nước nỗi chờ lớp học tan, vội vàng chạy về nhà cất sách vỡ để ra ao bắt cá lìm kìm , mấy cái chậu sành của bà thả đầy cá con .Bây giờ , nhìn đàn con nhỏ tung tăng chạy đuổi nhau trong thảm cỏ xanh mơ , hay ngồi đếm bao nhiêu cánh chim bay qua , mỗi cánh chim bay chở theo ít nhiều ngày tháng… Nắng vàng như nắng ở quê hương , như xôn xao thời tuổi nhỏ , ngày bắt gặp tổ chim sẻ nằm trên mái nhà sau . Như lần gọi khẽ các con , trên nhánh cây thông xanh trước nhà có tổ chim , mỗi ngày đi học về , các con rón rén ra đứng bên cửa sổ , nhìn mãi đôi vợ chồng chim , tha từng cọng cỏ khô , từng chiếc lá vụn về xây tổ cho con . Cũng như Bố Mẹ , nâng niu , gìn giữ các con . Bố vừa đi học thêm , vừa đi làm , chút tiền dành dụm , mua được căn nhà cũ làm mái ấm , đến lúc các con sinh ra , căn nhà nhỏ dần theo tuổi lớn , Bố Mẹ lại lọc cọc cưa cắt , tầng dưới nhà trước đây ẩm thấp , tối tăm , vất vả hàng ngày , hàng tháng , cả đời Bố Mẹ chưa từng cầm cưa , chưa từng xây viên gạch , bài học những này đi sinh hoạt cộng đồng thời mới lớn : tự tin và gây tin tưởng , không ngại ngần khi gặp khó khăn , học hõi không ngừng … cuối cùng thì các con có cả căn phòng lớn làm chốn chạy chơi , làm nơi học hành .

 

Mùa đông , bờ hồ đóng đầy băng , những lượn sóng thay bằng lớp đá trắng tinh , cầu tàu đã kéo lên , bờ đá khi xưa biến dạng , con đường hai hàng cây lá xanh giờ cành khô lặng lẽ , đàn chim xuôi nam phương đã vắng bóng từ lâu . Những ngày trời trong , lạnh se sắt , hơi thở như khói sương , xa xa những người ngồi câu cá giống như pho tượng trên nền tuyết trắng . Mấy anh em muốn phiêu lưu ra giữa hồ , Mẹ dặn dò bao nhiêu lần

– Không nên đi ra xa , băng còn mong manh lắm ,coi chừng sẫy chân rơi xuống hồ bị nước ngầm cuốn đi.

Mãi chơi đến lúc hai má đỏ như tô phấn hồng , dắt díu nhau về với cốc Hot cocoa nóng bỏng . Những ngày tuyết đầy sân, mấy anh em chạy vào nhà xin mẹ củ cà rốt làm mũi cho snowman … Tuổi thơ các con trong mái ấm đầu tiên thật bình an . Ngày tháng , qua nhanh như bốn mùa , các con lớn lên như cây thông xanh trước nhà , thật hồn nhiên , bên cạnh Bố Mẹ luôn vất vã , luôn âu lo trăn trở .

 

Bao nhiêu lần dợm bước chân đi , bao nhiêu mùa đông tê tái , đến lúc nhìn những nụ xanh non trên cành khô , những giọt mưa xuân nhẹ nhàng , lại có sợi dây vô hình trói buộc , lần về Nam tìm bạn bè , lần sang Tây tìm tình thân , những tối băn khoăn , những ngày toan tính …cuối cùng chúng tôi lại về .

 

Lúc nhìn thấy ngọn đồi nhỏ và hàng cây vàng lá cuối thu , có tiếng nói thầm thì mời mọc , có thôi thúc đợi chờ , tôi tìm thấy nơi bình an trú chân , lại theo nhau bắt đầu xây mái ấm , giống như đôi vợ chồng chim tha từng cọng cỏ khô , suốt mùa thu đi về , những ngày đầu đông theo nhau lếch thếch

 

…Ðầu năm , như những con chim non mới nở , tung tăng vào nhà mới , chia nhau từng góc nhà . Những bâng khuâng , thay đổi , luyến lưu của căn nhà cũ , của chúng bạn quen …cũng qua đi .

 

Buổi sáng , nhìn ra khu rừng nhỏ sau nhà , những cành khô đêm qua nở đầy hoa tuyết , ngọn đồi , con dốc. Không gian thật bình yên , bên cạnh cuộc chạy đua cơm áo hàng ngày , những thư đi thư về , ở vùng kỷ niệm xa xưa , kể lại cuộc sống , bên nầy bên kia . Con đường nào cũng bắt đầu từ khởi điểm , cái hạnh phúc mỗi cuối đông nhìn những nụ xanh non hàng ngày , cái hạnh phúc mỗi ngày đi làm về , rón rén ra nhìn xuống gầm deck xem đôi Robin có còn ấp trứng trong tổ chim , chờ vết răn trên vỏ trứng xanh biếc , chờ đợi tiếng chim chíp và màu lông vàng tơ . Cho đến ngày em bé mặt buồn queo chạy vào:

– Mẹ , mấy con chim non của em bay mất rồi …

Tôi nhìn xuống deck , cái tổ chim chỉ còn lại mấy cọng cỏ khô và mảnh trứng vụn xanh biếc .

Mỗi ngày , em bé đi học về là chạy ngay ra cửa sổ nhìn xuống , hy vọng là mấy con chim Robin sẽ trở về . Không thể giải thích cho các con , như giọt nước chảy xuôi , đàn chim non sẽ có ngày rời xa Bố Mẹ . Một ngày nào đó , các con cũng bay xa như bầy chim non . Một ngày nào , các con lại tha từng cọng cỏ khô về xây tổ ấm .Mỗi mùa xuân , lại có đôi Robin xây tổ ở một góc nhà nào đó , các con sẽ tiếp tục nhìn thấy và chờ đợi , nhưng thời gian rồi sẽ qua mau , con sẽ lớn lên , nắng mưa hờn dỗi ,học trò vụng dại ,băn khoăn bận bịu trong cuộc sống, đôi chim và cái tổ sẽ không còn là mối bận tâm lúc bấy giờ ,có chăng chỉ là những thoáng qua xao xuyến …

 

Cuộc sống bình yên ở quê hương thứ hai , cái xứ đạo buồn hiu hắt , không thể giải thích được những bâng khuâng , lưu luyến , câu ” đất lành chim đậu ” , ” sống gởi thác về ” của một thời yêu thương tha thiết , cái quê hương tuổi nhỏ nằm yên trong nỗi nhớ , thật xa và rất gần . Một nửa đời khôn lớn , thương nhớ nơi nào ? Một nửa đời qua đi , nơi sinh ra hay nơi dung dưỡng ? Trong nỗi nhung nhớ trùng trùng …

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

 

1  Gwen

 

– Gwen có chương trình gì cho cuối tuần nầy không ?

– Nghỉ ngơi thôi, đúng ra thì tôi dự định đi tiệm làm móng tay đó, nhưng hết nhẳn tiền rồi, thôi thì tự làm lấy, cũng không sao.

– Gwen cần bao nhiêu tiền? Tôi cho bà mượn tạ một ít vậy..

– Không cần đâu, tôi mượn cuả bà thì việc làm cuả tôi không còn ý nghĩa nữa

– Chỉ là mượn tạm thôi, bao giờ Gwen trả lại cũng được mà .

– Tôi kể vắn tắt tại sao, thật ra thì tôi có tiền, nhưng sáng nay, khi chuẩn bị mở cửa xe để đi làm, tôi gặp một người bạn học khi xưa, lâu lắm rồi không có cơ hội gặp nhau, từ khi bà ấy dọn về East site để chăm sóc cho Mẹ già. Vừa trông thấy tôi, ánh mắt bà ấy thật mừng rỡ, chào nhau xong, bà lại ngập ngừng, tôi hỏi bà có chuyện gì muốn nói ? Bà hỏi mượn tôi mười một đồng để mua vé xe đò đi Kentucky

– Bà đi Kentucky để làm gì thế ? Sao lại hỏi Gwen để mượn tiền ?

– Bà ấy đi nhận xác con

– Oh! Chúa tôi.

– Vâng, cơ khổ, nghe tin con gái bà tử nạn xe cộ, hiện đang quàng lại ở Kentucky, bà kể mà tôi thấy buồn chín ruột gan, cho nên tôi móc hết bốn chục đồng trong túi tặng cho bà. Bà nhất định chỉ mượn mười một đồng thôi, nhưng mình có lòng dạ nào mà chỉ cho mượn? Tôi tặng hết cho bà, nghĩ rằng ngoài chuyện di chuyển còn phải ăn uống dọc đường nữa chứ. Đã mất con, còn thêm đói khát, khổ nào hơn, mình biết mà không giúp thì còn xứng đáng làm người không? Thế là hết tiền đi làm móng tay, nhưng trong lòng tôi rất an vui, không cần phải làm đẹp nữa.

– Gwen, trái tim bà bao la như biển cả, Thiên Chúa sẽ ban cho Hồng ân bất tận.

– Tôi nghĩ Thiên Chúa đã an bày, vì đã khiến tôi gặp bà ấy cho nên mới có cơ hội chia sẻ, ân phúc cho cả hai chúng tôi, bà có nghĩ thế không ?

– Vâng, Gwen, cảm ơn bà đã kể lại cho tôi nghe, mỗi ngày chúng ta chia sẻ một niềm vui .

 

Tôi lại nhớ đến bạn tôi, miên man trên con đường về nhà, người bạn với trái tim bao la, luôn nhường cơm chia áo, nghĩ đến chiếc áo mới đã ngưng lại không mua cuả em tôi , nghĩ đến Gwen, và mối duyên tri ngộ cuả chúng tôi, niềm hạnh phúc vô cùng “ Giàu vì bạn …”

Bên cạnh cuộc sống bon chen, ích kỷ, trong đó vẫn không thiếu những tấm lòng…

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Đánh Mất

Đánh Mất

 

– Dolly, tôi mua tặng cho Rachel cái máy ảnh Nikon Coolpix để mừng sinh nhật

– Rachel năm nay được bao nhiêu tuổi rồi Helen ?

– Cháu vừa lên mười rồi đó

– Chóng thật, nhưng cháu có biểt sử dụng máy ảnh không ?

– Tôi thấy cháu có triển vọng lắm, nên mới quyết định mua. Hôm nọ tôi thấy cháu ngắm mấy bức hình Meerkats cuả Dolly cho tôi đó, tôi hỏi Rachel thấy thế nào ? Cháu bảo làm sao có thể chụp được đôi mắt tinh nghịch đó ?

– Thật vậy sao ? Cháu Rachel nhận thấy những chi tiết nhỏ trong bức ảnh, tức là cháu biết quan sát và nhận định chứ không chỉ ngắm màu sắc thôi.

– Vâng, chính thế, cháu có mắt quan sát , thường hỏi những câu thật bất ngờ, cháu cũng rất thích nghệ thuật, biết chọn lựa màu sắc khéo lắm. mỗi khi tôi vẽ tranh, cháu thường lân la đến ngắm nhìn, đôi khi góp ý kiến.

– Như vậy bà có nghĩ cháu sẽ theo ngành hội hoạ không ?

– Tôi không chắc đâu, vì cháu hãy còn bé quá, sở thích thay đổi theo tuổi tác, khả năng cũng có thể phát triển nhiều mặt khác nhau, tôi nghĩ là cháu sẽ tự tìm con đường đi riêng cho mình.

– Nhưng điều quan trọng là bà có khuyến khích cháu theo đuổi sở thích đó cho dù không đúng như ý muốn cuả cha mẹ cháu hay không ?

– Có chứ Dolly, tôi không chủ trương ép buộc con cháu theo ý muốn cuả mình, chúng nó thích học hỏi môn nào tôi cũng chiều , miễn làm sao chúng nó đi đến thánh đạt là được rồi .

– Rachel thật diễm phúc, tôi mê đọc sách và viết văn từ thuở nhỏ. Lúc tôi còn ở quê nhà, bà tôi sợ hại mắt nên không cho đọc thường xuyên, tôi phải trốn xuống hầm trú đốt đèn dầu lên đọc. Ngay cả chuyện viết lách cũng bị ngăn cản, vì Mẹ tôi thường nói nhà văn luôn đói nghèo, khổ cực,

– Tại sao lại nghĩ vậy ? Tôi thấy nếu đứa trẻ có khả năng và yêu thích thì nên khuyến khích chúng nó chọn cho đúng nghể nghiệp phù hợp, chứ hàng ngày phải làm công việc miễn cưỡng thì dễ sinh ra chán nản, không thể nào đạt đến thành công được

– Chúng tôi sống trong một hoàn cảnh xã hội khác, phải vất vả tìm kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày, cho nên Cha Mẹ thường bắt buộc các con học hành để chọn công việc và nghề nghịệp đủ đảm bảo cuộc sống. Không thể tự do theo ý thích tư riêng được .

– Nếu như vậy thì khó khăn quá cho đứa trẻ.

Những mẩu chuyện hàng tuần cuả chúng tôi xoay quanh mọi vấn đề, từ chuyện nhỏ nhặt trong nhà, cho đến chuyện bên ngoài xã hội. Helen có một kiến thức rất bao quát mà với số tuổi đời và kinh nghiệm sống không thể đo lường được. Tốt nghiệp đại học, đi làm và kết hôn. Sau khi sinh con, bà tạm hoản công việc để nuôi dạy con một thời gian, cho đến khi đứa bé khôn lớn,có thể vào trường học cả ngày thì bà mới trở lại tiếp tục lảm việc .

Mặc dù đã tốt nghiệp có Cử nhân chuyên khoa cuả đại học và từng làm công việc chuyên môn, nhưng bà vẫn thường gặp trở ngại cùng sự kỳ thị từ những người khác phái trong công sở. Bà phải luôn chứng minh khả năng cũng như cứng rắn không lùi bước trước sự cố tình chẻn ép cuả họ. Tính tình bà rất thẳng thắng và công bình, điều nầy đã giúp bà vượt qua rất nhiều khó khăn. Bà thường kể lại những mẩu chuyện rất tế nhị, không hề mang mặc cảm về màu da và phái tính. Bà rất tự tin , tấm lòng nhân hậu, chuyện trò với nhau, chúng tôi từ hai phương đông tây khác biệt, nhưng vẫn tâm giao tương đắc. Cùng mang thiên chức phụ nữ, cho dù đông hay tây, người mẹ vẫn luôn đặt con cái và gia đình lên hàng đầu, không vì phải ra ngoài xã hội làm việc mà sao lãng bổn phận làm Mẹ.

– Rachel đánh mất cái máy ảnh rồi

– Tiếc quá, thế cháu có giải thích tại sao lại đánh mất không?

– Tôi nghĩ là cháu mang theo vào trường học, sau khi ăn trưa bỏ quên lại trong phòng .

– Bố ch%

Tiễn biệt

Tiễn biệt

 

 

– Mya , chuyện gì mà trông buồn bực vậy ?

– Chuyện thiên hạ , nhưng mình nghe cũng cảm thấy buồn .

– Có muốn kể cho tôi nghe không ? kể ra cũng nhẹ nỗi chất chưá trong lòng đi .

– Chỉ ngại làm Dolly bực mình theo thôi .

– Không sao đâu , Mya cứ nói đi , có người nghe ,cảm thông và chia sẻ thì sẽ dễ chịu hơn .

– Cảm ơn bà, Mya có bà bạn thân , cùng làm việc chung trước đây , bà về hưu khá lâu rồi . Chúng tôi thường đi làm thiện nguyện, du lịch, chơi bài, tập thể dục với nhau. Nói chung là gặp nhau thường xuyên . Hôm qua bà báo tin buồn , người bạn trai cuả bà ta vừa qua đời.

– Oh ! tội quá, ông ấy năm nay mấy mươi rồi ?

– Ông ấy hơn bà chừng tám chín tuổi, tôi đoán là ông trên dưới bảy mươi lăm thôi.

– Vâng , tuổi nầy theo đông phương chúng tôi là thọ rồi đó , nhưng bên nầy thì hãy còn trẻ , tôi gặp nhiều người hơn tám mươi rồi , vẫn khang kiện.

– Đáng buồn cho bạn tôi, vì hai người dù không kết hôn nhưng gần nhau đã hơn mười năm nay. Họ gặp nhau thường xuyên , đi du lịch chung, đi xem hát …

– Tôi thấy điều nầy cũng tốt, có người chia sẻ vui buồn, chuyện trò cảm thông, săn sóc nhau khi đau yếu, dù chỉ là trên tinh thần thôi, quí lắm chứ.

– Đúng vậy Dolly à , Hai người không là vợ chồng, nhưng gần hơn tình nhân.

– Trước đây thì tôi rất ngạc nhiên , tôi không quen với lối sống nầy, vì phong tục cuả chúng tôi khác biệt. Rất khó giải thích, khi người hôn phối mất đi, phụ nữ thường sống một mình , hay với con cái, không kết hôn , rất hiếm những trường hợp tái giá, bên phía đàn ông thì khác , họ có quyền lấy vợ, không ai đàm tiếu.

– Lạ vậy Dolly, tại sao phụ nữ không được phép tái giá, mà đàn ông lại có quyền lấy vợ, thật là bất công vậy ? Người chết không thể sống lại , vậy chờ đợi làm gì ? thanh xuân được bao lâu ?

– Mya, phong tục tập quán từ bao nhiêu đời, chúng tôi sống trong gia đình như một tập thể, ông bà cha mẹ , con cháu quay quần, từ thuở nhỏ đã được nhồi nhét vào, phụ nữ luôn luôn phải phục tòng. Thực ra thì bây giờ đã thay đổi nhiều rồi, nhưng vẫn không thể sống tự do như ở đây .

– Tôi quen với cuộc sống trong xã hội nầy, con caí lớn lên, rời gia đình, có đời sống riêng tư, Lúc cha mẹ về già thì chỉ sống thui thủi một mình . Do đó tôi hiểu hoàn cảnh cuả bạn tôi, sau khi ông chồng mất đi, bà không muốn làm phiền các con, nên vẫn giữ ngôi nhà và sống một mình trong đó . Còn ông bạn cuả bà cũng có nhà riêng.

– Ông ấy có còn con cái không ?

– Các con cuả ông đã lớn, chúng ở xa, chỉ về thăm đôi lần một năm, Lúc ông còn khỏe thì thường đi thăm chúng nó.

– Bây giờ ông mất rồi .

– Vâng, chính chuyện tang ma cuả ông làm cho bạn tôi phiền não.

– Ông không có di chúc sao ?

– Vấn đề không nằm trong đó

– Thế thì chuyện gì làm cho bạn cuả Mya phải phiền não thế?

– Chuyện cử hành đám tang, các con cuả ông muốn mang quan tài về chôn ở Mississipi , là quê quán cuả ông.

– Nhưng hồi sinh tiền ý cuả ông thế nào?

– Ông đã mua sẳn sinh phần cho mình ở nghiã trang Holy Cross , bên cạnh bà vợ .

– Thế thì sao các con lại muốn mang về quê nhà làm gì , cho thêm nhiêu khê?

– Chuyện chính là chúng không muốn cho bạn tôi tham dự đám tang.

– Có chuyện đó sao?

– Thỉ mới nói, bạn tôi chỉ muốn đến đưa ông lần cuối cùng thôi, bà ấy không cần tiền bạc cuả ông, với tiền hưu trí cuả bà cùng số tiền an sinh xã hội cuả chồng, bà có thể sống an nhàn cho đến cuối cuộc đời. Tôi thân với bà nên biết rõ hoàn cảnh cá nhân .

– Tôi thấy chuyện nầy đơn giản mà , bà đã có hơn mười năm già nhân nghĩa , non vợ chồng thì bà có quyền đi tham dự đám tang chứ. Dù cho là bạn bè thì cũng đến được chứ nói gì tình thân như vậy .Tôi thật không hiểu được.

– Dolly còn lạ gì tính tình cuả thiên hạ, dù cho ông ta chết đi rồi, nhưng đám con cái thường ngày không thò mặt đến thăm, bây giờ lại bù lu bù loa than khóc, chúng nó có ngồi được ngày nào để chăm sóc miếng ăn, ly nước, an uỉ, vuốt ve. Bây giờ thì chúng chỉ trông mong cho qua tang lễ để còn tranh nhau chia chát cuả cải trong ngôi nhà.

– Có chuyện nầy nữa sao ?

– Dolly ngây thơ quá, dĩ nhiên là chúng nó phải tranh giành rồi, đó là lý do chúng luôn ngăn cản Bố chúng kết hôn với bạn tôi, nhưng chúng nó không nghĩ rắng bà ấy không cần tiền, bà có thừa tiền để sống an nhàn, du lịch hàng năm…

– Chuyện nầy thì tôi thấy cả hai phương đông và tây giống nhau, Bố tôi ngày xưa thường nhắc các con, sau khi Bố qua đời thì sẽ không còn đất đai cho con tranh giành , gia tài Bố chia trước là học hành, Bố sẽ cố gắng chu toàn cho các con ăn học nên người, chứ Bố không mua sắm cuả cải, đất đai. Bạn bè thường lấy làm lạ, nhưng chúng tôi hiểu ý định cuả người

– Ông cụ thật là người hiếu sâu xa

– Vâng, sau ngày thống nhất, Bố tôi mất cả gia sản, nhưng chúng tôi không mất kiến thức cuả mình, không ai có thể đoạt được điều nầy.

– Đúng vậy, chỉ tiếc là rất ít người thấy được , ai cũng lo gom góp cuả cải để truyền lại cho con. Chúng nó không làm ra nên chúng không biết sự khó nhọc, chưa kể chúng còn tranh giành nhau, làm cho anh em mất hòa khí, còn tệ hơn nữa.

– Tôi luôn căn dặn các con, phải luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau.Không bao giờ chia rẽ, nhất là vì chuyện chia gia tài, dù rằng tôi cũng học theo gương của Bố, không có gì để chia, trừ ra căn nhà, nếu tôi còn sống trong đó cho đến cuối cuộc đời.

– Thì ông bạn nầy chỉ còn căn nhà, theo như bạn tôi kể lại, tất cả tiền bạc, ông đã cho các con cả rồi, chúng nó luôn có những tặng vật thật đắt giá mà ông ấy mua cho vào các dịp lễ lạc.

– Thế thì còn gì để mà tranh gành ?

– Lòng tham vô tận Dolly à, chúng nghĩ là bạn tôi giữ nhiều tặng vật cuả ông ta, nhưng đó là do ông ta làm quà biếu, tính ông ta rất nghệ sĩ và nhất là rất hào phóng, lúc nào cũng yêu đời, vui vẽ, tôi cũng mến ông ta, tôi thất tình lo lắng cho bạn tôi, bà ấy khó mà tìm được người đàn ông nào hợp tính tình và tốt bụng như ông.

– Cũng không thể biết trước được, mọi việc an bày theo Thiên ý . Điều khó nhất là vượt qua lúc nầy. Bạn cuả Mya quyết định thế nào ?

– Tôi khuyên bạn cứ đường hoàng đi dự đám tang, nếu điều nầy làm cho bà an bình, vì tôi biết rằng nếu không đi thì bà sẽ ân hận, lúc bấy giờ đã muộn rồi

– Vâng, tôi đồng ý, nghĩa tử là nghĩa tận, kẻ tử thù còn được chào kính , huống gì người thân. Bà thật lòng yêu quí ông thì không nên để cho các con cuả ông làm chướng ngại vật. Ai có quyền cấm cản bà ? Câu chuyện nầy thật vô lý đó Mya

– Dolly, tôi đã nói rồi, chính tôi khi nghe bạn tâm sự còn thấy bất bình, huống gì đang sầu não như bà bạn.

– Tôi cầu nguyện cho bà ấy

– Cảm ơn Dolly đã chia sẻ với tôi.

– Mya , không có gì, bà đừng bận tâm , tôi chúc bà ngày an lành.

 

Vũ Thị Thiên Thư

Trạm Cuối

Trạm Cuối

 

 

– Anh thật đau lòng, không bao giờ nghĩ là Mẹ không biết anh là ai.

– Hành trình nào rồi cũng đến cuối đường anh ạ, dù biết vậy, nhưng nghiệp của mỗi người, nếu dứt được thì mới thảnh thơi đi.

– Sống mà không biết gì thì khổ quá, thà chết còn hơn.

– Em biết anh đau thì nói vậy, nhưng nếu nhìn mốt góc khác thì biết đâu đó là điều hạnh phúc hơn. Bác đã gần một thế kỷ tuổi đời, kết hôn hơn bày mươi năm, nếu còn nhớ thì sẽ đau khổ đến ngần nào ?

Trong cuộc sống hàng ngày, có bao nhiêu vấn đề phải giải quyết, lý trí chọn một đường, con tim nghiêng về một hướng. Bác đã hơn chin mươi, con số trăm năm cho một đời người bỗng trở thành thứ gánh nặng nghìn cân cho con cái. Lúc tinh thần còn minh mẫn, tay chân vững chắc, ai lại nghĩ đến chuyện tang ma cho chính mình? Nhưng đến lúc gần cuối cuộc đời, lại sợ không có nấm mồ yên mả đẹp, thế là bao nhiêu tiền dành dụm, bác mang về quê nhà, gọi cháu chắt đến xây Từ đường, kim tỉnh, trùng tu lại nghĩa trang để làm chốn chôn cất cho mình.

– Lúc Ba anh hôn mê, ít nhất thì Má còn có năng lực tham sống, hàng ngày vào ngồi với Ba, dù chị anh có năn nỉ cách mấy cũng không về. nhiều lúc thấy xót xa, nhưng không thể can, má cứ sợ Ba đi không có người bên cạnh.

– Mấy chục năn trời có nhau, anh cũng hiểu điều nầy .

– Má anh đã hơn chin mươi rồi, ngày nào cũng ngồi ròng rã, sức nào còn hở em? Nhưng không thể năn được, nhiều khi anh thấy mình thất là bất hiếu, vì anh cầu mong cho Ba anh mất đi, sống mà như cỏ cây, không biết người than, không ăn uống thì có khác nào chết chưa chôn không em ?

– Anh đau lòng nên nghĩ quẩn thôi, chắc không ai trách đâu anh a

– Lúc Ba còn minh mẫn, anh có hỏi ý kiến, nếu sau khi mất, anh thiêu xác rồi mang tro về chôn cất ở quê nhà, Ba không đồng ý, nên anh đã hứa là sẽ mang nguyên thi hài về chôn cất, Ba cứ an tâm mà đi , càng nằm lây lất càng khổ cho Má thôi.

– Nhưng đã là cộng nghiệp, thì cho dù khó khăn nào cũng chia nhau, mình không biết được anh ạ.

– Ngày xưa mình cầu cho Cha Mẹ sống đời với mình, bây giờ trong hoàn cảnh nầy, anh thật không biết có nên cầu cho người sớm đi ?

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

An Giang, Nối lại mối dây huyền nhiệm

An Giang,

Nối lại mối dây huyền nhiệm

 

–         Bây đang ở đâu vậy ?

–         Em đang  đi chợ , chị gọi em, có chuyện gì thế ?

–         Mấy giờ bây mới về tới nhà ?

–         Sắp rồi chị , chừng nửa tiếng.

–         Ừ , nhà có gi ăn chay không ?

–         Có Tàu hủ tươi, rau cải, đậu , sao chị lại hỏi em ? Chị đang ở nhà ?

–         Bây nấu cơm chay đi ,chừng một giờ nữa chị tới .

Vỏn vẹn mấy câu dặn dò, quen với tính tự nhiên như người Long Xuyẻn cuả chị, không màu mè khách sáo, bao giờ muốn  sang chơi thì tự động mang thức ăn, chị em nấu
nướng cho hai đức phu quân khề khà, Anh chị hơn chúng tôi một giáp, quen nhau từ
mối duyên áo dài. Thuở còn chân ướt chân ráo về đây, chị đi tìm người may áo dài
cho hai cô tiểu thư mặc Tết, nghe bạn bè bảo tôi may được, anh chị tìm đến, ngày aó may xong thì chị mời đến chơi cho biết nhà biết  cửa. Sắp tết,  vùng Ngũ Đại Hồ tuyết lạnh, co ro bồng bế bầy con, ngày hai mươi ba tháng chạp, chị đang cúngđưa Ông Táo về trời,  hương khói ngạt ngào, chị mang diã bánh tét nhân chuối ra mời. Bánh gói bằng giấy bóng bên trong , boc giấy nhôm bên ngoài, nhìn không như màu lá chuối xanh mưọt cuả quê nhà nhưng hương vị nếp đậm đà, nước dừa thơm lừng, đậu trắng bùi ngậy, không khác với bánh tét quê Ngoại thời tuổi nhỏ.

–         Chị gói bánh giống Ngoại em ngày xưa, em sinh ở miền tây đó chị

–         Ủa, vậy chớ cô ở tỉnh nào ?

–         Em sinh Cần Thơ, lớn lên ở Long Xuyên

–         Cùng quê với tui đó

–         Chị cũng là nguời Long Xuyên sao ? Đúng rồi, bánh Tét nầy chính gốc Long Xuyên, Ngoại em ở Thốt Nốt đó chị

–         Vậy hả, tui ở Cầu Bắc, Vàm Cống

–         Ông Bà em cũng ở  Cầu Bắc đó,vậy chị có biết hảng xe  đò Trung Trung không ?

–         Ông bà Mười Trung Trung là họ hàng gì của  Cô ?

–         Là Chú cuả Ba em đó chị, vai vế thì em kêu bằng Ông

–         Mèn ơi ! Anh ơi! dô  đây nhìn bà con nè , em chồng tui gả cho nhà Trung Trung mà , là  vợ cuả Ba Be

–         Thật sao , là chú Rô Be [ Robert ] cuả em đó

–         Thôi đúng rồi , vậy là mình bà con, mèn ơi , qua hết một đại dương mà gặp nhau xứ lạ
quê người, thật là hiếm thấy, mừng quá đổi đi .

Tháng ngày kế tiếp, mối giao tình thắt chặt, từ lúc tôi sinh tiểu hoàng cho đến bây giờ , phần tư thế kỷ qua đi, anh chị baogiờ cũng mở vòng tay đón các con tôi, bầy trẻ cứ tưởng Bác Hai là anh cuả Bố,chúng không thắc mắc liên hệ huyết thống, những ngày hè chúng chơi chung , đi cắm trại, chia nhau thỏi kẹo Chocolat, hay cây kem mút. Cho đến khi bầy con chị an bề gia thất, học hành danh phận hẳn hoi, mối thâm tình chỉ có tăng mà không hề
phai lạt.

–         Bây biết ai đây không ?

–         Ah !  giống như là Chị Mẫn, anh Khanh,phải không?  Sao không hẹn mà hay quá

–         Tao tính đi sang  bất ngờ cho bây ngạc nhiên chơi thôi mà.

–         Em đang thắc mắc, tại sao chị lại bảo em nấu cơm chay. Không ngờ là có khách quí đến thăm góc rừng. Vào nhà đi chị.

Chị cười to, ào vô nhà , mang xách các thức ăn,thật bất ngờ, từ hai mươi năm qua, nhớ lại lần đầu gặp nhau, anh chị Khanh Mẫn, nghe chị Ánh bảo tôi học ở Long Xuyên , câu hỏi đầu tiên là

–         Cựu học sinh Trường Thoại Ngọc Hầu hở ?

–         Em ra trường Chưởng Binh Lễ chị à

–         Không sao, cũng một nhà Long Xuyên thôi, qua đây từ năm nào ? Con cái mấy đứa  rồi?

Câu chuyện như dòng suối tuôn, những kỷ niệm từ góc sân trường, từ những tà áo trắng gói một trời thơ ,  đến chữ   nghĩa văn chương, văn dĩ tải đạo, lan man qua khung trời sâu lắng cuả những thiền trang thâm viễn, đến hiện tại nhi tử, gánh cơm gạo oằn vai.

–         Nam Chi . thưa hai bác đi con .

–         Cháu là Nam Chi thế đứa nào là Việt Điểu ?

–         Dạ cháu kế em chọn tên Sào Nam, nhưng Ông cuả cháu chọn tên khác rồi chị ạ. Chắc là không có duyên với tên gọi.

Niềm tâm cảm như mối dây vô hình, như đóm lửaâm ỉ trong mớ tro tàn , chỉ cần cơn gió nhẹ, dù vô tình hay cố ý cũng khơi lại hơi ấm, cháy lên nỗi nhớ nhung. Từ giọt nắng vàng vọt cuối thu, khi màu lá vàng phai như mớ tuổi. Mái tóc xanh mượt ngày nào đã rắc những hoa sương. Chị hỏi về những mối tình thầy trò , về những kỷ niệm nằm đâu đó trong ký ức. Ngôi trường mới với sân cát bay mù mịt những mùa khô, khu nghĩa trang với con đường quanh co tránh né, nơi chốn yên nằm của người đã ra đi, những lần bạn bè thách đố nhau, có tên nào dám vào giữa khu mồ hoang kia, chầu nước đá được cuộc bao giờ vẫn là món hàng ưa thích, không vì thèm khát mà vì niềm kiêu hảnh chiến thắng, thứ hào khí thanh niên thử thách mọi khó khăn, từ trò tinh nghịch cho đến chuyện học hành, tranh nhau giải
thật nhanh bài toán khó, trêu cho bằng được Thầy Cô nào mới về trường nhận nhiệm
sở, không tinh nghịch, không là học trò, nhất là những chàng đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, đánh dấu bằng kỳ thi Tú Tài đôi, vào quân đội, hay tiếp tục học đại học cũng là con đường nan giải.

Nhìn lại tấm gương đời kỳ diệu, những ngày tháng cuối cùng cuả bậc trung học, nhìn những ánh mắt bao dung cuả quí thầy cô khả kính, con đường mà các vị đang đi và đã đi, vẫn đầy thách đố.Thương bọn học trò đầy năng động tuổi thanh niên, thương con đường gian nan trước mắt, thế hệ trẻ chưa nhận diện chính mình, đã được áp đặt vào trọng trách gánh gồng, để rồi tan tác như bầy chim vở tổ, nước mất nhà tan.

Bên kia một nửa vòng trái đất, Long Xuyên, , nơi chốn  tôi và các anh chị sinh ra, nhưng bản thân tôi thật ra lớn lên bên nầy đại dương, khi bước chân trôi giạt, mảnh đời thanh niên chưa kịp lớn đã vuì lấp trong cái guồng vật vã mưu sinh. Tôi tất bật gánh bầy con qua ngưỡng cửa thanh niên. Dăm khi, nghe bạn bè ơi nhau, đứa bên  kia đaị dương ngút mắt, đứa lại loài trên chính quê hương mình, đứa chôn đời trong men rượu. Tôi ngậm ngùi khi gặp lại nhau, nhìn đôi bàn tay em run rẩy, tuổi đời chưa kịp tri thiên mệnh đã kề cận với căn bệnh trầm kha. Nhớ lại đứa học trò nối nghiệp, khi tôi được tin báo là em đã qua đời,
vẫn không tin đó là sự thật, cho đến lủc trở về, nhìn lên bàn thờ, nhân ảnh biếc khói hương.

–         Em có nhớ Thầy Long không ?

–         Thầy là hiệu trưởng Trường Chưởng Binh Lễ, năm em học đệ nhất Thầy mang trọng bệnh nên Thầy Thành thay thế.

–         Đặng Trung Thành dạy Toán Lý

–         Đúng vậy chị à, nhưng bây giờ kiêm cả Hán Văn

–         Uả, thật sao ?

–         Em không ngoa đây, em gặp lại Thầy lần về thăm Long Xuyên, biết em vẫn yêu thích Hán Văn, Thầy thảo  hai câu đối vào tờ khăn ăn, em còn giữ lại thủ bút, sau đó Thầy bảo chờ, Thầy về nhà mang trở lại cho em quyển sách in các bài trúng giải Văn Chương  của Hội Cựu Học Sinh Thoại Ngọc Hầu tổ chức cho toàn tỉnh, năm đó do Bác Sĩ Mã Xái bảo trợ. Em cầm quyển sách mà ngẩn ngơ, ba mươi năm qua, Thầy vẫn giữ …

–         Cảm động quá hén.

–         Dạ,và thật bùi ngùi chan niềm hạnh phúc, nhìn lại hình ảnh cuả thời áo trắng tiểu thư, tuổi học trò bao giờ vẫn nhiều kỷ niệm .

–         Chị vẫn gặp Thầy Long đó em…Thầy ờ gần nhà chị.

–         Chị chuyển lời em , vấn an Thầy, em chưa có duyện gặp lại, năm ngoái chị Hoan có nhắn em về Houston họp mặt, lúc đó em đa đoan, không đi được, vẫn tiếc hoài, có các Thầy Cô đến dự đông đảo lắm.

–         Hoan nào vậy em ?

–          Nguyễn Hoan, trên em hai lớp, chị sinh hoạt thanh niên với Thầy Cơ đó chị

–         Du ca Phù Sa ?

–         Đúng vậy, chị hiện nay làm cho đài phát thanh LSR của Houston

–         Giỏi quá.

–         Dạ, chị vẫn vui như xưa, Anh chị đãi em một chầu , hen nhau khi nào chị về Chicago thì cho em làm khổ chủ lại, nhưng chưa thực hiện được. Em vừa  mới nhận được tin quê nhà, tháng sau các bạn tổ chức ngày nhà giáo, họp mặt nhau Cựu học sinh Thoại Ngọc Hầu và Chưởng Binh Lễ …cùng lớp cuả em cũng có nhiều người về , nghe mà nôn nao quá.

–         Thì em về được rồi, các cháu lớn rồi

–          Nhưng vẫn chưa xong chị à , em còn vài năm nữa

–         Cũng không chắc đâu, lúc đó lại ôm cháu thì không còn đi đâu được hết.

–         Thì coi như không có duyên thôi. Lần nầy Anh Chị sang thăm chị Ánh được bao
lâu vậy ?

–         Chỉ có vài hôm thôi em à, ờ quên nữa,  nầy cô, viết bài cho đặc san đi.

–         Đặc san gì vậy chị ?

–         Thì đặc san  cho Hội Ái hữu  An Giang , Long Xuyên chứ gì, viết gì về Long xuyên , Thầy Long mới nhắc chị, may quá, gặp cô đây thì nhắc cô luôn, có thêm một cây viết nữa

–         Em không biết thời hạn là bao lâu vậy chị?

–         Chị sẽ báo tin sau, cứ chuẩn bị viết trước đi.

Tiển anh chị ra xe, đêm đã sâu tự bao giờ. chuyện quê nhà, kể bao giờ thì mớidứt ? Bút mực nào viết lại hết những tâm tình ?  Long xuyên, âm thanh ngọt ngào như tiếng chuông ngân, trong mỗi người chúng tôi, bao nhiêu là hình ảnh, khuôn mặt bạn bè bên cạnh mái gia đình thân thương, dòng sông diụ dàng chở phù sa về lấp đầy những cánh đồng nhớ nhung. Con nước lớn ròng, không bao giờ cạn kiệt, cho dù nắng cháy khô gốc rạ, mưa lại về tắm đẫmnhững ngọn mạ xanh non.

Viết, viết như thôi thúc, như  sợ hãi không còn có ngày mai, nhưng viết thế nào cho cạn nổi thương nhớ trùng trùng?  Nghiêng về phía bên kia lăng kính, con đường học trò rạng rỡ màu hoa Phượng cuối niên học, gở từng lớp cầu vồng, màu xanh hy vọng trong đôi mắt em thơ ngày tuổi lớn, săm soi chiếc gương phản chiếu khuôn mặt rạng ngời. Mặc lại chiếc áo bà ba màu nâu đất phù sa, chiếc dầm con bơi theo dòng nước kinh đào sâu trong ruộng mạ mênh mông, để thấy mình còn thở khí trời ngọt ngào hương vị.

Long xuyên , tôi lại nhìn thấy tôi trên con đường Nguyễn Du dài những vòng xe hạnh phúc, tuổi học trò và những chiếc lá đuổi bắt nhau, cuả cành hoa  ép vào trong quyển tập
chép vội vàng những dòng thơ bất chợt, trân quí khoảng đời thanh niên rực rỡ, vô tư.

Người Long Xuyên thật thà, thuỷ chung cùng dòng sông Hậu hai mùa nước ròng nước lớn.   Tôi biết khởi điểm từ đâu để viết cho trọn tấm lòng?

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Mua Láng Giềng Gần

 

Mua láng  giềng gần

 

–          Ronny, tại sao con chó cuả ông cứ nhắm vào tôi mà sủa ỏm tỏi thế? Coi chừng có ngày tôi nổi nóng sẽ đập nó nát đầu đó.

–         Larry, đừng nóng, từ từ chúng ta sẽ giải quyết nhé.

 

Anh láng giềng Larry chặn  tôi ngoài đầu ngõ, anh ta dọn về đây hơn năm nay, rất ít khi gặp nhau trong tuần, công việc của chúng tôi không làm giờ  hành chánh, có khi hắn về thì tôi đi, giơ tay chào xong, đường ai nấy bước. Mãi mới có ngày nghỉ trùng hợp, khi ra ngoài cắt cỏ, hỏi han nhau, mới hay là ngày xưa hắn cùng học một trường, nhưng là lớp đàn em. Anh ta khá siêng năng, luôn chăm sóc nhà cưả,
sơn sửa thường xuyên. Điều khó xử là anh nuôi hai con mèo, mà tôi lại có hai con chó. Chuyện chó mèo là chuyện dài từ ngàn xưa. Hai chú chó trong nhà tôi từ khi về đây, chưa hề trông thấy các con thú vật nào khác, nhưng thiên tính vốn không hoà hợp, cho nên mỗi ngày khi chúng ra sân làm việc vệ sinh, hể thấy bóng chú mèo nào lảng vảng là chúng lại sủa ầm lên.  Nếu chỉ có hai chú mèo của anh láng giềng thì
thôi, đàng nầy, anh ta lại hào phóng nuôi cả những chú mèo vô chủ khác, hàng ngày anh  để thức ăn ngoài cửa sau, bầy mèo đói tụ tập đến ăn uống tưng  bừng, tán tỉnh nhau ầm ỉ, sau những ngày hội hè đó, chúng thi nhau sinh sản thêm. Chúng dần dà lấn đất, sang làm vệ sinh phóng uế rồi chôn đầy trong sân nhà tôi, Hai con chó  lại lồng lộn đi ngửi mùi và cào cỏ tìm dấu vết. Tôi đã không cằn nhằn thì thôi chứ, vì hai con chó của tôi không sang  làm bừa bãi bên sân nhà anh, không bén mảng đến gốc cây buị cỏ, trong khi mấy chú mèo ngang nhiên vào hiên nhà tôi ngồi chểm chệ như chủ nhân ông. Mẹ tôi đã lớn tuổi, mắt kém, không nhìn  thấy chunh quanh, nhiều lần vấp té. Tôi cứ ngại Mẹ ngã vì không trông thấy mấy chú mèo con nằm la liệt trên bậc thềm . Mỗi lần nhắc đến thì Mẹ lại gạt đi, bảo không cần phải lo lắng. Mẹ có thể tự sống, tự lo liệu, chưa mù lòa, chưa bại xuội…

Tính  tình cuả Mẹ, hàng xóm đều biết, mấy chục năm nay, từ khi Bố mất, Mẹ vẫn gìn giữ ngôi nhà nẩy, nhiều lần tôi khuyên nên bán đi,
dọn vào  chung cư nhỏ hơn, không phải lo sân trước vườn sau, nhưng Mẹ luôn từ chối. Căn nhà nầy Bố Mẹ mua từ khi các con chưa chào đời, cho nên không thể dọn đi nơi khác được. Sau ngày Bố mất, tôi vẫn đến sửa chữa những gì hư hao trong nhà, mùa hè cắt cỏ, xúc tuyết mùa đông. Những khi tôi phải về muộn vì công việc cấp bách, thời tiết xấu, nhất là vào mùa đông tuyết rơi nhiều, tôi dặn bọn trẻ con trong khu phố, bảo chúng nó sang dọn giúp, tôi sẽ trả công.

Suốt thời gian Mẹ sống trong khu phố nầy, không hề làm phật lòng ai, luôn yêu mến, giúp đỡ mọi người. Sau khi về hưu, mẹ chỉ quẩn
quanh  làm thiện nguyện ở nhà thờ, đi chợ búa mua thức ăn, tham dự các cuộc du ngoạn cuả Hội Cao Niên. Mẹ không biết lái xe, nên chỉ dùng phương tiện di chuyển công cộng. Lần mẹ hụt chân té từ trên xe
buýt xuống, Chuá thương xót, không bị thương tích nặng nền, nhưng tôi năn nỉ mẹ đừng đi một mình nữa, khi nào cần thiết lắm, tôi sẽ lấy ngày nghỉ đến đưa mẹ đi.

Chính vì Mẹ khăng khăng muốn giữ căn nhà, không chiụ dời đi, cuối cùng tôi lại phải khăn gói dọn về sống chung, Mẹ ở tầng chính,
tôi ở tầng hầm với hai anh bạn khuyển. Dù  cho mọi người bảo tôi về bám gấu Mẹ, nhưng tôi biết hoàn cảnh cuả mình, để cho Mẹ sống đơn độc trong căn nhà rộng thênh thang, tôi sẽ không ngủ an giấc, cho dù gọi mẹ hàng ngày, vẫn luôn nơm nớp âu lo.

–         Mẹ ơi ! hôm nay đi chợ nha

–         Thôi, Mẹ không đi đâu, mình mẩy ê ẩm quá.

–         Sao thế trời chưa mưa mà, khớp xương Mẹ đau à, đã uống thuốc chưa ?

–         Ậy ! hôm qua đi Lễ về  bị thằng nhỏ lái xe tung vào, hôm
nay mới thấy đau

–         Trời đất, sao Mẹ không nói, có sao không? Phải đưa đi bác sĩ khám mới được

–         Làm gì mà hốt hoảng vậy, té chút thôi, đâu có gẫy mảnh xương nào. Tội nghiệp thằng nhỏ, chạy cái xe cũ mèm, nó cuống cuồng nhào xuống, đỡ Mẹ dậy, sờ tay nắn chân, coi Mẹ có bị gì không, còn năn nỉ ỉ ôi, nó không có bảo hiểm, gọi cảnh sát làm biên bản thì nó đi tù..

–         Nó biết vậy sao không cẩn thận, nhỡ cán chết người.

–         Mẹ đã chết đâu mà làm nhặng lên vậy ?Thôi, tại mình xui xẻo, nó bị bắt mình cũng có vui gì, rủi nó có vợ con, lấy ai chăm sóc, còn tội hơn.

Đó, tính tình mẹ nhân từ như vậy, làm sao tôi dám để cho mẹ sống tự mình? Khi tôi dọn về nhà với mẹ, bạn bè không hiểu  nên cười chê, nhưng bạn bè dễ kiếm, mẹ có mệnh hệ gì, tôi hối hận cả đời. Chỉ tội hai con chó, chúng nó đang từ nơi rộng rãi ở ngoại ô, nay về chui rúc với tôi trong tầng hầm ở khu phố cũ, nhà cửa san sát, từ cửa sổ nhà bếp bên nầy có thể thấy bên trong nhà láng giềng bên kia, nhưng dần
dà, rồi chúng nó cũng sẽ quen thôi.

Đang phân trần với Larry, thấy bóng Mẹ hiện ra sau khung cửa, chưa kịp giải bày,

–         Ronny, vào nhà ngay cho me

Tưởng rằng tôi và Larry đang gây gỗ với nhau, tôi xua tay bảo Mẹ an tâm, tôi sẽ vào sau khi nói chuyện với Larry.

–         Nầy ông bạn, chúng ta là láng giềng, nên sống hoà thuận với nhau, tôi không phiền anh và ngược lại, thú vật chúng nó không hiểu điều nầy, mấy con chó cuả tôi không biết ông, chúng nó ngửi mùi lạ, nhất là giống mèo, cho nên chúng mới sủa ran. Bây giờ mời ông sang nhà, tôi sẽ giới thiệu cho chúng biết ông, sau đó tôi đưa cho ông mấy khúc bánh khô, thứ  giành riêng cho chó, ông cho chúng  ăn, chỉ cần có thế thôi, chúng quen hơi thì khi gặp ông sẽ thôi không sủa nữa. Mẹ tôi lúc nào cũng có ổ bánh nướng thơm ngát trong nhà, còn ông thích bia thì tôi cũng có nửa lố đây.

Mẹ ngạc nhiên thấy Larry theo tôi vào nhà, Tôi mở lời

–         Mẹ ơi! Larry sang thăm, tuị con xuống nhà uống vài chai bia với đậu phộng rang, Mẹ có gì cho chúng con tráng miệng không?

–         Có ổ bánh mới nướng, chúng mầy có ăn thì Mẹ cắt ra

Sau khi Larry uống mấy chai bia và cáo từ, hai chú chó lon ton chạy theo tiễn anh ta ra cổng rào, Mẹ chùi tay vào  tấm áo choàng trước ngực, ôm lấy tôi

–         Ronny, con làm Mẹ rất hảnh diện, thêm bạn bớt thù, hơn nữa là chòm xóm với nhau, chớ vì chuyện chó mèo mà sinh ra hiềm khích.

Tôi sống nửa đời người, ngũ thập tri thiên mệnh, vậy mà chỉ cần một câu nói cuả Mẹ thôi, cũng làm cho tôi nghẹn lời.

 

Vũ Thị Thiên Thư

Anh Hai

 

Anh Hai

– Anh Hai gọi nghỉ đi, mình chơi với cả nhà, vui lắm

– Baybee, mình không nên gọi nghỉ, khi nào mình muốn
nghỉ thì phải xin phép trước, người ta sẽ xếp thời khóa biểu cho người khác làm
việc, người ta chia thời gian cho mình, mình lại gọi nghỉ để đi chơi như vậy là
không có trách nhiệm.

Mẩu đối thoại
cuả hai anh em ghi nhớ trong lòng tôi cho đến bây giờ , Anh Hai dạy cho em bé một
bài học trách nhiện và bổn phận từ thuở hắn chỉ mười sáu tuổi đầu.

– Bố , Anh Hai không thích làm việc cho cửa hàng nầy
nữa đâu.

– Tại sao vậy ?  Bộ họ kỳ thị  hay là
xử ép con hở ?

– Không Bố à , nhưng họ muốn con phải đề nghị bán
cho  khách hàng những hệ thống  máy vi tính  mới rất đắt tiền, nhưng mình không bán như vậy
được, vì khách hàng không cần loại máy đó, họ chỉ cần máy vừa tuí tiền, chức
năng đủ dùng cho công việc họ muốn làm thôi, người ta tin mới hỏi mình mà mình
bán thứ đắt tiền không cần thiết như vậy là nói dối đó Bố.

– Nghỉ, không cần phải làm nơi đó nữa, Bố chưa chết
hay tàn tật mà ,con ở nhà đi học được rồi , Bố vẫn đi làm còn dư sức nuôi con.
Chỗ làm không lương thiện, bỏ ngay…

– Bố , mình phải báo với họ là mình sẽ nghỉ  sau hai tuần để học chuẩn bị kiếm người khác,
mình không muốn bỏ công việc ngang , Bố noí…

– Thì Bố nói không cần phải đi làm, đi học quan trọng
hơn , còn có cả đời để làm mà. Mình phải làm sao không trái lương tâm thôi

– Dạ, Bố , mai mình nói với  ông xếp hén.

– Bố cho anh Hai tiền, đi xem xi nê với bạn đi

– Bố , mình có tiền mà , hơn nữa mình ở nhà chơi Video
game , hay đọc sách cũng được mà

– Nhưng ở nhà hoài có buồn không?

-Không sao đâu Bố. Mình có nhiều thứ để chơi lắm.

– Nhưng phải nói với Bố khi nào cần tiền.

– Bố, anh Hai biết mà , mình chưa cần tiền đâu Bố ơi
! Hôm qua Best Buy gọi đi phỏng vấn đó Bố, chắc họ sẽ mướn mình vài tuần nữa
thôi

– Lại là chổ buôn bán máy vi tính, Bố tưởng là anh
Hai không thích làm những chổ nầy

– Không, làm trong khu sửa chữa Bố à. Không phả đứng
bán bên ngoài, khi nào khách hàng đã  mua máy rồi thì mình  cài đạt Software và chỉ dẫn cách xử dụng cho họ,
máy bị hư hỏng thì mình sửa chữa lại…

– Bố đã nói rồi, đi
làm việc để học kinh nghiệm thêm cũng tốt , nhưng học hành quan trọng hơn, Bố
không muốn chuyện học bị xao lãng, có cần thêm tiền thì Bố cho, chớ đừng ham tiền
mà xin đi làm bây giờ, học xong rồi thì có cả đời để đi làm.

– Dạ, Bố , mình biết mà.

– Anh Hai, bài nầy Em bé không hiểu

– Baybee, phải giải từng giai đoạn một ,  trước hết làm như vầy nè …Thấy cái đó chưa ?

–  Thấy rồi
Anh Hai, vậy mà thầy giảng em bé lại  không hiểu, hừ !!

– Em bé không chú ý lúc đó, ngồi  lo ra trong lớp chứ gì , sao lại không hiểu ,
dễ quá mà..

– Không phải vậy đâu, tại Anh Hai kiên nhẫn, và giải
thích rõ ràng hơn , Phương cũng nói anh hai kiên nhẫn như Ông Thánh

[ Không
riêng gì Phương , Mợ, bác Lộc , bà Gwen…và ngay cả Mẹ cũng biết Anh Hai luôn kiên
nhẫn, rà rất cẩn thận kia mà… ]

– Anh Hai ,
IIlinois  Institude of technology  chỉ nhận có tám người vào chương trình nầy thôi.
Mèn! tới ba trăm đồng tiền lệ phí lận chớ đâu phải không tốn, vậy  mà có cả ngàn người nộp đơn lận

– Baybee, phải nộp đơn
đi chứ, không cần biết người khác ra sao, mình không nộp thì đâu biết mình có
cơ hội vào hay không. Anh Hai tin tưởng Em bé giỏi lắm đó , cứ  nộp thử xem, anh Hai cho em tiền đóng lệ phí

– Em có tiền rồi, chỉ không biết mình có đủ điều kiện
để vào không.

– Mình đã nhất quyết thì phải làm chứ, không sau nầy
lại hối hận.

Vũ Thị Thiên Thư