Vàng ơi !

Vàng Ơi !

1
   Đôi bàn tay gân guốc, đôi chân bám vào thân cây, bác Năm leo thoăn thoắt lên ngọn cây dừa nặng trĩu trái. Hàng dừa già thân cao như cổ thụ, Bà tôi trồng từ lúc xẻ mương làm bờ, đến lúc chúng tôi sinh ra thì đã bao nhiêu năm trổ buồng đơm trái.  Trong cái ký ức muôn màu của tôi,  chỉ nhớ bác Năm là người duy nhất hàng tháng đến leo lên trên những cây dừa cao nghều nghệu, hạ xuống từng buồng, mấy trái dừa tròn rám vỏ rơi tòm vào mương đầy nước, bác Năm luôn cẩn thận nhắc nhở:
   – Trẻ con tránh xa ra, coi chừng dừa rơi xuống bể đầu bây giờ.
   Lần nào chúng tôi cũng xin Bác hái cho hai trái dừa vừa cứng cại để làm mứt dừa dẽo, mỗi cây Bác chỉ hái một trái thôi, bảo rằng hái nhiều quá cây dừa sẽ nhẹ cổ chỉ cho ra trái điếc ( tức là trái lép không ruột, chúng tôi dùng để làm phao tập bơi ). Bác cũng không thích hái dừa tươi, bảo rằng hái trái tươi như đốn cây non, như giết cá lòng ròng, mai mốt không còn cá lóc hay trái dừa khô nữa lấy gì mà ăn. Bác nâng niu từng cây, trước khi leo lên Bác lại đứng gõ gõ vào thân như dỗ dành âu yếm, và thì thầm như nói chuyện với người thân.
   Năm chúng tôi vào tiểu học, thường gặp Bác lang thang đi đứng trước cổng trường làng, gặp thầy cô luôn chào hỏi cung kính, bọn học trò nhỏ gặp Bác sợ hãi chỉ dám đứng xa xa nhìn, bọn lớn thì hay chọc phá nắm tay kéo áo rồi ù chạy, không tên nào biết rõ Bác từ đâu tới. Chỉ nghe mọi người giải thích khác nhau, người bảo Bác là con nhà giàu khi xưa, ông bà ăn ở thất đức nên con cháu tàn lụn sống lây lất lạc chợ trôi sông, người thì bảo gia đình Bác bị bom đạn chết hết, nhà cửa tan hoang, Bác bị chấn động hư óc nên lờ khờ. 

   Buổi tối, Bác về ngủ ở nhà khói cạnh đình làng. Hàng ngày, thả bộ ra chợ ăn sáng, rồi ngồi chờ ở góc nhà lồng, Bác làm đủ thứ công việc lặt vặt, ai muớn gì làm đó, từ gánh nước đến chùi lư đồng, từ chẻ củi đến trèo cây, trèo cau không cần phải mang nài, leo dừa nhanh như khỉ, thuở đó tay chân Bác còn nhanh nhẹn, chúng tôi thường thích nhìn Bác chuyền từ tàu lá dừa nầy sang tàu lá dừa của cây khác giống như Tarzan trong truỵên bằng tranh. Bọn trẻ con thấy Bác khù khờ chậm chạp nên hay đùa dai, dùng dây bố cột áo Bác dính vào chân ghế, chờ Bác đứng dậy đi mang theo cả ghế rồi rũ rượi cười với nhau, hay xếp hàng dài đi theo sau lưng như trò chơi rồng rắn, hoặc đứng xa xa gọi tên Bác thật to rồi lẩn trốn để Bác phải quay lại tìm, Bà tôi cấm tuyệt mấy chị em, không được theo bọn trẻ trêu đùa, quấy phá, bà vẫn bảo rằng

 – Bác cũng là con người, tuổi đáng cha đáng chú, dù bác không nói năng bình thường, không được theo bọn trẻ chọc phá vô lễ.

   Bà để dành cho Bác bộ ván gõ sau nhà bếp và chiếc chiếu lát, dặn dò:

 – Này cháu, đêm đêm về đó mà nghỉ ngơi, mấy hôm nay trời gió bấc, nhà khói bên đình thần trống trải, gió lạnh, ngủ như vậy dễ bị cảm gió, nhỡ đau ốm lây lất lấy ai chăm lo ?

   Bác ngủ chẳng bao giờ chịu đắp mền, có lần cô tôi thương hại mua biếu Bác cái mền len màu xám để đắp cho đỡ lạnh những ngày gió bấc, nhưng Bác từ chối, quanh năm chỉ mặc cái quần đáy nem ngắn đến gối, cái khăn tắm dệt bằng sợi nội hoá mỏng vắt ngang cổ, khi lau giọt mồ hôi, khi tắm quấn ngang người. Bác rất sợ các đám tang, nhưng vẫn đến giúp việc lặt vặt cho nhà nào đang có đám tang, từ gánh nước lên đun, chẻ củi nhóm lò, rửa ly tách, mỗi lần đi ngang chính điện hay nhà quàng là Bác cố tránh thật xa chỗ đặt hòm của người chết, chúng tôi hỏi Bác sợ gì, người chết nằm một chổ thôi, đã cho vô hòm đóng lại cứng rồi. Bác luôn xua tay lắc đầu

 – Người chết thành ma, ma hay rượt theo nhát người ta, sợ lắm.

 – Chết thì phải nằm trong hòm, chừng Bác chết cũng phải nằm trong hòm mới đi chôn được chứ.

 – Thôi, không nằm trong hòm đâu, nằm trong hòm đóng lại tối thui và ngột lắm.

 – Bác không nằm trong hòm thì làm sao đi chôn?  Hay là Bác chịu bó chiếu rồi thả xuống sông? Coi chừng bó chiếu ló chân ra bị cá lòng tong rỉa mất ngón .

 – Trẻ con không được nói bậy.

   Bà tôi cười, người chết rồi theo ông theo bà, ma cỏ gì mà sợ, khi nào đi ngang hòm thì giấu ngón tay cái vào lòng bàn tay và niệm Phật thì không có ma nào dám theo. Bà tôi dạy bài học nầy cho tất cả con cháu trong nhà, Bà vẫn thường bảo: Con Phật, Phật tha, con ma, ma bắt, phải cố nhớ mà niệm Phật khi đi ngang chổ vắng vẻ, bờ bụi, miễu thờ .

   Khi có người gọi đi làm xa đâu đó, có chút tư trang Bác gởi lại nhờ Bà tôi cất giữ dùm. Tôi cũng không nhớ rõ Bác đến ở trong nhà từ lúc nào, chỉ nhớ Bà tôi thường sai bảo công việc như người nhà. Thỉnh thoảng Bác vắng mặt dăm ba hôm, lại thấy quay về. Đi đâu cũng cắp kè kè một bọc giấy dầu, chúng tôi theo hỏi:

– Bác gói thứ gì mà kỹ thế , có cho chúng cháu xem được không?

   Lúc nào vui, Bác lại mở cho chúng tôi coi tất cả gia tài sự sản, tư trang gồm thâu lại, gói cẩn thận bằng giấy báo, bên ngoài bọc thêm một lớp giấy dầu, trong đó có hai bộ áo bà ba mới, Bác khoe rằng may hồi Tết, mấy đồng bạc xếp thẳng không một nếp gấp nào. Bác thật buồn cười, đi làm thuê, chiều về là phải trả công, dù là công việc chưa hoàn tất và phải tiếp tục ngày mai, nhưng ai trả công bằng tiền cũ, nhầu nát là giận dỗi phàn nàn, phải trả bằng tiền mới hay ít nhất là tiền thẳng nếp, biết ý Bác, lần nào trong nhà không có tiền mới, Bà bảo chúng tôi lấy tiền giấy ra ủi thật thẳng rồi mới mang trả, Bác cười thật rạng rỡ. Cũng như mỗi lần thấy cô tôi đang ủi quần áo mới may, Bác lân la mang tiền lại nhờ cô ủi dùm cho thẳng nếp gấp và vuốt ve từng tờ, hạnh phúc thật đơn giản, trông Bác sung sướng cười thật tươi như trẻ nhỏ được quà . 

  Mặc dù lang thang không nhà cửa, Bác không nhận sự bố thí của bất cứ một ai, đi làm công cho nhà nào thì ăn cơm nhà đó, lúc không có người mướn, Bác lại lân la đến nhà, bên bồn nước, hay đứng ngồi quanh quẩn trên bộ ván trong nhà bếp, Bà tôi biết ý, hỏi Bác:

– Cháu đã ăn cơm chưa ? Mấy bờ cam quít sau vườn cỏ cao vượt mặt, cháu có rảnh thì đi rửa mặt ăn cơm rồi ra dẫy cỏ cho sạch sẽ dùm thím

   Bác vâng lời, bước ra sau nhà múc nước rửa tay và ngồi xuống đầu ván ngựa, Bà tôi bảo người làm dọn mâm cơm, Bác ăn xong, mang chén ra sàn nước ngâm vào thau, múc gáo nước mưa trong lu uống, rồi lấy con dao yếm, lửng thửng ra vườn sau .

   Có lần Bác đến nhà, mặt buồn thiu thẩn thờ, bà hỏi:

– Cháu có bệnh không ? Bệnh thì đi ra trạm y tế xin thuốc uống, để thím bảo bầy trẻ nấu cho nồi nước xông, rồi ra bộ ván sau bếp nằm nghỉ cho chóng khỏi .

   Bác tần ngần mở gói ra, nói với bà 

– Cháu mất bọc tiền rồi.

– Sao lại mất? Cháu coi kỷ chưa ? Để quên chổ nào thì trở lại đó mà lấy.

– Cháu gói trong bọc quần áo, bây giờ không thấy nữa.

   Bác có cố tật ngồi không thì hay mở gói mang tiền ra đếm đi đếm lại, sắp xếp vuốt ve từng tờ cho thật thẳng rồi lại gói cất vào bọc. Tối qua, sau khi đi chẻ củi cả ngày, Bác xuống sông tắm, để gói quần áo trên bờ, trong đó có cả mấy tờ giấy bạc vừa được trả công, tắm xong đi ăn cơm rồi mở gói ra đếm lại, mới hay là đã mất rồi, Bác tiếc của nằm thao thức cả đêm. Bà tôi lại an ủi:

 – Thôi, của đi thay người, nhờ ơn Trời Phật, miễn là mình còn mạnh khoẻ thì làm lại mấy hồi, 

2
   Vắng đi một lúc lâu không thấy Bác đến làm, mấy cây dừa lão không ai dám leo, trái khô rụng đầy mương. Bà tôi hỏi thăm mấy người bạn hàng trong chợ, bên bến xe đò xem có ai trông thấy Bác nơi nào, sợ Bác bệnh hoạn nằm lây lất đâu đó không có ai trông coi, hoặc lang thang xa quá không biết tìm đường về. Hỏi mãi không nghe tin tức, Bà tôi thôi không nhắn gởi, nhưng mỗi ngày cầu nguyện lại thấy bà thành kính nhắc thêm một tên nữa trong cái danh sách vốn đã dài vào bên cạnh câu cầu cho quốc thái dân an . 

   Những tưởng là Bác đã lặng lẽ đi như ngày xưa âm thần đến. Chúng tôi lại thấy Bác trở về, lò dò dẫn theo con chó vàng ốm tong teo, chủ tớ trông phờ phạc như nhau, Bà tôi bảo người làm dọn cho Bác mâm cơm, Bác lại xin thêm chén cơm nguội, chan một ít nước cá kho đặt xuống dưới chân cho con vàng. Bà hỏi Bác 

– Cháu đi dâu mà không nói, để thím lo lắng mãi chẳng biết cháu có bệnh hoạn hay mệnh hệ gì không.

– Cháu theo ghe xuống miệt dưới, về thăm mồ mả trong quê.

– Cháu còn ai thân thuộc, mồ mả chôn ở quê nào mà về?

– Ở kinh Cùng, chổ Tắc Cạn, chẳng còn ai là thân nhân, đạn bắn chết hết rồi, chỉ có mấy cái mả còn lại thôi .

   Đó là lần duy nhất Bác nói với Bà tôi về nơi Bác sinh ra. Mẩu chuyện không đầu đuôi, chắp nối. Bác hãy còn bé lắm, chỉ còn nhớ căn nhà lớn lợp ngói đỏ, dưới bến sông là ngôi nhà thuỷ tạ đóng hai hàng kệ gỗ dài, có lan can bằng gỗ sơn bóng, Bác và cậu Hai vẫn thường ra ngồi câu cá buổi trưa. Nền nhà lớn xây bằng đá ong, cửa lá sách thật dầy, phía trước là bậc tam cấp bước ra sân, hai hàng chậu kiểng to trồng cây hoa Ngâu, cây Mai chiếu thuỷ, hoa nở quanh năm thơm ngát.

   Cậu Hai và Bác thường trốn ngủ trưa ra vườn trèo mây mận đỏ trái chín rụng đầy mương. Cái lẫm lúa ngoài mấy lớp tăng xếp lớp cao ngất còn là chỗ chứa những thứ đồ dùng cho mùa màng, mấy cái bồ đập lúa bằng mây đan trét đất sét trộn trấu, một hàng thúng giạ rưỡi máng trên vách nhà chưa kể thúng mủng, thúng con, sàng, nia. Mỗi thứ là một trò chơi, mỗi mùa là một thức mới cho hai đứa bé. Tháng hai đốt đồng, tháng ba ruộng cày, tháng tư mưa mới, cũng là mùa bắt dế đồng về nhốt trong hũ cho chúng đá nhau, tháng năm mạ non, tháng sáu mưa già, tháng tám nước nổi, sân nhà cao lắm, bao nhiêu mùa nước nổi nhưng chưa ngập bao giờ, chunh quanh nhà mương nào cũng dầy, cá lòng tong từng bầy lội nhởn nhơ, hai đứa thường ngồi đếm cá nhái bơi ngang nhà thuỷ tạ, có con to dài hơn hai tấc, có con bé chừng gang tay.

   Cá nhái xương to, thịt nhỏ, kho khô ăn cũng ngon, nhưng xẻ khô thì càng ngon hơn, cứ bắt lên, ướp muối mặn, lấy dây xỏ vào mắt mang phơi nắng cho khô rồi treo vào giàn bếp, sau mùa nước giựt mang ra ăn với cơm nguội hay cháo trắng, ngon tuyệt.

   Bác thích nhất là mùa gió bấc, nước đã hạ từ lâu, ngọn đồng đồng đã ngã màu vàng, trong nhà cũng rộn rịp người lo gặt lúa mới ăn Tết, người lo ngâm gạo xay bột tráng bánh, người lo ngâm nếp quết bánh phồng, trời gần sáng nhịp chày bánh phồng đều đều, thôi thúc, trước sân nhà trải chiếu mới, bánh phồng cán vừa xong còn mềm mại, từng cái tròn như mặt trăng ngã sau ngọn dừa, chiếu nối chiếu, hàng tiếp hàng, bao nhiêu là bánh, Bác có nhiệm vụ cầm cây đuổi mấy con gà đi lạc mon men tới trộm bánh.Từ rằm tháng chạp, trong nhà xôn xao bao nhiêu người, mấy bờ quít nặng trĩu trái ngã màu da lươn, từng đoàn kiến vàng nhởn nhơ bò trên cây tre vắt ngang nhánh quít dường,quít ta, như những con kinh đào nối từng làng quê hẻo lánh. Cái lò trấu bên cạnh nhà bếp từng lọn khói bay cao, rạng ngày sương sớm chưa tan, đã có một chồng dĩ bánh mới tráng còn đọng mồ hôi, Bác theo mấy người làm mang ra phơi dọc theo bờ quít sau nhà, nắng mới thật rong, tiếng bánh trở mình răn rắc như tiếng nhạc trời êm ái. Chán chạy dĩ, Bác vào xin mấy cái bánh ướt cuộn nhân đậu xanh trộn dừa, rủ cậu Hai đi coi mấy người tá điền đang đập lúa mới, hai cái cọc cấy hình chử thập cột dây dài, quấn ngang bó lúa, hai tay giơ cao rồi hạ xuống thật nhịp nhàng, hạt lúa rơi rào rào, bọn trẻ nhỏ theo mót lúa mang thúng ra đống rạ vừa đập xong tuốt lấy những hạt lúa còn sót lại, nhặt những hạt vung vẫy chung quanh. Chán chê, hai đứa lân la vào bếp tìm thêm thức ăn mới.

   Sau ngày đưa ông táo về trời, bao nhiêu cửa song, cửa lá sách đều được tháo ra mang chùi rửa cẩn thận. Lư đồng, nồi đồng, mâm thau, dĩa sứ…tất cả sạch bóng như được khoác áo mới. Trong nhà lớn lao xao người ăn kẻ ở rộn ràng, thích nhất là mỗi ngày cúng kiến linh đình, thức ăn thức uống, bánh mứt ê hề. Sáng ngày đầu năm được mặc áo mới, theo cậu Hai lên nhà mừng tuồi và được lì xì cho đồng bạc mới tinh.

   Những năm tháng bình an, Bác sống vô tư không bận tâm đến thiên hạ bàn tán xì xào về thời cuộc, hàng ngày thức dậy theo cậu Hai vào nhà ngang học chữ với thầy giáo, trưa chiều rong chơi. Hai đứa bé mãi bận tâm với bao nhiêu là trò chơi, ra vườn xúc cá lia thia, mấy con cá phướn đủ màu, mấy con cá xiêm xanh biếc chứa đầy keo thuỷ tinh, chưa kể đi bắt cào cào, rượt chuồn chuồn, hái ớt hiểm đút cho con nhồng mỏ rực rỡ bên hiên. Mặc cho những biến chuyển thời cuộc, những nếp nhăn trên trán người lớn, những buổi tối đốt đuốc họp hành.

   Một đêm, bác đang ngủ ngon trên bộ ván gõ, chợt giật mình có người lôi dậy, bảo đi ra. Bác nhụi mắt đi theo bàn tay đẩy ra trước sân nhà, họ xô bác lại bên cậu Hai, hai đứa sợ hãi ôm nhau. Nhìn chung quanh, đuốc cháy lập loè, người người lố nhố.

 – Đem hết bọn cường hào ác bá ra xử tội.

  Bác sợ hãi lủi vào bên bồn Mai chiếu thuỷ, họ lôi Bác ra chỉa súng vào, thầy giáo đỡ nòng súng và nói gì, họ tha không bắn. Họ đi rồi Bác chạy lại bên cậu Hai, gọi mãi cậu không tỉnh dậy, mấy người kia nằm ngổn ngang tay Bác đầy máu. Mãi lâu, bao lâu Bác không còn nhớ, mới có người đến mang mấy cái xác nằm trước sân đi chôn.
   Những năm sau nầy Bác gặp đâu ăn đó, lây lất trôi giạt, theo đoàn người tản cư vì bom đạn, căn nhà ngói đỏ khi xưa chỉ còn lại có nền nhà đá ong, mái ngói đổ loang lở, cây cảnh không ai săn sóc, chậu đổ bể chỏng chơ, cỏ hoang mọc mất dấu, đêm đêm vẫn có người đi đến âm thầm, họ như những bóng ma thoạt ẩn thoạt hiện.

3

   Bác lại tiếp tục đi làm thuê, gánh mướn, bây giờ có thêm con vàng bầu bạn, lúc nào cũng theo quanh quẩn, ai đến gần Bác thì gầm gừ, nhe răng sẳn sàng bảo vệ chủ, bọn trẻ con e dè không dám đến gần trêu chọc như trước. Bác ăn buổi sáng thì chia một nửa cho con vàng, mỗi ngày ra góc chợ ngồi chờ, có khi cũng được bà hàng cháo lòng thương hại vất cho miếng xương. Hai chủ tớ đi về hôm sớm, Bác gánh nước thì con vàng nằm bên cầu, Bác chẻ củi thì con vàng ghếch mõm nằm lim dim bên cạnh, leo dừa thì con vàng nằm dưới gốc, bao giờ Bác lội xuống mương thì con vàng cũng nhảy theo lùa mấy trái dừa vào bờ. 
   Cuộc sống bình yên cho đến khi bên kia sông nổi lên những tiếng kèn Tây đêm đêm, tiếng đạn bắn sẻ qua đồn, tiếng loa vang những lời khiêu khích, hai bên dàn trận bắn nhau. Bà tôi gọi Bác lại dặn dò
  – Cháu có đi làm ở đâu cũng phải về trước khi trời tối, mang con vàng vào nhà bếp, có đạn bắn thì phải chui vào gầm ván ngựa mà núp.
   Ông tôi bảo thợ xây thêm một lớp gạch vào vách nhà, lớp cửa gỗ dầy cũng chèn thêm mấy lần song chắn, giữa nhà xây hầm tránh đạn cho trẻ con,  bên trên kê hai bộ ván gõ dầy hơn hai tấc Trong đầu óc trẻ thơ của chúng tôi, chiến tranh không gây một ý niệm gì, chỉ thích thú khi đêm đêm được ngủ trong hầm, ngày ngày mấy chị em giăng màn trải chiếu chơi trò xây nhà, bán hàng trong hầm thật vô tư. Đêm về tiếng đạn bắn từ xa và tiếng niệm Phật rất gần của Bà, hai thứ âm thanh pha trộn lẫn nhau, như vết dao khắc sâu vào tiềm thức.

   Chỉ có con vàng, dù cố gắng cột lại thế nào cũng chạy thoát, Bác khổ sở lầu bầu cả đêm, sợ đạn bắn nhầm, nhưng sợ nhất là tiếng sủa của nó. Trong đêm yên lặng, tiếng chó sủa làm kinh động mọi người, tiếng Bác dỗ dành khe khẻ, con vàng rất thính tai, nghe tiếng động nhẹ, tiếng người đi soi nhái sau nhà, tiếng dân vệ đi nằm ngoài bờ phục kích, bất luận xa gần là đã báo động cả nhà. Bà tôi lại thì thầm niệm Phật, không biết nhờ sự nhiệm mầu hay lòng thành khẩn của Bà tôi mà tuổi thơ ngây ngủ ngon như lúa xạ, như nuớc nổi, và ngày tháng cứ bay qua nhanh, thật nhanh !

   Con vàng biến mất, Bác khổ sở đi tìm, mỗi ngày bác lang thang từ đầu chợ đến bến đình,  gặp đứa trẻ nào cũng hỏi có thấy con vàng không?  Trước đây con vàng thỉnh thoảng đi hoang, có lần trở về mình mẫy đầy thương tích Bác lại mắng 
 – Mầy hư quá, chắc lại theo gái hay gây sự đâu đó để người ta đánh cho bê bét .
   Bác mang con vàng xuống sông tắm rửa sạch sẽ, xin thuốc sát trùng bôi đầy người,  lại ra chợ xin bà hàng chút cháo thừa về cho ăn. Nhưng lần nầy con vàng đi đã hơn tuần mà không thấy bóng dáng, Bác ngơ ngẩn bồn chồn, Bà tôi lại an ủi
 – Chắc nó lại theo cái đâu đó. Chừng vài hôm nữa lại thấy mang thương tích về

   Thật ra thì Bà cũng không an tâm, giống chó rất trung thành, không có lý do gì mà con vàng lại bỏ đi quá lâu, chỉ sợ đã có chuyện gì bất trắc sảy ra, sợ nó đã nằm yên dưới lòng sông, hay là phơi xác bên bụi chuối góc vườn nào đó.  Con vàng là chướng ngại vật cho người đi đêm, tiếng sủa ầm ĩ cũa con vàng báo động cho mọi người chung quanh. Và ngại nhất là bọn người mang gánh đi bắt chó lang thang, nhưng con vàng khôn lắm, không dễ dàng bắt được, trừ khi bị đánh chết.
   Bác nhớ con vàng ngơ ngẩn, ngồi đâu lại lầm bầm
 – Sao mầy lại bỏ tao mà đi ??
   Đời sống Bác đơn giản, chỉ có con vàng theo bầu bạn bấy lâu, sinh ra bao giờ, thân thuộc những ai, quanh năm với bờ cỏ xanh, mấy hàng dừa hàng cau, nơi bến đình xó chợ, mấy hàng dừa cao rồi cũng lão, người ta sẽ đốn đi lấy đất trồng cam quít, cái đòn gánh mềm mại trên đôi vai trần rồi cũng sẽ quên đi, người ta mua máy bơm xây hồ chứa nước, chợ dời đi, cất lại, Bác chỉ còn con vàng là gần gũi là thân quen, là chút gì còn vương vấn của người bạn thuở ấu thời.

   Nhớ lại ngày thôi thúc về thăm quê, nhớ ngôi nhà lớn trong vườn thơm ngát mùi hoa, cậu Hai và mấy đồng bạc mới,  ngày gió bấc thổi mấy cái bánh tráng bay trong vườn quít đầy nắng trong, nhìn mấy ngôi mộ cỏ tranh che mất dấu,  Bác tẩn mẩn nhổ cho sạch cỏ, ôm đất đắp lại nấm mộ cho cao lên, thấy con chó nhỏ đói lã nằm lây lất bên chòm mả hoang, Bác thương hại chia cho nó miếng bánh bò,  không ngờ nó ăn xong rồi không chịu rời xa, Bác thấy nó chí tình nên săn sóc chờ nó hồi phục, hai thầy trò lặn lội dắt díu nhau về tận nơi nầy. Người bạn đường theo nhau từ vùng quê hương mù mờ, chút nắm níu, tưởng là suốt đời có nhau, không ngờ đến đây lại lạc mất đời nhau. Bóng Bác gầy gò thất thiểu, vẫn chờ đợi, vẫn lang thang 

– Vàng ơi ! sao lại bỏ tao? 

Vũ Thị Thiên Thư

Chim có tổ

 

IMG_3955-1

Tạp Chí Nguồn Số 55  Năm thứ 11  Xuân 2015

Chim có t

Câu nói của Ông tôi

“ Chúng nó chỉ lấy mất của tôi căn nhà, nhưng con cháu của tôi đang ở khắp nơi, chúng nó sẽ xây dựng bao nhiêu căn nhà khác …”

   Chim có tổ… Câu nói tự nghìn xưa, khi những cánh chim Hồng Lạc xuôi Nam tìm đất sống, cho dù trôi dạt bất cứ phương trời nào, tổ ấm vẫn là nơi chốn để quay về. Bài học lịch sử đã ngàn năm vẫn không thay đổi.

  •  Bố sang xem nhà thật à ?
  • Ừ ! Bố sang trước, Mẹ sẽ sang cuối tuần nầy, đã có vé cho chuyến bay rồi.

   Những dòng chữ điện thư không diễn tả hết nỗi vui trong lòng trẻ, càng không thể tả hết niềm xôn xao trong lòng cha mẹ. Có an cư mới lạc nghiệp, bắt đầu khi cha ông  lưu lạc, cho đến những ngày mảnh đất nhỏ chia hai, từ ngọn Đông triều trên đỉnh Hoàng Liên Sơn về tận miền đồng bằng sông  Đồng Nai, đến khi Bố vượt đại dương, Mẹ rời đồng bằng  Cửu Long, lang thang từ thành phố về tận nơi sơn dã, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào thì căn nhà vẫn là những ước mơ ấp ủ, là những cố gắng và nổ lực không ngừng để dựng xây.

1 Căn nhà  thuở ấu thơ của Bố

   Thuở thơ ấu, Bố là đứa con sinh sau đẻ muộn, ông Nội rời quê nhà đuổi theo những giấc mơ giang hồ vào Nam tìm đất mới dựng sự nghiệp, Bố sinh ra từ thành phố Sài gòn Hòn Ngọc Viễn Đông, khi Ông Bà đã gần nửa đời người. Đứa con trai nối dõi tông đường bệnh èo uột, Ông Bà lo lắng chắt chiu,  theo lời khuyên cuả thầy thuốc, Bà Nội mang đứa con trai về quê nhà  nuôi dưỡng. mong cho nó lớn lên khỏe mạnh hơn với  không khí trong lành, cùng người dân quê mộc mạc. Nhưng  chưa được bao lâu, lại phải chạy trốn tao loạn trờ về thành phố tìm chốn dung thân. Từ giã ngôi trường đơn sơ trong vùng quê xôi đậu, rạng ngày cờ Quốc Gia tung bay, đêm đêm Cộng Sản lần mò về lùa dân đi hôi họp tuyên truyền, cuộc sống luôn hồi hộp giữa hai lằn đạn phân  tranh giành dân lấn đất. Từ sau chiến dịch kiểm soát tập trung dân cư thành lập Ấp chiến lược thời Đệ Nhất Cộng Hòa, những tưởng là đã an cư lập nghiệp, nhưng chiếc cuộc lan tràn, du kích cán bộ hàng đêm về thu góp, làm dân hay làm giặc đều không thể, cuối cùng Bà Nội  lại phải lần nữa bỏ nhà cửa ruộng nương chạy về bám vào thành phố mưu sinh.

    Trong mỗi gia đình, luôn ấp ôm niềm ao ước được an cư  lập nghiệp, ông bà vẫn thường nhắc ” Sống có nhà thác có mồ mã “, Tiểu gia đình của ông bà Nội  từ lúc bước đầu tạm trú với người thân, cho đến khi thoát ra những ngày ăn nhờ ở đậu, luôn sống với giấc mơ có được căn nhà nho nhỏ của riêng mình. Hình ảnh  của căn nhà đó như một nỗi ám ảnh di truyền bao nhiêu thế hệ, luôn hiện hữu như lời nguyền tái sinh từ tiền kiếp, hiển hiện đến tương lai. Nhớ lại hững ngày chui rúc trong căn gác nhỏ, góc bếp chung đụng, cơm nước phải chờ đến phiên mình mới được thổi lửa. Những đêm cúp điện ngồi thu mình bên ngọn nến gầy lắt lay, ngày mưa già đếm từng giọt lanh tanh theo mái tôn nhỏ xuống chiếc thau nhôm hứng nước rỉ bên góc nhà. Kỷ niệm như cuốn phim trắng đen, in vào ký ức, đau rát  như giọt lệ nến nóng bỏng trên ngón tay trẻ con tinh nghịch. Cảm ơn trời đất cho những vô tư, hồn nhiên miếng ăn cái mặc chưa biết lo lắng  cuả thời thơ ấu,

    Tuổi thơ mải rong chơi nên không màng đến những biến chuyển của thời cuộc, hàng ngày tụ tập với bầy trẻ con, chia bầy bắt nhóm trong các trò chơi, tất cả  là  thứ mật ngọt đậm đà  đã dưỡng nuôi cho thời mới lớn. Cuộc sống cho dù khó khăn đến cùng tận, rồi cũng như ngày tháng sẽ mau qua.

  Ở tạm, ở thuê, ở trọ cho đến lúc có được căn nhà xinh xắn trong chung cư, chưa được bao lâu, lại đối đầu cùng những khó khăn mới, cùng với bạn bè trang lứa xôn xao với cuộc chiến ngày càng sôi động, của tiếng gọi đôn quân nhập ngũ lên đường. Khoảng thời gian ngắn ngủi làm học trò mới lớn, hôm sớm vất vả với công việc mưu sinh, vừa có được mái ấm an cư chưa đủ thời gian để lạc nghiệp, lại cùng với sinh mệnh nước non dẫy chết. Rời quê hương đột ngột, bỏ cả người thân yêu, mất căn nhà êm ái, hành trang mang theo trong ký ức là niềm nhớ nhung khắc khoải, quắt quay một nửa vòng trái đất lạc loài.

 

 

2 Những căn nhà ấu thời của Mẹ

   Con đường làng chạy dọc hai bên bờ dòng sông nhỏ hiền hòa hai mùa mưa nắng,  bên hữu ngạn là khu chợ vừa thành lập thay cho chợ cũ nhóm trước sân đình, hai dãy phố mới đối mặt nhau song song, hàng số chẳn nằm phía trên bờ và hàng số lẻ là dãy nhà phía dưới bờ sông. Từng căn nhà gỗ khang trang rập theo một khuôn mẫu, san sát nhau mọc lên trên các lô đất đã hoạch định. Phía trên bờ nhà mặt tiền hai tầng, mái ngói đỏ bảng hiệu sơn hai màu cùng một thước tất [ công việc nầy đã là miếng cơm manh áo  nuôi sống người thợ vẽ duy nhất của khu chợ quê]. Dãy phố mang số lẻ  nằm bằng mặt dọc theo bờ sông, một  nửa căn nhà nằm trên bờ lót gạch tàu son đỏ, nửa nhà sàn dưới  mé nước thì xây trên cọc xi măng  hay gỗ.

   Thị tứ tràn lan về tận thôn quê, mái Đình làng và cây đa cùng với quán lá  nhỏ dưới tàng lá xum vê rậm mát đã chìm vào dĩ vãng, thay vào là từng khu phố chợ khang trang. Mẹ sinh ra vào năm thanh bình giả tạo, đất nước chia đôi. Cuộc sống an lành của vùng quê như lúa mới trổ đồng đồng, hạt xanh non chưa kịp ngậm cơm trắng, thì dòng sông chia đôi theo con nước đồng đã cạn.

Hai năm sau ngày chia đôi đất nước, thanh bình như lửa rơm chưa kịp bén ngọn, thấp thoáng bóng áo đen về, truyền đơn rải dọc theo hương lộ, tiếng loa gọi, tiếng kèn tây vọng vào phố chợ lúc nửa đêm, cùng với tiếng đạn bắn sẻ bên kia sông, là dấu hiệu của du kích Việt minh  kéo nhau về khuấy rối khu chợ quê. Các cơ cấu hành chánh còn phôi thai, chỉ có một tiểu đội Dân vệ và một ít súng nhỏ phòng thủ sau lô cốt. Hội đồng xã và các ủy viên, Thông tin, hộ tịch , Y tế  đã về tận hương thôn phát thuốc dạy dân những phương pháp vệ sinh căn bản, phòng chống bệnh tật. Căn nhà trong phố chợ với cánh cửa gỗ dầy cũng đã chìm theo thời gian thụt lùi vào dĩ vãng, thay vào là giàn cửa sắt mới tinh kiên cố che thêm bên ngoài, tiếng đóng mở nghiến ken két như sấm sét xé tan những  áng mây thanh bình vừa hội tụ.

   Căn nhà hứa hẹn tự bao lâu của đôi vợ chồng trẻ, niềm xôn xao nao nức đợi chờ,  động lực thôi thúc cho những ngày chan chát nắng trưa chèo ngược nước, những đêm sương thấm lạnh châu thân nằm gác mái chờ con nước lớn để xuôi giòng. Những giây phút nhớ làn da trẻ con nồng thơm mùi sữa cùng người vợ mới vừa bén lửa hương. Chiếc ghe lườn chở nặng những chuyến hàng xuôi ngược tận vùng giáp nước, vượt qua từng con kinh thơm ngát mùa lúa chin, bàng bạc khói đốt đồng, khi trở về phố thị chở nặng hương đồng nội cá mắm đầy khoang. Nhớ như in câu nói của vợ hiền và bức tranh đơn sơ giản dị, từng đồng bạc trắng giành dụm, những lúc canh con nái và bầy heo con, từng  giọt mồ hôi nhỏ xuống đôi bàn tay để căn nhà nhỏ với khung cửa treo màn màu xanh, là màu xanh hy vọng cuả cuộc sống mới bắt đầu.

   Căn nhà và khung cửa treo màn màu xanh mãi mãi chỉ là một giấc mơ không hiện thực. Nguyên nhân chính không vì năng tài bất lực, mà chỉ vì đạo hiếu tử nên không thể đành tâm. Nhất trưởng nam, khi cha mẹ còn tại đường thì phải luôn sớm hôm phụng dưỡng. Trong tay  Ông Ngoại đã tạo lập được bao nhiêu căn nhà, từ căn nhà khởi xây trong khu chợ quê lúc mới thành lập, cho đến căn nhà nhỏ xinh xắn nằm trong vùng ngoại ô của tỉnh lỵ, nơi Mẹ và các dì cậu lớn lên, và cuối cùng là căn nhà trong khu chung cư mới thành lập ở thủ đô, nhưng rồi tất cả các căn nhà đã xây đó vẫn chưa một lần được chính chủ nhân trú ngụ.

   Khu chợ quê hưng thịnh sau khi chính quyền vững mạnh đã quét sạch đám du kích về tận kinh cùng, cái tắc, Ngoại càng thành công trong thương trường, cơ nghiệp càng tích lũy, cùng với điện khí và phương tiện truyền thanh truyền hình về tận làng xã.

     Thanh bình tái lập chưa bao lâu, chiến dịch nông thôn chưa kịp hoàn tất, nhà cửa  ruộng vườn lại theo chiến tranh leo thang tiêu điều bỏ phế. Thế hệ thanh niên của Bố Mẹ cũng như dân lành   cả nước  lại  nổi trôi bềnh bồng theo thế cuộc. Đến lúc vận nước đổi thay, nhà tan của nát, Giọt nước mắt lần đầu tiên trên đôi mắt Ngoại lăn dài xuống mâm cơm nguội lạnh nằm hững hờ, cố nuốt vào tận đáy lòng, nước mất rồi, còn nói gì đến dân chủ tự do ?

    Căn nhà hương khói trong làng xây đã bao nhiêu năm nay, công lao  mồi hôi cuả ông cha đổ xuống để tạo dựng, hy vọng truyền lại đời đời cháu con, những tưởng là sẽ luôn luôn tụ họp quay quần cúng giỗ lễ Tết, bây giờ nhà nước đã niêm phong, tất cả gia đình phải phủi tay bước ra, họ nhân danh cách mạng đến tịch thu gia sản. Tất cả các thứ gì trong nhà đều không được mang theo, cho dù chỉ là manh chiếu con,  hay chiếc chén sành cùng đôi đũa tre. Thằng bé con đang bơi lội giữa buổi trưa dưới dòng sông, khẩn khoản xin được vào nhà lấy một manh áo che lại tấm thân trần, chẳng những không cho mà còn được giáng cho những ánh mắt lạnh lùng, và bài học cách mạng !! Tiếng cửa sắt  kéo lại, âm thanh nghiến như  nhát dao cứa vào tâm can đoài đoạn. Nước chưa mất sao nhà đã tan, giặc hay cướp đã đoạt đi  công khó cha ông bao nhiêu đời  lưu lại. Tất cả chỉ trong một phút tan như khói mây, còn cảnh nào thê thiết hơn nữa ?

   Lang thang sau cuột vượt thoát lúc nửa đêm, chạy trốn trên chính quê hương mình. Khi thì tạm trú bên người thân nầy, lúc thì ở nhờ họ hàng bên nọ. Từ thành phố, về thôn quê, kiệt quệ, mỏi mòn. Căn nhà  nơi Mẹ đã sinh ra, nơi chứa cả một trời tuổi thơ càng ngày càng xa như  khói sương ảo  ảnh,  Đã mất đi nhà cửa thì còn nói gì đến lạc nghiệp an cư ?

3 Tổ ấm của bầy chim non

    Bầy trẻ nhỏ như đàn chim non tung tăng,  căn nhà mới xây hai tầng,  sau những ngày tháng chờ đợi gội mưa dầm tuyết, chọn từng vuông gạch, lựa từng khung cửa, cuối cùng thì cũng đã hoàn tất. Nhìn chúng hăng hái chạy tung tăng  khắp nhà, từng đứa  mang sách vở, chăn gối vào phòng, nhìn quanh quất, tranh nhau cách bày biện ghế bàn giường nệm, niềm vui không giấu được trong những ánh mắt trẻ thơ.

   Căn nhà cũ nằm trong ký ức của những ngày đầu tiên trên đất mới, trong thành phố nhỏ nằm bên bờ Michigan bát ngát. Căn nhà với số tuổi lớn hơn cả hai bố mẹ cộng lại, nơi chứa đầy tiếng khóc trẻ sơ sinh. Chiếc tổ con thu nhỏ lại dưới sức lớn nhanh cuả bầy chim non, lại một lần nữa  Bố Mẹ như Tổ tiên đã tha con về phương Nam, xây tổ mới.

    Mạch sống không ngừng chảy, bầy chim non cũng không ngừng lại mãi ở đôi cánh mỏng manh, chồi non rồi cũng trổ cành đơm lá. Những tháng ngày trong căn nhà êm ấm, bốn mùa rộn rã tiếng cười vui.  Ngày khăn gói đưa con vào trường Đại Học, trong lòng như thấy mất đi một phần đời, mừng vui cùng lúc với thấm thía nỗi nhớ nhung con của cha mẹ. Bây giờ mới cảm thông tấm lòng thương nhớ âu lo, mới thấy công lao cuả cùng sự hy sinh vô cùng cuả cha mẹ.

Lúc bầy con khoát áo ra đi bước vào cuộc đời sinh sống, tổ ấm cũ đã thưa vắng tiếng cười nói của bầy chim non, vào ra chỉ còn lại đôi bóng tựa nương nhau. Những ngày xum họp tất cả các con rất hiếm hoi, một năm đôi bận, lại thở dài nhìn khói phản lực vẽ những đường cong trên bầu trời, trong đó mang theo tiếng cười, nhân dáng cuả con, lại thở dài bắt đầu cho những chờ mong cuả ngày con về xa còn xa lơ lất.

  • Mai mốt bố mẹ  mất đi thì mấy đứa chia nhau căn nhà, chỉ có thế thôi, chứ chẳng có gì hơn nữa đâu
  • Em Bé còn ở đây thì sẽ lấy nhà, bọn  mình đã đi rồi, không về lại nữa đâu .
  • Em bé chỉ có một mình, nhà nầy lớn quá ở sao hết? Mai mốt mình muốn có nhà thì tự mua lấy.

   Nghe bọn trẻ chuyện trò, lại nghĩ đến câu nói cuả Ông ngày xưa:

 “ Chúng nó lấy mất cuả tôi một căn nhà, nhưng mai mốt con cháu tôi ở khắp nơi thì chúng nó xây lại bao nhiêu căn nhà khác lo gì ! “

Ước gì Ông còn thấy ngày nầy, khi Tiểu Hoàng báo tin từ phương nắng ấm “ Mình vừa ký giấy tờ, lấy chìa khóa nhà xong rồi đó Bố. “ .

4   Căn nhà cuả Tiểu Hoàng

     Chuyến bay dài lê thê, với những chặng dừng tưởng như bất tận, đến phi trường John Ways bước chân đi chập choạng  hoa mắt trước dòng người tranh nhau đứng lên vội vã. Hành  trang  bên cạnh các thứ dụng cụ để sửa sang nhà cửa còn mang nặng theo nỗi vui mừng không thể diễn đạt. Nhìn quanh dòng xe cộ nườm nượp đón đưa, khuôn mặt rạng rỡ, ánh mắt vui mừng, Tiểu Hoàng nói líu lo, câu chuyện dài huyên thuyên, hân hoan khoe thành tích, nỗi vui của hắn như ngọn gió thổi lây lan …

    Dừng lại trước căn nhà nhỏ xinh xắn, mảnh sân trước con con rợp bóng mát bên cạnh cây dừa kiếng lá xanh mượt đong đưa. Căn nhà là ước mơ, là bắt đầu cho cuộc sống mới tự lập, Không thể hình dung ngày nào bế con khi mới cất tiếng khóc chào đời, cho đến ngày đầu đưa con đến trường, thời gian như mới hôm qua, bây giờ đã trưởng thành, đã tự lập cánh sinh đã tự mình xây tổ mới.

  • Bố nghĩ thế nào
  • Bố nghĩ là Mẹ sẽ rất thích cách ngăn chia phòng ốc, căn nhà tuy nhỏ nhưng rất ấm cúng, Lúc xưa đi đi xây nhà, Mẹ là người chủ động trong cách chọn lựa chia cắt các phòng ốc, Bố chỉ để ý đến các vật liệu, khung cửa sổ,  tường vách, máy sưởi, xem họ có làm đúng như giấy tờ mình đã giao ước không. Nhà nầy Bố thấy nhỏ nhắn nhưng thoáng,và rất sáng sủa gọn gàng,
  •  Bố nghĩ là ngày mai mình đi mua vật liệu rồi sẽ bắt tay vào làm việc được chưa? Trước tiên là thay cái nền gỗ trong phòng tắm, nó mục rồi mình muốn bỏ đi thay bằng gạch men, còn các thứ khác thì từ từ thay cũng được.
  • Tùy ý con quyết định, Bố chỉ giúp con sửa sang thôi, thích thứ nào thì dùng thứ ấy. Nhưng thường thì mấy thứ đó nên bàn với Mẹ trước, Mẹ tính toán chính xác lắm. Cuối tuần là Mẹ bay sang rồi .

   Căn nhà đầu đời của con trai, là dấu hiệu trưởng thành, tự lực cánh sinh. không thể diễn tả được niềm hân hoan cũng như hạnh phúc nhìn thấy thành quả của những tháng ngày đôn đáo lo manh áo chén cơm, ngất ngưỡng chờ đón con từ các lớp học, những đêm chong đèn chờ con về nhắc nhở…

   Chim có tổ… Cánh chim Hồng lạc xuôi Nam, cho dù lưu lạc bất cứ phương trời nào, tổ ấm vẫn là nơi chốn để quay về. Bài học lịch sử đã ngàn năm vẫn không thay đổi.

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Chút Nắng Còn Vương

 

 

 

sưởi ấmViệt Tide  Xuân Ất Mùi 2015

Chút nắng còn vương

*

   Khuôn mặt người thương binh trông rất trẻ, thoạt nhìn không ai nghĩ anh đã vào đời, chỉ đoán là anh còn trong tuổi học trò cắp sách đến trường, đôi mắt vẫn sáng long lanh tinh nghịch, anh vào bệnh viện quân sự tối hôm qua, vết thương nhẹ không nguy hiểm đến tính mạng, cũng không cần thiết giữ anh lại lâu dài trong bệnh viện, anh nằm chờ bác sĩ đến khám và ký xuất viện trong đôi ba ngày.

   Phía trên đầu giường còn gói bộ quần áo trận xếp ngay ngắn chờ ngày xuất viện. Vết đạn lướt qua một phần thịt da thân thể chưa đủ làm tê liệt hình ảnh chiến trường còn lưu lại trong khối óc. Anh kéo tấm khăn giường trắng đắp lên tận ngực, trên người chỉ có chiếc áo choàng cuả bệnh viện không đủ che kín đôi chân, nghĩ đến những người anh em hàng ngày sát cánh an nguy, đến tà áo dài học trò trắng tinh tha thướt cộng với khuôn mặt diụ dàng của người yêu dấu, anh lần tay xuống gối rút lá thư, nhìn lại một lần nữa những nét chữ mềm mại trên trang giấy học trò, đọc đã bao nhiêu lần, nhớ từng câu, nhưng vẫn muốn nhìn lại thêm một lần nữa…

   Thằng bé con mon men lại gần, cánh tay khẳng khiu đen đủi. Hắn đi một vòng trong căn phòng nhìn vảo từng khuôn mặt thương binh nằm trên hai dãy giường bệnh song song. Đây chỉ là bệnh viện nhỏ của tỉnh lỵ, hầu hết những người còn lại đây thương tích nhẹ, họ như khách tạm trú qua đêm, bệnh nhân với thương tích nặng sẽ phải chuyển về Bệnh viện Cộng Hòa để chuyên trị. Chiến trận sôi động từng khu vực từ Bình Long An Lộc về tận ven đô, bên kia rừng sát chiến khu D, bên nầy Lại Khê, Bưng cầu…Từng đêm tiếng đạn pháo kích nổ đều các phương hướng, khi còn nghe tiếng “ đề ba” thì ít nhất cũng biết mình không nằm trong tầm pháo, những chiếc hỏa châu từng đêm soi sáng vùng ngoại ô, ánh sáng rực rỡ vẽ những ngọn đèn hoa muôn màu trên lưng trời trước khi tắt ngấm.

   Bệnh viện của tỉnh lỵ chỉ có hai khu trại nội khoa và ngoại khoa, mỗi trại hai dãy giường nằm đối đầu, cửa sổ không chấn song. Số giường có giới hạn, thương binh tăng theo cấp số nhân vào ra bệnh viện như quán trọ đắt khách. Bệnh nhân nếu chưa nguy đến tính mạng thì chỉ cần băng bó thuốc men đôi ba ngày rồi từ giã. Nguyên nhân chính cuả thương tích là do hậu quả các cuộc chạm trán từng ngày giữa Công quân và Quân Đội Việt Nam Công Hoà nằm dọc theo các chốt phòng thủ ven đô Chưa kể đến thường dân vô tội nằm giữa hai lằn đạn, lương y như từ mẫu, cho nên không thể nhẫn tâm bỏ mặc con bệnh, dù là quân hay dân, cho nên bệnh viện không bao giờ thiếu vắng bệnh nhân.

Anh nằm nghĩ lan man, những hình ảnh nối nhau như một cuộn phim dài trong ký ức   Trong tầm mắt mơ màng hiện ra khuôn mặt choắt cheo, anh thầm nghĩ “ Thầng nhóc con cái nhà ai? Giờ nầy đáng lẻ phải ngồi trong lớp học, sao lại lang thang trong đây làm gì ? “ Thắng bé con ghé mắt nhìn chiếc giường anh thương binh đang nằm phủ khăn trắng, hắn lân la tiến lại gần

  • Chú bị thương ở đâu vậy ?

   Anh ngạc nhiên nhìn thằng bé, trong đầu đánh dấu hỏi : “ Tại sao nó lại làm quen và hỏi mình ?” Máu tinh nghịch nổi lên anh giả vờ nhăn nhó bảo nó

  • Chú bị đạn bắn nặng lắm, chắc phải cưa cụt mất một chân.
  • Vậy hả, tôi nghiệp chú, có đau lắm không, vậy chừng nào chú chuyển viện ?
  • Chú không biết, chờ bác sĩ vào tái khám rồi mới chuyển đi nhà thương lớn,
  • Vậy là chú hết về nhà rồi.
  • Về chứ, sau khi bác sĩ chuẩn bịnh rồi ký giấy xuất viện thì chú mới được trở về nhà dưỡng thương.
  • Thế nhà chú ở đâu vậy ?
  • Ở miền Tây tỉnh Long Xuyên, cháu có biết miền Tây là ở đâu không ?
  • Không, cháu nghe nhắc Sài Gòn nhiều lắm mà cháu còn chưa đi tới nữa, miền Tây là chỗ nào làm sao cháu biết chứ ?   Anh thương binh tốc khăn giường nhảy xuyên qua cửa sổ chận đầu nắm thằng bé lại. hắn nhìn anh thất thần, quên cả vùng vẫy, cái bàn tay nắm chặt hắn không phải của người bệnh nặng, khuôn mặt đau đớn lúc nẫy cũng biến mất. ánh mắt nghiêm nghị bén như con dao đâm suốt ruột gan hắn. Biết mình bị gạt rồi, hắn xuống nước nhỏ:
  •    Thằng bé nhìn vào dưới chiếc gối kê đầu rồi bước gần hơn, cúi xuống kề vào khuôn mặt nhăn nhó của anh, hắn chợt thò tay rút phăng cái gói quần áo giấy tờ trên đầu giường rồi co giò vụt chạy ra cửa.
  • Chú ơi tha cho cháu đi, cháu tính đùa một thôi mà.
  • Nhóc con, ngươi còn định qua mặt người lớn nữa sao?
  • Thật mà , cháu chỉ dỡn chút thôi, đây cháu trả lại tất cả cho chú, không thiếu một món gì hết.
  • Ngươi không qua mặt ta được đâu, nói đi, ăn cắp trong đây bao nhiêu lần rồi ? Nếu ta không bắt được thì mi đã biến đằng nào rồi?

 

 

*

   Hoa tuyết bay lất phất trắng xóa trông như hoa gòn mỗi tháng hai mùa nắng ráo ở quê nhà. Hình ảnh của những tháng ngày dầm mưa dãi nắng lê gót giày trận khắp bốn vùng chiến thuật, từ vùng một tuyến đầu với những cơn gió nóng Hạ Lào thiêu đốt, cho đến vùng bốn sông nước hiền hoà cuả quên nhà. Phiêu bạt bềnh bồng theo vận nước cho đến khi giải giáp thành tù nhân ngày đốn củi lên rừng, đêm nằm nghe tiếng côn trùng than rả rít trong Trảng Lớn, không biết cái khối óc nầy còn chứa đựng được bao nhiêu đoạn phim cũ rich đó. Một chút hương bay cũng đủ làm nhớ lại, một màu sắc thoáng qua cũng kéo theo bao nhiêu hình ảnh kỷ niệm trùng trùng. Thành phố Gió bốn mùa thay đổi Xuân Hạ Thu Đông rõ rệt, nhưng rồi mùa nào anh cũng thấy vương vất một chút quê hương nằm trong muôn vàn hình ảnh đó. Tháng chin học trò trở lại trường vào lớp mới, nhìn những khuôn mặt vô tư, nhớ tuổi học trò bị chiến tranh cắt ngắn. Tháng tư mưa, những giọt mưa lệ đầu mùa xối xả dội xuống cuốn trôi một phần đời thanh niên theo vận nước đắm chìm. Tháng ngày bây giờ là công việc, là gánh nặng áo cơm cho gia đình, bên cạnh dòng đời xuôi ngược, có nhớ chăng cũng chỉ là một thoáng qua ngậm ngùi. Tiếng chuông điện thoại cắt ngang dòng suy nghĩĩ

  • A Lô ! Chú có  biết Thiếu Úy Luân của Sư đoàn 5 bộ binh, ngày xưa hình như chú ấy nắm tiểu đội trinh sát đó ?
  • Anh cần tìm ông ấy để làm gì ? Mấy chục năm qua rồi ai mà biết thiếu úy đại úy gì nữa chứ?, Bộ anh tìm ông ta để đòi nợ máu hả ?
  • Không phải vậy đâu chú, cháu tìm chú ấy lâu lắm rồi, có người mách là Chú ấy đang ở Thành Phố Gió và cho cháu số điện thọai nầy nên cháu gọi cầu may thôi, thật ra thì cháu còn nợ Chú ấy một món nợ từ ngày xưa nên bây giờ ráng tìm để hỏi thăm.
  • Nợ từ bấy lâu mà bây giờ tìm trả lại ? Có phải trả lời lãi gì không?
  • Món nợ tinh thần thôi chú à, cháu trả không hết kiếp nầy đâu. Nếu chú ấy không tha cháu thì giờ nầy chưa biết cháu sống chết lưu lạc nơi nào.
  • Anh nói chuyện ly kỳ như tiểu thuyết.
  • Thật đó chú, cháu không biết dựng chuyện đặt điều thêu dệt gì đâu, nếu ngày đó chú Luân giao cháu cho chính quyền đưa vào Trại giáo huấn thì một là cháu ngồi tù, hai là chết mất xác chứ đâu có tự do khôn lớn như ngày nay.
  • Có chuyện đó nữa sao ?
  • Hồi cháu còn bé cũng quậy lắm, cải lời cha mẹ theo bụi đời trộm cắp, nhưng trời bất dung gian, cháu làm ăn trót lọt được nhiều chuyến, đến ngày đó cháu vào bệnh xá tính làm một mẻ kiếm tiền đi Sài gòn chơi, tưởng Chú Luân bị thương chân, ai dè chú ấy chỉ giả vờ thôi, cháu chạy không thoát bị chú nắm cổ lại, lúc đó mà chú ấy không thương hại giao cháu cho chính quyền thì cháu đã tiêu đời rồi. Trong đám trẻ bụi đời đó, chỉ còn lại có một mình cháu là trở vào lớp học và hiện nay cháu đã vượt biên sang Hoa Kỳ và đang sinh sống ở Atlanta.
  • Biết đâu đó chính là phúc đức ông bà của cháu chớ cái chú Luân nào đó có công cán gì mà cháu lại nhớ như vậy.
  • Làm người phải biết trước sau, nếu không bị thôp cổ và thả về cho cha mẹ thì cháu một là theo băng đảng nghiện ngập luôn , hai là chết rục trong tù. Tên cháu là Trung, cháu gởi lại chú số điện thoại nầy, chừng nào chú gặp chú Luân thì nhắn lại dùm cháu nhen, cháu cám ơn chú.

 

*

   Ly cà phê nguội mất từ bao giờ, những hoa tuyết cũng đã tan trong không gian xám xịt. Trong trí nhớ mù mờ hình ảnh choắt cheo của thằng bé con ngày tháng cũ, thôi thì cũng mừng cho nó, ngày nọ cũng không biết chút thiên lương nào còn sót lại mà mình đã tha cho thằng bé, nó cũng chỉ là môt trong những trăm ngàn đứa bé lăn lóc bên lề cuộc chiến tranh anh em tương tàn, hậu quả là những ngày nằm trong Trảng Lớn gậm nhấm đau thương. Vết thương thể xác không đau như nỗi thống hận trong đáy lòng. Anh em chia rẽ, nồi da nấu thịt, có phải từ khi lọt lòng mẹ Âu Cơ đã phải chia tay nhau, cho dù cùng mang chung dòng máu và mai mỉa thay cho hai tiếng “Đồng bào “. Bây giờ chỉ vì tham vọng cá nhân mệnh danh Thiên đường chủ nghĩa, tán tận vô lương đầu độc thế hệ trẻ để anh em căm thù giết nhau. Cái chiêu bài cải tạo không che dấu được mục đích tiêu trừ cả một thế hệ giáo dục trong chế độ tự do dân chủ. Những tên quản giáo không hơn cai tù học hành như con vẹt lên mặt dạy dỗ người đáng cha đáng chú, nhìn chúng nó lại thấy thấm thía hơn nỗi nhục nhằn của dân tộc. Năm mươi con lên rừng, ôi! Mẹ Âu Cơ có thấy nỗi gian nan nầy cũng nát bấy tâm can.

   Cú điện thoại bất ngờ cuả thằng bé ngày xưa kéo theo những chuỗi ngày thanh niên cũ, những phần thân thể, những giọt máu hồng đã thấm xuống lòng đất. Đã từ lâu lặn ngụp trong dòng đời , chạy theo chén cơm manh áo gồng gánh thê nhi, những tưởng giấc mơ đã chìm tận vào đáy biển ký ức muôn đời. Mình và bầy trẻ nhỏ chỉ là nạn nhân không hơn không kém. Tuổi thơ không là những ngày thong dong trên ruộng đồng với sáo diều cao vút, mà là những ngày giành giật kiếm sống bằng mọi cách kể cả trộm cắp từ những người thanh niên đã đổ máu xuống để bảo vệ cho cuộc sống an bình của chính quê hương mình.

   Thằng bé con ngày nọ, bây giở ít nhất cũng đã vào tuổi “ nhi bất cập” Cuối cùng cũng đã nên người A! Ý trời đã định, năm mươi con lên rừng bỏ xác, năm mươi con xuống biển trôi dạt đến đây!

   Những giọt nắng mùa đông khẻ vén màn mây xám le lói trong bầu trời, mùa Xuân sẽ một lần nữa quay về trên đất mới .

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

 

 

 

Đaị yến mùa trăng


Đại  yến  mùa  trăng

 

   West Lafayette , Indiana, Con đường trung tâm nối hai miền đất nước bao la . Những  cuối tuần muà thu, đầu niên học, dòng xe cộ như thác nguồn , đổ xô về Ross-Ade stadium. Nhưng  cuối tuần nầy , dòng thác xe cộ thay đổi màu sắc cự kỳ sinh động. Thay vì nhìn thấy màu  aó biểu hiệu của đội banh thuộc Viện Đaị học Purdue  Boilermaker,  lại là màu đỏ rực rỡ cuả đội thiếu niên điểm trống diễn hành, màu quân trang cuả  các toán binh sĩ thuộc điạ,  những chiếc váy  sọc màu sắc cuả  nam giới  vùng Scottland , bên cạnh bộ áo cánh vải thô, chiếc nón miễng  trắng viền đăng ten cuả người phụ nữ tiền phuông , và nhất là những chiếc lông chim đủ màu sắc ngạo nghễ trên đầu các vị tù trưởng , tiếng kim khí khua theo từng bước chân cuả cô thiếu nữ thổ dân điạ phương.

   Tất cả trăm, ngàn,  theo chân nhau đổ về Fort Ouiatenon, điạ điểm hàng năm dựng lại bối cảnh lịch sử khỏang thời gian đầu thế kỷ mười tám, khi đoàn thương buôn Pháp theo chân quân đôị Anh Quốc và Thổ dân bản xứ trao đổi hàng hoá,  chung vui mừng chiến lợi phẩm  săn bắn và muà màng  trồng tiả cuối năm .

  

   1

Bến đổ cuối hành trình.

 

   Dòng sông nhỏ, chảy nhẹ nhàng,  hai bên bờ nghiêng bóng cây, cơn mưa đổ nước nguồn biến màu xanh lục của thường ngày thành một màu nâu vàng lờ lợ. Đứng trên bãi, người tu sĩ  xúng xính chiếc áo dòng đen, thánh giá trên tay, bên cạnh là anh trung úy  oai nghi trong quân phục đaị lễ thẳng nếp, gươm lệnh đeo bên mình, trên vai khoát súng trường*  theo phía sau là hai hàng quân, nhịp trống  quân hành hoà tiếng kèn đồng thúc giục, vang dội trên dòng sông nước chảy lăng lờ..

  Hàng năm, vào mùa thu, ngày trăng tròn, Fort Ouiatenon, điểm hẹn của những đoàn canoe từ nghìn trùng phương bắc, Quebec, ròng rã xuyên qua hồ  Ontario, trải dài theo hồ Erie … Bắt đầu từ mùa xuân, khi mặt hồ như hồi sinh, sau những tháng ngày mùa đông ngủ yên trong băng giá. Hành trình vượt qua bao nhiêu dòng sông cái, bao nhiêu sông con, suối nguồn nước chảy nhẹ nhàng, hay những đoạn gập ghềnh thác đổ, qua từng xóm làng cách biệt, thôn bản xa xôi, trong cái yên lặng tịch mịch của bóng cây, của rừng thiêng kỳ bí, tiếng nói, ngôn ngữ cũng trở thành hiếm hoi, hơi hám con người pha trộn với khí ẩm mốc cuả thiên nhiên và  hương nồng nặc cuả muông thú.

   1917, khi những quân nhân French dựng Fort Ouitanon, nơi nầy đã trở thành một tụ điểm buôn bán trao đổi hàng hoá cuả dân bản xứ ** và đoàn thương buôn từ xa theo dòng Wabash đổ về .  Những phụ nữ tiên phuông, theo chồng về lập nghiệp ở vùng đất xa xôi, rời xa  vùng thị tứ Quebec,  khu vực tỉnh thành như viên kim cương chói ngời. Nơi  đây, giữa rừng thiêng hoang dã, không có bóng dáng của con người văn minh hiện diện, họ là những người đầu tiên đi khai phá, vượt qua đoạn đường dài trăm ngàn dặm sóng nước bao la, về miền đất hứa, chỉ còn một khoảng sông ngắn nữa là đến nơi, muôn đời , người phụ nữ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn là phụ nữ, họ nằn nì phân trần với người hướng đạo,  phải dành lại chút thời gian, dừng lại  bên bờ sông vắng, trong lúc các tay bơi nghỉ ngơi, những phụ nử xuống dòng sông tắm gội, họ mang ra những áo quần từ lâu gói kín trong giấy dầu, chải lại mái tóc, giắt chiếc lượt sừng, vuốt thẳng lại  nếp áo nhăn, nhìn bóng mình trong làn nước lung linh, tưởng tượng lúc tiếp xúc cùng đồng loại, nghe lại ngôn ngữ cuả con người, thanh âm, tiếng nói như khúc nhạc reo vui, nghe thật xôn xao, thật rộn ràng.

   Tiếng đại bác xé khung trời tĩnh mịch , cà một vùng bãi sông như bừng tỉnh cùng lúc với tiếng reo hò chaò mừng đoàn lữ hành, từng chiếc  xuồng thon thả chứa hai tay chèo cho tới những chiếc xuồng dài  chưá cả chục tay, gỗ Birch lấp lánh trang sức thêm bao nhiêu màu mè rực rỡ, những kiện hàng hoá  gói bằng giấy dầu cẩn thận , nằm im trong khoang chờ đợi, vị Giáo sĩ  làm dấu Thánh  giá, đoàn người theo chân, những  bàn chân từ lâu không bám mặt đất đen chợt mừng vui khấp khởi , đoàn người như trò chơi rồng rắn  uốn khúc từ bãi sông dẩn vào  khu doanh trại tiền đồn , khiêm nhường với những log house ***cùng làng mạc thô sơ vừa dựng lại , khắp nơi, những tiếng cười đùa rộn ràng , san sát là những nóc lều vải bố cuả  thổ dân, đây đó tiếng  động ồn ào biểu lộ sinh hoạt hàng ngày cuả  làng mạc xa xưa, tiếng ống bể lò rèn, tiếng  buá nện vào thép nhịp nhàng ,  mùi khói than nướng thịt rừng thơm lừng trong góc , trên cháng ba nhánh cây chụm lại, treo chiếc nồi gang bốc hương thơm ngào ngạt, hình ảnh gợi nhớ bài học lịch sử ngày  xưa, khi Quang Trung đại đế tiến quân vào Thăng Long cho kịp ngày hẹn đầu năm, võng quân và gióng nồi  niêu khi nấu nướng cho đoàn quân di chuyển thần tốc , đi không ngừng nghỉ. Con người và bộ óc siêu việt luôn khắc phục mọi khó khăn .

 

   2

   Cuộc diễn hành.

 

   Đầu ngày, khi tiếng động cuả chiếc ca nhôm, muỗng niã lanh canh , khi những làn khói trắng ủ trong bếp than hồng xua bóng tối và hơi lạnh ban mai. Mưa , những giọt mưa không làm giảm những đợi chờ sôi động . Tiéng trống giục giã, bước chân nhịp nhàng , tiếng kèn “ Bagpipe “ cuả miền đồi Scottland hoà theo tiếng sáo cao vút cuả vùng đảo Ireland, âm thanh rộn ràng sôi động, những khuôn mặt đợi chờ hăm hở, mưa nhỏ giọt từ những chiếc dù muôn màu sắc , mưa bám trên những chiếc lông chim Trĩ nhuộn màu sặc sỡ cuả người thiểu số vùng bình nguyên Trung Tây Hoa Kỳ , mưa  trút nước, dìm đám cỏ xanh xuống bùn , bước chân người dẫm lên xem xép, taọ thành một âm thanh không thể quên, âm thanh cuả những ngày đầu mùa mưa thời tuổi nhỏ, ở quê nhà , tháng tựu trường cũng là mùa mưa, từng cơn mưa già, con đường làng lầy lội đất sét bám vào chân, đôi guốc gỗ không bám xuống mặt đường, ngã xuống, cặp sách ướt lem nhem …

–         Royal

   Tiếng khẩu hiệu hô to và tiếng vọng lại  , sao xác từng chiếc lá , trên ngọn cây. Cử động nhịp nhàng quen thuộc , tra lưỡi lê vào đầu súng bồng trên tay , tư thế nghiêm nghĩ theo mệnh lệnh. Như cuốn phim dĩ vãng quay nhanh trong khối óc, tưởng đã đặc quánh từ lâu , hình ảnh cuả ngày tuổi nhỏ chạy theo bầy trẻ con ra phố chợ nhìn toán Thanh niên, Thanh nữ Cộng Hoà tập diễn hành.

   Từng đôi, người quân nhân trao súng cho người bạn bên cạnh, tiến ra dưới chân cột cờ, từng lá cờ được cẩn thận cột vào dây, bài Quốc ca “  Lá quốc kỳ lấp lánh ánh sao …”gợi lại hình ảnh cuả những ngày chiến đấu cho Tự Do, bài  học Lịch sử nào cũng trả bằng máu xương . Tiếng hát hoà theo nhịp trống cuả những người thổ dân bản xứ, theo tiếng mưa nhịp nhàng trên cây lá , âm vọng cuả những ngày tháng vật vã tranh sống với thiên nhiên , khắc phục mọi khó khăn để sinh tồn …

   Trên Kỳ đài, phất phới Quốc kỳ với năm mươi ngôi sao, kế tiếp là lá cờ mười ba ngôi sao thời lập quốc, cùng lá cờ cuả các quốc gia đồng minh thuở bấy giờ , tất cả bay ngạo nghễ trên nền trời xám nặng hạt mưa.  Súng bồng tay, nạp đạn, khẩu hiếu hô to, nòng súng hướng lên trời, tiếng nổ như  tiếng sấm xé không gian , mùi khói lưu huỳnh lan qua khét nghẹt, tiếng nhạc trổi lên, mở đầu cho muà hội . Tiếng reo hò theo tiếng trống di hành , từng đội, từng đội duyệt qua, mang theo bầu đòan thê tử, những chiếc áo da thú mềm mại, từng chiếc băng đầu tua tuả  lông chim trỉ, trang điểm thêm rực rỡ màu sắc cuả  thổ dân, theo sau chiếc váy dài xoè theo từng bước chân cuả người phụ nữ da trắng , khuôn mặt rạng rỡ ấn sau chiếc nón miễng [ bonnet ] màu trắng,  thêu từng hàng đăng ten thật cầu kỳ, bầy trẻ nhỏ nắm tay nhau , những ánh mắt vô tư nhìn người chunh quanh không chút ngại ngần .

 

   3

   Buổi  hoà nhạc

 

   Trên khoảng đất trống , căn nhà gỗ đầu tiên được phục hồi, dòng nhạc vui tươi cuốn hút, bổng trầm, lẳng lơ tinh nghịch, hình ảnh người thiếu nữ trăm năm trước đây , môi cười, mắt đong đưa lúng liếng, hân hoan mở  hòm rương, chiếc áo luạ bấy lâu nay cất kỷ, mang ra hong  nắng sớm, mái tóc thường ngày giấu kín dưới chiếc nón , trong vành khăn, cài đóa hoa mới nở còn lóng lánh hat mưa…

Chiếc đàn violin trong hộp lâu nay nằm im lìm , phút chốc hồi sinh, tưng bừng hoan lạc, từng âm thanh đuổi theo nhau như nước nguồn, như suối chảy, như mây trôi.  Âm thanh như từng giọt máu luân lưu , về chốn nơi hò hẹn …đôi bàn tay nhịp nhàng , tiếng đàn tranh trong vút, tiếng hát  cất lên, trong cái không gian đầy mưa buị bay, trên những bó rạ chất sơ sài , nhóm thính giả ngồi yên lặng  lắng nghe từng lời, bài dân ca vui nhộn, từng nốt nhạc , thứ ngôn ngữ truyền thông không biên giới., không tuồi tác , không  giai cấp phân chia, tóc trẻ con xanh mượt  bên cạnh mái đầu trắng phau, có điều gì nhiệm mầu, bàn tay nối thanh âm …

Bittersweet & Briars  , Father, Son & Friends, Trois Canards, Barb Kotula …mỗi nhóm với âm thanh đặc thù cuả từng vùng đất đai khởi xuất , ngôn ngữ ngọt ngào cuả từng sắc dân, từ vùng đảo Ireland , cùng cao Hightland [ Scottland ] , vùng hoa lệ Quebec. Từng âm thanh, chứa một trời tưởng nhớ, tiếng dân ca ngọt ngào, tiếng sáo thiết tha, đôi mắt lóng lánh , miệng cười chúm chím, câu hát đùa tinh nghịch, tuổi trẻ mạch sống trào dâng, người lớn tuổi ngồi nhịp tay hài hoà ,hình ảnh mở laị trong lòng những ngày hội hè thời mới lớn, thời tóc còn xanh chân chim sáo tung vui, bất giác lòng vui như mở hội , như cánh diều no gió,  ngồi xuống bên nhau, dù không cùng ngôn ngữ, nhưng chung một dòng cảm xúc ..Chúng ta đi bất cứ nơi nào , cũng mang theo quê hương .

 

  

   4

Sân cỏ kịch trường

 

–         Quí vị nào là con trưởng trong gia đình , xin quí vị đứng lên , chúng tôi chúc mừng quí vị, vì theo luật định thời bấy giờ, quí vị sẽ là người thừa hưởng tất cả gia tài , gồm có căn nhà , miếng đất  ngựa trâu …

–         Nhưng chúng tôi cũng xin chia buồn với quí vị, theo thống kê thời bấy giò , bạn có thể sống đến năm mươi tuổi , và nếu Mẹ cuả quí vị chưa chết  khi sinh nở  khó khăn thì  bấy giờ Mẹ cuả bạn sẽ sống với bạn suốt đời .

–         Quí vị nào là con trai thứ trong gia đình ?  Nhìn sang bên láng giềng, xem có nhà nào con gái đang tuổi cập kê , muồn gả chồng, hãy ráng mà tìm cho được cô vợ giàu với hồi môn lớn vì tất cả cuả cải đã về tay anh cả cuả quí vị hết rồi …

–         Quí vị nào là con thứ ba , con đường duy nhất cuả bạn là : đi làm tu sĩ , chúc bạn thành công ….

 

–         Quí vị phụ nữ xinh đẹp kia , lấy chồng từ thuở còn son , đến năm mười tám thiếp lòn xòn dăm con .Nếu quí vị không chết vì sinh con, thống kê bây giờ thì trong năm người phụ nữ có một người chết vì sinh sản khó khăn , một người chết vì hậu sản , nhưng chúc mừng quí vị vì phụ nữ luôn thiểu số .

–         Nhưng cũng báo tin buồn cho quí vị, vì sống giữa rừng thiêng,  láng giềng gần nhất cuả quí vị cũng đi mất …mấy ngày …

–         Nếu quí vị muốn mua một cái kim để khâu vá thì phải chờ đến muà trăng sang năm, khi đoàn thương buôn vượt thác gềnh từ Montreal sang như đã hẹn .

–         Chúng tôi cũng chúc mừng quí vị, người đã sinh tồn sau cuộc hành trình dai dẵng , vượt qua ngọn thác hùng vĩ, qua  nhị hồ bao la không thấy bến bờ.

–         Ấy xin quí vị đừng vội tin tưởng là những người nầy đều là tay bơi lội, thưa không , khi họ đến xin gia nhập đoàn thương buôn , công ty đánh cá sinh mệnh bằng cách chọn người không biết  bơi, vì người biết bơi khi gần ngọn thác dữ, họ có thể đánh liều bỏ bè để bơi vào bờ thoát thân , còn người không biết bơi ? Họ không có chọn lưạ nào khác hơn là cột thân mình vào bè, phó thác cho số mệnh , nhờ vậy mà cả người lẫn hàng hoá có thể đến bờ …Ấy có chuyện vượt thác nào mà  không phiêu lưu đâu  quí vị ??

 

  

   Sân cỏ rộn ràng với tiếng  Fiddle ngọt ngào , anh kịch sĩ  vuốt nhẹ hàng ria mép, hất những lọn tóc đen mịn màng ,  nghiêng người cuí chào rất ư là điệu nghệ, trông như chàng hiệp sĩ thuộc giai cấp quí tộc trong triều đình hoa lệ đang bái kiến Nữ Hoàng ….

–         Chúng tôi xin giới thiệu Madame Issabel , người phụ nữ phiêu lưu theo chân đoàn thương buôn đi tìm đất mới .

–         Người đang thả những cung tuyệt vời hầu quí vị là  Nam Tước  De Cour. Rất ư là lịch duyệt, tài hoa , ngoài thiên tài nhả nốt nhạc tuyệt vời , còn thiện nghệ đấu gươm, muá kiếm nhuyễn như lá bay , Suỵt , nói nhỏ cùng quí vị thôi, chúng tôi không bảo đảm là có chiếu chỉ truy nả gắn theo tên cuả  Nam tước hào hoa nầy không , nghe nói là có trận so tài mất còn  nào đó ở vùng ngoại thành …

–         Và  đây là Mademoiselle Margarette, cùng nhủ mẫu, và nàng hầu, mademoiselle người nổi tiếng của tỉnh thành Quebec, là bông hồng  gai đã vượt qua bao nhiêu chặng đường gian khó, mademoiselle đang đăng bảng chiệu phu, nếu quí Genteman  nào muốn lọt vào mắt xanh thì xin ..nhanh chân kẻo muộn .

–         Thưa quí  vị, tiếp theo là  Madame Yvette . Bà là người nổi tiếng cuả một Salon dập dìu tài tử giai nhân cuả giới  thượng  lưu, hiện nay Bà mang theo cái không khí rộn ràng cuả thành đô , mời quí vị chờ xem

–         Đây là Madame Cadillac Dancers , những nghệ sĩ sẽ hướng dẫn chúng ta theo từng bước chân cuả điệu dân vũ **** nhịp nhàng tươi vui , xin mời quí vị .

 

 

 

   5

Làng thủ công

 

   Đôi bàn tay thoăn thắt, sợi lát theo những ngón tay đan vào nhau , quấn quít,  bốn chân gỗ bóng ngời , chiếc đệm ghế theo bàn tay cần cù trăm năm trước, khoảng thời gian con người sống bên cạnh thiên nhiên, từng ngày, công việc mưu sinh  là tranh đấu không ngừng với nắng mưa , chuốc từng thanh lát nhỏ, từng mảnh da lông thú , những chiếc đưôi chồn sau mùa săn, tất cả chưng bày trong gian hang làm nơi đổi chác.

Đứa bé tung tăng nhặt mảnh ốc đủ màu , người phụ nử cầm chiếc lông chim trỉ màu sắc óng ả xuýt xoa, mái lều thơm nồng nàn hương , lá rosemayry, appocalyptic … trộn nhau với mùi gỗ mớt cắt , mùi vỏ quế và táo thơm…như cuốn theo …

Nhìn chăm chú vào khung căng trước mặt, di chuyển từng con thoi quấn chỉ nhỏ, mỏng như tơ, xuyên qua , dừng lại , xếp thành những hàng bay lượn , cuối cùng , mảnh đăng ten daì theo thời gian và đôi bàn tay khéo léo , có đứng lại nhìn , mới thấy sự kiên nhẩn , mới thấy công trình nghệ thuật, thời gian đòi hỏi để thực hiện từng  tấc từng li , cùng lúc mới thấy phương cách cầu kỳ cuả thời xa xưa ấy ….Bên cạnh cuộc sống vật vã tranh đấu với thiên nhiên, bệnh tật sống còn , khi tất cả phương tiện giao thông tùy thuộc vào chiếc xuồng  con mong manh, khi suốt muà săn tích trử từng mảnh da , từng chiếc đuôi lông  chồn, từng mùa ngũ cốc , bắp khoai …người phụ nữ vẫn muôn đời trang điểm, dù chỉ là chiếc lông chim trên mái tóc , hàng đăng ten trên ngực áo,  cành hoa ép khô trong góc nhà, chiếc tuí thơm ướp vào quần áo hội hè …kỳ diệu thay , cuộc sống muôn màu sắc …Hành trình trăm năm trước , nghìn năm sau …vẫn trào dâng mạch sống .

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

 

* Chỉ huy thời bấy giờ ?? { Mang cả gươm daì  và súng trên vai ?? }

** American Indian

*** Log house : ngôi nhà xây bằng các thân cây chồng lên nhau .

**** Square dance [  Điệu dân vũ quốc tế ]

 

Fort Ouiatenon Historic Park  : 4 dặm tây nam cuả thành phố West Lafayette Indiana , nơi hàng năm diễn ra Ngày Đại Hội  vào muà thu, đầu tuần trăng .

 

Giọt nắng cuối chiều 4

Giọt nắng cuối chiều 4

 

 

4 Giọt nắng

 

Giọt nắng xuyên qua khe gỗ, in xuống những hình kỷ hà loang lỗ trên nền gạch, vuốt giọt mồ hôi trên trán, nhưng không thể ngăn được những giọt lăn dài theo đốt xương sống trên lưng. Nhẩm đếm mấy cây hoa trong phần khay còn lại, đã trồng được hơn một nửa rồi. Nắng trưa bắt đầu gay gắt, Trân nhìn màu cỏ xanh mượt sau cơn mưa, mùa hè Bắc Mỹ đi ngược lại tuổi đời, tuổi càng lên cao mùa càng ngắn lại, đám hoa Thuỷ Tiên vàng sau mùa xuân đã tàn, hàng Uất Kim Hương chỉ còn một ít khoe màu muộn màn, những chồi Iris cũng chực chờ trong nắng sớm . Bên góc nha,ø hàng Peony đã xanh mượt, nhánh nặng trĩu nụ hoa…

Trân tiếp tục xới đất, lượng khoảng cách, đặt từng thân cây nhỏ nhoi xuống, lấp đất cho đầy và tiếp tục, hàng hoa kèn Petunia, sau đó là hàng lá bạc, tránh xa hàng Tulip, Trân nói thầm với chính mình “cuối mùa nầy phải đào lấy củ lên, sang thu sẽ trồng lại”. Cái hàng rào dây cuối vườn trông xấu xí thế kia mà được việc, ít nhất thì cũng che chở cho những nụ hoa Tulip vừa mới ló dạng, họ hàng nhà Ngọc Thố cứ lăm le nuốt chững vào dạ dày lép xẹp sau mùa đông dài lê thê.

Mùa đông, khu rừng sau nhà chỉ là những cành cây khẳng khiu. Nổi chờ đợi thắt thẻo, cuối cùng dọn vào căn nhà mới xây khi tuyết còn phủ trắng chân đồi, trăng Thượng Nguyên long lanh thướt tha ngoài cửa sổ, dịu dàng trên nền tuyết lấp lánh như gương soi. Đêm đầu tiên nằm yên trên sàn nhà, căn nhà trống rỗng, cửa chưa màn che, phòng chưa giường chiếu, nhìn ánh trăng bay bay, những vệt sáng di chuyển, nhảy múa dịu dàng, nếm từng giọt tĩnh mịch trên đầu lưỡi, mùi hương thơm bình an. Cái cãm giác nhẹ nhàng, bay bổng, như những ngày tuổi nhỏ nằm trong lòng Ngoại trên chiếc võng đong đưa .

Tháng giêng, cơn bão tuyết đầu mùa, những tinh thể trắng ngần, từng hạt li ti bám vào nhau như trăm nghìn đoá hoa, bay phơ phất trong trời. Trân nhìn đóa hoa trắng nuốt, nhớ lại những hoa gòn tơ mỏng bay trong nắng, ngày tuổi nhỏ, trong khu vườn sau, hai chị em chạy tung tăng đuổi theo, nắm lấy tơ hoa vào bàn tay, rồi lại đưa lên môi thổi bay đi, trả lại cho không gian phiêu phất. Nhìn các con như bầy chim vỡ tổ, tung tăng mang máng tuột, giầy tuyết, khăn quàng cột phất phơ, rủ nhau từ trên đồi cao thả máng chạy dài xuống, niềm vui đơn giản, như Mẹ và Dì thuở nhỏ mang mảnh ván chờ nước ròng ra bãi bùn chạy chùi xuống lòng sông, tiếng cười đùa vang vọng, buổi sáng trời trong xanh buốt. Những ngày tuyết rơi, liên tiếp, các con vẫn vô ưu, không còn nhìn thấy mặt đất, chỉ một màu mênh mang, được nghỉ học là niềm hân hoan, tiếp tục các cuộc vui, bày thêm trò chơi mới, ra sân vò tuyết đắp thành hình tượng, những người tuyết lớn bé đứng trong sân nhà, nhìn như thằng bù nhìn đang phe phẩy trên ruộng dưa .

Mùa đông dai dẵng, bất tận, rồi cũng qua đi, những hạt tuyết long lanh giã từ, vậy đó, đếm từng mùa đã đầy hai bàn tay. Như đôi vợ chồng chim Robin đã rời bỏ tổ ấm êm, mang bầy con vào khung trời bát ngát. Nụ xanh phơn phớt, lấm tấm trên cành cây khô, từng ngày, những cơn mưa xuân rào rạt, từng chồi xanh non nhởn nhơ, nụ hoa Forsythia rực rỡ trêân cành, nhìn màu vàng trong nắng, lại nhớ rừng Mai khoe sắc ngày đầu năm. Khu vườn nhỏ, từng viên gạch lót, từng khúc cây cưa cắt, mùa tiếp mùa, bao nhiêu giọt mồ hôi đổ. Hàng Cúc vàng mỗi cuối ha,ï đầu thu, hãy còn đang xanh mượt lá.

Trân nhìn sang góc cuối vườn, cây đào trồng mùa xuân đầu tiên khi về nhà, hoa nở cuối tháng tư, màu hồng phấn mong manh, nhánh đã trĩu nặng trái xanh Trong bóng hoa lả lướt nghiêng mình, thấp thoáng chút ánh sáng mùa xuân, có hình ảnh người đàn bà với mảnh khăn rằn vắt lên che mái tóc, trên tay cầm chiếc nọc cấy… Có hình ảnh bà hiu hắt lúc bóng chiều loang, bà với nụ cười móm mém của hàm không còn răng, bà của đôi bàn tay khẳng khiu. Hình ảnh như những vết thương lâu rồi không còn đau, những vết thẹo theo tháng năm cũng mờ nhạt. Người đàn bà bắt đầu cho bốn thế hệ, từ con rạch nhỏ mùa khô, bãi bùn, chỉ còn lại con đường nước chảy nhỏ, không đủ chiếc xuồng bơi ngang. Con rạch hai mùa mưa nắng, tháng nước đổ đục ngầu màu phù sa, đổi sang mùa nước giựt tháng mười, màu nước phèn một lần nữa thay sang xanh vàng rờn rợn.

Thế hệ thứ hai, từ ngôi chợ nhỏ với cửa hàng khiêm nhượng, bà Nội hàng ngày làm các thứ bánh trái, may vá thêu thùa, buôn bán các loại hàng vải và các thứ kim chỉ linh tinh, lúc các con cháu đã trưởng thành, không còn ngồi cửa hàng, lại trở về nếp sinh hoạt quen thuộc, trồng trọt, nuôi heo, tính toán bỏ ống cho chi dụng trong nhà. Dù không còn ruộng lúa, không còn nuôi những người tá điền, công cấy, nhưng bao giờ vẫn chén gạo, chiếc khăn, manh áo chia cho kẻ khó nghèo.

Thế hệ thứ ba, cùng lúc với ngôi chợ nhỏ đã trở nên trù phú, người con dâu trong nhà, thay Mẹ chồng quán xuyến, khuôn mặt cửa hàng cũng thay đổi theo thời gian , những ngọn đèn điện sáng thay cho ngọn đèn dầu lửa mù mờ mọng khói, cuộc sống như diều căng gió, phồn vinh từ chiếc xuồng nhỏ ngược dòng nước , lên chiếc xe ngoại quốc, bước vào mát rượi máy điều hoà không khí. 1975, bỗng chốc đảo lộn, theo cả nước đi thụt lùi, trở về thuở chống xuồng xuyên cánh đồng về khu chợ nhỏ, rọc từng manh lá chuối, xếp từng trái cam, chắc chiu mua cho Cha già con cá đã từ lâu không hề để mắt. Cuộc sống đảo điên, nhơm nhớp hàng ngày, cổng trại học tập bên trong hàng kẽm gai tàn dư, lúc nào cũng như đe doạ. Cho đến lúc cuối chiều, con cái tản mác, lại khăn gói trở về thành phố, sống trong căn nhà mấy tầng lầu chỉ có chiều cao, suốt ngày quanh quẩn trong phòng, bốn thước vuông vào ra như bóng .

Trân thở dài, lại nghĩ đến Mẹ, cái dáng dấp thong dong mảnh khảnh ngày nào, bà thường bảo “ chỉ cần nhìn vào đám đông, nhìn mái tóc và vầng trán cao là có thể thấy con dâu ngay. ” Mẹ của lần cuối cùng về thăm, nằm trầm kha hiu hắt, nhẹ như bóng, mong manh như sương, khi đở trên tay em than “ Mẹ già thật rồi ” Nhìn hơn thất thập mùa xuân, nhìn mái tóc xanh ngày nào, những sợi mong manh vương vất… chỉ còn lại những chân trắng lấm tấm …

 

Thế hệ thứ tư, bầy con gái như những hạt châu mưa …Hạt rơi xuống đất, hạt vào …

Trân nhìn chiếc bóng in dài, chiếc bóng hắt hiu ngã theo chân người đàn bà đang tắm những giọt nắng long lanh cuối cùng của ngày hè Bắc mỹ …

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Xin mời bấm vào Link để nghe diễn đọc

 

 

 

Giọt nắng cuối chiều III

 

 

Giọt Nắng cuối chiều

 

 

3 Chiếc võng đong đưa

 

Cơn nước ròng chảûy xiết, từ đồng ruộng bao la, đổ dồn về, vội vã chen chúc nhau trong lòng con sông nhỏ nhoi đục ngầu phù sa, nước từ muà nước nổi cuả năm qua. Chiếc xuồng như con trâu già mệt nhọc, cố gắng bơi gần bờ, tránh sức nước, Phấn nhìn tia sáng mặt trời lấp lánh, nhảy múa trên tàng cây kẻ lá, những gốc bần to chểm chuệ lấn ra tận đầu doi, hàng gừa bên dòng sông rễ buông chằng chịt như tóc rối, thả dài từ nhánh cây cao là đà tận lòng sông, như luyến lưu bám víu, như mời mọc đón chào.

Nắng đã lên cao, Phấn nghĩ thầm. Con cá lóc nằm lờ đờ trong khoang xuồng, cái miệng hả to ngáp ngáp, hai mang tai mệt nhọc. Phấn vốc nước cho thêm vào khoang, nhìn con cá, nghĩ đến sự sống mong manh, từ lâu, đã không còn nấu nướng thịt cá, mùi nhớt cá tanh tưởi, cộng với mùi đất bùn, Phấn có cảm tưởng như sắp buồn nôn. Nhưng Ba bệnh đã hơn tuần nay, thường ngày vẫn thả bộ từ vàm vô ngọn , vậy mà giờ không nhấc nổi cánh tay. Phấn thở daì, nhìn laị con cá lóc, miệng lẩm bẩm đọc Chú Giảng Sanh thôi đầu thai kiếp khác …

Chiếc xuồng vừa cập bến, căn nhà gỗ sơ sài, ngoài lan can treo lủng lẳng mấy chậu hoa Phong Lan, mấy chiếc xuồng cột san sát bên nhau, cạnh cây cầu dừa , con mèo nhỏ lông đã bắt đầu mượt mà, đang lim dim nằm phơi nắng trong góc. Phấn cột xuồng, thu dọn các thức cho vào thúng con, xách con cá còn đang hoi hóp thở, mở nón lá, quạt nhanh giọt mồ hơi trên chân tóc, bước vào, bóng tối ụp xuống, nheo ắt cho quen với ánh sáng trong nhà, nhìn ông cụ gầy gò nằm trên ghế bố, Phấn nhẹ nhàng

– Thưa Ba con mới về

Ánh mắt xuôi theo tay con dâu, cụ hỏi

– Con đi chợ về rồi à, mua cá chi vậy ?

– Mấy hôm nay Ba ăn cháo , con tính nấu tô canh cá Ba ăn cơm cho mau laị sức

– Ba ăn cháo cũng được, không thấy thèm khát gì, con mua làm gì cho tốn tiền, con rót cho Ba tách trà

– Ba có muốn ra ngoài trước hiên ngồi một chút không? Mấy đứa nhỏ cũng sắp về rồi, con đi nấu cơm .

 

Người đàn bà ẳm đứa bé trùm dăm ba lớp khăn kín mít trên tay, con bé hai má hồng , môi đỏ như toa son , người hâm hấp nóng, Phấn hỏi người đàn bà:

– Mợ Ngự, con nhỏ nóng laị sao mà ẳm nó ra đây ?

– Dạ , từ tối hôm qua đến giờ, tui cho nó uống thuốc nhưng không hạ nhiệt , tốc xuồng bơi ra hồi sáng tới giờ

– Anh đã coi nó chưa ?

– Dạ rồi, mới uống thêm một lần thuốc nữa đó chị

– Thôi mợ ẳm nó ra bộ ván sau nhà tránh gió đi, chị đi làm con cá nấu tô canh cho Bác Ba

– Cá gì vậy chị ?

– Cá lóc thôi, thịt hiền , bác bệnh cả tuần nay, có ăn uống gì đâu, chị tính khúc đầu nấu canh khúc giữa thì kho mặn cho dễ nuốt .

– Chị ăn chay mà, làm sao đập đầu cá ?

– Ưø, thì cũng phải làm chớ ai làm bây giờ, mượn người bán đập đầu nó cho chết đi, bơi nước ngược về tới nhà thì cá ngon thành cá ươn, thịt bở rạc, nấu canh đâu có ngon lành gì ..

– Thôi chị ẳm con nhỏ, để tui đi làm cá dùm chị, tui làm hàng ngày mà

Vợ Ngự đưa con nhỏ cho Phấn , xách con cá lóc ra sau nhà.Con bé cựa mình rồi thiêm thiếp lại, sờ lên trán hâm hấp, sắp đổ mồ hôi, vậy là sẽ bớt nóng. Phấn nhúng khăn tay, vắt cho khô rồi lau khuôn mặt nhỏ, mở lóp khăn quấn, đôi mi nhướng lên rồi khép lại…

Cầm con găng võng, xỏ ngang, nuột dây thắt lại, treo một đầu dây võng lên cây cột trong góc nhà, đầu kia vào cây đà ngang, nhún thử cho chắc , một tay vạch thành võng, tay kia bế con bé, dặt nó vào nhẹ nhàng, kéo lại mối khăn lót, con bé ngủ mê man, vì sức thuốc hay vẫn còn chống trả với sức nóng thiêu đốt trong thân thể nhỏ nhoi .Phấn lại nhớ con hiu hắt, thư từ qua lại đôi ba tháng một bức, không đủ chứa hết bao nhiêu nhớ thương.. Thằng cháu Ngoại chưa kịp bế bồng cho quen hơi, đã vượt rùng dương sóng gió. Những lần nghe tin con mang thai, trở dạ, đường vượt biển mồ côi, nhớ bầy cháu xa chưa được thấy một lần. Không biết lần nầy con nhỏ có bị hành không, hồi mang thai nó cứ thèm hết chùm ruột lại cóc ổi, ngược lại với thằng em, nay chè mai xôi …

Phấn thở dài , mong sao đời sống các con an toàn, không quá cực khổ hàng ngày. Hai đứa còn lại, chỉ tội thằng Minh, đi học mà không chịu thọc tay xuống bùn, ở cái thời khẩu hiệu “Lao động là vinh quang”, thằng nhỏ vốn ưa sạch sẽ, quần áo gọn gàng, tay chân không lấm cát bụi thì làm sao có điểm lao động tốt như học trò khác được? Còn đi học trong trường tiểu học thì còn có các Dì bao che, mai mốt ra trường trung học huyện thì không thể tránh được điểm xấu . Sinh ra muộn màn, khi các anh chị đã lớn lên, laị thêm ốm yếu bệnh hoạn, biết đi chập chững thì vướng bệnh căn, mỗi lần đau bụng khóc mòn mõi, mâm cơm dọn trên bàn nguội lạnh, Ôâng vào ra không nhấc đũa. Bồng bế các nơi, từ bác sĩ cho đến thầy ta, nghe bà con chuyền miệng vị nầy danh tiếng, bà kia nổi danh mát tay, lại bế bồng đến xin khám bệnh, nhưng chỉ hoài công, không ai tìm ra căn nguyên, chú Sáu nó nhai gừng đắp bụng nóng phỏng cả miệng lưỡi, Bà ôm trên tay ru suốt đêm ngặt nghẹo . Cô Tư nó lén mang tên tuổi ký bán vào chùa nầy đình nọ, xin cho cháu bình an.

Chưa kịp lớn thì nước biến gia vong, ngã ngũ, tan hàng, đang thầm lặng sống qua ngày thì bị tịch biên gia sản , đang tắm sông buổi trưa thì bị cấm cửa, không cho vào nhà xin chiếc áo che thân , phải chạy sang nhà hàng xóm xin cho manh áo cũ. Phấn nhớ lại cảnh con đang trần thân trong nắng trưa, nài nỉ chú công an xin được vào nhà lấy áo mặc và đôi mắt lạnh lùng nhìn thằng bé như kẻ thù truyền kiếp.

Những ngày tháng trốn chui trốn nhũi ở nhà người quen, ít lâu phải dời đi nơi khác vì không muốn người thân bị liên lụy tội chứa chấp tàn dư, che chở cho người dính dáng vào Nguỵ quân, Nguỵ quyền, tư sản, từ bên nhà Dì Thanh chạy ra Sài Gòn, rồi về lại Long Xuyên . Cho đến lúc cạn kiệt thì quay về dựng mái lá sống âm thầm bên cạnh con rạch nhỏ, nương tựa vào những người bà con chân lấm tay bùn …

 

Vũ Thị Thiên Thư

[ còn tiếp ]

 

Xin mời bấm vào link để nghe diễn đọc

 

 

Giọt nắng cuối chiều II

Giọt Nắng Cuối Chiều

2 Nắng trưa

Chiếc võng bố đong đưa theo nắng trưa, tiếng dây thừng cứa vào cột gỗ nhịp nhàng, tiếng giấy qua trang xào xạt , thanh âm như cắt vào không gian êm đềm, hài hoà cùng với tiếng đọc giảng đều đều
Tu đầu tóc không cần phải cạo
Miễn cho tròn cái đạo làm người

Gẫm nhìn Kỷ Mão vừa qua
Gẫm trong thiên hạ nhiều nhà thiếu cơm

Ngày nay tốt phước sang giàu
Xin thương kẻ khó giúp hào một khi

[ Sấm giảng thi tập, Đức Huỳnh giáo chủ , trang 27 ]

Bà Hương xếp lại cuốn Sấm giảng , mấy con muỗi đói bay lượn vo ve, con chó vàng nằm gác mõm bên cạnh khung cửa đôi mắt lim dim. Ngồi dậy, búi tóc vướng vào mắc võng xổ tung, bà dùng ngón tay của bàn phải vuốt tóc cho suông sẽ, quấn lại một vòng trên tay trái rồi lận ra thành múi tóc, tém đuôi tóc mượt mà, thả ngọn tóc như cái mồng nhỏ cong cong hình nửa vành trăng lưỡi liềm. Xỏ chân cào đôi guốc gỗ, bước sang hàng hiên, múc một gáo nước rửa mặt, hớp một chút, xúc miệng, tạt phần còn lại vào mấy trái dừa mộng xếp thành một hàng dài dọc theo đường mương. Nắng trưa thật gay gắt, nhìn ra vườn cây sau nhà, mấy cây mận trắng, nhánh nặng trĩu, bông trái non rụng đầy dưới mương, bà nghĩ thầm, phải gọi bầy trẻ bảo nó vớt lên, bằng không thì mấy trái mận hư rụng xuống sẽ làm thúi hết nước trong mương. Mấy cái mương bên nhà bà Tám nổi rong nổi rêu, nước đổi màu, xanh lè, hôi hám, bầy cá trắng không chịu được nước dơ bẩn chết dần mòn phơi cả bụng trắng phau, vài ngày sau thúi rữa, tanh hôi quá chừng. Chỉ còn lại đám cá dồ , cá tra sức chiụ đựng dai dẵng hơn , còn lất lây sống sót. Người chi mà biếng lười, chỉ cần chịu khó một chút, khai ống bộng, thả nước sông vào hàng tuần làm sạch nước mương mà cũng chẳng chịu làm.
Nhìn bóng nắng xuyên qua ngọn cây xoài, bà chực nhớ đến giờ nấu tấm cho heo ăn, lứa nầy lớn như thổi, mấy con heo giống ngày bà sai bọn trẻ xuống chợ Ô môn mua về còn đỏ hỏn, mới ba tháng nay mà đã nặng ôm rồi. Tháng sau bà sẽ bảo bầy trẻ đi mua một lứa khác về nuôi kế tiếp, lứa nầy sẽ cân vào dịp Tết, lứa sau thì giỗ bà nội sắp nhỏ vaò tháng năm.
Nhìn thấy bóng người đàn bà thấp thoáng sau cửa bếp, bà Hương bước ra, nhịp guốc gỗ lộp cộp đều đều trên nền gạch tàu đỏ thắm,
– Vợ thằng Bé, bây đi dâu giờ nầy ?
– Bác Ba cho con mượn mấy lít gạo nấu cơm, nhà hết trơn rồi
– Thằng Bé laị nhậu nhẹt ở xó nào rồi ?
– Dạ , ảnh trặc tay mấy hôm nay, không đi câu dược
– Tại sao nó lại bị trặc tay , có thuốc men gì chưa ? Cầm chai thuốc rượu về biểu nó xoa bóp hàng ngày cho mau hết, dặn bầy trẻ đi học sáng ghé ngang ăn rồi hẳng đi, đưa cái thúng cho con Năng, biểu nó đong cho chục lít gạo.
– Dà, thưa bác con dìa trỏng .
– Ưà , dìa lo cơm nước cho bầy trẻ đi.
Bà thở dài mở cuốn Sấm Giảng , tới chương nào rồi kìa, Kệ dân của người khùng, bà tiếp tục ngâm nga …

Ông Hương mở nắp vỏ bình trà, làm bằng trái dừa điếc cưa ngang miệng, đánh bóng như gương soi, rót chén nước trong màu vàng lóng lánh, mùi trà ướp hoa sen nhẹ nhàng … Nắng chang chang , đi bộ từ ngoài vườn vào đủ đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con , nhìn theo cái bóng vừa lách qua hàng rào, laị con vợ thằng Bé ra đây xin xỏ gì nữa.Ông quay sang bà
– Vợ thằng Bé ra đây làm gì ?
– Có gì đâu, nó ra mượn mấy lít gạo thôi, thằng Bé bị trặc tay , không đi câu được, nhà hết gạo lấy gì nấu cơm.
– Cái thằng làm biếng đó, chỉ giỏi nhậu nhẹt thôi, trặc tay chân gì nó. Tối ngày lo ăn nhậu say sưa té bờ té bụi , chưa gẩy ống quyển là phước mười đời, bà cứ dung dưỡng cái quân báo đời đó, kệ mồ tuị nó.
– Ông nóng làm gì, thằng cha nó tội, chứ tụi con nít tội gì, tui chỉ cho má nó lít gạo nấu cơm, hổng lẻ ghét thằng cha nó mà mình bỏ con nó đói ?
Bà lặng lẽ mở quyển Sấm giảng trên tay, tìm lại chương đang đọc dỡ, tiếng võng đưa nhịp nhàng, giọng đọc ngân nga những khuôn vàng thước ngọc…
Nói rằng lòng chẳng ham sang
Sao còn ham của thế gian làm gì …

Giàu sang như nước trên nguồn
Gặp cơn mưa lớn nó tuôn một giờ *

Bà sống gần hết đời người, những chuyện thị phi không còn bận tâm, ngay cả những khi ông nóng như Trương Phi, bà lặng lẽ đọc cho xong trang Sấm Giảng, xếp quyển sách lại,ngoài sân những giọt nắng vẫn đong dưa.

* Bà về với cõi Phật trứơc khi nhìn sự linh nghiệm , 1975

Vũ Thị Thiên Thư
[ còn tiếp ]

Xin mời nghe diễn đọc :

Giọt Nắng Cuối Chiều

Giọt nắng cuối chiều

 

1  Nắng đầu ngày

Bà Hương vói tay cầm lấy cái khay trầu, kéo chiếc ghế đẩu, đặt lên, tay trái chọn một lá, vuốt cho thẳng, tay phải ngắt bỏ chót đuôi, xé làm đôi, nhập chung lại, quết một tí vôi trắng, nhặt  một mảnh cau khô đã ngâm nước trong cái chén nhỏ, bà chậm rãi quấn lại cho tròn rồi cho vào ống ngoái, chiếc chìa bằng đồng bóng lóang nhịp nhàng nhấc lên, xắn xuống, cắt,  trộn, tất cả lại thành những miếng nhỏ vừa nhai, ngoái xong rồi Bà đưa sang  bà cụ đang ngồi trên chiếc võng bố đong đưa.

–           Má ăn đỡ cối nầy, hết mùa cau tươi rồi, đã rảo mấy buổi chợ , không tìm được buồng cau nào, thứ cau khô nầy cũng vừa lứa, là từ cau hòn ruột trắng tinh, không chát, ngâm nước qua hai đêm rồi mềm mại , trầu của dì Hai, màu vàng tươi, bọn trẻ mới vừa hái sáng nay .

–           Mấy hôm nay trời mua dầm, hơi đất xông nhiều quá, sao Má không nằm trên nệm cho ấm, nằm võng gần cửa sổ quá, lỡ trúng sương trúng gió.

Bà cụ lặng lẽ nhai trầu, cái miệng móm mém không còn răng bày hai hàng nướu đỏ hồng, đôi mắt sâu hun hút,  chứa đựng  một vùng trời xa hiu hắt, cái khăn rằn nâu đã bạc màu, từng canh chỉ tơi, mỏng như tờ giấy quyến, vắt hờ hững ngang vai. Ngày bắt đầu khi nắng xuyên qua khung cửa sổ, tiếng cười đùa của bọn trẻ lao xao trong bếp, tiếng chén dĩa va chạm, tiếng ấm nước sôi  reo vui, nhìn xuống đôi bàn  tay xương xẩu,  đã từ lâu, Bà không còn dùng đến đôi tay nầy, chẻ củi, nhóm bếp, những công việc hàng ngày cũng không còn ai cho phép mó vào. Chúng nó xem bà như pho tượng, hàng ngày tắm rửa lau chùi cho bóng lộn, mang ra đặt ngồi trên bộ ván gõ, chờ mấy người khách đến chào hỏi  bâng quơ. Nhưng ít nhất cũng còn bầy trẻ con ôm cặp đến vòng tay thưa Bà rồi tung tăng ra cửa. Bọn trẻ con luôn quanh quẩn những ngày không đến trường, mân mê đôi bàn tay chỉ còn lớp da nhăn nheo, bọc những lóng xương hình thù đã biến dạng.

–           Bà ơi, sao da bà bóng lộ và đùn đống vậy , bắp thịt biến đâu mất hết rồi?

–           Người già bắp thịt rữa tan, bà chỉ còn như bộ xương khô bọc da thôi.

Con bé hàng ngày vẫn đến dắt bà  sang võng, kéo dây đưa rồi chụp nhanh  lại sợ bà chóng mặt rơi xuống, Bà nằm võng cả đời, gần một thế kỷ rồi con ơi! Những đốt xương sống thu ngắn không còn chống nổi tấm thân còm cõi, con bé cố nhón gót đứng lên cho cao bằng bà, miệng cười toe, mấy cái răng cửa sún bày ra khoảng nướu hồng thật nõn nà.

Bà bắt đầu ngày bằng ánh mắt mệt mỏi, ngước nhìn vào bóng cây ô môi ngã xuống bên ngoài cửa sổ, đếm thời gian trôi  theo vệt nắng, chiếc bóng cây khẳng khiu báo cho Bà giờ khắc trong ngày, khi cành nầy chấm vào chấn song, đã đến giờ cơm trưa, đứa cháu dâu sẽ mang cho Bà mâm cơm, trong cái chén kiểu Bát Tiên nhẹ tênh,  chứa mấy  hạt cơm gạo lúa thơm trắng bong lạt lẽo, Bà lại tha thiết nhớ  đến tấm gạo Trung hưng, gạo nàng Tây, thổi trong cái nồi bằng đồng , màu cơm đỏ hồng ngọt ngào, cái dĩa nhỏ chứa miếng cá he vàng, chiên dòn tan, dầm tí nước mắm cá đồng ửng màu gạch cua, món ăn thường ngày Bà ưa thích, nhưng dù có cố gắng nuốt vào vẫn lạt nhách như dâm bào, như nuớc ốc luộc, thật là vô vị.

Mấy hôm nay, lại không thấy ánh mặt trời, giọt nắng hắt hiu khi mờ khi sáng. Những dốt xương sống chuyển động thật khó khăn , đôi bàn chân cơ hồ như không còn nghe theo mệnh lệnh, vẫn khoảng cách chỉ mấy bước chân hàng ngày, từ bộ ván gõ đến cái  võng, bước qua  khúc sân trống cạnh bồn nước, lê đôi chân nặng như mang gông cùm, từng bước, Bà không thể hình dung dược  có ngày nầy, tấm thân thể từng dạn dày mưa nắng lại không bước nổi , chỉ cần vài bước thôi, nhìn  mấy đứa trẻ vào ra rón rén, Bà ngại ngần , không muốn nhờ chúng nó nâng đở , bao nhiêu lần, chỉ cần một chân nhấc lên, một chân theo sau, Bà cố gắng bước ra ngoài, khoảng sân trống lộ thiên , nơi tắm giặt, Bà chỉ muốn ngồi phơi chút nắng ấm quen thuộc, trên đôi má nhăn nheo,  những giọt nắng chói chang theo Bà từ thuở thanh xuân má hồng môi thắm, ngày mang nón lá, nọc cây ra đồng cấy lúa, nhổ ma. Những giọt nắng đuổi theo nhau khi  ruộng đồng vàng luá chín trong  vụ sớm, vụ mùa. Bà lặng lẽ múc một gáo nước trong, mấy sợi tóc bạc phất phơ, trong  đôi tròng mắt sâu hoắm nét tinh anh ngày nào lạc lõng, cái mặt xương xẩu nhăn nhíu phản chiếu trong gáo nước gẩy vụn , tan biến đi khi Bà nâng gáo lên môi, cái miệng móm mém không giữ được, nước sóng sánh chảy dài xuống đất , hớp nước  lạnh buốt, thấm vào hai hàng nướu, nhổ xuống nền xi măng, Bà đổ nước ra tay, rửa mặt, vuốt đôi hố mắt, úp cái gáo lên thành bồn nước, tia nắng yết ớt cố xuyên qua mái hiên , Bà thở dài…

Ngày bắt đầu với chén cơm nuốt vội, tất tả quấn lại mảnh khăn rằn xếp xéo, soắn hai ống quần cho chặt, cái thúng con chứa dôi nọc nhọn hình chử thập, cán quả trám, cái lưỡi hái cong như trăng non bén ngót, lận vắt cơm nguội bọc trong mo cau non, vớt miếng dưa gang dầm trong khạp mắm, rửa sơ cho bớt mặn. Đội cái nón lá trên đầu, theo chân bạn cấy cùng nhau ra ruộng sớm, những tia nắng ngũ sắc rực rỡ cuối chân trời, vầng dương hãy còn ngủ nán, ánh sáng mờ mờ vừa đủ nhìn thấy bờ ven ngoằn nghèo theo con rạch nước trong . Đám mạ non xanh mượt , từng bó xếp dọc theo bờ ruộng, Bà cúi xuống đặt cái thúng con lên bờ ven, ngã nón, ngước mặt hít vào đầy hai buồng phổi, thật thiết tha mùi đất bùn trộn lẫn với mùi sương sớm, nhớ từng tiếng cười nói bông đùa dòn tan trong gió mai, nhớ lại lời đồn đãi, Bà cấy nhanh như máy, hai công một ngày lan qua khắp các làng lân cận . Ôi! Cái thời tuổi mười bảy bẻ gẫy sừng trâu, lúc tai còn tỏ, mắt còn trong, bước chân như chim sáo rộn ràng…

Cuộc sống thật bình an như ruộng mạ xanh, như lúa sớm trổ đòng đòng, như  ruộng ánh vàng ngày  mới chín, thật xa lắt xa  lơ cái ngày tháng bông bắn dậy buổi sớm mai, Bây giơ, Bà nhìn ngày tháng trôi dật dờ, nhìn nắng qua chấn song, nhìn mưa bong bóng, mỗi hạt bóng tượng hình, tan đi, tiếp theo một hạt khác tái sinh.

Đời sống bây giờ  buồn tênh, đời sống bây giờ lặng lẽ, chiếc võng đong đưa một góc hè. Bà ngồi làm bạn với bóng cây, chờ mâm cơm ,chờ chén nước, chờ ngày xuôi tay .

Vũ Thị Thiên Thư

[ Còn tiếp ]

Tờ Di Chúc

 

Tờ Di chúc

– Betty, tôi sẽ gọi cảnh sát, bà coi chừng dùm tôi nha, xem thằng mất dạy đến làm gì đây.
– Đừng lo, tôi sẽ qua bên đó ngay, Bà nhớ báo cho Doris , tôi sẽ báo cho Penny.
Mấy người đàn bà kéo nhau đến trước nhà Daisy, tên đàn ông trung niên đang loay hoay gở ống khóa, gã quay lại sừng sộ
– Mấy người dám vào nhà trái phép, đi ra ngay, không thì tao gọi cảnh sát .
– Không cần đâu, cảnh sát đến bây giờ đó, liệu mà trả lời, ai là người cạy cửa nhà . xâm phạm gia cư bất hợp pháp
– Nhà nầy cuả Dì tao, ai cấm ?
Ánh đèn trên xe vừa tắt, viên cảnh sát sắc phục bước xuống, nhìn mọi người,
– Chuyện gì sảy ra ?
– Mấy người nầy vào nhà không có phép.
– Chủ nhà đâu?
– Chủ nhà là Dì cuả tôi
– Tại sao anh lại cạy khóa?
– Dì tôi đã vào nhà dưỡng lão.
– Anh có giấy uỷ quyền không? Không thì tôi sẽ bắt anh tôi xâm nhập gia cư bất hợp pháp, anh có gì chứng minh là anh là cháu cuả Bà ta không ? Mấy người nầy nằm trong tổ chức tương trợ cuả xóm nầy, họ có quyền báo cáo khi người lạ xâm nhập, tổ chức bài trừ tôi ác, giúp đỡ người cao niên,
– Tôi là cháu cuả bà, không tin thì đến viện dưỡng lão hỏi xem xem bà có nhận ra tôi hay không.
Gã nắm chắc, vì hôm qua gã đã vào viện dưỡng lão và khéo léo đóng kịch, dĩ nhiên là Dì Daisy đang dưỡng bệnh trong đó, cho dù không đi lại vững vàng, nhưng dĩ nhiên là nhận ra gã. Ngoài gã ra thì Dì không còn ai gần gũi.
Dì là người em cuối cùng, mấy người kia đã lần lượt qui tiên hết rồi.Trước sau gì thì căn nhà và tài sản cuả bà ấy cũng vào tay gã. Mấy mụ hàng xóm đáng ghét nầy có thẩm quyền gì ngăn trở gã chứ, họ không bà con thân thuộc gì hết, gã đã chắc mẫm, lợi dụng thời cơ, hắn định đến lấy trước một ít vật quí giá , nhân tiện thay ổ khóa nhà, không bị mấy mụ nầy phá rối thì gã đã làm xong rồi. Đúng là đàn bà ăn không ngồi rồi, chắc là mụ ta canh chừng từ bao giờ, hắn chưa kịp vào nhà đã thấy cảnh sát tới. Bọn nầy y như bầy kên kên, chưa gì đã thấy chúng bu quanh rồi. Gã hậm hực trở ra xe, bọn người nối đuôi nhau như những toa tào hoả theo chiếc đầu tàu…
– Daisy, má phải ăn thêm một miệng thịt nữa, món thị bầm đúc lò nầy má vẫn ưa thích mà.
– Penny, ăn thêm một miếng nữa thì ta ói ra đó, mắc chứng gì mi cứ thúc ta ăn vậy ?
– Má ăn mới chóng lại sức chứ, sắp sang xuân rồi, mấy hàng Tulip nở không ai ngắm.
– Ừ! Có ta hay không thì chúng nó vẫn nở thôi, nè Penny, mũi chỉ phải khít lại, mi đan thế nào mà nó rộng quá không đẹp đâu.
– Khít lắm rồi má, coi nè, đẹp hén.
Người đàn bà da nhăn nheo, mái tóc bạc phơ, ngồi trên chiếc xe lăn bên cạnh cửa sổ, chiếc khăn thêu đắp ngang chân. Khuôn mặt gầy gầy, thanh tú, không giấu được vẻ yêu kiều cuả một thời xuân sắc, những ngón tay xương xẩu cong queo, dị hình, hậu quả cuả căn bệnh thấp khớp, nhưng trong đôi mắt sắc vẫn lấp lánh tia lửa mệnh lệnh. Ngưởi phụ nữ ngồi đối diện với bà, trên chiếc ghế nhỏ, không thể ước đoán được bao nhiêu tuổi, trông hiền hoà, ngây ngô chất phác, cử chị chậm chạp, vụng về, trên tay bà ta là hai chiếc kim đan, lọn chỉ len xù xì chứg tỏ đã được sử dụng nhiều lần Nhìn hai mái đầu kề nhau, trái ngược như hai thái cực, nhưng lại chuyện trò nhẹ nhàng , như mối tương quan mật thiết.
– Daisy, bà có khách đến thăm
– Nếu là tên vô loại thì bảo tôi không muốn gặp hắn.
– Bà nói gì cơ ?
– Thôi được, nếu là Larry thì bảo tôi không khỏe, hắn muốn gì thì hôm khác tới.
– Không, Anh ta cùng đến với nhân viên công lực
– Lại chuyện gì nữa đây, phiền quá Penny, đưa ta vào phòng khách đi.
Mấy người hàng xóm cũng vừa theo tới nơi, họ lẵng lặng ngồi xuống ghế chờ xem màn kịch diễn ra. Nhìn những khuôn mặt quen thuộc chunh quanh mình, Daisy cất tiếng
– Ủa, chưa phải là ngày sinh nhật cuả tôi, sao mọi người đến chúc mừng sớm vậy ? Danny, hôm nay không làm việc sao ? Ông cũng đến thăm tôi à, cảm ơn ông, thôi được rồi, mọi người giải tán đi, tôi về phòng bây giờ.
– Chào Daisy, bà khỏe chứ? Tôi đang làm việc đấy chứ, chỉ cần bà xác nhận là ông bạn nầy có thẩm quyền thay ổ khóa nhà cuả bà,
– Ông ta có giấy tờ chứng minh không?
– Ơ ! Dì Daisy, là cháu Larry đây mà. Cháu đến trông nhà cho Dì …
– Tôi có nhờ anh bao giờ không? Mắc mớ gì anh lại đổi ổ khoá nhà tôi? Anh bạn dân nầy, tôi chưa chết, chỉ vắng nhà thôi, vậy ra cũng có trộm đạo đến viếng khu phố rồi sao ? Mấy bà láng giềng nầy tôi ủy thác cho họ trông dùm nhà, chuyện gì đã sảy ra ?
– Thưa bà, họ báo cho tôi, nếu như bà xác nhận không hề ủy quyền cho ông đây thì mời ông theo tôi về văn phòng, nhiệm vụ cuả tôi lập biên bản, chuyện khác thì tôi không can dự.
– Betty, Doris, Liliam…cảm ơn quí bà đã trông chừng nhà cửa cho tôi, tiện thể, khi nào thấy ruồi nhặng, rác rưởi thì quét hộ tôi luôn nhé, vài hôm nữa tôi sẽ về lại.
– Bà cứ an tâm dưỡng bệnh đi, có chúng tôi chăm sóc nhà cửa cho bà, Penny sẽ vào thăm bà và báo tìn thường xuyên, thôi chúng tôi về để bà nghỉ ngơi nhé.
Mấy bà đứng dậy theo nhau ra cửa, không quên ném sang Larry những tia nhìn mãn nguyện. Gã ấm ức vì thua mấy người đàn bà thì ít, mà oán Daisy nhiều hơn “ Thử xem bà còn giữ được bao lâu nữa” Gả nhủ thầm.
Khu phố thật bình an, Daisy là một trong những người đầu tiên đến cư trú. Toà thánh đường nằm ở ngã ba, tháp chuông cao thả từng hồi báo giờ thánh lễ hàng ngày. Những cư dân lâu đời cuả phố, bà là người tuổi cao hơn cả, con số mòn mõi theo tháng năm, từng mùa đông qua, lại thêm một chiếc lá lìa cành, bà cũng không biết mình còn sức chịu đựng bao lâu nữa, nhưng cuộc đời bà, không có gì phải hối tiếc. Bà đã thấy bao nhiêu mùa xuân hoa tươi , bao nhiêu mùa thu vàng lá, từ những đứa trẻ tấp thò gỏ cửa nhà muà Hallowin đến khi chúng dẫn con đến hát Carol trong mùa Thánh Lễ Giáng Sinh …
Con bé Penny, ngày bà nhặt nó trong cái bọc giấy dầu lót sơ sài chiếc áo cũ, còn đỏ hỏn, da dẻ tím ngắt, không cón hơi sức để khóc. Âu cũng là mối duyên, nếu bà không đến nhà thờ dượt đàn thì con bé chắc đã chết cóng mất rồi. Trình với cha xứ, không ai biết con bé đến từ đâu. Cuối cùng thì Cha xứ hỏi bà có muốn nhận nó làm con không? Bà ngần ngừ, vì nuôi dạy một đứa trẻ, trong hoàn cảnh cuả bà, thật là khó chu toàn. May mắn thay, ông bà Hopkins ở cuối phố, Thiên Chúa ban ân, họ hiếm muộn chỉ có một đứa con và sẳn sàng cưu mang thêm con bé bệnh hoạn ngặt nghẹo nầy. Không ai nghĩ nó có thể sống, huống gì khôn lớn , vậy mà, Chuá xót thương, nó lớn lên, không lanh lợi như người bình thường, nhưng lại rất hiền hoà trung hậu. Vì mối duyên đó, dù bà không trực tiếp nuôi dưỡng nó, nhưng bà vẫn thương yêu chăm sóc nó như con.
Bố Mẹ nuôi cuả nó, Thiên Chuá đã đón đi rồi. Hai đứa con, đứa con đẻ khôn ngoan, thành công mọi mặt, nhưng không vì thế mà rún rẩy con bé khờ dại nầy, ngược lại con bé Anna cũng luôn bao bọc, chăm chút cho nó. Dù cho Bố Mẹ có mất đi, phần gia sản dành riêng có thể bảo đảm cho nó đến cuối cuộc đời. Hàng năm, con bé chị Anna vẫn về chăm sóc, thanh toán các thủ tục, giấy tờ quan trọng, xem xét lại. kể ra thì nó cũng có tình đó chứ, từ nhỏ, nó đã biết che chở cho Penny, bầy trẻ con luôn theo trêu ghẹo, biết Penny không có khả năng tự vệ, nó luôn kề cận để sẳn sàng chống đở.
Chợt nghĩ đến tên vô loại, còn cái mối dây oan nghiệt, không thể chờ lâu được, mình chưa chết mà nó đã trổ mòi bất lương rồi, ngữ nầy thì không thể dung thứ được nữa. Bà mĩm cười, mình sống ngần tuổi nầy rồi, không lẻ với chút sức tàn lại không gánh được chuyện hậu sự hay sao ? Bà quay lại bảo Penny
– Mi bấm số điện thoại cho ta, gọi lão luật sư Myzak , ta có chút chuyện cần bàn.

Tin tức lan nhanh, ngày cử hành đám tang cuả Daisy, theo thư mời thảo trước , đình kèm chữ ký cuả chính bà, Luật sư Myzack sẽ thay mặt gia đình đứng ra tổ chức , cha xứ làm chủ lễ, sau đó di chúc được đọc với sự chứng kiến cuả mọi người. Trong thiệp tang ghi rõ ràng, miễn phúng điếu, không tang chế…
– Betty, bà nhận được thiếp tang chưa?
– Nhận rồi, còn bà ?
– Vâng, tôi thắc mắc là miễn phúng điếu, miễn vòng hoa, miễn tang chế. lạ thật, cũng không thấy ghi cống hiến cho cơ sở thiện nguyện, bà ấy vẫn là thành viên tìch cực hoạt động kia mà
– Tôi cũng hơi ngạc nhiên, không lẽ là Daisy không còn tỉnh táo mà lại tự tay viết thiếp báo tang ?
– Bà không lạ gì tính cuả Daisy, và cả lão Myzak nữa, không lẻ cả hai người đều bấn loạn ? Chuyện khó tin đó.
– Tôi nghĩ Daisy có lý do, cứ chờ xem
– Bà nghĩ là có nên mặc áo đen đi dự tang lễ không?
– Ấy, bà biết rồi mà Daisy rất ghét màu đen, chưa kể bà quên sao, miễn tang chế.
Đại sảnh cuả nhà quàn, ánh nến lung linh , Daisy nằm bình an trong áo quan đặt trong cùng, dãy ghế cho khách đến dự đã thấy đủ mặt cư dân cuả cả khu phố, chưa kể họ đạo, hội các Mẹ …Penny ngồi lạc loài trong chiếc ghế bành, Larry lăng xăng chào khách, bộ mặt cố tình đóng kịch xót thương cuả hắn càng làm mọi người thấy tởm hơn.
Sau Thánh lễ, thi hài Daisy được hoả táng theo ý nguyện. Cha sở xin mọi người vui lòng nán lại để công bố di chúc như bà đã căn dặn . Larry hớn hở nhìn quanh, phen nầy thì cho mấy người hết ngăn trở, hắn đã nghĩ đến chuyện sẽ mang thứ nào đi bán, đầu tiên là chiếc dương cầm đắt giá, chưa kể các báu vật bà ta thu thập khi du hành các nơi.
Lão luật sư Myzak cẩn thận lau đôi tròng kính đeo mắt rồi mở cặp hồ sơ, tài sản cuả Daisy ngoài các báu vật, hiện kim, căn nhà đang sở hữu, cộng hộp tư trang … tất cả chi tiết được liệt kê rõ ràng. Không ngờ bà ta giàu hơn mọi người tưởng tượng. Larry nuốt nước bọt, ngần ấy thứ, bán ra cũng hơn nửa triệu bạc, thật không thể tưởng tượng tại sao bà vẫn cư trú trong cái xóm nhà đó .
Sau phần liệt kê tài sản là phần thừa hưởng, mồ hôi Larry toát ra theo từng câu lão Myzak đọc, cây đàn cho nhà thờ, con số hiện kim cho cơ sở dưỡng lão, nhà nuôi trẻ mồ côi, chương trình bảo vệ sự sống, cái bình cổ cho Betty, bức tranh Monée cho Doris, chuổi ngọc trai cho Anna…Từng người, không thiếu một tên nào, nhưng quan trọng nhất là chưa nghe nói gì đến người thừa hưởng chính là hắn. Cứ cái đà nầy thì chẳng còn lại gì cho hắn, bà ta có điên chăng? Larry bồn chồn nhìn xấp giấy cạn dần trên tay lão Myzak…
Chiếc xe cà tàng, đã mười lăm tuổi thuộc về hắn, hớn hở, chờ đợi…. Cuối cùng, còn lại căn nhà, các vật dụng, tiền tiết kiệm, con số không nhỏ. hắn có nghe lầm không ? Penny, con mẹ dở người dở ngợm kia là người thừa hưởng.
Hả ! Ông đọc nhầm tên rồi , Larry chứ không phải Penny, hắn gào lên. Lão Myzak lặng lẽ nhìn hắn, bọn đàn bà quay lại, những cặp mắt như nhát dao cứa từng mảnh da, không thể nào, làm sao thế được? Hắn là người thừa kế, người cuối cùng có liên hệ huyết thống kia mà. hắn chồm tới, định giằng lấy xấp giấy tờ, nhưng cánh tay cuả Danny nhanh hơn, như chiếc kẹp nắm cứng hắn kéo lại, tia mắt anh cảnh sát viên nhìn hắn đe doạ,” Ông mà làm rối loạn thì tôi không tha …”
“ Tôi , Daisy… Viết di chúc nầy trong tinh thần sáng suốt …có nhân chứng ..” Lão Myzak chấm dứt bản di chúc, thong thả đóng cặp hồ sơ lại.
Cha sở cất tiếng cầu nguyện, nắp áo quan hạ xuống, hình như người đàn bà trong áo quan đang ngủ an lành, nụ cười lunh linh phiêu phất …

Vũ Thị Thiên Thư

Nối giấc mơ xưa

IMG_4075-001

 

Nối giấc mơ xưa

   1 Người láng giềng

   Thoạt nhìn hắn chậm chạp bước đi, trông như cụ già vừa qua cơn ốm nặng, khuôn mặt in vết thời gian không ưu đãi, tôi đoán hắn là dân Đông Âu. Trên khuôn mặt rất khó có mỹ cảm đó, ánh mắt lạnh lùng nhìn chăm chăm vào người đối diện, ngược lại vợ hắn rất  lịch sự chào khi thấy tôi đang lui cui dọn dẹp trước sân. Bà nói tiếng Anh nặng giọng, đúng là dân Đông Âu không sai trái được. Bà ăn mặc chải chuốt, trang điểm cẩn thận, câu chuyện thời tiết bâng quơ, giới thiệu láng giềng. Tôi cũng mới dọn về thành phố nhỏ nầy, vẫn còn sắp xếp vật dụng trong nhà, thu vén chunh quanh cho nên chưa có dịp làm quen cùng hàng xóm láng giềng.

   Hắn phàn nàn sân cỏ trước nhà chúng tôi cằn khô trông xấu xí quá. Căn nhà từ lâu không có người cư ngụ cho đến khi chúng tôi dọn vào, sân trước vườn sau cỏ vàng cháy lốm đốm. Quen mắt nhìn thảm cỏ xanh mượt của Ngũ Đại Hồ mùa xuân, nhà tôi rất bực mình, nhưng giống cỏ nầy thích nghi với khí hậu bán sa mạc nên không mịn màng xanh mượt như giống Blue Grass trong sân nhà ở Góc Rừng. Tôi thấy anh hàng ngày nhìn chúng bực bội như mũi gai nhọn châm chích, nhưng ít nhất cũng phải có thời gian  an cư rồi mới có thể  tìm phương cách để phục hồi màu xanh mượt mà cho chúng nó.

    Đầu thu, khi những chùm nho chín đen trên hàng rào, nhà tôi cẩn thận cắt xuống mang qua trả cho họ, vì dây nho trèo qua hàng rào thòng xuống bên nhà chúng tôi. Hôm sau lại thấy bà ấy mang biếu chúng tôi mấy quả dưa chuột trồng trong vườn nhà. Chút tình thân thiện chớm nở qua câu chuyện thăm hỏi, chừng ấy thôi. Vắng một lúc lâu, không thấy ông ta vãng lai, chúng tôi cũng tất bật với công việc, thiên di, an cư và chuẩn bị ngày cưới xin cho con trai vào đầu mùa xuân tới.

   Nhà tôi vẫn chưa quen với sự khác biệt của thời tiết trong Thung Lũng Lá Rơi, tháng giêng bên Góc Rừng tuyết trắng mênh mông, ngược lại bên nầy cỏ non trong sân nhà lún phún, màu xanh lá mịn như nhung, tháng hai chồi non đâm lộc, nhìn sân cỏ đã bén đất thay màu, hoa cỏ nở nhanh không cắt kịp, nhìn sang nhà láng giềng,  sân cỏ rậm rạp, cỏ dại tràn lan, hàng hoa hồng rực rỡ trước đây tiêu điều xơ xác. Nhà tôi thắc mắc, không biết ông ấy vắng nhà bao lâu mà không có người chăm sóc nhà cửa. Mãi  lâu mới thấy dáng ông ta chậm rãi ra trước sân,  nhà tôi chào hỏi thăm, ông bảo là vừa qua một cuộc giải phẩu, chưa hồi phục nên không thể cắt cỏ làm vườn. Cuối tuần, khi anh cắt cỏ trước nhà, anh cắt và dọn luôn bên sân của ông ta. Lúc chúng tôi còn ở Góc Rừng, mỗi lần đi chơi xa vắng nhà, không Roman thì Sam, chúng tôi không phải lo lắng tìm người chăm sóc, ngược lại, chúng tôi sẽ làm y như vậy cho cả hai bên khi họ đi nghỉ hè. Bố tôi lúc sinh tiền vẫn nhắc  “ Bán anh em xa, mua láng giềng gần “.

   Mấy hôm sau, lại thấy ông bấm chuông nhà, tay xách một túi giấy dầu [loại chợ thực phẩm dùng để gói ghém cho khách hàng] chúng tôi mời ông vào nhà, lần đầu tiên thấy ông vui vẽ theo vào, ngồi xuống chuyện trò với nhà tôi. Ông cảm ơn liên tục. bảo đã chờ và bấm chuông mấy hôm nay mà không thấy chúng tôi trả lời. Hôm nay may mắn thấy tôi vừa về đến nên ông phải sang ngay. Mở túi ra, tôi thấy từng chum nho đỏ chin mọng, loại nho Concord rất ngọt và dễ lên men rượu, tôi ngại ngùng bảo ông biếu nhiều quá, ông lại gạt đi, Ông có nhiều lắm, năm nầy nho trúng mùa, ông sang cảm ơn nhà tôi đã cắt cỏ và dọn sân giúp ông.

–        Ông không nên bận tâm, chúng ta là láng giềng, giúp đỡ nhau là chuyện thường mà

–        Tên tôi là Mikhail, gọi tôi là Misha cũng được.

   Nhà tôi cũng tự giới thiệu tên mình, tôi mời ông uống nước  chuyện trò một lúc thì ông ra về. Bây giờ tôi tin chắc là nhà tôi đã chinh phục được cảm tình, phá được bức tường nghi kỵ cuả người hàng xóm nầy rồi.

   Misha sinh và lớn lên ở Nga Sô, tiếng Anh của ông rất nặng giọng, giống như Roman và các giống di dân khác, ông sang đây lo đi làm kiếm sống, không trở vào trường học lại, nhờ siêng năng cần mẫn, giành dụm cho nên cuộc sống của ông rất thoải mái dù đã về hưu mấy năm nay. Vợ ông vẫn còn làm cho một cửa hàng trong vùng Vịnh, hàng ngày ông đưa bà đến bến xe điện, sau đó thì về chăm sóc  vườn tược. Mảnh sân sau của ông trồng đầy cây trái, chưa kể khu vườn rau bên hông nhà. Lúc chúng tôi mới dọn vào, nhìn khu vườn màu xanh rợp bóng của ông rồi nhìn lại sân cỏ cháy tiêu điều của mình mà ngao ngán. Anh nông gia bất đắc dĩ nhà tôi mỗi lần xắn len xuống đào hố trồng cây là càu nhàu đất toàn là đá cuội, không chút màu mỡ, biết bao giờ mới trồng được cây lá xanh tươi ?

 

2  Mối tình thơ

   Con sông Dnieper  biếc xanh lặng lẽ  chia đôi thành phố Kiev, bên nầy khu cư dân phố thị, bên kia bộ máy hành chánh cuả nhà cầm quyền. Đôi mái đầu xanh đang song bước, cả hai đều tràn đầy bao nhiêu ước mộng tương lai .

–        Michail, mai mốt mình sẽ  cùng nhau đi viếng  Roma, Florence, Venise,  sang kinh đô ánh sáng Paris,  thăm phố  nhà chọc trời New York .

–        Ừ ! Anna, bất cứ nơi nào em muốn đến, em muốn ngắm  mặt trời nửa đêm phía bắc, hay tắm nắng ấm miến nam, miễn là chúng ta cùng sánh bước với nhau, cùng chia sẻ những chuỗi ngày đầy hạnh phúc

–        Mikhail, em chỉ cần  một căn nhà nho nhỏ với mảnh vườn con, trồng hoa  hồng trước cửa…

   Đôi mái đầu xanh đầy ước mơ trong khu ngoại ô Kiev, mối tình học trò cũng như  trăm ngàn mối tình thơ dại khác, chan chứa với bao nhiêu bài hát thương yêu, tô thêm sắc màu rực rỡ.

   Kiev là thành phố thăng trầm qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, từ khi gót giầy Mông Cổ dẫm nát vào thời Trung cổ cho đến bom đạn cày xới trong Đệ nhị Thế Chiến. Sau các cuộc chiến tranh Kiev mất một thời gian dài để xây dựng lại. Mikhail và Anna, cũng như những  đôi tình nhân trẻ  lớn lên sau cuộc  chiến tranh Thế Giới lần thứ hai, tưởng là được sống thanh bình an lạc, không ngờ Chủ Nghĩa Cộng Sản đã làm đảo lộn tất cả những giấc mơ cuả một cuôc sống bình thường.

   Mikhail theo chân Hồng quân đi miệt mài, cuộc sống cuả quân nhân không hứa hẹn tương lai, trong lòng anh vẫn nhớ người yêu nhỏ ở quên nhà và những giấc mơ chưa thực hiện, anh nuôi hy vọng khi trở về sẽ có được sự nghiệp  để đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn.

  Nhưng đời sống không là mơ, cuộc tình thơ theo thời gian cũng nhạt nhoà, người thiếu nữ không thể chờ cho thanh xuân mãn hạn nên đã  lập gia đình cùng người khác . Mikhail không  trách cô ấy, anh an phận với binh nghiệp và cuối cùng cũng lập gia đình và di dân sang Hoa kỳ.

  Mặc dù không kết hôn, nhưng hai người vẫn giữ lại tình bạn, vẫn thư từ thăm hỏi thường xuyên. Anna sau khi tốt nghiệp, lập gia đình đã biến thành cô giáo dạy trong một trường tiểu học thuộc ngoại ô Kiev.  Mikhail  sang Hoa Kỳ lập nghiệp và định cư ở vùng Vịnh.

3   Cuộc tái ngộ

   Kiev là thủ đô và cũng là thành phố lớn của Ukrain nằm về phía bắc trên dòng sông Dnieper. Vào thời Nga Hoàng  cuối thế kỷ mười chin rất phồn thịnh. Ukrain  đã nhiều lần tuyên bố độc lập, cho đến năm 1921 Kiev vẫn còn là thành phố quan trọng trong Cộng Hòa Xã Hội Liên Bang Sô Viết. Sau Đệ nhị Thế Chiến bị bom đạn tàn phá, Kiev lại được phục hồi và tái thiết giữ vững vị trí quan trọng  đứng hàng thứ ba trong Soviet Union.

–        Misha, có bao giờ ông trở về thăm lại thành phố Kiev không?

–        Ukrainian giành lại độc lập một lần nữa vào năm 1991 sau khi Soviet Union tan rã. Tôi có trở về thăm lại quê nhà.

–        Cảm tưởng của ông như thế nào ?

–        Thay đổi nhiều quá, tôi không còn nhận ra

–        Tốt hay xấu ?

–        Tôi không biết nên vui hay buồn, tốt xấu do mỗi góc nhìn, nhưng sự thay đổi không thể phủ nhận, mặc dù đã nghe Anna kể lại rất nhiều, nhưng không thể nào tả được cảm giác khi đứng nhìn dòng sông cũ, con đường xưa. Tôi đi tìm lại những gì đã đánh mất, nhưng chỉ thấy một khoảng trống bát ngát trong tâm hồn

–        Rất khó mà quên được những kỷ niệm ấu thời, tôi cũng là người  tị nạn Cộng sản, năm 1975 tôi rời quê nhà sau cuộc chiến tranh anh em tương tàn, mặc dù  bây giờ tôi không trực tiếp sống dưới chế độ, nhưng tôi còn gia đình hai bên đang sinh sống  bên kia lằn ranh sắt máu đó.

–        Cuộc sống của những người còn lại dưới chế độ Cộng Sản cho dù Âu hay Á cũng không dễ dàng, tôi thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn cuả Anna, có nhiều lần ngỏ lời giúp đỡ nhưng bà rất tự trọng, luôn  từ chối.

–        Thế vợ ông có biết chuyện tình của hai người không?

–        Catherine biết chúng tôi vẫn còn liên lạc vì dù sao Anna cũng là người bạn từ thuở thiếu thời, tình cảm chúng tôi  bây giờ chỉ là kỷ niệm đẹp của thời mới lớn thôi. Chúng tôi luôn tôn trọng nhau, vì cả hai đều có gia đình và cuộc sống êm đẹp. Catherine chính là vợ tôi, người đang chung sống và chia sẻ hàng ngày, là mẹ của các con tôi, không ai có thể phủ nhận điều nầy.

–        Catherine có gặp Anna bao giờ không ?

–        Catherine gặp bà ấy một lần thôi vào sinh nhật năm thứ sáu nươi của tôi, đối với chúng tôi là năm rất quan trọng cho một đời người.

–        Vâng, Chúng tôi không mừng ngày sinh nhật cá nhân, ngày đầu năm đối với chúng tôi là ngày mừng thêm một tuổi và là ngày sinh nhật chung của tất cả mọi người, đặc biệt đến năm sáu mươi tuổi thì chúng tôi mừng thọ  Lục tuần rất trang trọng .

–        Năm đó, Catherine đề nghị tôi nên mời Anna sang mừng sinh nhật năm sáu mươi tuổi. mặc dù không hy vọng điều nầy có thể sảy ra, nhưng nhà tôi rất thật tình, chính bà viết thư bày tỏ nhã ý mời Anna sang  Hoa Kỳ thăm chúng tôi .

–        Bà ấy không ghen tương sao?

–        Vợ tôi  thấu hiểu tình cảm của tôi, và bà cũng muốn giành một món quà đặc biệt cho chúng tôi ở cuối cuộc đời.

   Mikhail nhìn vào khoảng trống trước mặt, ánh mắt dịu lại. Trong trái tim cằn cỗi cuả ông le lói chút hơi ấm tình người. Câu chuyện không dừng lại nơi đó, ông chậm rãi tiếp theo

–        Chúng tôi đón Anna ở phi trường khi bà sang Hoa Kỳ,  chính bà ấy cũng không nghĩ rằng còn có cơ hội gặp lại nhau, phải cảm ơn vợ tôi, người đã chu đáo thu xếp mọi việc, từ chuyện thư từ qua lại, giấy tờ xin phép, bà còn cẩn thận mang bó hoa đến đón mừng Anna. Sau khi thăm viếng các danh lam thắng cảnh trong vùng Vịnh, tôi đưa Anna sang thăm Las Vegas, đây chính là cái thế giới thu nhỏ mà tôi muốn đưa bà đi du lịch để hoàn thành giấc mộng thuở thiếu thời. Còn có nơi nào hơn nơi đây, tất cả các thành phố lừng danh trên thế giới đều có mặt trong khu vực sa mạc nầy. Từ thành phố New York vĩ đại cho đến Venice thơ mộng, Ai Cập cổ kính, Paris hoa lệ…

  Chúng tôi trôi theo dòng sông trên chiếc Gondola cuả thành phố nước Venice nghe lại  bài hát trữ tình ngày thanh niên cũ. Chúng tôi lang thang trong bầu trời nhìn ánh sao cuả Roma, ngắm  những cột nước phun theo điệu Valse nhịp nhảng lã lướt. Lời hứa thời thanh niên cuả tôi nay đã thực hiện, cảm ơn người vợ tốt cuả tôi, người đã hết lòng yêu thương tôi mà không hề ghen tuông cùng bóng ma dĩ vãng.

–        Catherine quả thực là một người phụ nữ hiếm có. Ông rất may mắn đó Misha. Thế ông bà có còn liên lạc với bà Anna không ?

   Mikhail im lặng, tôi ngạc nhiên nhìn ông, không biết ông có nghe câu hỏi hay đang  nhớ lại  những hình ảnh đẹp trong khoảng thời gian Anna đang thăm viếng. Một lúc lâu tôi thấy ông thở dài

–        Chúng tôi vẫn thư từ thăm nhau, bà ấy luôn nhắc nhở và cảm ơn vợ chồng tôi đã giúp bà thực hiện ước mơ . Chuyến đi đó là chuyến đi hạnh phúc cuối cùng trong cuộc đời cuả bà, hai năm sau bà chết vì ung thư.

–        Xin lỗi ông, tôi thật không ngờ đã khơi lại chuyện buồn nầy

–        Cuộc đời rất ngắn ngủi, hôm qua đã khuất, ngày mai chưa tới, chúng ta cứ tưởng nhớ chuyện cũ, lo lắng chuyện tương lai mà quên mất cái hiện tại chúng ta còn đang sống đây. Tôi đã an phận với mình, ông cũng lo vui sống đi thôi.

   Tôi nhìn theo Mikhail đang chậm rãi bước, màu nắng chiều in chiếc bóng nghiêng nghiêng trên thảm cỏ xanh. Mỗi con người chúng ta, ai cũng có một khoảng đời thanh niên, có những mơ ước lớn nhỏ, cho dù không cùng chung ngôn ngữ, màu da, sắc tóc, nhưng dòng máu đỏ trong huyết quản luân lưu vẫn chở theo trăm vạn mảng ký ức muôn trùng .

 

Vũ Thị Thiên Thư