Tiếng đàn bên sông

Tiếng đàn Bên Sông

 

Chiếc xe vận tải loại nhỏ rẻ vào con đường mòn, bỏ lại sau lưng những cánh đồng bát ngát. Con đường nầy không có bao nhiêu xe cộ lưu thông. Hai hàng cây đan bóng mát dầy dặt, buị mù tung bay theo sau vết bánh xe, tấm bạt bằng vải dầu che sau khoang xe đổi màu xám xịt. Chiếc xe phản đối mặt đường đầy ổ gà, lồng lộn gào rú từng chập. Tiếng máy phát thanh trong xe cắt tiếng động cơ, xé nát khoảng không gian yên bình cuả vùng đồi xanh mượt.

– Quẹo, quẹo , già chạy nhanh quá vượt qua con đường mất rồi , phải quay trở lại đi.

– Cậu chờ đến tân nơi mới chiụ nói, mặt đường thì lồi lõm, dấu bánh xe vận tải nặng cày nát như hố bom , vết cắt như rồng rắn, làm sao mà thắng cho kịp ?

Dù lấu bầu, nhưng Tâm vẫn ngừng xe lại, gài số chạy thụt lùi, buị bay ngược lên mù mịt. Vói tay tắt máy phát thanh, Minh cằn nhằn

– Già ơi ! lái kiếu gì vậy, tớ đứng cả tim, có ngày chết không kịp ngáp. Không rơi xuống hố thì cũng vướng vào gốc cây bẹp dí.

– Ấy, đã vướng cành cây nào đâu . Thôi im đi, quẹo lối nào thì bảo, cậu cằn nhằn cứ như đàn bà vậy.

– Bên trái, nửa dặm trong sâu kia, cái quán trọ bên bờ sông. Tớ đã lấy phòng trước rồi, khi nào đến thì chỉ hoàn tất thủ tục, ký giấy tờ thôi. Sáng mai thì nhận xuồng bơi và vật dụng rồi lên đường.

 

Tâm sang số xe, rẻ vào con đường mòn, qua khỏi khúc quanh. con đường quang đãng dẫn vào khu đất trống dùng làm bãi đậu xe. Thấp thoáng bóng mái nhà, khi đến gần thì nhìn thấy rõ ràng hơn, là một căn nhà gỗ cũ kỹ , xây cất trông giống các trang trại cuả vùng đồng bằng miền Nam, nhìn quanh, đó là căn duy nhất. Tâm nghĩ thầm “Quán với xá, không chuột cắn thì cũng ma tha …” Chiếc xe vận tải nhỏ nằm chơ vơ trong bãi, già nua không đoán được con số tuổi đời, biến mất cả màu sơn nguyên thủy, bao nhiêu lớp bôi quẹt chồng lên nhau, chưa kể rỉ sét ăn mòn theo tháng ngày .

Minh bước xuống xe, bước vào căn nhà, mấy bậc thang dẫn lên sàn gỗ trở mình kẽo kẹt dưới gót giầy.

– Có ai trong văn phòng không ? Ông chủ ơi !!

– Tôi ra ngay .

Khuôn mặt rám nắng thò ra , vóc dáng cao lớn, râu ria xồm xoàm, người đàn ông xuất hiện sau khung cửa mặc chiếc áo nỉ sọc, quấn jean với yếm dài tận cổ. Nụ cười thân thiện làm sáng ánh mắt hằn những nếp nhăn cuả người quen nắng gió. Ông ta chià bàn tay chắc chắn, da tay chai vì làm việc hàng ngày, Minh xiết nhẹ, nhìn xuống bàn tay cuả mình, những ngón tay mếm mại cuả người cầm bút quanh năm, thấy hổ thẹn trước cái xiết tay nồng nhiệt .

– Tôi là Minh , người liên lạc ký hợp đồng qua điện thoại với ông.

– Oh ! Tôi đã chuẩn bị các thứ rồi , chỉ cần ông kiểm soát lại thôi. Phòng trọ nằm phía sau căn nhà nầy , các ông có thể trả xe nơi đó luôn .

– Thế thì tốt quá , chúng ta vào vậy .

Căn phòng sau khung cửa, bàn viết kê trong góc, điện thoại treo lủng lẳng sợi dây dài cuốn như ruột gà, trên vách dán đầy những tờ giấy ghi nhớ, nhắc nhở công việc hàng ngày. Cầm tờ hợp đồng lên, thủ tục ký nhận nhanh chóng.

– Nhân tiện , mời quí ông đến dùng bữa cơm chiều cùng chúng tôi .

– Oh! Cảm ơn ông, vâng , chúng tôi sẽ đến.

– Sáu giờ nhé, ở đây mặt trời khuất sớm .

 

Tâm tháo hành trang, cái tuí nhỏ chưá vật dụng cá nhân, thuốc men và quần áo. Các thứ khác sẽ do chỗ cho thuê cung cấp. Xếp đống hành lý vào gốc cây, ngối xuống trên thân gỗ súc chưa kịp cưa cắt ra, đưa tay tháo hộp đàn, nhẹ nhàng nâng niu cây Lục huyến cầm như vuốt ve người yêu. Ánh nắng chiếu chiếu qua tàng cây, kẻ lá, in thành từng vệt hình thể khác biệt, nối tiếp, cận kề. Vuốt nhẹ ngón tay, những sợi kim loại mong manh trở mình, mừng rỡ, reo vui thoát khỏi khoảng không gian tù hãm chật chội. Ánh nắng dù hắt hiu cũng chiếu rọi êm đềm hơn bóng tối thâm u. Minh càu nhàu khi thấy Tâm mang theo hộp đàn Guitar.

– Già mang theo làm gì? Bộ đi trình diễn hay sao, hoạ chăng chỉ có nai và chó sói làm thính giả.

Tâm thả những âm thanh đầu tiên, như tiếng gió nhẹ nhàng mời gọi. Tiếng lá thì thầm , những nốt nhạc theo ngón tay không ngừng nghỉ. Ngày tháng chập chờn, lúc cả nước tang thương, bạn bè như bầy chim vở tổ, đứa tha phương cầu thực, đứa về bám ruộng đồng, đứa vào tù làm phân xanh cây lá. Những ngày rạng ngời xanh tóc, nồng thắm tình yêu, bước vui theo chân chim sáo, ngón tay diệu kỳ thả từng thanh âm, nối lại nhip cầu sông Ngân, cùng bầy chim Ô Thước. Thanh âm cuả những ngày tù đầy trên chính quê hương mình, khi bạn bè thân quen từ bấy lâu, bỗng hiện thành những cây ăng ten, sóng điện từ chờ chực báo cáo lập công. Ngày vớ được cây đàn Guitar trên tay, mừng như trẻ nhỏ được quà, hát như chim trời tự do, hát quên mất bản thân đang cá chậu. Trả giá cho những đốm sáng huy hoàng, rồi chợt tắt đó, bao nhiêu tờ tự kiếm như bướm bay, bao nhiêu ngỡ ngàng gậm nhấm cho thế thái nhân tình, người bạn thân bỗng đâu biến thành tên thích khách.

Đóng lại cuộn phim, dập tắt nỗi bàng hoàng, Tâm hít cho đầy buống phổi, bầu không khí thơm hương đất ẩm, hương lá cây, hương sức sống tiềm tàng theo từng tế bào thực vật. Nhưng đây là bầu không khí tự do, không một ai chực hờ rình rập , không có họng súng trên đôi tay chàng thanh niên chưa đầy tuổi lớn, niềm kiếu hảnh chiến thắng bị gắn chặt như lớp keo dán dị hình, biến tuổi thanh niên thành bộ máy chỉ biết hờn căm, hách dịch nhìn những con người thụ động bước đi, thi hành không phản kháng, mòn mỏi vì đói khát triền miên, bệnh tật vì bị vắt cạn kiệt sức đề kháng lẫn sức sống từng ngày .

Miên man với ký ức muôn màu, nỗi đớn đau từng ngày trong tù, từng giây trong hầm tàu ngột ngạt, nước ngập xâm xấp dưới ống chân, nước không thoát được vì chỉ có mỗi cái bơm, mà tuổi đời không biết đã bao nhiêu năm, khục khặc lê lết không đủ sức tháo nước ra, cộng với nước thừa thải ra từ những tấm thân rã rời, những anh hùng hay chiến bại, chân cùm, thân thể dật dờ hoi hóp trong bầu không khí tù hãm, mùi xú uế nồng nặc. Tâm nhớ như hôm qua, nhớ như giấc ngủ và cơn ác mộng hàng đêm, tưởng chừng như không bao giờ biến mất, chỉ có ánh sáng, công việc mưu sinh, cơn mộng du giữa ban ngày và cây Guitar bầu bạn. Tâm hồi sinh, thoi thóp kéo lê cuộc sống, thở lại không khí trong xanh, nhìn nắng hồng tươi nơi chân trời, đuổi theo dòng nước bạc nhẹ nhàng trôi. Mãi mê chìm đắm trong vùng ký ức, cắt đứt với hiện tại, Tâm không còn nhìn thấy ánh nắng đã nghiêng soi, tất cả các thanh âm, bổng trầm, như chìm sâu vào bóng lá tự bao giờ.

Tâm tiếp tục, vuốt, thả ngón tay trái trên cần đàn Guitar, khuỷu tay phải tựa nhẹ trên thùng đàn, móng tay di động, buông từng giọt khói sương, thanh âm rơi vào không gian êm ái. Bất chợt, có tiếng Băng cầm giòn giã nối theo Tâm nhìn lên đống gỗ chất cao sau hàng cây, mái tóc vàng hoe như râu bắp cuả thắng bé con, khuôn mặt đầy tàn nhang, trên tay thằng bé là cây Banjo, màu thép phản chiếu lấp lánh. Tâm búng mấy ngón tay, tiếng đàn vang lên rồi ngưng bặt, bốn con mắt nhìn nhau, mấy ngón tay di động, thằng bé con mĩm cười, rung tiếp mấy trường canh, lại nhìn nhau, Tâm tiếp tục, những ngón tay vuốt lên cần đàn, thắng bé con lại đàn tiếp theo, không gian trầm lắng bỗng chốc rộn ràng với những thanh âm đuổi theo nhau, nốt theo nốt , trường canh theo trường canh, khi vuốt ve, lúc khiêu khích, buổi song tấu bất ngờ, mối duyên ơ hờ không hẹn, hai mái đầu, một khách, tóc điểm sương lo thơ, từ bên kia bờ biển xanh, dày dạn phong trần, một chủ , tóc vàng hoe từng lọn, bên góc rừng cạnh dòng sông, cuộc sống chưa bắt đầu, bao che bởi ngàn cây êm ái. Ngữ dị biệt, ngôn bất đồng, nhưng thanh âm phát ra từ hai thứ nhạc khí, bổng trầm theo nhau, hài hoà tuyệt diệu.

Tiếng cồng lanh lảnh, cắt đứt dòng nhạc đang miên man, như suối chảy, như mây bay. Thằng bé nhún mình nhảy xuống gọn gàng, Tâm cũng dừng tay lại, vác đàn lên vai, bước về phía thằng nhóc con, bàn tay giơ cao vẽ một vòng cung trong không khí, nghiêng mình cuí chào đúng phong cách, tiếng cười thanh thoát, khuôn mặt thông minh tinh nghịch, đôi mắt chứa màu xanh biếc cuả vùng đồi non xanh mượt. Tâm nắm bàn tay nhỏ nhắn, nheo mắt sau cái bắt tay nối tình thâm trọng, buối hoà nhạc bất ngờ nối hai mái đầu, phong sương và thơ trẻ lại với nhau, sợi dây huyền nhiệm, không ranh giới phân chia, không màu da sắc áo.

 

Buổi cơm tối đơn sơ, nhưng chắc bụng, ánh đèn vàng diụ dàng toả ánh sáng, câu chuyện về cuộc sống đậm đà , cởi mở, tiếng cười ấm áp trong căn phòng nhỏ, khi Tâm và thằng bé con đứng dậy thu dọn bát đĩa, Minh và Joe ra trước hiên hút thuốc, tiếp tục chuyện trò.

Nhìn theo ánh mắt tư lự cuả Joe, Minh có trăm ngàn câu hỏi, tại sao một con người năng động, kiến thức sâu xa, lại bỏ tất cả, về sống nơi đèo heo hút gió nầy ? Còn thằng bé con nữa chứ, làm sao nó học hành? Không lẽ suốt đời chui rúc trong cánh rừng và con sông? Nhưng thằng bé cũng lạ, trong suốt bửa ăn, chẳng hề nói một câu, chỉ nhìn Tâm và cười rạng rỡ. Cả hai có điều gì bí mật với nhau, không nói mà như hiếu nhau bắng ánh mắt, nụ cười.

Hai mái đầu, tóc đã điểm sương phai, bên cạnh chồi non xanh mượt, kẻ rửa người lau, trong phút chốc, chồng chén dĩa, chiếc chảo gang, đã sạch sẽ gọn gàng. Bốn bàn tay giơ cao, thằng bé tung tăng đi về phòng ngủ, trở ra với cây Băng cầm, thanh âm lại vang lên dòn giã, Tâm phụ hoạ theo với tiếng Tây Ban Cầm, cả hai quên mất sự hiện diện cuả Minh và Joe, hai thính giả ngoài hiên nhà, cùng ngọn cỏ lao xao, ngàn lá cây xào xạt, và tiếng côn trùng gọi nhau nỉ non.

Nghiêng tai lắng nghe, dụi đốm lửa đỏ, chôn tàn thuốc lá vào cái bồn cát bên góc nhà, bóng tối bao trùm lên vạn vật. Joe lắng nghe tiếng đàn diù dặt reo vui, trong lòng trăm mối. “ Annie đã bao nhiêu năm, ước gì em nhìn thấy con chúng ta, Mike lớn như thổi, mười năm, như bóng mây qua, vẫn thách thức tất cả, vẫn còn sống đây, vẫn tươi tốt như cây xanh, vẫn hài hoà cùng vạn vật …”

 

– Annie, anh nghĩ nó là con gái

– Nhưng nếu nó là con trai thì sao hở anh ?

– Thì mình vẫn yêu nó chứ sao , nhưng mình sẽ sinh đứa con gái khác

– Con trai hay con gái thì nó vẫn là con của chúng ta, kết tinh cuả aí ân nồng đậm, anh đừng bao giờ bỏ con nhé.

– Sao em lại nói thế? Con cuả chúng ta, làm sao anh bỏ được ?

Annie, mối lo sợ vẫn vơ,, không ngờ là sự thật, nhưng không phải anh là người bỏ con , mà chính em. Tại sao có thể nghiệt ngã như thế ? Đưá con gái xinh xắn chưa kịp chào đời, em lại bỏ anh đi? Joe nhớ nổi đau tê dại, nổi đau thắt chặt trái tim, nổi đau không thể quên dù ngày tháng qua đi.

– Thưa Ông, chúng tôi cố gắng , nhưng ..

– Bác sĩ , bằng mọi cách, làm ơn…

Nỗi ngây dại, nỗi cuống cuồng, những bước chân đếm không ngừng trong căn phòng chờ đợi, một hai, bước tới rồi quay lại, gọi bao nhiêu đấng thiêng liêng, cầu xin tất cả. Niềm tin cuả thường ngày vắng bóng, Joe khấn cầu, tuyên hứa. Cánh cửa mở, Joe lao vào như tia chớp, Annie nằm yên, ánh mắt rạng ngời, trên ngực ôm hài nhi còn đỏ hỏn, ngo ngoe tay chân, nụ cười chưa kịp nở bùng lên, đã nhạt phai như tia nắng chiều tàn lụn. Dán vào ánh mắt lạc thần, chuyền tất cả hơi sức vào, nắm bàn tay lạnh giá, Joe khẩn cầu

– Annie, Annie cố gắng lên.

– Chúng tôi đã tận lực, không thể nào cứu cả Mẹ lẫn con .

Joe không nhớ mình đã nói gì, không nhớ mình đã làm gì, ngày giờ trôi như mộng du, như cuốn băng trắng, dù cho có cố gắng tìm lại hình ảnh tiếp nối, cũng không thể nào. Lúc Joe tỉnh giấc mơ, nhìn đứa bé đỏ hỏn trong tay, không biết nên vui hay buồn. Căn nhà đầy những hình ảnh, đầy những dấu vết, vào ra như nhắc nhở, hàng ngày, mọi thứ trước đây được sắp sẳn, chăm chút, giờ phải làm lấy một mình, từ chiếc khăn, cho đến manh áo cho con, Joe đọc hết cẩm nang cho đến công thức hướng dẫn, cuống cuồng khi con ốm đau, hai bố con sống âm thầm trong căn nhà thênh thang thiếu bàn tay phụ nữ chăm sóc. Cho đến lúc quá mệt mõi vào ra bệnh xá, những đêm ngồi ngất ngưởng ôm con thức trắng, Mike ngặt nghẻo vì bệnh tật, chán chê vì dời từ nhà trẻ nầy sang nơi khác. Thách đố với tất cả những lời tiên đoán, chuẩn bệnh cuả các danh y, Joe từ nhiệm, bán nhà, mang con về sống trong vùng quê an bình, xa vắng.

Mike lớn theo cây cỏ, hai Bố con như hình với bóng. Nhiều lúc nhìn con Joe nghĩ đến an bày cuả Thượng Đế. Không hề hối tiếc việc từ chối cuộc sống ồn ào, buị bậm cuả thành phố để về đây. Thiên nhiên, phương thuốc kỳ diệu, hơn cả bao nhiêu điều khoa học không thể chứng minh. Âm nhạc, sức sống tiềm tàng thôi thúc, nguồn năng lượng cung cấp hàng ngày, chỉ có thanh âm mới xuyên thủng màn sương dầy dặc đó. Mike và cây đàn không rời trên tay, cả hai như hình và bóng. Từ một đứa bé tính mạng mong manh, thân thể như bộ xương, khi di động không đủ lấp khoảng không khí, cho đến lúc những tiên đoán không thể phát triển về trí năng, làm sao có thể lấp đầy quả bóng trống không?

Cảm ơn cây Xylophone, những mảnh gỗ đơn sơ, chắp lại, gõ bằng chiếc dùi con, taọ ra thanh âm, khi Mike hãy còn chập chững. Sự chú ý về thanh âm bắt nguồn cho niềm hy vọng. Sau khi đã không còn phương cách, mòn mõi, kiệt lực, tất cả các bài học tập tành khác không mang lại kết quả cụ thể nào. Mike vẫn èo uột, vào trường không theo nổi bọn trẻ cùng tuổi, cùng lớp. Không chấp nhận cho con vào trường giành riêng cho trẻ tật nguyền. Joe thu xếp xin thôi việc, mang con về vùng quê nuôi nấng. Vậy đó, mà đã gần mười năm…

– Mike , muộn rồi

– Vâng, tới giờ ngủ rồi, chúc cháu ngủ ngoan, sáng mai nhé .

Vuốt tóc thằng bé con, từ giã, Tâm đứng lên . Đêm và bóng tối, một ngày qua .

 

Bóng chiều ngã về tây, con sông cuồn cuộn chảy. Tâm thả tay bơi, chiếc xuồng con vẫn lướt nhẹ nhàng. Khúc sông nầy đã vượt qua những năm trước đây, chợt nhớ thằng bạn cùng lớp khi xưa, ngày nó về Giang đoàn, mặt búng ra sữa, chưa kịp quen luồng nước lợ vùng tam giác cuả các cửa sông Tiền, sông Hậu , đã lảnh trái B-40 vế nằm ụ Đồng tâm lây lất. Gặp hắn mò về thủ đô, xanh mướt màu bệnh viện

– Cậu ở đâu ra ?

– Mới xuất viện

– Ăn phải thứ gì ? Tưởng cậu đang ở Cà Mau

– Thì Cà Mau mới ăn B-40, chúng từ trong rừng mắm thổi ra , tớ bay mất cái đài chỉ huy, tưởng không còn chổ đội nón nữa

– Bao giờ thì trình diện lại ?

– Tuần sau. Ông cụ muốn tớ lên bờ, nhưng chuyện nầy cũng khó. Tớ muốn vào trường Sinh Ngữ Quân Đội , nhưng ngại chuyện thi tuyển sinh

– Chuyện đó dễ mà …

Cũng mối duyên nghiệp nào, hắn vào được trường Sinh Ngữ quân đội, để rồi sau 75 đi tù tận miền quê hương ngày xưa đã bỏ cuả chạy lấy người. Nếu hắn còn trong Giang đoàn thì biết đâu đã thoát đi ngày rã ngũ, nếu thân xác đã không nằm dưới lòng sông , hay chân dung trên bàn thờ hương khói, nếu và nếu …

 

Khúc quanh nầy, bờ đá nầy, con sông còn một đoạn bằng phẳng nữa mới đến thác. Sẽ ngủ lại đây đêm nay. Sáng mai, một ngày mới. Nghĩ đến ánh mắt rạng ngời cuả thằng bé con khi cầm cây Guitar trên tay, nhớ khuôn mặt đầy dấu tàn nhang, ánh mắt trong xanh, đơn giản cuả đứa trẻ chưa nhuốm âu lo, chưa hề xông pha vào cuộc đời trắng đen lừa đảo. Cuộc sống nầy, có bao nhiêu năm, Những tháng năm lận đận nối theo những ngày thăng hoa, muôn màu vạn sắc, không trung hòa đơn giản như đưá bé con, chỉ làm bạn với thanh âm, chỉ chuyện trò cùng cây cỏ. Ngôn ngữ, thứ qui ước diễn đạt không cần thiết, ngôn ngữ cuả Mike nằm trên những ngón tay, trong ánh mắt rạng ngời.

Cả hai khiêng chiếc xuồng con, đặt lên bãi cỏ. Tâm gom mấy nhánh cây khô, kinh nghiệm những ngày theo Hướng Đạo Sinh, phong trào thanh niên, thêm khoảng thời gian tù đày, phút chốc ánh sáng từ những thanh gỗ mỏng manh bùng lên, nấu ấm nước đầu tiên, tiếng reo vui trong lòng, nhúm hoa gói cẩn thận trong những lớp giấy ny long, hình dung vị hoa Vối tê tê trên đầu lưỡi, mùi hương theo nhau từ thuở vượt vỹ tuyến vào Nam, bất chợt, lây lan. Minh vẫn không bao giờ hiểu được

– Già biết uống cái thứ nước quê mùa đó à ?

Minh nhìn ngạc nhiên, khi thấy bạn trân trọng đun nước cho những nụ hoa be bé, màu nâu hồng sẫm. Tâm nghiện thứ nước quê muà đó, thấm qua từng tế bào, thẩm thấu từng mạch máu. Cũng như khi hắn tròn mắt nhìn thắng bé con trân trọng nâng niu cây Guitar Ephanol

– Già tặng nó cây đàn thật à ?

– Thế cậu tường tớ đuà sao ?

– Già quí cây đàn như sinh mệnh mà .

– Có những lúc, sinh mệnh không còn nghĩa lý gì, cây đàn nầy , trong tay người tri kỷ, có phải là đã sống một cuộc đời đáng sống không. Gươm thiêng tặng danh tướng. Hoa đẹp tặng Mỹ nhân.

– Tớ cũng chịu thôi, không thề hiểu được già

.

Chút hơi ấm len lõi trong những mạch máu, nhịp tim nhẹ nhàng, tiếng nói như gần xa…làm sao có thể hiểu được, Tâm còn không hiểu nổi chính mình, bao nhiêu năm qua, tưởng đã không còn những rộn ràng ấp ủ, chợt thở dài …Vương vấn một mùi hương .

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Về Muôn Phía Hoa Khai

 

Về muôn phía hoa khai

 

Soi mái tóc xanh đối gương tự hỏi

Bao lần lá đổ mấy lượt xuân qua

Tình cũng như sông khúc chìm đoạn nổi

Đời bỗng gian truân sao chẳng cùng ta

 

Khêu nến lụn mong manh hư ảnh

Đêm chưa tàn tóc trắng màu sương

Đau niềm chung lận đận đời riêng

Chớm nụ biếc cuồng phong trăm mảnh

 

Trời đất bao la Phượng ơi tung cánh

Tình cũng như trăng lúc khuyết khi đầy

Chân mòn mỏi và đôi vai nặng gánh

Cánh nhỏ bên đời gió tạt mưa bay

 

Điểm phấn son tô màu cảm khái

Bút mực nào tận tuyệt niềm đau

Thôi chờ mong từ lúc xa nhau

Ôm ký ức dốc đời trang trải

 

Không ai trả hơn một đời lời lãi

Nước bình an rửa đoạn tháng qua ngày

Sống bao lâu mà bâng khuâng nghi ngại

Trải lòng ta về muôn phía hoa khai

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Mây Sóng tình thơ

Mây sóng tình thơ

 

Một nửa địa cầu thương nhớ thương

Bên kia bờ bắc Thái Bình Dương

Trăng non mờ nhạt hình nhân ảnh

Nối lại mây trời vương vấn vương

 

Tơ trải bên trời thơm sắc hương

Monh manh hơi thở nhẹ như sương

Tay nào cung bậc êm đềm quá

Nhạc trổi ru hồn đêm Đông phương

 

Hai cõi chờ nhau ngày tiếp ngày

Long lanh giọt nắng điểm sương mai

Đêm tàn chung giấc mơ huyền ảo

Cơn mộng trăng về thêm ngất ngây

 

Hãy nối dùm ta một nhịp cầu

Ngân hà mòn mỏi với đêm sâu

Trùng hoan đôi mái đầu xanh thắm

Chớ để thời gian như bóng câu

 

Thiết tha nhạc sóng vỗ miên man

Quấn quýt thời gian kết không gian

Âm dương trời đất cùng chung nhịp

Êm ái chan hoà đêm liên hoan

 

Đốt trầm hương gởi gió muôn phương

Hãy chở tình ta vạn dặm trường

Về bên biển Thái nghìn hoa tuyết

Thần giao ngọn lửa kết yêu thương

 

Muôn màu vạn sắc giữa tầng không

Lóng lánh trong tim rạng ánh hồng

Tình như ngọc đỏ màu lưu huyết

Cháy mãi trong lòng ta mênh mông

 

Anh ạ ! tình ta có khác chi

Bâng khuâng nét bút chở nghìn thi

Khung căng lụa trắng …mềm hơi thở

Đắm đuối riêng gì một gã si …

 

Cho nên tơ gấm dệt nghìn mơ

Hẹn với trăng xanh đối bóng chờ

Thênh thang biển tiếp chân trời mộng

Mây tình lang nối sóng tình thơ

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Giấc mơ

 

Giấc mơ

Người thanh niên  tay xách cái túi nhỏ hành trang, đứng trong hàng nối đuôi theo nhau như trò chơi rồng rắn, kiên nhẫn chờ đợi ở trạm kiểm soát để được lên phi cơ , khuôn mặt trẻ hằn những dấu âu lo, từng trải, đôi bàn tay sần sùi của người quen làm những công việc  tay chân. Anh đứng im lặng thờ ơ, chờ người nhân viên an ninh trong phi trường kiểm soát hành lý và trao trả lại vật dụng cá nhân. Bên trong căn phòng nhỏ, nơi chờ đợi, đã chứa đầy những người và người, dăm đôi hành khách lớn tuổi  ngồi đọc báo hay lơ đảng nhìn ra khung cửa. Một cặp vợ chồng, tuổi độ trung niên và hai đứa trẻ đứng xếp hàng phía trước, người vợ dắt đứa con trai chừng ba bốn tuổi, đứa bé gái lớn hơn thì níu tay Bố, ông ta đang cho tay vào túi quần móc hết những đồng tiền lẻ cho vào dĩa, cởi cả thắt lưng và giầy ném vào khay nhựa, rồi dắt con đi qua cổng dò kim khí. Tiếng máy kêu lên báo hiệu, anh nhân viên kiểm soát bước lại mời ông ta  đứng sang một bên để nhân viên dùng máy rà tay kiểm soát trên người, ông bật cười nói với người vợ

–          Tôi đã khuyền cáo, mình thua cuộc rồi đó.

Ông ta móc ra một nắm tiền một xu, cho vào dĩa nhựa rồi nói với người nhân viên

–         Chúng tôi đánh cá nhau, nhà tôi không tin là khi tôi đi qua cổng, máy dò kim khí có thể phác giác được những đồng xu nhỏ nầy, bà ấy thua rồi.

Họ vui vẻ đi trở lại lần nữa rồi dắt hai đứa bé cưới nói tíu tít đi vào phòng chờ đợi. Đến lượt tôi, anh nhân viên  bảo cởi giầy, bỏ chiếc áo khoát dầy cộm và xách tay vào khay nhựa rồi đi qua cổng, đến bàn để nhận lại các vật dụng, người nhân viên xin được kiểm tra, tôi mở sắc tay, trút hết các thứ lỉnh kỉnh bên trong, anh ta mở cả thỏi son môi và bao đựng viết cho tất cả vào mâm, mang trở vào máy X-ray một lần nữa rồi trả lại cho tôi. Thật là buồn cười cái thỏi son môi vô tội và mấy món vật dụng cá nhân đã được chiếu cố cẩn thận. Chẳng biết tất cả những kiểm soát nầy có thật sự khám phá được những mưu đồ  phá hoại không? Nhưng mỗi người có phận sự phải làm, nhân viên kiểm soát chỉ thừa hành theo mệnh lệnh thôi. Tôi lặng lẽ sắp xếp lại các vật dụng, cho vào xách tay rồi sang phòng chờ đợi.

Nhìn trở lại thấy các em còn đang lóng ngóng chờ ngoài hành lang, tôi khoát tay ra dấu bảo các em về đi. Đoàn người rồng rắn lần lượt mất khúc đầu , những hàng ghế  đầy người qua trạm  vào tìm chổ nghỉ chân .Tôi ngồi xuống  một ghế trống tựa lưng vào vách , nhìn màu nắng vàng nhảy múa ngoài cửa sổ, từ giã thung lũng hoa vàng và những toà building bỏ không, những tòa nhà đã có một thời nhộn nhịp với bãi đậu xe đầy những chiếc xe ngoại quốc đủ màu, một thời làm cơ sở của thiên đàng điện tử, giờ  vắng ngắt , đứng lặng lẽ im lìm, trở về Ngũ Đại Hồ thân quen hơn phần tư thế kỷ, với màn  sương trắng mù mù và những hoa tuyết cuối mùa long lanh …….

Tôi thờ ơ mở quyển tạp chí, chử nghĩa nhảy múa trước mặt , những hàng ghế ngồi đã đầy người chờ đợi , đôi vợ chồng ngồi cạnh nhau , hai đứa bé mở  ba lô mang ra các trò chơi điện tử cầm tay, hai ngón tay không ngừng bấm, âm thanh ríu rít, ánh sáng xanh đỏ nhảy múa theo, chúng nó có vẻ quen thuộc vói trò chơi và trong phòng chờ đợi, cũng không có vẻ xôn xao tò mò như những trẻ lần đầu tiên được đi xa. Chán với trò chơi điện tử, hai đứa trẻ  thu gọn hành lý rồi  dắt nhau ra dí mũi vào khung cửa kính nhìn những sinh hoạt  tấp nập bên ngoài.

 Người nhân viên  của hảng bay đi vòng quanh kiềm soát  vé của hành khách,  chuẩn bị cho mọi người lên phi cơ, đôi vợ chồng già ngồi lặng lẽ cũng xếp vật dụng vào xách tay, ưu tiên cho trẻ con và ngưới lới tuổi, họ lần lượt nối đuôi nhau vào phi cơ, tôi cũng theo chân những người trong hàng. Nghiêng người, kéo cái xách tay, lách qua hành lang chật hẹp trong phi cơ, nhìn lên bảng số thứ tự tìm chổ ngồi , hàng ghế ba chổ vần chưa có người ngồi, chọn chiếc hãy còn trống, như thói quen, tôi ngồi  xuống ghế cạnh đường đi. Người thanh niên  lơ đãng trong phòng chờ đợi ban nãy cũng tần ngần  nhìn vào số ghế, rồi hỏi tôi bằng tiếng Anh 

–          –         Thưa bà , có phải đây là ghế số hai mươi C không ?

–          –         Vâng, Tôi thật vô ý, xin lỗi nhé.

–          –         Thưa bà không có chi, tôi chọn ghế phía ngoài để dể di chuyển thôi.

Tôi trả lại ghế cho người thanh niên rồi vào ngồi cạnh cưả sổ, phi cơ vẩn còn nằm yên trong cổng dù đồng hồ tay đã quá giờ bay nửa tiếng. Quyển tạp chí lại mở ra hờ hững , chử nghiã cũng lơ mơ như  những giọt nắng vàng nhảy muá ngoài cưả sổ. Cái sức nóng ngột ngạt và không khí tù hãm trong phi cơ , hành khách hầu hết đã ngồi vào chổ, những người tiếp viên trong đồng phục đã đi dọc theo hành lang đóng lại những hộc hành lý trên đầu. Chờ đợi nào cũng thăm thẳm , đi về naò cũng xôn xao . Người thanh niên bồn chồn nhìn ra khung cưả sổ cuả phi cơ nhỏ như cửa tò vò. Nóng hâm hấp, nóng như những ngày tháng đầu muà mưa trên quê hương yêu dấu , nóng như tháng hạ nào xa lắt.xa lơ trong ký ức miệt mài .

   Cuối cùng rồi cũng cất cánh bay, nhìn xuống đồng hồ tay, đã trể mất một giờ, từ hôm sang đây, tôi vẩn không thay đổi kim đồng hồ , giờ nầy vẫn là giờ Chicago, buổi trưa, bên ấy trời có lạnh ? Hôm ra phi trường , mang theo cái áo len dầy cộm của mùa đông, nghĩ rằng khi trở về có thể sẽ cần đến. Thời tiết ở Chicago cũng bất thường như tấm lòng cô gái mới lớn, thoạt ấm thoạt lạnh, ngày đang đẹp, nhìn những người bộ hành tung tăng vui bước trong hàng hiên với quần áo muà hè giản dị, chỉ cần một chút nắng chút gió xoay chiều, lạnh buốt da trần, người người run rẩy tránh vào các cưả hàng,bước vội ra xe, nhiệt độ đang từ tám mươi bốn độ F hạ xuống bốn mươi tám độ F chỉ trong phút chốc .

     Nhìn quyển sách trên tay tôi, anh ta hỏi tôi, tiếng Việt  trôi chảy

–          –         Chị là người đồng hương phải không?

–          –         Tôi không giống người Việt Nam sao ?

–          –         Không phải vậy, tôi chỉ sợ nhận lầm người thôi, chị không giống người ở  Cali

–          –         Tôi nhìn như người lạ ?Vâng, tôi chỉ đến thăm Cali thôi, giờ trở về.

–          –         Ở Chicago mùa nầy có còn lạnh không?

–          –         Mùa nầy đang vào xuân, ban ngày ấm hơn  trước, nhưng đêm về vẩn còn trên dưới bốn mươi độ Farenhei

–          –         Oâi chà, lạnh quá vậy!

–          –         Nếu quen với nắng ấm Cali thì đúng là lạnh thật , nhưng tôi sống ở đó khá lâu rồi, nhiều hơn những năm tháng lớn lên sinh sống ở quê nhà, đôi khi vẩn tự hỏi mình , quê nhà? Ở đâu là quê nhà? Nơi sinh ra và nơi đang sống, mỗi nơi đều yêu thương quyến luyến, mỗi nơi đều nghĩa nặng tình sâu, tại sao đang ở nơi nầy  vẩn nhớ nhung da diết, mỗi lần giao mùa, thêm xao xuyến bâng khuâng, mỗi lần Tết  quạnh hiu lại buồn đau gậm nhấm.

–          –         Tôi đi ngang qua đấy đôi lần, lần nầy đổi máy bay, phải chờ chuyến bay kế tiếp nên định ra ngoài dạo phố chơi một vòng cho biết, từ phi trường về trung tâm thành phố có xa không?

–          –         Cũng không xa lắm, nhưng anh chỉ có hai giờ  chờ chuyến bay thì tôi nghĩ rằng không đủ thời gian đâu. Chicago nằm dọc bờ hồ, có rất nhiều Viện bảo tàng, các kiến trúc lịch sử, và nhiều thắng cảnh nên thăm viếng. Nếu anh có thời gian thì hãy ở lại đôi ngày mới có thể đi được các nơi. Nhất là các khu phố của mọi sắc dân, khu thương mãi, hay ngay cả những kiến trúc mới mẻ tân kỳ.

–          –         Rất tiếc, tôi  không còn thời gian, phải về nhận việc ở Philadelphia, có người bạn thân hiện đang bên ấy, chúng tôi hùn nhau mở một nhà hàng, bạn tôi đã chuẩn bị từ mấy tháng nay, hiện thì cơ sở đã sẳn sàng, anh nhắn tôi bay sang để bắt tay vào việc.

–          –         Anh đã từng làm nhà hàng bao giờ chưa?

–          –         Tôi đã đi làm cho nhiều nhà hàng, chổ tôi vừa xin thôi cũng là một nhà hàng lớn, tôi để ý học hỏi, hiện nay có thể đứng bếp chính, công việc đã quen thuộc, vã lại, chẳng lẻ mình đi làm công hoài, không thể khá hơn được, nên mới tính nhào ra làm chủ một phen.

–          –         Thường thì phi thương bất phú, anh có gan thì làm giàu mấy hồi.Tôi chúc anh và người bạn thành công

–          –         Cảm ơn chị.

     Chuyến bay cất cánh muộn hơn giờ dự định. Trẻ con cũng không còn háo hức nhìn qua khung cửa sổ tò vò của phi cơ. Câu chuyện bâng quơ, mỗi người lại lặng lẽ theo đuổi những ý nghĩ tiêng tư. Tôi mang tờ tạp chí ra đọc, hôm đi, mang theo quyển sách nhỏ, vẩn còn nằm yên trong ngăn kéo bên hông cái xách tay, trở về , lại mang thêm  một  mớ sách nữa. Lang thang ở khu phố của người đồng hương, nhìn thấy quán sách èo uột nằm khiêm nhượng, tôi bước vào, đảo một vòng chunh quanh, bao nhiêu tên tuổi, những người cũ, mới nằm lẩn lộn vô hồn, bụi bám đầy trên giá, nhớ lại mớ sách vở  nâng niu góp nhặt , dành dụm chút  tiền quà bánh hàng ngày để mua từng quyển, một trang sử lật qua, một nền văn hóa ngỡ đã cháy tiêu theo ngọn lửa hồng, nhưng cuối cùng vẩn còn mang ra bán đầy vĩa hè, góc phố. Lịch sử bao nhiêu lần thay đỗi, mỗi một triều đại dựng lên, một chính thể mới đặt xuống , đều truy lùng tận diệt những tàn dư của thời đại trước. Tần Thủy Hòang đốt sách chôn học trò, có phải vì muốn thay đổi hòan toàn cách giáo dục và nền tảng triết lý ? Lon Nol  lùa tất cả giới trí thức vào The Killing field có phải muốn hòan toàn hủy diệt những gì còn sót lại của một bộ máy cầm quyền , cũng như ảnh hưởng của nền giáo dục trước đây ? Bao nhiêu lần sữa sai, bao nhiêu lần đổi mới, kết án rồi lại phục hồi, kể tội rồi tâng công , giết từ trong trứng nước, hay nhổ lúc cỏ còn non ?

Tiếng người đồng hành nói nho nhỏ đều đều, từ những câu chào xã giao, sang thăm hỏi,  tiếng Mẹ thật ngọt ngào lưu luyến, chuyện trò đôi chút cho quên đi những âu lo ngồi trong khối sắt ngàn cân, bay trên bầu trời trắc trở. Những ánh mắt bàng quang, những khách hành lạc lõng, phương tiện kỷ thuật thật tân kỳ, chuyện di chuyển nhanh chóng của con người gom chung lại những kẻ phương đông người phương tây, dăm ba ngàn cây số chỉ mất mấy giờ bay .

–          –         Hồi xưa chị ở  đâu vậy ?

–          –         Tôi ở Sai gòn cho đến ngày mất nước, sau đó thì về quê sống

–          –         Về quê thì sống nổi gì, tôi cũng nghe lời nhà nước đi về kinh tế mới, nước nôi chẳng có, đất đai trồng sắn trồng mì cũng chẳng kiếm nổi miếng ăn. Cuối cùng rồi lại bò về thành phố vất vưỡng kiếm sống, may mắn nhào theo người vượt biên, chớ làm gì có tiền bạc mà lo lót, họ bàn chuyện vượt biên tôi tình cờ nghe được, sợ bể nên họ bắt tôi theo, số tôi chưa chết, lang thang bên đảo, gom được mấy thằng con mồ côi, thằng chiều chiều ra biển nhìn ngọn hải đăng nhớ Vũng tàu khóc ngất, thằng bạo gan đi làm thuê vác mướn kiến tí tiền, qua đây rồi thì vào hội thiện nguyện học hành dăm ba chử kiếm cơm. Còn tôi lăn vào nhà hàng bắt đầu chân  phụ bếp, học nghề nấu nướng, bây giờ thì tay nghề cũng khả dĩ. Nộp đơn xin đòan tụ đem được thằng em sang, lo cho nó học hành, nó an thân rồi tôi cũng rảnh tay.Thằng bạn cũ hồi trên đảo cũng đi làm bấy lâu nay, rũ nhau dành dụm, tìm được địa điểm nên chúng tôi thử  thời vận một phen

–          –         Nhà hàng thì lúc nào cũng sống được, chẳng biết có làm giàu nổi không.Tôi cũng quen biết một số bạn bè, có người thành công đứng vững, cũng có người vất vã qua ngày, nhưng chưa ai bị đói hay vỡ nợ gì hết.

–          –         Tôi nghĩ mình qua đây chỉ có hai bàn tay, xứ nầy không kỳ thị người có khả năng, dù có thất bại cũng còn cơ hội khác.

–          –         Anh hãy còn trẻ, chuyện trì chí thì thành công mấy hồi. Làm nhà hàng cực nhọc quá, anh có nghỉ đến chuyện đi học lại không ?

–          –         Trước khi giải phóng tôi đang đi học trung học ngon lành, Ba tôi là ngụy quân bị đi cải tạo, nhà nước khuyên  Mẹ tôi nên về kinh tế mới , chúng tôi khăn gói đi, đến lúc không còn gì bám víu, trở về thành phố thì nhà cửa chẳng còn, kiếm ăn còn chưa có thì còn nói gì đến chuyện cắp sách đến trường nữa. Sang đây thì Anh Ngữ  học tiếng được tiếng mất, thôi lo đi làm kiếm tiền gởi cho Mẹ nuôi em. Giờ thì lở mùa sái tiết, chỉ muốn kiếm cơ sở làm ăn, xây sự nghiệp.

–          –         Ơû đây thì tuổi nào cũng có thể trở lại trường đi học , đâu có ai cười mấy ông bà tuổi lớn còn cắp sách đến trường đâu. Thích thì cứ đi học lại, mấy người đi học bây giờ mới thật sự học thêm vì không phải lo chuyện thi đậu lên lớp hay thi rớt vào quân trường, hay học lấy mảnh bằng đi làm kiếm gạo cơm.Nếu có chút thời gian, anh hãy  thử vào trường xem sao .

–          –         Vâng, chuyện đó cũng còn lâu mà, tôi làm ăn ổn định rồi sẽ tìm trường gần nhà thử  thời vận một phen.

Câu chuyện chẳng đi đến đâu, giống như hai khóm lục bình trôi hững hờ theo dòng nước. Tôi cũng không trở lại quyển tạp chí trên tay, người thanh niên một lần nữa chìm trong những ý nghĩ riêng. Nhắm đôi mắt lại, giấc ngũ không về như  ý muốn.Trong  công việc mưu sinh hàng ngày, cũng như bao nhiêu người khác, quanh quẩn cuốn vào cái vòng quay quắt, đã lọt vào guồng máy và không thể bước trở ra, một là lăn theo , hai là cuốn nát. Nhìn lại những ngày tháng bơ vơ chân ướt chân ráo đến đây, gặp lại  cô bạn quen từ ngày còn mài ghế trung học, người bạn may mắn chạy theo đoàn tàu xấc bấc xang bang, cô lấy chồng khi chưa kịp rời ghế nhà trường, một bước lên bà, nhanh chân sang đất lạ, làm lại cuộc đời rồi nhởn nhơ nhìn người khinh miệt. Cái mặc cảm tự tôn như giọt cường toan ăn mòn, như vết chàm không xóa được, cuộc sống quá phù du, tại sao lại bận tâm đến chiếc xe hiệu gì ? đời mấy ? căn nhà mua bao lâu rồi ? Cái hạt kim cương lấp lánh kia nặng bao nhiêu? Bên trong lớp áo mang nhản  hiệu đắt tiền liệu có che giấu được cái tâm địa xấu xa trơ trẻn ? Phúc hưởng bao lâu ? cuộc đời có mấy ai giàu ba họ, khó ba đời ?

Bên kia khung tò vò là mảnh trời xanh ngắt, những lớp mây trắng dầy đặc dưới chân, tiếng động cơ rì rào xuyên qua mấy lần vỏ phi cơ, âm thanh đủ xoáy vào đầu óc miên man, chuyến đến O‘ Hare lần đầu tiên đã hơn phần tư thế kỷ qua, ngơ ngác như bầy chim lạc, hành trang là nổi âu lo bất định, lê đôi chân tê cóng, mười bảy giờ ngối bó gối trên phi cơ, đôi chân như phản kháng, không chịu chống đở cho thân hình chưa đầy trăm cân Anh, hậu quả của những ngày đói xác xơ trong trại.Hon hai mươi lăm năm, bao nhiêu chuyến đi về, bao nhiêu lần trên cao nhìn xuống thành phố, những tòa nhà chọc trời như những ngón tay dài cố vươn lên lôi kéo, mời mọc.

Những chuyến đi xa,bao giờ cũng có người thân yêu bên cạnh, chuyến đi nầy, một mình, phơ phất . Trong cái xách tay chứa mấy thứ vật dụng lỉnh kỉnh, cây bút chì và trang giấy xếp nhỏ, cái thói quen từ những ngày lang thang trên giảng đường, bao nhiêu dòng chử li ti chi chít không chừa lại một khoảng trống nào. Chử nghĩa bao nhiêu mà chứa cho đầy nổi nhớ, gấy mực bao nhiêu mà ghi lại hết những niềm thương? Khung trời rộng bao la cánh chim nào không mõi, chân dù có đi hoang cũng phải có nơi chốn quay về. Bạn bè chỉ là ánh đèn đêm, bùng lên để tắt ngấm, gia đình là ánh nắng dịu dàng, ngày ngày vẩn rạng, niềm vui gặp nhau mong manh trân quí, trở về, nhìn lại mái tóc điểm sương, vào ra hàng ngày như chiếc áo cũ còn vấn vương hơi hám, như  ấp ủ ngày giá băng, như tưới mát ngày hạ nồng.

Phi đạo trải  dưới chân hai hàng đèn lấp lánh, nắng tắt đã từ lâu, trong phi cơ, những khuôn mặt đợi chờ muôn vẽ, đôi mắt long lanh của cô gái trẻ, đôi vợ chồng già líu ríu xếp lại mảnh chăn đắp, người bạn đồng hành của chuyến đi cũng nhấp nhổm xoay người, cuối cuộc hành trình , hay một chặng qua đi, rồi cũng sẽ về đến nơi chốn an bình, hai hàng đèn trong khoang sáng ngời trên những khuôn mặt băn khoăn chờ đợi, gấp lại tờ tạp chí trên tay, nhét vào sắc, xếp cái khay trước mặt, như những người cùng đòan, tôi trở về điểm tựa của chính mình, tôi trở về cái không gian  nho nhỏ, mái ấm đơn sơ, về với cội tùng già vững chắc,  tôi như sợi tơ hồng mênh mang quấn quít, như con chim nhỏ đậu trên nhánh an bình .

Từ giã người bạn đồng hành, trả anh lại với  American ‘s dreams, ước mơ của mọi người về một  thiên đường bình yên, về một cuộc sống tự do theo đuổi , thực hiện những giấc mơ..

Cuối khung cửa kia, qua khoảng hành lang ngắn, anh đứng thật vững chắc, khuôn mặt an vui, điểm tựa của tôi, của nhửng chương trình ngắn dài , sau trước, của cuộc đời hẹn nhau từ thuở nào, lưu lạc, quay quắt , buồn vui .

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ỷ mạnh

Ỷ mạnh

Trở chiếc cán dù, dùng chiều cong như cái móc, cài vào cổ tên vô loại, gặt nhẹ cổ tay , hắn chới với, bật lui lại , mất thăng bằng ngã vào thùng nước rộng cá cuả bà bạn hàng, tôm cá và nước dơ bắn tung toé. Hắn đứng lên, sừng sộ quay phắt lại, một đời hắn cũng không ngờ, chỉ có người phụ nữ mảnh mai kia, đang đứng chống dù nhìn hắn, nhìn lại lần nữa , không còn một ai , ngoài những người hiếu kỳ đang dàn thành vòng tròn, họ chờ đợi tấn tuồng sẽ diễn ra. Chưa kịp cất tiếng, cô gái trẻ với hai bính tóc rẻ đám đông bước vào, hai khuôn mặt hao hao, chỉ có màu da rám hồng cuả người phơi ngoài nắng nhiều hơn trong nhà .Cô ta trừng mắt nhìn hắn, hỏi trống không
– Muốn đánh nhau ? Làm tàng hả ? Đánh phụ nữ ?
Quay sang người phụ nữ, cô ta diụ dàng
– Hắn làm phiền chị ? Muốn em đánh nó không ?
Người phụ nữ chậm rãi móc chiếc khăn luạ thêu tay, nhẹ nhàng lau chiếc cán dù, hành động như không cần thấy tên côn đồ đang sừng sộ, chỉ ngại làm dơ chiếc cán dù yêu quí. Giọng nói thật diụ dàng
– Không cần em ạ, chỉ bẩn tay, về đi .
Tên vô loại không dằn được, khuôn mặt đỏ gay vì giận dữ, cánh tay giơ lên , chưa kịp gạt ngang thì “ chát “ , má rát rạt , hắn lùi lại, nhìn người phụ nữ đứng trước mặt, Cô ta an nhiên đưa ánh mắt lạnh lùng nhìn hắn, xoa má, hắn không thể hình dung đôi bàn tay nhỏ nhắn đó vừa tát mình, tiếng cười cô bé như châm thêm dầu
– Đáng đời , định đánh cả trẻ con à ?
– Ngươi chạm vào một sợi tóc cuả em, ngưoi sẽ ăn roi , về mà gậm nhấm, ta không nói suông.
– Đánh đi cô hai, phường vô loai, thứ ỷ mạnh chỉ biết hiếp đáp phụ nữ tay yếu chân mềm, nay gặp hai cô .
– Chị cho em đánh nó một trận, em gai mắt lắm rồi, thứ súc sinh nầy, chưa đánh què tay nó, em chưa thoả mãn.

Ti quay sang nhìn đôi bàn tay cuả chị, mê mãi nghe chị kể chuyện, nhìn lại trái thơm trên tay chị Trân, từng lớp vỏ, từng mắt thơm, từng lát dao cắt hình chữ V, chạy theo hình nghiêng, đều đặn , đẹp như vẽ. Ba vẫn khen chị Trân khéo, mà mình còn mê nghe chị kể chuyện hơn.Chưa bao giờ được về thăm quê nhà, miền quê hương tuổi nhỏ của cha, cuả Các chị , được chị Trân vẽ ra đầy màu sắc.
Sinh ra và lớn lên, Ti vẫn chưa bao giờ hình dung được căn nhà Tổ Đường, do chính bàn tay Nội gầy dựng lại. Hỏi trăm câu hỏi, về những người phụ nữ trong gia đình, về bà Nội, người chuyên kể chuyện vui , tính hài hước cuả bà Nội , do các chị kể lại chưa hết…Nhất là Chị Kim, mỗi lần chị sang đây, nghe chị kể chuyện, bảo đảm sẽ cười lăn xuống ghế, cười đau cả bụng , mỏi cả xương quai hàm…Chị kể mãi không dứt …
Ba bảo : “ Học tính khéo léo , trầm tỉnh cuả chị Trân , vui tươi chọc cuời cuả chị Kim , giỏi giang cuả Chị Mai, ngăn nắp kỹ lưỡng cuả chị Mây…” Ôi ! Hoc hết mấy chị thì Ti cũng đến già mất .
– Chị Trân nầy , Cô Hai có thật giỏi võ không ?
– Có chứ em, Ba chị vẫn thường kể lại. Nghề cuả Cô là Nhuyễn tiên , đánh roi mềm đó em, cô nhanh nhẹ, đánh như lướt, Cô từng đánh trặc tay chú Ba Vinh, các Cô Chú học cùng thầy, là người nhà.
– Sao vậy chị , người nhà mà , đánh cả người nhà sao ?
– Không đâu, dạy bài học đó em, tính cô nghiêm lắm, rất ghét người hạ tiện, Chỉ vì Chú Ba lỡ đòn, đánh với người yếu hơn , Cô Hai kỵ tuyệt đối bọn ỷ thế mạnh, nên mới ra đòn nặng với Chú, đánh chú lọi tay , vậy mà Bà Năm không dám hở răng mách với Nội .

– Vậy Cô hai có đánh caí tên vô lại kia không chị ?
– Ti , em từ từ chứ , chị sẽ kể tiếp mà , còn Bà Kế Hiền …Bà mới chính là người …Những người phụ nữ mong manh trong nhà …còn nhiều người chẳng sợ anh Tây nào lắm …

Vũ Thị Thiên Thư
{còn tiếp }