Mụ me Tây

MeTay

Do Hiền Vy diễn đọc

Mụ Me Tây

Giằng lấy cái rổ, trút con cá vào giỏ, ném tờ giấy bạc Đông Dương xuống mụ đỏng đảnh bước đi, đôi bàn tay đong đưa, mặc cho người đàn bà nhà quê chạy theo nằn nì:
– Bà cho cháu xin thêm tí tiền, nhà có giỗ, chỉ có con cá nầy bán ra để lấy tiền mua nhang đèn …
– Bà trả bấy nhiêu là tốt rồi, xéo đi cho khuất mắt bà.
Người đàn bà nhà quê cúi xuống nhìn tờ giấy bạc trong tay, bây nhiêu đây chưa mua đủ đèn nhang, thì còn nói gì đến rau quả ?? Nuớc mắt chợt lưng tròng, chị ta ngồi bệt xuống, kéo lấy ống quần lên chùi ngang mắt.
Cô gái trẻ dừng chân lại, nhẹ nhàng hỏi:
– Chuyện gì thế, tại sao chị ngồi khóc giữa chợ ?
– Dạ bà ấy cướp của con, con cá lớn như cái chình, vậy mà trả có bấy nhiêu thôi Cô Hai à.
Quắc mắt nhìn theo dáng điệu kênh kiệu của mụ Me Tây, Cô Hai bước nhanh theo, chắn ngang đường, nhìn thẳng vào mụ ta, cô Hai trầm gịong:
– Chị kia có trả thêm tiền cho người ta không ? Con cá đó giá ít nhất cũng ba lần tiền, định ăn cướp của dân nghèo giữa ban ngày à ?
Ngạc nhiên nhìn cô gái nhỏ nhắn đang đứng chắn lối, con nhỏ nầy lớn gan thật, chưa biết bà là ai sao , giỡn mặt sao. Bà ta cao giọng
– Bà trả bấy nhiêu đó thôi, con nào giỏi thì làm gì bà ?
– Không trả đúng giá tiền thì phải trả cá lại, có thế thôi.
Thò bàn tay mềm mại, những ngón tay dài thon thả, làn da mịn màng, nhưng khi nắm lấy cổ tay của mụ me Tây, xiết cứng như gọng kềm, đau quá, mụ buông rơi cái giỏ. Cô Hai lẳng lặng trút con cá, ném cái giỏ xuống đất rồi đi thẳng, không buồn ngó lại. Mụ Me Tây bất ngờ, chưa kịp hoàn hốn, vội chay theo níu vạt áo cô ta lại:
– Con cá nấy của bà mua rồi, đố con nào dám lấy lại.
– Tôi lấy đây, Bà không buông áo tôi ra, đừng trách sao tôi nặng tay.
Nói vừa dứt tiếng, Cô Hai gạt tay mụ ra, mang con cá laị trả cho chị nhà quê, diụ giọng :
– Con cá nầy tôi mua lại cuả chị, tiền đây, chị đi mua nhang đèn mà về lo cúng giỗ. Đi đi.
Chị nhà quê mừng rối rít, chắp tay xá Cô Hai rồi tất tả cắp rổ đi.

Ti nhìn chị Trân đang gọt trái cam trên tay, từng vòng xoay đều đặn, vỏ cam biến thành một sợi dây dài xoắn ốc, bàn tay chị cầm con dao nhỏ, trông nhẹ nhàng quá. Ba thường bảo chị giống hệt Cô Hai. Đúng vậy, Chị Trân khi mới sinh, cô Hai bồng chị ra cho Nội nhìn, Ông chỉ lặng lẽ bảo mang vào cho Bà Nội. Ông muốn cháu trai để nối dòng dõi. Nhưng cô Cháu Nội đầu tiên nầy là người theo Ông khắp nơi, từ lúc còn thơ, Ông cưng chiều rất mực, mặc dù vẫn kém anh “Tư Cao“, người chính là cháu đích tôn của Ông, Ba nói Ông theo người xưa, không thể thoát ra khỏi cai vòng “Trọng Nam Khinh Nữ“, nhưng chớ có dại, tưởng Ông không cưng cô cháu Nội mà lầm. Ông chẳng từng lặn lội tìm mua con chó Kiki, là giống chó săn của Đức, mang về làm hộ vệ cho cô cháu cưng. Lại còn cõng con bé bao nhiêu lần vượt qua sông rạch …chỉ vì cô tiểu thư gớm bùn, không chịu bước xuống. Cho dù thức khuya đến mức nào, cũng dẫn cháu đi xem tế Thần, chỉ vì cô cháu Nội cưng tò mò muốn tìm hiếu thêm phong tục. Có thứ gì Cô muốn mà Ông không tìm cho đâu, ngay cả chuyện muốn xem cái Sắc Thần chứa trong hộp sơn son thếp vàng đặt trên khánh thờ, cô cũng lén vào nhìn trộm.

– Chị Trân nè, vậy Mụ Me Tây để yên cho Cô Hai sao ?
– Ti, em từ từ chứ, sao lại yên được cưng ??

Vũ Thị Thiên Thư
[ Còn tiếp ]

 

Bà Nội ngồi tù

Bà Nội ngồi tù

Bà Hương vừa bước tới đầu chợ, mấy người đàn bà nhà quê đang bu quanh đám đông, vội vã rẻ ra nhường chổ cho bà bước vào. Nhìn hai cô con gái đứng trước mắt thách thức anh Tây không hề sợ hãi, Bà bảo :
– Hai đứa chưa chiụ về , còn chờ gì ? Mau gọi bầy trẻ lấy ghe sang sông đón Anh Ba chúng bây về lo việc nhà , lẹ lên cho kịp con nước.
Bà quay sang nói với anh lính đang tần ngần
– Nhà ngươi đi trước đi, ta không chạy trốn chổ nào đâu mà lo.

Mấy người dân đang làm tạp dịch chung quanh đồn ngạc nhiên nhìn Ông Tây và đám lính dẫn theo người đàn bà nhỏ nhắn, áo dài the, khăn luạ trắng, bà ta che dù đủng đỉnh đi không có vẻ gì hấp tấp, sợ hãi. Vừa thấy mặt bà, ông lục lộ vội chắp tay chào:
– Dạ con chào bà Hương
– Ừ, chú Hai lo làm xâu dịch đi, để mặc tôi.
Theo chân mấy anh lính, quanh co qua các chướng ngại vật trước cổng, bước vào trong bót lính canh, vượt qua hàng rào kẽm gai , những lá chắn bằng khung cây tạp, đóng thành hình chữ A , từng khối tam giác giăng dây kẽm gai , dựng theo chữ chi, phiá sau đó là công sở hay văn phòng làm việc. Bước hẳn vào phòng, bà thong thả xếp dù lại, đưa mắt nhìn một vòng chunh quanh, vói tay kéo chiếc ghế đẩu lại trước bàn viết, rút chiếc khăn tay ra phe phẫy buị bậm trên mặt ghế, nhẹ nhàng ngồi xuống trước mặt anh đội Tây chờ đợi.
– Bà tên là gì ?
– Tên trong căn cước là Phạm Thị Anh.
– Nghề nghịệp ?
– Làm ruộng , nội trợ.
– Bà có biết tội đánh lính Tây là đóng trăn, đi tù không ?
– Thế thì tội thả lính đánh đập đàn bà trẻ con thì xử ra sao thưa ngài ?
– Bà dám cật vấn quan ?
– Phụ Mẫu Chi Dân, tôi tưởng bổn phận cuả các quan lớn là lo cho dân như cha mẹ nên mới hỏi cho biết vậy mà.
– Bà lôi thôi quá, trả lời câu hỏi cuả tôi, chờ tôi hỏi mọi chuyện rồi sẽ phân xử sau.

Ti tròn mắt nhìn Chị Trân:
– Bà Nội dám hỏi vặn ngược lại ông quanTây sao ?
– Em à Bà Nội có sợ anh Tây nào đâu mà không dám ? dù rằng Bà rất nhỏ nhắn, đứng thua anh Tây cả cái đầu. Bà Nội cuả mình mồ côi Cha từ thuở bé, không được đi học, không biết đọc biết viết. Lúc kết hôn với Ông Nội, về làm dâu , làm vợ, ông mới biết bà mù chữ. Nhưng Bà rất chiụ khó, khi ông Nội mở trường khai lớp, Bà sang xin Thầy Giáo bài học về tự học. Vây mà Bà đọc đưoc, dần dà đọc cả truyện thơ , Truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên ,,, nhất là thuộc lòng cả quyển Sấm Giảng của Đức Thầy. Ngoài trí nhớ dai, Bà rất khéo léo trong công việc nột trợ, bánh trái, nấu ăn, Bà dạy các cô rất nghiêm, con gái trong nhà phải học đủ các thứ, từ may vá, thêu thùa, cho đến nấu ăn, bánh trái. Các Cô trong nhà mình nổi tiếng khéo léo đó em à. Mẹ còn giữ chiếc áo len Cô Hai móc cho chị lúc còn là em bé, aó theo kiểu cánh sen màu sắc hài hoà, thanh nhã lắm, lúc chị lớn lên, len cuả chiếc áo mục rã từng manh, chị tiếc vô cùng. À! chị kể đến đâu rồi em ?
– Ông Tây đang khẩu cung Bà Nội đó chị. Bà Nội có bị giam trong đồn lính thật không chị ?
– Thật chứ em, nhưng mà buồn cười lắm. Ông Tây không biết giam bà vào chổ nào, vì Bà không giống dân mà cũng chẳng ra quan, lại là phụ nữ, Ông mới đổi về đồn ít lâu thôi, chưa biết rõ tình hình trong làng, cũng chưa từng đi tuần tra, giao dịch với người dân, chỉ nghe lời mấy người đội xếp tâu cáo. Trong công sở vỏn vẹn có bàn ghế sơ sài để làm việc, đồn lính thì bên cạnh, nhưng khu chuồng cọp bên ngoài để nhốt bọn lính phạm tội, nhìn lại người đàn bà, khăn lụa áo the, phong thái an nhiên, nói năng chững chạc . Ông đành phải bảo bọn lính tạm giữ Bà trong phòng làm việc, đã thế Bà còn chê phòng ốc lôi thôi dơ bẩn , bảo lính đi múc nước, lấy giẻ lau, chổi chà , bà xăn tay áo dài, chỉ họ chùi bàn ghế, quét tước từ trong ra ngoài, mang khăn chiếu treo lên hàng rào phơi nắng, mà cũng lạ, bọn lính thường ngày chúng lì lợm, hầm hừ, nạnh hẹ, cải nhau chí choé, vậy mà lại răm rắp tuân lịnh người đàn bà nhỏ nhắn nầy …

Khi cô Hai về đến nhà, vội vã bảo người làm gọi bạn chèo lấy ghe tam bản nhỏ, hai người bạn, bốn tay chèo , một người đứng mũi , một người giữ lái, lập tức vượt sông Cái, sang bên Cù Lao đón anh Ba Sắc về ngay.
Khi người nhà vừa cập bến , báo tin Thím Hương đang bị Tây giam, không kịp chờ người theo hộ vệ , Ba Sắc nhảy xuống ghe hối bạn chèo thật nhanh về làng.

Vũ Thị Thiên Thư
[ Còn tiếp ]

Ỷ mạnh

Ỷ mạnh

Trở chiếc cán dù, dùng chiều cong như cái móc, cài vào cổ tên vô loại, gặt nhẹ cổ tay, hắn chới với, bật lui lại, mất thăng bằng ngã vào thùng nước rộng cá cuả bà bạn hàng, tôm cá và nước dơ bắn tung toé. Hắn đứng lên, sừng sộ quay phắt lại, một đời hắn cũng không ngờ, chỉ có người phụ nữ mảnh mai kia, đang đứng chống dù nhìn hắn, nhìn lại lần nữa, không còn một ai, ngoài những người hiếu kỳ đang dàn thành vòng tròn, họ chờ đợi tấn tuồng sẽ diễn ra. Chưa kịp cất tiếng, cô gái trẻ với hai bính tóc rẻ đám đông bước vào, hai khuôn mặt hao hao, chỉ có màu da rám hồng cuả người phơi ngoài nắng nhiều hơn trong nhà. Cô ta trừng mắt nhìn hắn, hỏi trống không:
– Muốn đánh nhau ? Làm tàng hả ? Đánh phụ nữ ?
Quay sang người phụ nữ, cô ta diụ dàng:
– Hắn làm phiền chị ? Muốn em đánh nó không ?
Người phụ nữ chậm rãi móc chiếc khăn luạ thêu tay, nhẹ nhàng lau chiếc cán dù, hành động như không cần thấy tên côn đồ đang sừng sộ, chỉ ngại làm dơ chiếc cán dù yêu quí. Giọng nói thật diụ dàng:
– Không cần em ạ, chỉ bẩn tay, về đi.
Tên vô loại không dằn được, khuôn mặt đỏ gay vì giận dữ, cánh tay giơ lên, chưa kịp gạt ngang thì “chát “, má rát rạt, hắn lùi lại, nhìn người phụ nữ đứng trước mặt, Cô ta an nhiên đưa ánh mắt lạnh lùng nhìn hắn, xoa má, hắn không thể hình dung đôi bàn tay nhỏ nhắn đó vừa tát mình, tiếng cười cô bé như châm thêm dầu:
– Đáng đời, định đánh cả trẻ con à ?
– Người chạm vào một sợi tóc cuả em, người sẽ ăn roi, về mà gậm nhấm, ta không nói suông.
– Đánh đi cô hai, phường vô lọai, thứ ỷ mạnh chỉ biết hiếp đáp phụ nữ tay yếu chân mềm, nay gặp hai cô.
– Chị cho em đánh nó một trận, em gai mắt lắm rồi, thứ súc sinh nầy, chưa đánh què tay nó, em chưa thoả mãn.

Ti quay sang nhìn đôi bàn tay cuả chị, mê mải nghe chị kể chuyện, nhìn lại trái thơm trên tay chị Trân, từng lớp vỏ, từng mắt thơm, từng lát dao cắt hình chữ V, chạy theo hình nghiêng, đều đặn, đẹp như vẽ. Ba vẫn khen chị Trân khéo, mà mình còn mê nghe chị kể chuyện hơn. Chưa bao giờ được về thăm quê nhà, miền quê hương tuổi nhỏ của Cha, cuả các chị , được chị Trân vẽ ra đầy màu sắc.
Sinh ra và lớn lên, Ti vẫn chưa bao giờ hình dung được căn nhà Tổ Đường, do chính bàn tay Nội gầy dựng lại. Hỏi trăm câu hỏi, về những người phụ nữ trong gia đình, về bà Nội, người chuyên kể chuyện vui , tính hài hước cuả bà Nội , do các chị kể lại chưa hết…Nhất là Chị Kim, mỗi lần chị sang đây, nghe chị kể chuyện, bảo đảm sẽ cười lăn xuống ghế, cười đau cả bụng, mỏi cả xương quai hàm…Chị kể mãi không dứt …
Ba bảo: “Học tính khéo léo, trầm tỉnh cuả chị Trân, vui tươi chọc cuời cuả chị Kim, giỏi giang cuả Chị Mai, ngăn nắp kỹ lưỡng cuả chị Mây…” Ôi ! Học hết mấy chị thì Ti cũng đến già mất.
– Chị Trân nầy, Cô Hai có thật giỏi võ không ?
– Có chứ em, Ba chị vẫn thường kể lại. Nghề cuả Cô là Nhuyễn tiên, đánh roi mềm đó em, cô nhanh nhẹ, đánh như lướt, Cô từng đánh trặc tay chú Ba Vinh, các Cô Chú học cùng thầy, là người nhà.
– Sao vậy chị, người nhà mà, đánh cả người nhà sao ?
– Không đâu, dạy bài học đó em, tính cô nghiêm lắm, rất ghét người hạ tiện, Chỉ vì Chú Ba lỡ đòn, đánh với người yếu hơn, Cô Hai kỵ tuyệt đối bọn ỷ thế mạnh, nên mới ra đòn nặng với Chú, đánh chú lọi tay, vậy mà Bà Năm không dám hở răng mách với Nội.

– Vậy Cô hai có đánh caí tên vô lại kia không chị ?
– Ti, em từ từ chứ, chị sẽ kể tiếp mà, còn Bà Kế Hiền …Bà mới chính là người …Những người phụ nữ mong manh trong nhà …còn nhiều người chẳng sợ anh Tây nào lắm …

Vũ Thị Thiên Thư
{còn tiếp }

Sân cỏ ngày nào

Sân cỏ ngày nào

 

Buổi sáng, hương cà phê diụ dàng, nhấp từng giọt , thấm từ môi thơm .Giọt nắng long lanh trên ngọn cỏ mươt mà xanh , cơn mưa nhẹ đêm qua lau sạch những hạt buị bám vào cành lá. Chòm hoa Kèn rực rỡ bên hiên nhà .Chút bình yên đầu ngày, tiếng chim rôn ràng hoà cùng nhịp điệu, chàng Blue jay nhảy nhót trong sân cỏ, phơi bộ cánh xanh điểm hoa tươi thắm, cô Cườm dỏm dáng khoe những hạt chuỗi long lanh. Chàng Cardinal ức đỏ choét cũng tung tăng phô sắc. Chợt nhớ những sáng ngày uống cà phê với Ba sau nhà , khoảng thời gian ngắn ngủi bên cạnh nhau, Ba đọc báo dưới nắng mai, bầy chim đã quen thuộc cùng bóng dáng gầy gò của ông cụ, chiếc lồng chứa thức ăn khởi điểm treo trên cành đào ở cuối vườn, cuối cùng chuyền sang cành lê sát bên lan can của sàn gỗ, bầy chim theo những hạt giống, chúng nối đuôi nhau chờ đến phiên mình …Ba bảo

– Con thấy lũ chim kia không , chúng nó biết xếp hàng đấy chứ, con nầy ăn xong bay đi, đến phiên con khác. Chim chóc còn biết tự trọng .

– Ba, chúng biết không mất phần , thức ăn thừa thãi ra đó mà , không cần phải chen lấn đâu

– Biết vậy , nhưng không phải nơi nào cũng có khuôn phép trật tự đâu con à .

– Con biết Ba muốn nói gì rồi …

 

Ba năm, như giấc mơ, những buổi sáng ngồi nhìn nắng sau nhà, dường như vẫn thấy dáng Ba ngồi chuyện trò cùng bầy chim líu lo . Bầy Chồn sau nhà vẫn vào thăm , chờ thức ăn mỗi tối, nhất là anh chàng thọt chân, ngồi thù lù dưới gốc cây mong đợi …

– Ba à , sao lần nào về con cũng không thấy bóng Cò trắng vậy? Hay là con về trái mùa ?

– Không còn tìm thấy đâu con, bắt giết, săn đuổi …Chim chóc tản mác hết , không còn tụ tập bay từng đoàn như ngày xưa

– Nhớ những lần Về Ngoại, nhìn anh chàng Cò cô độc đứng bên mé nước , dáng trầm ngâm , kiên nhẩn , con nhớ quá hình ảnh nầy , cứ tìm hoài , lần nào về cũng không tìm thấy hết , có nhiều hình ảnh còn đậm , nhưng không bao giờ thấy lại, bây giờ mới thấm thía chuyện Lưu Nguyễn về Trần

Những mùa khô, nắng gió, chờ từng cơn mưa rào, mưa không ướt đất, chỉ ướt áo người, thuở còn thơ nằm lăn trên sân cỏ đếm từng cánh chim bay giăng thành hàng trên nền trời chiều xanh tím . Trăm ngàn câu hỏi nối tiếp nhau

– Ba, con nầy là chim gì vậy ?

– Chim se sẻ

– Sao gọi là se sẻ

– Thì hắn nhỏ như con vậy

Con chim sẻ nhỏ cuả Ba chỉ mơ trời cao bát ngát, không thấy những nguy hiểm chực chờ, bao giờ cũng hăm hở nhiệt tâm lao vào đời bất chấp. Trong ngăn ký ức chất đầy , những câu hỏi tò mò, nhìn sự vật bình biện, trực diện, và bằng chiềư sâu thăm thẳm. Cũng như khi đứng trong sân cỏ cuộc chơi, khi phản hồi để tiến tới, khi trầm mặc nghĩ đến phương cách vượt qua …

 

– Ba, chaỵ hai vòng rồi, thôi đi Ba, mệt quá

Con bé thở phì phò như con trâu kéo cày, hai vòng cột cờ trong sân Nhà làng [ Trụ sở Hội Đồng xã ] Ba dẫn đầu, đội banh chạy theo, con bé chạy trong vòng đồng tâm, đôi chân nhỏ lấp vấp, mái tóc cũn cỡn phất phơ, kiệt tác cuả Bác Tư thợ hớt tóc [Ông mang cả bầy cháu đến xếp hàng trước cưả hiệu cuả Bác Tư, con trai con gái gì cũng huí cua, cho nó mát ] Bà nhìn đứa cháu gái đầu lòng yêu quí thở dài xót xa, con bé chẳng màng, cứ quanh quẩn theo Ba, sân cỏ mỗi chiều rộn ràng bao nhiêu đội banh, Thanh Niên, Thiếu Niên … tập luyện tới tấp, ngày thi đấu cận kề. Bác Tư cũng là Tiền vệ cho Đội Thới Long. Cuối tuần nầy sẽ đấu giao hữu với Trường Long trên sân Phong Phú. Ba làm Thủ Quân cho đội, ngoài chuyện đốc thúc còn cà phê, chanh, đá…nên kiêm luôn cả chức Mạnh Thường

Những trận banh trong trí nhớ qua giọng truyền thanh cuả Ký Giả Huyền Vũ , cộng vào tiếng hào hứng la hét, chiếc máy phát thanh hiệu Philipp sáu Band Ba kệ nệ mang về, hôm nào có đội tuyển quốc gia chơi trong sân Cộng Hoà, coi như cơm nước nguội lạnh, nhà đầy khách, tiếng hô “ sút “ bên ngoài còn to hơn tiếng máy phát thanh .

Năm nầy, Túc cầu Thế Giới cũng rộn ràng trong hộp thư Yahoo “ My crazy Relatives “. Cũng sôi nổi loạn bàn, từ những ngày USA đội nhà chơi bất cần, cho đến người anh em Down Under Australia vòng hai, rồi Brasil cuốn cờ tiu nghĩu …Ngày cuối tuần sang Michigan dự ngày kỷ niệm ba mươi lăm năm xiềng xích [ ngôn ngữ cuả quí vị Phu Quân khi Chén Huynh đệ chi binh hào hứng ] Ngạc nhiên khi thấy vắng người hùng ” Cọp ba đầu rằn” , thì ra anh ấy còn đang chờ trái bất cẩn cuả Brasil đưa chàng Tây Zidane lên tận đỉnh kinh thành hoa lệ. Trái đắng Brasil nuốt thật nghẹn ngào từ giã sân cỏ. Ôi! chuyến đi không lại về không .

Bên miền Viễn tây ngậm nửa trái chờ trận đấu tối nay …

 

Nhớ ngày như in trong tâm thức, lúc thúc chạy theo Ba trong sân cỏ ngày nào tóc chưa đủ dài đuổi gió bay …

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

[ Tập truyện rất ngắn : Ba ]