Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui 4

Nắng chiều

Mẩu đối thoại sau đây , ghi lại trong cuộc sống hàng ngày ,

xin tặng cho đời một nụ hoa tươi .

 

– Peggy , mai nghỉ làm , có định đi chơi đâu không ?

– Vâng , mai được nghỉ nên tôi đến đón Mẹ đi chơi

– Oh! hạnh phúc quá , được ở gần để đón Mẹ đi chơi hàng tuần .

– Tôi chỉ mong là được săn sóc Mẹ hàng ngày , nhưng mẹ tôi bị bệnh lãng trí đó Dolly à, Cụ không thể sống một mình , cụ vào nhà dưỡng lão mấy năm nay rồi .

– Xin lỗi, tôi không biết .

– Mẹ tôi tự chọn nơi ở đó, Mẹ luôn tự quyết định cho chính mình, khi cụ tám mươi lăm thì cụ không xin gia hạn bằng lái xe nữa, lúc trí nhớ bắt đầu giảm sút, Mẹ thu xếp nhà cửa, chia hết tư trang rồi xin vào trung tâm người già cư trú.

– Cụ tự nguyện vào nhà dưỡng lão sao ?

– Vâng Dolly, Mẹ tôi luôn luôn là người chủ động, Cụ muốn tránh cho con cái vấn đề nan giải, nhất là baỏ chúng phải gánh vác chuyện chăm sóc cho mình , nên Mẹ làm trước mọi việc , từ chuyện cư trú cho đến tang ma, cụ đã viết thành chúc thư tất cả rồi.

– Nhưng bổn phận làm con cái, lào sao chúng ta không lo lắng chu toàn cho Mẹ được ?

– Mẹ tôi cương quyết lắm, Cụ vào viện hơn bốn năm rồi.Chúng tôi luân phiên nhau đến trông nom hàng ngày. Chỉ có chị cả cuả chúng tôi ở xa, cho nên chị hàng năm chỉ có thể về chừng hai tuần lễ thôi , trong suốt khoảng thời gian nầy , chị chăm sóc, kề cận bên Mẹ.

– Sinh hoạt cá nhân hàng ngày cuả Cụ ra sao ? Cụ có còn tự mình làm được các việc vệ sinh không ?

– Chỉ cần nhắc nhở thôi, như chuyện giờ giấc nào nên ăn uống, các thứ thuốc men, giữ gìn vệ sinh hàng ngày.

– Thế Cụ có nhớ các con không?

– Lúc nhớ , khi quên Dolly à, ban đầu tôi buốn lắm , nhưng dần dà cũng quen đi, bớt tủỉ thân..

– Thú thật là tôi chưa hình dung được. Đừng buồn khi tôi hỏi tò mò quá, Vì tôi cũng có những khó khăn riêng.

– Vâng , khó giải thích lắm, nhưng tôi tự nhủ “Đây là lúc Mẹ cần mình “ thế nên tôi quyết định xin đổi việc làm, tôi chọn công việc nầy để thuận tiện đi về chăm sóc Mẹ.

– Tôi rất ngạc nhiên khi biết với học thức và kinh nghiệm làm viêc cuả Peggy, tại sao lại nhận công việc không xứng đáng tí nào .

– Tôi biết công việc nầy không đúng khả năng, nhưng giờ giấc thuận lợi cho tôi, Cầu Ân Thiêng ban phước , bao giờ chu toàn cho mẹ thì tôi sẽ tìm việc khác muộn gì . Công việc thì luôn luôn có , nhưng Mẹ chỉ có một cơ hội nầy thôi

– Tôi phục Peggy quá, sự hy sinh và chọn lựa cuả bà thật là hiếm có trong cuộc sống bon chen nầy .

– Không hiếm đâu, nếu là Dolly, tôi tin là bà cũng làm như vậy thôi.

– Vâng, chỉ tiếc là tôi không có cơ hội, gia mẫu qui Tiên nhanh chóng quá

– Oh ! xin chia buồn với Dolly, Cụ mất bao lâu rồi ??

– Cảm ơn Peggy, khi nhận được tin Cụ bệnh nặng, tôi hối nhà tôi nên lên đường về với mẹ ngay.Tôi sẽ thu xếp côn việc nhà rồi sẽ theo sau . Nhưng khi anh ấy về đến quê nhà thì Mẹ cuả chúng tôi đã đi rồi .

– Cụ đi nhanh quá, để lại tiếc thương, nhưng như vậy thì sẽ không đau đớn kéo dài .

– Vâng, năm trước tôi về thăm, Cụ đã trối sống, người bảo lần sau con về , sẽ không thấy Mẹ nữa đâu . “ Tôi nói với cụ là “ Mẹ an tâm , sang năm con lại về mà .” Me vẫn nhất quyết là “ Lúc đó Mẹ đã đi theo Bố rồi “

– Cụ tiên đoán được điều đó sao ?

– Những năm gần đây, Mẹ cứ bảo là cầu mong Bố về đón. Cụ cũng lãng trí nhiều rồi, có khi tôi đang ngồi ngay trước mặt mà Mẹ vẫntìm quanh quất, chừng nhận ra tôi thì mẹ cười thật rạng rỡ. Tôi nhớ Mẹ quá Peggy à !

– Dolly, mình không thể giữ mãi Mẹ, Ngày nào còn có nhau , ngày ấy mình chu toàn thôi.Cụ bệnh thế nào mà mất vậy ?

– Mẹ chỉ chớm bệnh lãng trí thôi, tuy không nhớ chuyện hiện tại, nhưng nhớ chuyện cũ từ lâu lắm …năm trước về thăm , nhà tôi thường mắc võng dưới gốc cây nằm nghỉ trưa, Mẹ mang ghề đẩu ra ngồi bên cạnh , đong đưa chiếc võng và hát ru hàng giờ .Những câu hát ru con đã từ lâu lắm rồi Mẹ vẫn nhớ như in .

– Lạ thật, mẹ tôi cũng thế, hình như âm nhạc thật kỳ diệu, bà không còn đánh đàn, ngón tay bệnh phong thấp nên đã hư từ lâu, nhưng vẫn còn nhớ bài hát, ngày xưa bà từng là giọng hát chính trong ca đoàn cuả Xứ Đạo chúng tôi .

– Oh ! Cụ giỏi quá vậy .

– Vâng Mẹ tôi dạy âm nhạc và hội hoạ , sau khi về hưu thì Mẹ đàn cho thánh lễ và hát cho ca đoàn, cho đến khi sức khỏe không cho phép nữa.

– Sau đó cụ có còn hát không ?

– Chỉ thỉnh thoảng thôi. Sau khi mắc bệnh thì Mẹ rất giới hạn chuyện đi lại. Lần tôi đưa mẹ đi xem nhạc kịch , ra về Mẹ hát suốt một khoảng đường trong khi tôi lái xe, mấy chị em chúng tôi cũng hát bè theo, khi đến Viện , cụ khen chúng tôi hát hay lắm

– Mà Cụ có khen thật không ?

– Đó là lần đầu tiên tôi thấy Mẹ vui như vậy, từ khi nhập viện thì Mẹ rất lặng lẽ, it khi cười nói. lần nầy, Mẹ khen, chúng tôi nhìn nhau rơi nước mắt. Cái vé nhạc kịch thật là cắt cổ, nhưng có tốn tiền hơn con số đó để được thấy Mẹ vui, chúng tôi cũng cam lòng đó Dolly.

– Vâng, tôi hiểu điều đó, Mẹ tôi rất thích nước hoa, lần nào về tôi cũng mua và mang cho Mẹ .Sợ tốn tiền, Mẹ cứ bảo thôi, nhưng nhìn thấy Mẹ vui, thì mình làm sao ngừng lại được ?

– Đúng vậy , Mẹ tôi cũng rất thích quần áo lót bằng lụa, hàng tuần tôi phải đến lựa riêng ra và mang về nhà giặt, vì tôi không muốn nhân viên phục vụ cho vào giặt chung và làm hỏng hay thất lạc cuả Mẹ. mà lạ hén Dolly, tại sao có những thứ mẹ tôi nhớ, mà thứ khác lại quên ?

– Điều nầy không thể giải thích được, trong bộ óc kỳ diệu cuả con người, căn bệnh Lãng trí nầy đóng lại những ngăn nầy và chừa ra ngăn khác …

– Thật buồn cười, vì tôi vào thăm mẹ , gặp một bà cụ khăn áo chỉnh tề, trang điểm cẩn thận, xách ví tay đang đi xuống nhà ăn, chưng diện như đi ăn tiệc, và trên tay bà đang mang vớ.

– Oh ! Thật vậy sao ?

– Tôi không nói ngoa, Cụ có thói quen mang vớ, nhưng lại không nhớ là phải xỏ vào đâu, nên lấy vớ ra rồi tần ngần, khi cảm giác bàn tay đang lạnh, thế là cụ tròng vào tay …Tôi hặp nhiều cảnh , không biết nên cười hay khóc , gặp một bà cụ khác mặc quần áo lót cẩn thận, nhưng lại mặc ra bên ngoài quần áo thường …Họ chỉ nhớ là phải mặc quần áo lót, nhưng không thể phân biệt được là nên mặc bên trong hay bên ngoài, thật là cơ khổ .

– Chứng bệnh nầy rất lạ lùng, lúc Mẹ bắt đầu kể những chuyện không đầu đuôi, tôi đã cảm thấy bất an, đến lúc không nhận ra tôi, tôi lo lắng quá, vì nghe kể lại những trường hợp các cụ đi lang thang ra ngoài, không nhớ lối quay về, phải luôn có người canh chừng, may mắn là Mẹ tôi yếu sức , nên người không thể đi xa, và Cụ hay sây sẫm, có khi té lăn ra đất, tay chân trầy sướt … nhìn thấy thật xót xa cả lòng dạ.

– Tôi nhớ khi Mẹ tôi mới bệnh, Cụ vẫn còn tự nấu ăn, nhưng khi cụ bắt đầu quên tắt bếp, hay đứng ngẩn người tay cầm hai miếng bánh mì, loay hoay không biết cách nào để cho vào lò nướng. Bấy giờ tôi biết không thể kéo dài thời gian lâu hơn, mẹ cần người theo dõi thường xuyên, nên tôi mới tuân theo ý mà đưa cụ vào Viện dưỡng lão đó . Nhưng lòng tôi cắn rứt vô cùng, thấy mình bất lực, không chăm sóc cho Mẹ được, khổ nổi, tôi không thể nghỉ việc hoàn toàn, tôi cần bảo hiểm sức khỏe, và cần tài chánh .

– Peggy, bà không thể làm hơn nữa , bà đã cố gắng hết khả năng rồi, tôi cảm phục sự hy sinh cuả bà lắm .

– Cảm ơn Dolly, chuyện trò với nhau, tôi thấy nhẹ cả người, sự thông cảm cuả bà là phần thưởng cho tôi ,

– Không phải khách sáo Peggy à , cuộc sống hàng ngày quá tất bật, tin tức chỉ là những mẩu tin gây sự chú ý và chấn động, lung lạc niềm tin, không mấy ai chịu chú ý đến những tấm gương hy sinh âm thầm, ít người bỏ thời gian nhìn nụ hoa mới nở, nghe tiếng chim kêu thanh thoát đầu ngày, Chúng ta có cơ hội chia sẻ với nhau , đó là niềm hạnh phúc vô biên .

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Mua Láng Giềng Gần

Mua láng giềng gần

– Ronny, tại sao con chó cuả ông cứ nhắm vào tôi mà sủa ỏm tỏi thế? Coi chừng có ngày tôi nổi nóng sẽ đập nó nát đầu đó.
– Larry, đừng nóng, từ từ chúng ta sẽ giải quyết nhé.

Anh láng giềng Larry chặn tôi ngoài đầu ngõ, anh ta dọn về đây hơn năm nay, rất ít khi gặp nhau trong tuần, công việc của chúng tôi không làm giờ hành chánh, có khi hắn về thì tôi đi, giơ tay chào xong, đường ai nấy bước. Mãi mới có ngày nghỉ trùng hợp, khi ra ngoài cắt cỏ, hỏi han nhau, mới hay là ngày xưa hắn cùng học một trường, nhưng là lớp đàn em. Anh ta khá siêng năng, luôn chăm sóc nhà cưả, sơn sửa thường xuyên. Điều khó xử là anh nuôi hai con mèo, mà tôi lại có hai con chó. Chuyện chó mèo là chuyện dài từ ngàn xưa. Hai chú chó trong nhà tôi từ khi về đây, chưa hề trông thấy các con thú vật nào khác, nhưng thiên tính vốn không hoà hợp, cho nên mỗi ngày khi chúng ra sân làm việc vệ sinh, hể thấy bóng chú mèo nào lảng vảng là chúng lại sủa ầm lên.
Nếu chỉ có hai chú mèo của anh láng giềng thì thôi, đàng nầy, anh ta lại hào phóng nuôi cả những chú mèo vô chủ khác, hàng ngày anh để thức ăn ngoài cửa sau, bầy mèo đói tụ tập đến ăn uống tưng bừng, tán tỉnh nhau ầm ỉ, sau những ngày hội hè đó, chúng thi nhau sinh sản thêm. Chúng dần dà lấn đất, sang làm vệ sinh phóng uế rồi chôn đầy trong sân nhà tôi, Hai con chó lại lồng lộn đi ngửi mùi và cào cỏ tìm dấu vết. Tôi đã không cằn nhằn thì thôi chứ, vì hai con chó của tôi không sang làm bừa bãi bên sân nhà anh, không bén mảng đến gốc cây buị cỏ, trong khi mấy chú mèo ngang nhiên vào hiên nhà tôi ngồi chểm chệ như chủ nhân ông. Mẹ tôi đã lớn tuổi, mắt kém, không nhìn thấy chunh quanh, nhiều lần vấp té. Tôi cứ ngại Mẹ ngã vì không trông thấy mấy chú mèo con nằm la liệt trên bậc thềm . Mỗi lần nhắc đến thì Mẹ lại gạt đi, bảo không cần phải lo lắng. Mẹ có thể tự sống, tự lo liệu, chưa mù lòa, chưa bại xuội…
Tính tình cuả Mẹ, hàng xóm đều biết, mấy chục năm nay, từ khi Bố mất, Mẹ vẫn gìn giữ ngôi nhà nẩy, nhiều lần tôi khuyên nên bán đi, dọn vào chung cư nhỏ hơn, không phải lo sân trước vườn sau, nhưng Mẹ luôn từ chối. Căn nhà nầy Bố Mẹ mua từ khi các con chưa chào đời, cho nên không thể dọn đi nơi khác được. Sau ngày Bố mất, tôi vẫn đến sửa chữa những gì hư hao trong nhà, mùa hè cắt cỏ, xúc tuyết mùa đông. Những khi tôi phải về muộn vì công việc cấp bách, thời tiết xấu, nhất là vào mùa đông tuyết rơi nhiều, tôi dặn bọn trẻ con trong khu phố, bảo chúng nó sang dọn giúp, tôi sẽ trả công.
Suốt thời gian Mẹ sống trong khu phố nầy, không hề làm phật lòng ai, luôn yêu mến, giúp đỡ mọi người. Sau khi về hưu, mẹ chỉ quẩn quanh làm thiện nguyện ở nhà thờ, đi chợ búa mua thức ăn, tham dự các cuộc du ngoạn cuả Hội Cao Niên. Mẹ không biết lái xe, nên chỉ dùng phương tiện di chuyển công cộng. Lần mẹ hụt chân té từ trên xe buýt xuống, Chuá thương xót, không bị thương tích nặng nền, nhưng tôi năn nỉ mẹ đừng đi một mình nữa, khi nào cần thiết lắm, tôi sẽ lấy ngày nghỉ đến đưa mẹ đi.
Chính vì Mẹ khăng khăng muốn giữ căn nhà, không chiụ dời đi, cuối cùng tôi lại phải khăn gói dọn về sống chung, Mẹ ở tầng chính, tôi ở tầng hầm với hai anh bạn khuyển. Dù cho mọi người bảo tôi về bám gấu Mẹ, nhưng tôi biết hoàn cảnh cuả mình, để cho Mẹ sống đơn độc trong căn nhà rộng thênh thang, tôi sẽ không ngủ an giấc, cho dù gọi mẹ hàng ngày, vẫn luôn nơm nớp âu lo.
– Mẹ ơi ! hôm nay đi chợ nha
– Thôi, Mẹ không đi đâu, mình mẩy ê ẩm quá.
– Sao thế trời chưa mưa mà, khớp xương Mẹ đau à, đã uống thuốc chưa ?
– Ậy ! hôm qua đi Lễ về bị thằng nhỏ lái xe tung vào, hôm nay mới thấy đau
– Trời đất, sao Mẹ không nói, có sao không? Phải đưa đi bác sĩ khám mới được
– Làm gì mà hốt hoảng vậy, té chút thôi, đâu có gẫy mảnh xương nào. Tội nghiệp thằng nhỏ, chạy cái xe cũ mèm, nó cuống cuồng nhào xuống, đỡ Mẹ dậy, sờ tay nắn chân, coi Mẹ có bị gì không, còn năn nỉ ỉ ôi, nó không có bảo hiểm, gọi cảnh sát làm biên bản thì nó đi tù..
– Nó biết vậy sao không cẩn thận, nhỡ cán chết người.
– Thôi, tại mình xui xẻo, nó bị bắt mình cũng có vui gì, rủi nó có vợ con, lấy ai chăm sóc, còn tội hơn.
Đó, tính tình mẹ nhân từ như vậy, làm sao tôi dám để cho mẹ sống tự mình? Khi tôi dọn về nhà với mẹ, bạn bè không hiểu nên cười chê, nhưng bạn bè dễ kiếm, mẹ có mệnh hệ gì, tôi hối hận cả đời. Chỉ tội hai con chó, chúng nó đang từ nơi rộng rãi ở ngoại ô, nay về chui rúc với tôi trong tầng hầm ở khu phố cũ, nhà cửa san sát, từ cửa sổ nhà bếp bên nầy có thể thấy bên trong nhà láng giềng bên kia, nhưng dần dà, rồi chúng nó cũng sẽ quen thôi.
Đang phân trần với Larry, thấy bóng Mẹ hiện ra sau khung cửa, chưa kịp giải bày,
– Ronny, vào nhà ngay cho me
Tưởng rằng tôi và Larry đang gây gỗ với nhau, tôi xua tay bảo Mẹ an tâm, tôi sẽ vào sau khi nói chuyện với Larry.
– Nầy ông bạn, chúng ta là láng giềng, nên sống hoà thuận với nhau, tôi không phiền anh và ngược lại, thú vật chúng nó không hiểu điều nầy, mấy con chó cuả tôi không biết ông, chúng nó ngửi mùi lạ, nhất là giống mèo, cho nên chúng mới sủa ran. Bây giờ mời ông sang nhà, tôi sẽ giới thiệu cho chúng biết ông, sau đó tôi đưa cho ông mấy khúc bánh khô, thứ giành riêng cho chó, ông cho chúng ăn, chỉ cần có thế thôi, chúng quen hơi thì khi gặp ông sẽ thôi không sủa nữa. Mẹ tôi lúc nào cũng có ổ bánh nướng thơm ngát trong nhà, còn ông thích bia thì tôi cũng có nửa lố đây.
Mẹ ngạc nhiên thấy Larry theo tôi vào nhà, Tôi mở lời
– Mẹ ơi! Larry sang thăm, tuị con xuống nhà uống vài chai bia với đậu phộng rang, Mẹ có gì cho chúng con tráng miệng không?
– Có ổ bánh mới nướng, chúng mầy có ăn thì Mẹ cắt ra
Sau khi Larry uống mấy chai bia và cáo từ, hai chú chó lon ton chạy theo tiễn anh ta ra cổng rào, Mẹ chùi tay vào tấm áo choàng trước ngực, ôm lấy tôi
– Ronny, con làm Mẹ rất hảnh diện, thêm bạn bớt thù, hơn nữa là chòm xóm với nhau, chớ vì chuyện chó mèo mà sinh ra hiềm khích.
Tôi sống nửa đời người, ngũ thập tri thiên mệnh, vậy mà chỉ cần một câu nói cuả Mẹ thôi, cũng làm cho tôi nghẹn lời.

Vũ Thị Thiên Thư

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui 3

Tiễn biệt

– Mya , chuyện gì mà trông buồn bực vậy ?

– Chuyện thiên hạ , nhưng mình nghe cũng cảm thấy buồn .

– Có muốn kể cho tôi nghe không ? kể ra cũng nhẹ nỗi chất chưá trong lòng đi .

– Chỉ ngại làm Dolly bực mình theo thôi .

– Không sao đâu , Mya cứ nói đi , có người nghe ,cảm thông và chia sẻ thì sẽ dễ chịu hơn .

– Cảm ơn bà, Mya có bà bạn thân , cùng làm việc chung trước đây , bà về hưu khá lâu rồi . Chúng tôi thường đi làm thiện nguyện, du lịch, chơi bài, tập thể dục với nhau. Nói chung là gặp nhau thường xuyên . Hôm qua bà báo tin buồn , người bạn trai cuả bà ta vừa qua đời.

– Oh ! tội quá, ông ấy năm nay mấy mươi rồi ?

– Ông ấy hơn bà chừng tám chín tuổi, tôi đoán là ông trên dưới bảy mươi lăm thôi.

– Vâng , tuổi nầy theo đông phương chúng tôi là thọ rồi đó , nhưng bên nầy thì hãy còn trẻ , tôi gặp nhiều người hơn tám mươi rồi , vẫn khang kiện.

– Đáng buồn cho bạn tôi, vì hai người dù không kết hôn nhưng gần nhau đã hơn mười năm nay. Họ gặp nhau thường xuyên , đi du lịch chung, đi xem hát …

– Tôi thấy điều nầy cũng tốt, có người chia sẻ vui buồn, chuyện trò cảm thông, săn sóc nhau khi đau yếu, dù chỉ là trên tinh thần thôi, quí lắm chứ.

– Đúng vậy Dolly à , Hai người không là vợ chồng, nhưng gần hơn tình nhân.

– Trước đây thì tôi rất ngạc nhiên , tôi không quen với lối sống nầy, vì phong tục cuả chúng tôi khác biệt. Rất khó giải thích, khi người hôn phối mất đi, phụ nữ thường sống một mình , hay với con cái, không kết hôn , rất hiếm những trường hợp tái giá, bên phía đàn ông thì khác , họ có quyền lấy vợ, không ai đàm tiếu.

– Lạ vậy Dolly, tại sao phụ nữ không được phép tái giá, mà đàn ông lại có quyền lấy vợ, thật là bất công vậy ? Người chết không thể sống lại , vậy chờ đợi làm gì ? thanh xuân được bao lâu ?

– Mya, phong tục tập quán từ bao nhiêu đời, chúng tôi sống trong gia đình như một tập thể, ông bà cha mẹ , con cháu quay quần, từ thuở nhỏ đã được nhồi nhét vào, phụ nữ luôn luôn phải phục tòng. Thực ra thì bây giờ đã thay đổi nhiều rồi, nhưng vẫn không thể sống tự do như ở đây .

– Tôi quen với cuộc sống trong xã hội nầy, con caí lớn lên, rời gia đình, có đời sống riêng tư, Lúc cha mẹ về già thì chỉ sống thui thủi một mình . Do đó tôi hiểu hoàn cảnh cuả bạn tôi, sau khi ông chồng mất đi, bà không muốn làm phiền các con, nên vẫn giữ ngôi nhà và sống một mình trong đó . Còn ông bạn cuả bà cũng có nhà riêng.

– Ông ấy có còn con cái không ?

– Các con cuả ông đã lớn, chúng ở xa, chỉ về thăm đôi lần một năm, Lúc ông còn khỏe thì thường đi thăm chúng nó.

– Bây giờ ông mất rồi .

– Vâng, chính chuyện tang ma cuả ông làm cho bạn tôi phiền não.

– Ông không có di chúc sao ?

– Vấn đề không nằm trong đó

– Thế thì chuyện gì làm cho bạn cuả Mya phải phiền não thế?

– Chuyện cử hành đám tang, các con cuả ông muốn mang quan tài về chôn ở Mississipi , là quê quán cuả ông.

– Nhưng hồi sinh tiền ý cuả ông thế nào?

– Ông đã mua sẳn sinh phần cho mình ở nghiã trang Holy Cross , bên cạnh bà vợ .

– Thế thì sao các con lại muốn mang về quê nhà làm gì , cho thêm nhiêu khê?

– Chuyện chính là chúng không muốn cho bạn tôi tham dự đám tang.

– Có chuyện đó sao?

– Thỉ mới nói, bạn tôi chỉ muốn đến đưa ông lần cuối cùng thôi, bà ấy không cần tiền bạc cuả ông, với tiền hưu trí cuả bà cùng số tiền an sinh xã hội cuả chồng, bà có thể sống an nhàn cho đến cuối cuộc đời. Tôi thân với bà nên biết rõ hoàn cảnh cá nhân .

– Tôi thấy chuyện nầy đơn giản mà , bà đã có hơn mười năm già nhân nghĩa , non vợ chồng thì bà có quyền đi tham dự đám tang chứ. Dù cho là bạn bè thì cũng đến được chứ nói gì tình thân như vậy .Tôi thật không hiểu được.

– Dolly còn lạ gì tính tình cuả thiên hạ, dù cho ông ta chết đi rồi, nhưng đám con cái thường ngày không thò mặt đến thăm, bây giờ lại bù lu bù loa than khóc, chúng nó có ngồi được ngày nào để chăm sóc miếng ăn, ly nước, an uỉ, vuốt ve. Bây giờ thì chúng chỉ trông mong cho qua tang lễ để còn tranh nhau chia chát cuả cải trong ngôi nhà.

– Có chuyện nầy nữa sao ?

– Dolly ngây thơ quá, dĩ nhiên là chúng nó phải tranh giành rồi, đó là lý do chúng luôn ngăn cản Bố chúng kết hôn với bạn tôi, nhưng chúng nó không nghĩ rắng bà ấy không cần tiền, bà có thừa tiền để sống an nhàn, du lịch hàng năm…

– Chuyện nầy thì tôi thấy cả hai phương đông và tây giống nhau, Bố tôi ngày xưa thường nhắc các con, sau khi Bố qua đời thì sẽ không còn đất đai cho con tranh giành , gia tài Bố chia trước là học hành, Bố sẽ cố gắng chu toàn cho các con ăn học nên người, chứ Bố không mua sắm cuả cải, đất đai. Bạn bè thường lấy làm lạ, nhưng chúng tôi hiểu ý định cuả người

– Ông cụ thật là người hiếu sâu xa

– Vâng, sau ngày thống nhất, Bố tôi mất cả gia sản, nhưng chúng tôi không mất kiến thức cuả mình, không ai có thể đoạt được điều nầy.

– Đúng vậy, chỉ tiếc là rất ít người thấy được , ai cũng lo gom góp cuả cải để truyền lại cho con. Chúng nó không làm ra nên chúng không biết sự khó nhọc, chưa kể chúng còn tranh giành nhau, làm cho anh em mất hòa khí, còn tệ hơn nữa.

– Tôi luôn căn dặn các con, phải luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau.Không bao giờ chia rẽ, nhất là vì chuyện chia gia tài, dù rằng tôi cũng học theo gương của Bố, không có gì để chia, trừ ra căn nhà, nếu tôi còn sống trong đó cho đến cuối cuộc đời.

– Thì ông bạn nầy chỉ còn căn nhà, theo như bạn tôi kể lại, tất cả tiền bạc, ông đã cho các con cả rồi, chúng nó luôn có những tặng vật thật đắt giá mà ông ấy mua cho vào các dịp lễ lạc.

– Thế thì còn gì để mà tranh gành ?

– Lòng tham vô tận Dolly à, chúng nghĩ là bạn tôi giữ nhiều tặng vật cuả ông ta, nhưng đó là do ông ta làm quà biếu, tính ông ta rất nghệ sĩ và nhất là rất hào phóng, lúc nào cũng yêu đời, vui vẽ, tôi cũng mến ông ta, tôi thất tình lo lắng cho bạn tôi, bà ấy khó mà tìm được người đàn ông nào hợp tính tình và tốt bụng như ông.

– Cũng không thể biết trước được, mọi việc an bày theo Thiên ý . Điều khó nhất là vượt qua lúc nầy. Bạn cuả Mya quyết định thế nào ?

– Tôi khuyên bạn cứ đường hoàng đi dự đám tang, nếu điều nầy làm cho bà an bình, vì tôi biết rằng nếu không đi thì bà sẽ ân hận, lúc bấy giờ đã muộn rồi

– Vâng, tôi đồng ý, nghĩa tử là nghĩa tận, kẻ tử thù còn được chào kính , huống gì người thân. Bà thật lòng yêu quí ông thì không nên để cho các con cuả ông làm chướng ngại vật. Ai có quyền cấm cản bà ? Câu chuyện nầy thật vô lý đó Mya

– Dolly, tôi đã nói rồi, chính tôi khi nghe bạn tâm sự còn thấy bất bình, huống gì đang sầu não như bà bạn.

– Tôi cầu nguyện cho bà ấy

– Cảm ơn Dolly đã chia sẻ với tôi.

– Mya , không có gì, bà đừng bận tâm , tôi chúc bà ngày an lành.

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui 2

Tóc Ngắn

** Chuyện kể cuả bạn tôi, chị làm cho một thẩm mỹ viện trong thương xá.

 

Người phụ nữ trung niên, khuôn mặt hiền hoà, dễ mến. Bà xin hẹn rất nhiều lần, tôi đã từ chối. nhưng bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Có những khi đi mua sắm trong thương xá, bà cũng ghé vào thăm. Tôi giải thích rất nhiều lần, bây giờ thời gian làm việc cuả tôi không còn như ngày xưa, vì sức khỏe kém, nên tôi thu ngắn và không nhận thêm khách hàng mới. nhưng bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi.

– Tôi thường quan sát cách làm việc cuả bà. Tôi biết bà làm ở đây từ lâu. Lần đầu tôi đến đây, tôi xin hẹn với bà, nhưng không có giờ nên tôi phải lấy hẹn với Dana Thật là phiền toái đó, bà ấy không chịu nghe tôi nói, mà chỉ muốn làm theo ý cuả mình.

– Khổ thật, bà chọn đúng vào con người nầy thì khó mà lay chuyển, bà ta rất độc đoán, chỉ có ý cuả bà là đúng, còn ý muốn người khác thì mặc kệ

– Nhưng tôi là người trả tiền, tôi phải có ý kiến chứ

– Đúng vậy, vấn đề rất đơn giản , bà là khách hang,cứ chọn lựa kiểu tóc, chọn màu sắc mình yêu thích, và Dana cứ thế mà làm theo thôi, có gì khó khăn đâu?

– Nhưng bà ấy không làm như vậy, cho nên tôi mới phiền lòng,thú thật là tôi đã không muốn trở lại đây nữa đó, nhưng vì tôi cố ý muốn chờ bà nên mới đến xin hẹn, Không ngờ tôi gặp Dana đang ngồi ngoài bàn tiếp khách, thế nên tôi không muốn sinh ra chuyện lôi hôi, tôi huỷ giờ hẹn và không trở lại đây thêm lần nào nữa.

– Tôi không ngờ có chuyện như vậy, phải chi bà nói cho tôi biết sớm để tôi giàn xếp ổn thoả hơn .

– Tôi không muốn làm phiền mọi người, bây giờ tóc tôi mọc thêm dài rồi nên mới quyết định trở lại tìm bà đó chứ.

– Tôi thật cảm ơn sự kiên nhẫn và lòng trung thành cuả bà. Bây giờ tôi có thể làm gì giúp thì bà cứ thẳng thắng nói ra nhé.

– Vâng, tôi hòi thăm thì biết là Dana đã không còn làm việc ở đây, nên tôi cảm thấy tự nhiên hơn.

– Vâng , tóc của Susan bây giờ dài và đẹp quá, thoạt nhìn, thú thật là tôi không nhận ra bà .

– Tôi mới nuôi tóc lại mấy năm nay đó. Tôi luôn ao ước là sẽ có mái tóc uốn từng lọn dài, trong các chị em gái, tôi là người có sợi tóc thẳng như que, tóc của bà chị tôi, từng lọn cong dầy và đẹp cô cùng.

– Tôi hiểu, chúng ta thường ao ước ngược lại những gì mình có. Tôi uốn cong tóc cuả người tóc thẳng và kéo thẳng tóc quăn. Nhưng không như vậy thì chúng tôi thất nghiệp mất.

Câu chuyện xoay chunh quanh mái tóc, Susan hẹn sẽ đến khi bà sẵn sàng. Tôi cũng không nghĩ đến chuyện nầy nữa, những người khách hàng thường xuyên đã khiến cho tôi bận rộn suốt tuần rồi cho nên tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy Susan bước vào. Lần nầy thì với lý do chính đáng. Bà ngồi xuống ghế,

– Tôi muốn uốn tóc quăn, bà nghĩ tóc nầy đã đủ dài chưa?

– Susan, chiều dài cuả tóc không phải là trở ngại chính, mà điều kiện cuả tóc mới là nan giải đó.

– Sao vậy?

– Tôi rất muốn uốc tóc cho bà, nhưng bà hãy nhìn đây, sợi tóc bà rất mỏng, hiện đang nhuộm màu, nếu tôi dùng hoá chất để uốn thì sẽ làm hư tóc .Tôi thậtkhông muốn làm, tôi biết bà trả tiền, và không ngại tốn kém, nhưng lương tâm tôi không cho phép tôi làm việc cẩu thả. Xin bà hiểu cho.

– Tôi luôn quí sự chân thật cuả bà. Nhưng tôi đã không còn nhuộm màu từ lâu rồi, và luôn dùng thuốc nuôi dưỡng tóc, nên tôi nghĩ là có thể uốn được rồi đó.

– Không Susan, thuốc nhuộm vẫn còn trong sợi tóc, trừ khi cắt bỏ hẳn đi.

– Thế thì tôi không còn hy vọng sao?

– Vâng, trừ khi bà cắt ngắn và nuôi cho tóc dài trở lại .

– Tôi đã cắt một lần rồi đó, lần nầy là “ Lễ Vàng “ kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới cuả Ba mẹ, có rất nhiều thân nhân vè tham dự. tôi định giành sự ngạc nhiên cho mọi người nên mới làm phiền bà.

– Tiếc quá, ước gì tôi có thể làm khác hơn. Bà cắt tóc ngắn thời gian nào vậy?

– Hơn ba năm rồi bà. Lúc đó tóc tôi chỉ hơn hai lóng tay thôi.

– Nguyên nhân nào Susan lại cắt ngắn như vậy ?

– Kể ra thì dài dòng, Mẹ chồng tôi bị bệnh bứu trong óc, phải vào bệnh viện giải phẫu. Lúc xuất viện thì tóc cuả bà đã phải cắt ngắn đi, dĩ nhiên là bác sĩ không cắt như viện thẩm mỹ, dù sau đó tôi đã đưa mẹ đi thẩm mỹ viện để cắt sửa lại, nhưng mẹ cứ nhìn mái tóc dài cuả tôi mà buồn hiu hắt. Không muốn làm cho mẹ buồn thêm, nên tôi đã lấy kéo tự cắt tóc cuả mình, cứ đo chiều dài chừng hai lóng tay, tôi cắt hết mái tóc dài mượt mà không hối tiếc.

– Susan, bà thật là can đảm và hiếu hạnh, tôi khâm phục vô cùng.

– Mẹ sống hơn sáu tháng, sau khi mục bứu dữ tái phát lại, lúc bấy giờ thì không còn cứu chữa được nữa. Tôi không hề tiếc nuối mái tóc cuả mình, vì cho dù chì sống được có sáu tháng phù du, ít nhất thì mẹ cũng an vui hạnh phúc hơn.

– Susan, người đông phương chúng tôi ca tụng hiếu hạnh, có những người đã lão thành nhưng vẫn đóng trò hề cho cha mẹ vui tươi, tấm gương hy sinh cuả bà thật là đáng cho chúng tôi khâm phục.

– Tóc có thể mọc dài ra, nhưng mẹ thì chỉ có một, nếu có thể giữ được mẹ với chúng tôi thì mái tóc không cần thiết nữa.

– Susan, bà đã chờ bấy lâu, phải chi tôi biết trước, thì đã khuyên bà không nên nhuộn màu. Lần nầy bà có tiệc mừng, tôi thật đắn đo.

– Ba mẹ tôi tuổi đã cao, không biết còn lại bao nhiêu ngày, lần nầy chúng tôi mời tất cả họ hàng về chúc mừng, muốn làm bất ngờ, cho nên tôi cũng muốn sửa soạn cẩn thận. Gần một năm, tôi chưa về thăm, chỉ chuyện trò thường xuyên thôi.

– Susan, tôi hiểu tấm lòng của bà, tôi chia niềm vui, cầu chúc bà có một ngày thật vui mừng, hạnh phúc .

Vũ Thị Thiên Thư.