Livermore/ Winecountry

Livermore

 

 

Livermore

 

 

– Mình ơi!

– Lại muốn đi đâu ? Nghe cái giọng ngọt như mía lùi là biết muốn nhờ cậy chuyện gì đây.

Đúng là chưa kịp nói nhà tôi đã hiểu ý, mùa đông vùng Central Valley thời tiết rất dễ chịu so với Ngũ Đại hồ. Cuối tháng hai mà đã ấm áp, ban ngày có khi hơn sáu mươi độ Fahrenheit . Tuần trước mang hai chiếc xe đạp ra Vịnh Bán Nguyệt theo dọc bờ biển , ngày nắng ấm nhưng gió lớn nên chỉ đi được có hơn mười dặm phải cất xe đạp lên rồi vào thăm thành phố nhỏ ven biển. Theo dự đoán thời tiết thì tuần nầy sẽ mưa, như vậy không nên đi xa, Livermore bike trail xem ra hợp lý nhất.

Nhà tôi lại ngồi vào bàn viết, thói quen hơn ba mươi năm làm việc không thể bỏ đi một sớm một chiều, mỗi lần sắp đi chơi. Cho dù chỉ hơn nữa giờ lái xe, anh cũng cẩn thận nhìn bản đồ, xem các chi tiết và chấm tọa độ, định vị trí…Trong khi đó tôi chỉ cần mang máy hình, một ít thức ăn nhẹ trong xách tay là có thể lang thang cả ngày.

Livermore cách San Francisco gần năm mươi dặm về hướng đông, theo đường I-580, thành lập bời Wiliam Mendenhal, năm 1869. Trước đó do bộ lạc Costonoan Indians khi còn nằm chung trong khu vực San Jose Mission. Robert Livermore là tên cuả một người thủy thủ từ anh Quốc đến thám hiểm vùng Monteray, ông yêu thích vùng thung lũng nầy nên gọi đó là nhà của mình, sau khi được cấp quyền sở hữu chủ, ông lập ra Rancho la Positas là khu vực bao trùm cả thành phố Livermore hiện nay.

Livermore là một trong vùng ba thung lũng [ Tri Valley : Livermore, Dublin, Pleasanton ] và cửa ngỏ của Central Valley. Khí hậu tương đối ôn là thích hợp cho trồng trọt chăn nuôi, là vùng nổi tiếng lâu đời nhất của tiểu bang California về trồng nho làm rượu Wine. Kỷ nghệ làm wine bắt đầu từ năm 1840. Các nhà nổi tiếng như :CH Wente, James Cocannon, Charles Wetmore đã thành lập winery từ 1880, đến 1889 thì Livermore Valley giành được Huy chương vàng đầu tiên cho Hoa Kỳ ở Paris, từ đó Hoa Kỳ có tên trên bản đồ sản xuất Wine của thế giới.

– Bây giờ em muốn đi dường dài hay ngắn đây?

– Có đường nào cảnh đẹp không?

– Không biết rõ, nhưng muốn vậy thì theo đường mòn chứ không ngang qua phố thị được

– Em chưa cần vào phố đâu,

– Vậy thì đi Arroyo Mocho trail , nếu còn sức thì sẽ đi tiếp Isabel.

Sau khi ăn sáng và chờ cho sương tan, chúng tôi lại mang hai chàng ngựa sắt lên chiếc xe vận tải nhỏ, đã sau giờ đi làm nên xe cộ thưa thớt hơn. Qua ngọn khỏi ngọn đồi Altamon, chợt nhớ bà bạn mới ví von đó là ngọn đồi trị giá trăm ngàn, thoạt nghe tôi không hiểu tại sao, bà cười giải thích

– Qua khỏi ngọn đồi đó vào Livermore thì mỗi căn nhà tương đương với Tracy hay Mountain House bà sẽ phải trả thêm cả trăn ngàn nữa để mua.!! Bởi vậy mới gọi là ngọn đổi trăm ngàn.

Trước khi rời xa lộ vào phố thị, chúng tôi đi ngang qua một vùng mới phát triển nằm bên cạnh khu Paragon Premium outlet mới khai trương hồi mùa Lễ Tạ Ơn năm 2012. Cơn sốt mua sắm của giới tiêu thụ đã hạ dần, khu đất trống trải trước đây làm bãi đậu xe tạm không còn thấy chiếc nào. Con phố mới khang trang đẹp đẽ dẫn vào phố chính của Livermore, tôi nhắc lại lời hứa của anh khi chúng tôi còn đang lang thang đi tìm cành xây tổ “ kỳ sau mình ghé lại đây lang thang một chuyến hén !” cái hẹn chưa thực hiện, tất bật với cuộc thiên di trước mùa đông , tạm an nên tôi muốn tận dụng sở trường của chàng ngựa sắt là quà tặng của con gái út. Con bé không dấu được ngạc nhiên khi thấy mẹ lẻo đẻo theo hai Bố con đi dọc theo Lake Shore Drive thành phố Chicago trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe đạp mới nầy rất nhẹ, có thể vượt đường trường, leo dốc, tôi đã đi đoạn đường mười hai dặm trong Vịnh Bán Nguyệt tuần trước đó mà chưa hề thấm mệt.

Phố chính của Livermore rất khang trang, dọc theo hai bên đường là những giàn hoa, xe cộ nối đuôi nhau chầm chậm, qua các cửa hàng bán đồ cổ nho nhỏ, quán cà phê với bàn ghế dưới tàng dù bên hàng hiên. quay ngược về bên trái nhìn thấy nóc chuông nhà thờ màu trắng bên kia, tôi nghị bụng khi trở về sẽ ghé qua để ghi lại.

Arroyo Mocho trail dài khoảng mười dặm, bắt đầu gần Shadow Cliffs Regional Recreation Area cuả Pleasanton theo dòng Arroyo Mocho quanh co uốn khúc vào Livermore, xuyên qua các công viên Robertson, Sunken garden, Robert Livermore. Tuy không phải là con đường chính nhưng rất tiện lợi để tránh nạn kẹt xe băng qua thành phố. Từ phía Tây, con đường mòn ngoằn ngoèo chạy phía sau cuả khu nhà cửa mới xây, vòng xuống con đường sắt và chiếc cầu SP đã từ lâu không còn sử dụng. Sau đó tiếp tục phía sau trường Trung Học Granada, công viên Mocho, Ferrario winery building còn gọi là Mayflower, Retzlaff Winwery… Tuy băng qua nhiều con đường rộn rịp, nhưng hầu hết có thể đi dưới gầm cầu cạn, trừ những lúc mưa lũ làm mực nước cuà Arroyo Mocho dâng cao hơn thì không thể dùng, phải vượt qua đường phố chính. Khoảng đường nằm trong Livermore từ Almond Ave school dài chừng năm dặm, có nhiều bãi cát đá dọc theo dòng nước chảy, muông thú tự do lang thang, ngoài các chú sóc con, còn có cả các chàng gà tây thư thả dạo chơi, con đường nầy rất thích hợp cho trẻ em . Hầu hết đều được trải đá và đắp nhựa đường , ngoài xe đạp còn có người đi bộ, chạy thể dục . Chỉ tiếc là đoạn đường nối vào Isabel đang đóng cửa cho các toán điện lực sửa chữa nên chúng tôi quay trở lại ,

– Alden Lane Garden show trước mặt đó. Có muốn ghé qua xem không?

– Dĩ nhiên là ghé rồi.

Anh biết là tôi không thể bỏ qua khi thấy tấm biển quảng cáo ,bước qua cổng, trước mắt tôi là gốc cây sồi số tuổi có thể hơn cả trăm, hàng hàng lớp lớp cây đang chuẩn bị bán ra ngoài, chưa kể từng giàn hoa đủ màu đủ sắc xếp theo từng khu vực, mỗi khu có dấu mũi tên hướng dẫn. Khu vườn cây ăn trái, cây cảnh, khu chưng bày các hồ nước với vòi phun, khu vườn mẫu và các chậu sành đủ màu sắc kích cỡ…Đây đúng là phần thưởng sau hơn mười dặm trên lưng con ngựa sắt.

Tạm biệt Livermore.

 

 

Fresno Con đường hoa nở

duonghoa

 

 

Fresno Con đường hoa nở

[ Tuần Báo ]  Viet Tide

 

Tôi mang dòng máu phiêu lưu và yêu thiên nhiên, hoa lá cỏ cây từ thân sinh, còn thêm cái may mắn có người bạn đường cũng cùng chung ý thích. Ngày mới quen nhau, nhìn cuốn sách gối đầu giường, nhà tôi hỏi ngoài đọc sách còn có thứ gì em yêu thích ? Tôi mĩm cười “Đi cho thấy đất trời bao la”

Như chim chắp cánh, như lời hứa với nhau khi thành hôn, sau khi các con đã trưởng thành, bầy chim non đã rời tổ để bay vào bầu trời bao la, chúng tôi làm cánh nhạn theo nhau tìm về vùng trời ấm áp.

Ngày vừa rạng, mang hai chiếc xe đạp cột lên chiếc vận tải nhỏ ( Ford Ranger ) trực chỉ phía nam Golden State Hightway 99 về hướng Fresno . Từ thung lung lá rơi nơi chúng tôi xuất phát sẽ mất gần hai giờ lái xe, một nửa đoạn đường nầy trước đây chúng tôi đã xuôi nam ngày đưa con bé út đi thăm Hải học viện ờ thành phố biển Monteray.

Fresno county nằm trong Central Valley, phía Bắc thành phố Bakerfield và nam thủ phủ Saccramento , là thành phố lớn thứ năm cuả tiểu bang California. Fresno trước đây do người Tây Ban Nha tìm thấy từ 1846 sau cuộc chiến tranh Mexico thì vùng đất nầy thuộc về Hoa kỳ . Fresno từ tiếng Spanish có nghĩa là Ash là tên cuả một loại cây mọc trong vùng đất nầy dọc theo dòng sông San Joaquin

Tháng hai, bắt đầu từ những nụ hoa Hạnh nhân lấm tấm trên cành, Mùa đông ngắn ngủi qua nhanh như giấc ngủ trưa cuả ngày tháng, cây cỏ trở mình, những đốm hoa Poppy màu cam điểm thêm những nét chấm trên bức tranh tuyệt mỹ. Đầu tháng ba, những nụ hoa Đào điểm màu hồng trên những cành khô, như đôi má hây hây cuả cô thiếu nữ cười vui trong nắng mới.

Bỏ lại sau lưng thành phố Modesto, dọc theo Golden State hightway về hướng nam, từng cánh rừng hoa nối tiếp nhau, tựa lưng rặng Sierra hùng vĩ. Con đường dài 93 dặm Anh lái xe mất hơn một giờ ba mươi phút. Qua những thành phố nhỏ, Turlock, Atwater Merced…Tấm bảng quảng cáo lớn bên vệ đường đập vào mắt tôi Viện Bảo tàng phi cơ cuả thành phố Atwater, tôi đoán là sẽ nằm trong cái danh sách “ Những nơi phải thăm viếng trước khi nhắm mắt “ cuả nhà tôi. Cái danh sách dài thậm thượt đó chưa biết bao giờ mới chấm dứt, có chăng là đến kiếp lai sinh.

Madera cách Fresno mười dặm , là thành phố nhỏ đầu tiên chúng tôi dừng chân lại, theo các chi tiết chỉ dẫn, nhà tôi đi tìm khu vườn Nhật Bản Shin zen Friendship Garden, đây là một trong các điểm mà chúng tôi muốn viếng, và lý do tại sao chúng tôi chọn ngày Chuá Nhật để đi vì đó là ngày vườn mở cưả cho khách du. Lệ phí là ba đồng một người, khu vườn xinh xắn với các lối đi quanh co, có cầu đá, suối nước theo mô hình Nhật Bản , bầy cá Koi đang tung tăng lội dước chân cầu, bên kia là khu vực nuôi chim Khồng Tước [ Công ], anh chàng đầu đàn to lớn bệ vệ , lông đuôi sặc sở dài hơn ba lần chiếu dài cuả thân mình, đang thư thả dạo chơi. Nghiêng mình bên hồ nước nhỏ hoa mộc lan trắng noản nà . Vì không có thời gian nhiều nên không dừng lại lâu hơn.

Thành phố Fowler kế tiếp là trạm đầu tiên chúng tôi chọn để bắt đầu cho con đường hoa nở. Nơi đây du khách có thể ăn thử trước khi mua các loại nho khô, hạt, trái cây đang mùa. Ngoài ra còn có thể đặt tặng phẩm gói hàng từ các nhà sản xuất. Kế tiếp là thành phố Selma còn gọi là Thủ đô cuả nho khô trên thế giới [ Raisin Capitol of the World ]

Gạch nối giữa các thành phố là từng khu rừng hoa ngút ngàn .Mỗi loại hoa cho trái cây màu sắc khác nhau, từng khu vưòn nối tiếp nhau họp lại thành bức tranh sắc màu tuyệt mỹ

Hoa Hạnh nhân màu trắng, thường trồng nhiều giống chung một khu vực để thụ phấn hoa nhờ các loài ong mật, Thường thì hoa kết trái và gặt hái theo phương pháp kỷ nghệ từ tháng tám đến tháng mười.

Hoa mận [ Plum ] màu trắng, có hơn 200 giống, phải trồng ít nhất là hai giống chung một vườn mới có thể thụ phấn và cho trái, mùa hái từ tháng năm đến tháng chín.

Hoa mơ [ Apricot ] màu hồng, có khoảng 12 giống , trồng theo lối kỷ nghệ , mùa hái trái từ hai đến ba tuần cuối tháng năm.

Hoa Đào [ Peach, Nectarine ] từ màu hồng sang đỏ thắm có hơn trăm giống nở cùng lúc. Muà trái chin bắt đầu từ giữa tháng năm cho đến tháng mười.

Hoa Táo [ Apple ] màu trắng, có khoảng 6 giống, thường trồng theo lối kỷ nghệ và muà hái trái từ tháng tám đấn tháng mười một

Hoa Cam, bưởi , chanh không thể thiếu được trong các khu vườn lớn qui mô cho đến từng tư gia cuả quận lỵ, màu trắng nuốt lẫn vào màu lá xanh, hương thơm ngào ngạt.

Fresno nổi tiếng với nông nghiệp không chỉ riêng ở California, các thứ cây trái sản xuất khắp thế giới do khí hậu cùng kỷ thuật trồng tiả rất hiện đại, Từ các hàng cây thẳng tắp, đều đặn cành lá đan nhau cho đến những loại ong mật được dưỡng nuôi để thụ phấn hay để lấy mật ong cung cấp cho giới tiêu thụ.

Con đường hoa mùa xuân nầy, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên kỳ diệu còn phục vụ tối đa cho đời sống hàng ngày cuả nhân loại.

Đoạn cuối cuả con đường trước khi rời Fresno, chúng tôi còn một điểm ghé lại nữa đó là Nông Trại Simonian, một bất ngờ thích thú, vào sân đâụ xe, bên dưới cái chong chóng gió kiểu Hoà lan là một loạt máy cày loại cổ, nhìn vào các năm sản xuất, có chiếc tuổi chào đời đã gần trăm năm, Cạnh đó còn có những chiếc xe bánh gỗ sử dụng từ thời nội chiến.

Tạm biệt Fresno.

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Ảnh đính kèm : Vũ Thị Thên Thư

1 Nội chiến Wagon

2 Dựa lưng rặng nuí Sierra

3 Hạnh nhân ngút ngàn

4 Bát ngát trời hồng

5 Mộc lan [ water lily magnolia ]

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Khai mùa

Khai mùa

 

 

Ta mời nhau, chút quyến luyến của một thời cắp sách, tay trong tay mắt ngời xáng tin yêu, nắng hồng lên tô sắc thắm muôn chiều , hoa đã nở chên trần gian khai hội

Chân bước khẻ tay nâng tà áo lụa , áo trắng hiền gói một thuở mộng mơ, lời tình ca tiếng vụng dại học trò, mang theo cả một trời thơ nguyên thuỷ, tay ngón nhỏ xanh xao đời hồ mị , bước bình yên qua mấy ngõ hẹn hò…

 

*

Rồi một ngày, con chim nhỏ chợt bay về gọi nắng sáng líu lo , chúa Xuân vừa mở đôi cánh cổng giao mùa…

Trải một chút nắng ấm lên thảm cỏ nhung xanh , rắc một ít sương long lanh trên nụ hoa vừa hé , chúa Xuân làm những công việc đầu tiên trong niềm hân hoan, trong ánh sáng ngập tràn …

Ta mời nhau trên đường về trẩy hội mùa Xuân, ta mời nhau, cùng hát lại lời tình ca êm ái, bằng tiếng hát trẻ thơ ngây dại, bằng lời ca thánh thót tuổi học trò, lời chan hòa niềm tin mới trên môi khô trong ánh mắt yêu thương nhau bừng sáng

Lối đã mở, đường thênh thang hoa gấm, chúa Xuân vừa ban nắng ấm xuống trần gian , ta bên nhau trong vũ khúc nhịp nhàng…khu vườn mới nở bừng niềm hy vọng, bờ môi khô rực rỡ đoá hoa hồng, cung nhạc trầm réo rắt giữa từng không, hòa muôn tiếng chim muôn vừa ca tụng..,

Hãy im lặng nghe chúa xuân truyền lệnh , trăm hoa thơm bừng nở dưới măt trời, trăm nắng hồng sương sớm trải muôn nơi ,cho trời đất đồng hoan ca, cho trời đất giao hoà ,cho lòng người phơi phới , cho yêu thương thiết tha…

*

Ở một ngôi trường có lũ học trò áo trắng hồn nhiên, có lũ học trò chim non ríu rít , trong những đôi mắt niềm chờ mong tha thiết , chúa xuân về nao nức tiếng quyên ca …

Ở một con đường có hàng cau xanh mướt lá mùa đông, có người em gái nhỏ má môi hồng, trời gió bấc tung hương cau thương nhớ, sớm mai ngày in trong mắt bâng khuâng, sớm mai ngày lời thanh ca lồng lộng…

Ở một khu vườn đầy kỷ niệm , có ngôi nhà nao nức chim khuyên , đôi cánh nhỏ mơ trời cao đất rộng, hồn nai tơ ngơ ngác sống bình yên. Ơi chúa xuân ! Xin trải rộng thảm cỏ nhung xanh mượt, ru thiên tiên trong giấc mộng tuyệt vời , dỗ dương trần giữa cung nhạc chơi vơi, bỏ tội lỗi muôn đời bóng tối…

Ở một phương trời xa, có em ta vẫn sống đời hiền hoà , có em ta vẫn say mộng đường hoa, em có hay chúa Xuân vừa đến, em có hay mắt mõi ngắm hoàng hoa, em có hay trời đất đã giao mùa, ta còn trong nổi thương nhớ cách xa …

*

Ta mời nhau , dù áo trắng đã ngủ vùi trong dĩ vãng, dù ngày xanh đã xa khuất sương mù, dù tháng ngày vẫn xa cách , phù du, vẫn tin tưởng, vẫn chờ mong niềm vui mới, vẫn tha thiết đón chào ngày khai hội, muôn hoa thơm vừa hé cánh mượt mà…

Chân bước nhẹ giữa trăm tiếng trầm ca, mắt vẫn ngước nhìn, nhau dù xa lạ,

xin hãy mở đường vào vườn hoang dã, xin cùng nhau chia sớt chút hương trầm, xin đưa về ngày chào giấc trăm năm, nơi ngà ngọc dỗ đời bình an ngủ…

Nào băng giá mùa đông, hãy qua đi cho ngày tháng thêm hồng, hãy qua đi cho chúa Xuân bừng sống,cho trầm hương bay vút giữa từng không, cổng đã mở mời theo nhau cùng bước…

 

Vũ Thị Thiên Thư

[ 1973 ]

 

Về miền nắng ấm

Về miền nắng ấm

 

   Buổi sáng, tiếng chim hót từ góc rừng đánh thức, giấc ngủ ngoan. Ánh sáng đầu ngày tràn ngập qua khung cửa sổ, những giọt cà phê nhỏ xuống, như những giọt an vui chảy qua tâm hồn ngày chúng ta bên nhau.

   Bạn và tôi, như đôi chim ríu rít, chuyện trò, hơn phần tư thế kỷ qua, về những ngày tháng không bắt kịp nhau trong dòng đời trăm ngã, về những trăn trở trong cuộc sống riêng tư, những nỗi đau chung cuả một thế hệ, chia nhau nỗi băn khoăn, niềm thao thức. Thời gian, không thật sự giới hạn, những cảm thông nhau, truyền cho nhau từ trong tận cùng tâm thức, ngữ ngôn, đôi khi không cần thiết , chỉ thêm thăng hoa cho cuộc sống cuả đời thường…

   Tôi mang theo những tia nắng ấm, những chân tình bạn gởi trao, từng phút từng giây, biết mình có nhau. Tôi thương hại những con người bạc phận, cuộc sống có quá nhiều phiền muộn, trái tim chứa đầy những dòng máu đen lừa lọc, sống bao lâu mà phải băn khoăn, phải lo toan, phải tranh chấp nhau.

 

   Tiếng cười như pha lê qua những làn sóng điện thoại, cảm ơn kỹ thuật hiện đại, chúng tôi gần nhau dù cách nhau hàng ngàn dặm. Trong lòng tôi reo vui theo. Bạn kể cho tôi nghe, những tâm tình cuả Em, tưởng tượng tiếng Em cười, như chính tôi đang nghe… Gánh cuộc sống trên hai vai nhỏ, gánh âu lo quẳng xuống, bước thênh thang Em nhé, hành trình gian truân, cuối cuộc đời sẽ an nhiên…

   Cảm ơn Em, âu lo những trận cuồng phong trút xuống, Em ơi! thân lá cỏ mềm, gió bão có qua đi, sẽ bình an trỗi dậy…Thị phi trong cuộc sống nầy, hãy để gió cuốn đi… chỉ cần một tấm lòng, sống tử tế với nhau…

   Những phiền muộn, đã là ngày hôm qua, giọt nắng mai cuả ngày hôm nay, nắm lấy bàn tay, dìu nhau bước…

 

   Những tưởng là chúng tôi không cần phải nói với nhau, thức giấc, yên tĩnh cuả đầu ngày, nghe từng giọt cà phê nhỏ xuống, nhưng khi nhìn vào khung hình, trăm ngàn từ ngôn…Bạn gởi cho tôi tấm chân tình, những màu sắc đậm nỗi nhớ thương, căn nhà nhỏ chứa đầy kỷ niệm, những dấu chân, cuí xuống nhìn khóm rau vừa bén đất, lá xanh non, những nụ hoa vừa mới mọc, e ấp cười vui… Thấy bạn, nhỏ nhoi từng ngày… Cảm ơn quân tử, chăm sóc cho nhau, nhắc nhở nhau, cuộc sống mong manh, như dòng sông khúc chìm đoạn nổi, duyên nghiệp cuả một đời, hãy vì nhau mà chia nhau bình an cho đến cuối…

 

Món quà từ ngàn dặm, đủ tưới mát trong lòng…

Rạng ngày, nghĩ đến nhau…lòng rất an vui…

Bạn tôi, thương quá, từ ngôn không cần thiết…

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Dạy Lái Xe

Dạy Lái Xe

 

Em tưởng tượng thử xem , anh dạy ba tiếng một ngày, chỉ có một chuyện thôi , thấy bảng stop thì ngừng, vậy mà vẫn chưa xong

– Em chưa hiểu anh muốn nói gì , chưa xong là sao ?

– Thì vẫn chưa làm được, lúc găp bảng Stop thì không chiụ ngừng, lúc bảng phía bên kia đường thì ngừng, em bảo anh làm sao đây ?

– Chị ấy lớn tuổi chưa anh ?

– Không hơn em bao nhiêu tuổi đâu

– Chị sang đây bao lâu rồi ?

– Lâu rồi , nhưng từ trước đến nay nào có học đâu , đã đậu bằng viết bên Cali rồi , chỉ cần tập lái xe thôi , để đi lấy bằng, trong nhà có nhiều người, nhưng không ai có kiên nhẩn dạy chị ấy học, Khổ nổi đi ghi danh học ở trường dạy lái xe thì chị không nói được tiếng Anh, người ta nói chị không hiểu thì làm sao học ?

– Thế tại sao chị có bằng viết được ?

– Thi bên Cali mà em .

– Nhưng em tưởng rằng ít nhất cũng phải biết chút chút…

– Thì anh cũng nghĩ như vậy, chừng nói chuyện mới biết được, nên anh bắt phải trả tiền anh mới dạy.

– Tại sao vậy anh ?

– Thì có trả tiền mới xót ruột, như vậy mới cố gắng học , không thì ỷ lại, không chiụ cố gắng, anh đâu có thời gian dạy hoài

– Em không nghĩ đến điều nầy, anh sành tâm lý thật

– Anh đã bỏ ra mười mấy tiếng dạy rồi, điều anh lo lắng là ngồi vào xe mà không chủ Động sẽ gây nguy hiểm cho người khác chứ không riêng gì mình …Ai cũng bảo phải lo tập đậu song song, bên lề …Nhưng anh chỉ lo chuyện lái ngoài đường thôi, có trăm ngàn xe cộ hàng ngày, đường xá tấp nập, mang chiếc xe ra mà không điều khiển được, có phải là hại người không

– Vâng , em đồng ý với anh điểm nầy

– Thật ra thì anh đã giúp cho nhiều người rồi, nhưng có bao giờ lấy tiền bạc gì đâu, lần nầy anh biết nên mới đòi tiền , định là khi có bằng thì anh sẽ cho lại, chứ anh đâu có cần tiền, nhưng chị cuả em thì cản lại, bảo là “ Bà ấy có tiền, mình mang tiền nầy về cho trẻ mố côi ở Việt Nam thì có ý nghĩa hơn “

– Oh !! Em tán đống ý kiến cuả chị .

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Lá Thư Cuả Bà

Lá thư cuả Bà

 

Dolly , hôm nay tôi phải về sớm hơn. Hai đứa bé học nửa ngày, Nhà tôi đón chúng ở trường, nên tôi cũng muốn về chơi với chúng nó một chút

– Vâng, Helen, chúng ta cuộn nốt mảnh quilt nầy , sau đó thì tôi có thể tiếp tục làm một mình được rồi.

– Dạo nầy chúng nó về nhà ngày thứ ba, tôi đã ghi danh lớp học vẽ nên không muốn bỏ cuộc, tuy nhiên tôi cũng thu xếp để dành thời gian cho chúng.

– Bà bận rộn quá, mỗi tuần bà có bao nhiêu cuộc họp mặt, tôi không nghĩ là có thể theo kịp bà

– Dolly, tôi có diễm phúc là đã về hưu, nên mới có thời gian theo đuổi những gì mình yêu thích, lúc tôi còn làm việc trả nợ áo cơm, hay nuôi con mọn thì cũng không hơn gì bà đâu.

– Nhưng bà thật là siêng năng hoạt động, tôi có quen một vài người khác, tuổi tác họ kém bà, và ngay cả làm việc, họ cũng không giống bà, tôi nghe họ kể vanh vách các chương trình trong vô tuyến truyền hình, Chắc là họ theo dõi thường xuyên mới biết rõ như vậy.

– Tôi chịu thua, làm sao có thể ngồi xem cả ngày như vậy, hay thật. Tôi ngồi xem tin tức hàng ngày cũng có hai cây que đan trên tay, không làm việc tôi cảm thấy phí phạm thời gian quá.

– Ấy, tôi cũng không có thời gian ngồi xem truyền hình đâu, thời gian xem tin tức buổi sáng là lúc tôi đang đi bộ trên máy, sau đó thì tôi tập thể dục rồi chuẩn bị đi làm, thật ra bây giờ đã rảnh rang mới tập được, lúc trước , thức dậy phải lo nấu nướng thức ăn sáng cho bọn trẻ, chúng nó đi học thì tôi cũng lái xe đi làm sau đó.

– Tôi vốn không ưa xem truyền hình, nhất là bây giờ, không có thứ gì đáng xem hết, chỉ trừ một vài chương trình truyền hình công cộng, có tính cách lành mạnh và học hỏi thì tôi còn ghé mắt qua, còn các đài thương mãi thì quá nhiều rác rến, tôi không cảm thấy giải trí khi xem bi kịch, nghe chửi thề, còn nhạc mới thì nghe chỏi tai..chắc tại tôi quá cổ hủ

– Nếu vậy, tôi thà cổ hủ như bà Helen ạ, tôi cũng không cảm được những chương trình giải trí đó, hồi tôi đang dưỡng bệnh, có bao nhiêu là phim , con bé út tìm mãi mới chọn được có hai bộ phim, bà có biết cuốn nào không ?

– Không, nhưng tôi đoán là phim xưa ?

– Đúng thế Helen , bộ phim “ Cuốn theo chiều gió “ và “ Lion king “ cuả Walt Disney .

– Chính tôi cũng thích xem phim cổ điển và hoạt hoạ của Walt Disney ., bây giờ có bọn trẻ, lại có dịp xem thêm nữa đó .

– Có trẻ con trong nhà, không khí ấm áp hẳn lên Tôi chưa có cái hạnh phúc đó Helen ạ, các con tôi chưa có đứa nào kết hôn, chúng nó có hai con ruà và con chó , bây giờ nhà tôi vẫn trêu là tôi có hai đứa cháu ruà cộng thêm bà cuả chó. Chán thật.

– Dolly đừng lo, rồi cũng sẽ đến lúc thôi mà , giống như tôi, có chúng nó cũng làm mình bận biụ, nhưng cũng vui. Tôi đi học vẽ, khi chúng đi học về, không gặp tôi , sợ chúng nó buồn, tôi mới viết những thư ngắn dán vào cửa phòng, chúng nó về sẽ thấy. Thật không ngờ, những thư ngắn nầy chúng nó rất thích, nhà tôi kể lại, chúng về tới là chạy ngay lên lầu, đến cửa phòng để lấy thư. Rachel lớn nên viết được, David hãy còn bé, chưa viết nhiều được, cũng nắn nót vài chữ cho tôi.

– Các cháu giỏi quá

– Lúc đầu tôi không nghĩ chúng nó thích, nhưng không ngờ Rachel để dành các thư nầy, nên tôi phải đi mua giấy đẹp, viết hay vẽ hình lên, thành ra một thư hẳn hoi đó Dolly.

– Vâng, tôi rất quí thư từ viết tay, thuở tôi mới sang đây, thư từ gởi về nhà khó khăn lắm, tôi mong thư cuả Ông Nội, bấy giờ cụ đã ngoài tám mươi, nhưng nét chữ cứng rắn, rất đều tay, cho đến khi cụ bị tai biến mạch máu não, tay yếu đi, chữ không còn đẹp, nhưng tôi vẫn giữ lại, gói kỹ càng, bây giờ Ông mất rồi, các thư nầy càng quí.

– Đúng vậy, những thứ gia bảo ấy, cho dù có bao nhiêu tiền cũng không mua lại được.

– Em tôi, mỗi lần nhắc lại thư của Ông là em đau lắm, vì khi em dọn nhà, đánh mất đi, sau nầy tôi mới chụp lại một số thư từ gởi sang cho em, cho dù không là bản chính, nhưng cũng thấy được nét chữ thân quen.

– Rachel cũng lưu giữ những thư nầy, cho nên tôi biến nó thành những bức vẽ, Dolly có biết là Rachel rất thích chụp hình không ?

– Thế ư ? Cháu thích nhiếp ảnh lắm à , bây giớ máy ảnh digital* hạ giá, nếu cháu thích thì hãy cho cháu dùng thử xem sao.

– Tôi sẽ mua cho cháu vào dịp sinh nhật, năm nay Rachel mười tuồi rồi

– Nhanh quá, mới ngày nào thôi

– Năm nay cháu được mời làm người mẫu cho American Girl đó Dolly

– Thật ư ? Rachel giỏi quá , tôi biết họ chọn người mẫu rất khó khăn. có nhiều bà Mẹ chỉ ước mơ con mình được chọn vào đó.

– Tôi thì không vui, trái lại tôi thấy cháu còn bé quá, nên để cho cháu lớn tự nhiên, theo tôi đây là một thứ công việc bó buộc, cháu chưa cần phải làm việc như vậy, mỗi lần đi chụp hình, phải thay đổi nhiều bộ quần áo, chưa kể đến giờ giấc và tập tành đi đứng…Tôi nghĩ quá phiền phức cho trẻ con .

– Tôi cũng đồng ý với bà, tôi thấy nhiều bà Mẹ quá chú trọng đến vấn đề nầy, nên quên đi những mặt khác không kém phần quan trọng. Cuộc sống đòi hỏi nhiều thứ, học vấn, kinh nghiệm, tài năng, kiên nhẫn, có quá nhiều thứ phải trui rèn. Dung nhan, hình vóc theo tuổi tác có thể thay đổi, nhưng học vấn kiến thức không ai lấy đi được.

– Được nổi tiếng thì chưa thấy, nhưng bắt con trẻ lớn nhanh để đánh mất tuổi thơ thì không công bằng tí nào, tuy nhiên, tôi không thể cản ngăn bố mẹ cuã Rachel được. Nếu tôi không tế nhị sẽ sinh phật lòng, tôi chỉ là bà nội, giáo huấn Rachel là công việc cuả con tôi.

– Tôi nghe kể lại thì các cuộc tuyển lựa rất khó khăn, cho dù có tham dự bao nhiêu lần đi nữa, cơ hội được chọn rất hiếm hoi .

– Tôi thấy cứ nung đúc cho trẻ con niềm hy vọng hảo huyền. Sao bằng dạy chúng nó cố gắng học hành, sau nầy có công việc vững chắc để kiếm sống. Con số những thần tượng vút cao rồi chìm sâu không ít, mà Dolly cũng thấy đó, có mấy ai vinh quang cả đời đâu? bạo phát bạo tàn, luật đào thải tự nhiên, có lên cao tuyệt đỉnh thì cũng có lúc phải xuống thôi.

– Thế Helen có dạy cháu điều nầy không ?

– Tôi cố gắng giữ cương vị cuả mình, tôi nuôi dạy con, bây giờ chúng có bổn phận nuôi dạy lại con cuả chúng, tôi có tình thương bao la nhưng không muốn lảnh trách nhiệm răn dạy.

– Theo phong tục tập quán cuả chúng tôi cũng có câu “ Cháu hư tại bà “ tỏ ý qui trách cho bà chiều chuộng làm hư con cháu .

– Tôi không nghĩ như vậy, tôi thương yêu, nhưng luôn cứng rắn, nếu làm sai thì tôi vẫn răn dạy chứ.

– Nhưng khổ nỗi, trong mắt cuả bà thì cháu nào có sai đâu !!. Helen có biết là Mẹ tôi khó với con cái bao nhiêu thì dễ với cháu bây nhiêu không ?

– Cái hạnh phúc làm Bà là ở chỗ đó , không phải lo phần giáo dục, chỉ thương hết mức thôi Dolly à .

– Đúng vậy, cảm ơn Helen, tôi học cuả bà tôi nhiều thứ lắm đó, những điểu bà nói, chuyện kể, kinh nghiệm sống, có quá nhiều thứ… lúc còn bé tôi vẫn thích quanh quẩn bên Bà, có lúc tôi chép cả một tập ca dao, dân ca mà Bà hay hát ru. Nghĩ đến, tôi lại nhớ vô cùng.

– Tôi cũng mong là mình sẽ có được những thời gian quí báu đó với Rachel . tôi bắt đầu viết những thư dài hơn, vẽ những hình tượng cho David, đó là nhịp cầu giao cảm nối liền hai thế hệ già trẻ và tuổi thơ .

 

Vũ Thị Thiên Thư

• Digital : máy ảnh điện tử

 

Ghen

 

 

Ghen

 

– Bình hoa cuả ai vậy ?

– Của Dolly

– Tại sao lại có hoa tươi ở đây?

– Thì hôm nay là sinh nhật cuả bà ấy mà

– Ai gởi vậy ?

– Thi các con cuả bà ấy gởi cho Mẹ không được sao, mà ai gởi thì mắc mớ gì đến bà?

– Bộ chúng nó có nhiều tiền lắm sao mà dám gởi vậy chứ ? Chúng nó có công việc làm tốt không ?

– Bà thắc mắc chuyện vô lý, nếu chúng yêu Mẹ thì chuyện gởi hoa sinh nhật là chuyện bình thường, Dolly thích hoa còn ai lạ gì nửa.

 

Sonya nhìn Bà ta chỉ nửa mắt, im lặng nhìn sang tôi lắc đầu, tôi cười nhẹ, nhìn ba chục búp hoa Tử đinh hương đủ màu sắc rực rỡ đang cười vui trong lọ thuỷ tinh. Biết là các con yêu Mẹ, niềm hạnh phúc cuả tôi không để cho nỗi bực mình làm hoen ố.

Helen nghe tôi kể chuyện, bà chỉ mỉm cười

– Bà ấy ghen đấy, đừng bực mình ta làm gì.

– Tôi thương hại cho bà ấy thôi, cuộc đời ngắn ngủi, bà ấy luôn luôn chua chát, con người không nhìn thấy hạnh phúc chung quanh mình, thì cuộc sống còn gì là thú vị hén ?

– Con người khi ghen với người khác vì họ mặc cảm, tự ti, cảm thấy sự thua sút .

– Ngược lại với cá tính của tôi, tôi cảm thấy vui khi nhìn người khác hạnh phúc, biết con cái họ thành công, mình cũng thấy hân hoan theo, mỗi người có phúc đức riêng, tôi không thấy sự bất hạnh cuả người nầy mà khinh rẻ họ, mình nên thương họ hơn chứ.

– Bà ấy không có lấy một lời chúc mừng sinh nhật cho bà, chỉ lấy sự ghen tức che mờ mắt, nên không còn nhìn thấy lọ hoa tươi tắn kia..Thú thật, tôi cũng cố gắng bỏ qua cho bà ấy , nhưng nhiều khi cũng thấy bực mình, may mắn là tôi không làm chung sở với bà ta, nghĩ đến phải nhìn và nghe bà tan vãn hàng ngày, tôi cũng phát điên mất

– Tôi quen rồi,nên không để ý đến bà ta nói gì đâu. Lúc mới vào làm chung, bà ấy không bao giờ chào hỏi,coi tôi dưới mắt, mặc kệ, tôi chào bà rồi lo làm việc cuả tôi . Tôi đã từ chối nhiếu lần, không muốn nhận công việc quản trị mà bà đang làm, nếu tôi thật sự muốn làm, thì không đến tay bà ấy đâu, tôi nói thẳng với bà là tôi không tranh chấp chức vụ đó, đừng lo lắng, tôi yêu thích sự tự do, không ràng buộc, làm hết giờ, ra về …

– Mọi người yêu quí bà, ngược lại, không thích bà ta, điều đó càng làm cho bà ta ghen, chưa kể là con cái bà ngoan ngoãn học hành, tốt nghiệp thành công.

– Điều nầy do phúc đức cuả mỗi người, tôi không nghĩ là mình tài giỏi đâu, ai có con cái thành công , tôi đều vui mừng cho họ.

– Trong xã hội nầy có nhiều hạng người, Dolly cũng từng gặp mà. Có những hạng người, họ chỉ nhìn thấy sự bất hạnh chunh quanh mình, bà ta là một. Cho nên đến từng tuổi nầy,mà vẫn chua chát …

– Vâng, sống bao lâu …

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Quà Tết

Quà Tết

 

Móc trong túi áo trên, tờ giấy gấp cẩn thận , ông cụ ngồi xuống bàn, chậm rãi mở ra, tờ danh sách dài nhìn như lá Sớ Táo Quân

– Cô ghi dùm tôi, theo tên họ và cái địa chỉ nầy, cũng giống như năm ngoái hén.

– Dạ , Bác cho cháu tờ giấy đi, phần nào không đọc được, cháu sẽ hỏi Bác

Tôi lặng lẽ ngồi gõ từng phím, hàng chữ chạy trên màn hình, cái danh sách dài lần lượt hiện ra, tên họ từ tiếng mẹ thân quen bên cạnh chi chít những con số vô hồn, nhưng nghĩ đến món tiền nhỏ nầy cho chiếc áo mới, bữa cơm được ăn no, trên bàn bày hương hoa trà quả. Con số biến thành các thứ cần thiết cuả ngày đầu năm.

Nhìn lại Ông cụ hom hem, những ngón tay run rẩy, co ro trong cái lạnh cắt da thịt, chiếc áo dạ dầy cộm như nuốt chửng cả mớ thịt xương chưa quá một trăm hai chục cân Anh.

– Bác xem lại dùm cháu, có còn thiếu ai không?

Cầm tờ giầy , dò lại từng tên , Ông cụ trả lại cho tôi

– Đầy đủ rồi đấy cô. Nhân tiện cô gởi luôn cho tôi hôm nay hén.

– Vâng, ở tỉnh thì hơi chậm hơn thành phố nha Bác

– Miễn về trước Tết là được rồi, năm nầy tôi đau yếu luôn, mớ lon nhôm nhặt nhạnh dành dụm suốt mùa hè bán ra chỉ có được bấy nhiêu thôi, tôi định đến gởi từ tuần trước cho kịp về quê , nhưng không ngóc dậy nổi, thôi đành vậy , cô có cách nào gởi nhanh hơn không?

– Cháu sẽ cố gắng, Tết nên mọi thứ đều gấp gáp bác à.

Ông Cụ trao cho tôi số tiền, những tờ giấy bạc màu xanh, nhìn làn da tay xám vì lạnh hay vì những giọt máu hiếm hoi trong cơ thể gầy gò đã không còn đủ sức để luân lưu.

Những cái tên, chỉ là từng hàng chữ vô tri trên tờ giấy, biến thành mắc xích trói buộc cho một sơị dây vô hình. móc nối một nửa đại dương, nối lại kiếp sống con người , do duyên nghiệp hay nợ nần từ bao kiếp , bác đã đi đến cuối con đường, sự sống còn được bao lâu nữa, vẫn còn băn khoăn lo lắng, vẫn còn chia sẻ cưu mang.

Tiếng chuông điện mở cánh cửa rít lên Ông cụ bước ra , ngoài kia cơn gió thổi từ hồ thốc vạt áo và tấm thân gầy long chong…

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Anh Hai

 

Anh Hai

 

– Anh Hai gọi nghỉ đi, mình chơi với cả nhà, vui lắm

– Baybee, mình không nên gọi nghỉ, khi nào mình muốn nghỉ thì phải xin phép trước, người ta sẽ xếp thời khóa biểu cho người khác làm việc, người ta chia thời gian cho mình, mình lại gọi nghỉ để đi chơi như vậy là không có trách nhiệm.

Mẩu đối thoại cuả hai anh em ghi nhớ trong lòng tôi cho đến bây giờ , Anh Hai dạy cho em bé một bài học trách nhiện và bổn phận từ thuở hắn chỉ mười sáu tuổi đầu.

 

– Bố , Anh Hai không thích làm việc cho cửa hàng nầy nữa đâu.

– Tại sao vậy ? Bộ họ kỳ thị hay là xử ép con hở ?

– Không Bố à , nhưng họ muốn con phải đề nghị bán cho khách hàng những hệ thống máy vi tính mới rất đắt tiền, nhưng mình không bán như vậy được, vì khách hàng không cần loại máy đó, họ chỉ cần máy vừa tuí tiền, chức năng đủ dùng cho công việc họ muốn làm thôi, người ta tin mới hỏi mình mà mình bán thứ đắt tiền không cần thiết như vậy là nói dối đó Bố.

– Nghỉ, không cần phải làm nơi đó nữa, Bố chưa chết hay tàn tật mà ,con ở nhà đi học được rồi , Bố vẫn đi làm còn dư sức nuôi con. Chỗ làm không lương thiện, bỏ ngay…

– Bố , mình phải báo với họ là mình sẽ nghỉ sau hai tuần để học chuẩn bị kiếm người khác, mình không muốn bỏ công việc ngang , Bố noí…

– Thì Bố nói không cần phải đi làm, đi học quan trọng hơn , còn có cả đời để làm mà. Mình phải làm sao không trái lương tâm thôi

– Dạ, Bố , mai mình nói với ông xếp hén.

 

– Bố cho anh Hai tiền, đi xem xi nê với bạn đi

– Bố , mình có tiền mà , hơn nữa mình ở nhà chơi Video game , hay đọc sách cũng được mà

– Nhưng ở nhà hoài có buồn không?

-Không sao đâu Bố. Mình có nhiều thứ để chơi lắm.

– Nhưng phải nói với Bố khi nào cần tiền.

– Bố, anh Hai biết mà , mình chưa cần tiền đâu Bố ơi ! Hôm qua Best Buy gọi đi phỏng vấn đó Bố, chắc họ sẽ mướn mình vài tuần nữa thôi

– Lại là chổ buôn bán máy vi tính, Bố tưởng là anh Hai không thích làm những chổ nầy

– Không, làm trong khu sửa chữa Bố à. Không phả đứng bán bên ngoài, khi nào khách hàng đã mua máy rồi thì mình cài đạt Software và chỉ dẫn cách xử dụng cho họ, máy bị hư hỏng thì mình sửa chữa lại…

– Bố đã nói rồi, đi làm việc để học kinh nghiệm thêm cũng tốt , nhưng học hành quan trọng hơn, Bố không muốn chuyện học bị xao lãng, có cần thêm tiền thì Bố cho, chớ đừng ham tiền mà xin đi làm bây giờ, học xong rồi thì có cả đời để đi làm.

– Dạ, Bố , mình biết mà.

 

– Anh Hai, bài nầy Em bé không hiểu

– Baybee, phải giải từng giai đoạn một , trước hết làm như vầy nè …Thấy cái đó chưa ?

– Thấy rồi Anh Hai, vậy mà thầy giảng em bé lại không hiểu, hừ !!

– Em bé không chú ý lúc đó, ngồi lo ra trong lớp chứ gì , sao lại không hiểu , dễ quá mà..

– Không phải vậy đâu, tại Anh Hai kiên nhẫn, và giải thích rõ ràng hơn , Phương cũng nói anh hai kiên nhẫn như Ông Thánh

[ Không riêng gì Phương , Mợ, bác Lộc , bà Gwen…và ngay cả Mẹ cũng biết Anh Hai luôn kiên nhẫn, rà rất cẩn thận kia mà… ]

 

 

– Anh Hai , IIlinois Institude of technology chỉ nhận có tám người vào chương trình nầy thôi. Mèn! tới ba trăm đồng tiền lệ phí lận chớ đâu phải không tốn, vậy mà có cả ngàn người nộp đơn lận

– Baybee, phải nộp đơn đi chứ, không cần biết người khác ra sao, mình không nộp thì đâu biết mình có cơ hội vào hay không. Anh Hai tin tưởng Em bé giỏi lắm đó , cứ nộp thử xem, anh Hai cho em tiền đóng lệ phí

– Em có tiền rồi, chỉ không biết mình có đủ điều kiện để vào không.

– Mình đã nhất quyết thì phải làm chứ, không sau nầy lại hối hận.

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Tấm lòng cuả Mẹ

Tấm lòng của Mẹ

 

– Jan, lâu quá , bận rộn hay sao không thấy bà đến họp mặt?

– Mùa đông lạnh lẽo, ngại ra đường cũng có, nhưng một phần vì bận rộn nên không đến thường xuyên được.

– Các cháu ra sao? Chúng nó ngoan cả chứ?

– Ấy, các cháu ngoan, nhưng bố chúng nó vắng nhà nên tôi phải đến phụ với con dâu chăm sóc .

– Roy công tác xa nhà ?

– Đơn vị hắn đang đóng quân ở A Phú Hãn.

– Oh ! Vậy sao ? Roy đi viễn chinh từ bao giờ ?

– Hơn sáu tháng nay rồi, hy vọng sẽ chóng mãn hạn trở về.

– Đánh nhau hoài, thật là khổ . Tôi cầu nguyện cho Roy được an lành, sớm về đoàn tụ với gia đình

– Cảm ơn bà.

Jan là thành viên trong nhóm thiện nguyện hàng tuần . Các bà tuổi đã hơn lục tuần, nhưng vẫn hăng say hoạt động. Rất hiếm khi các bà vắng mặt, dù mùa đông dài lê thê, trừ những ngày bão tuyết đường xá đóng kín. Những câu chuyện kể lại cho nhau nghe, từ lúc thành phố chỉ có con đường duy nhất xuyên qua, ngôi thánh đường với gác chuông cao vút, bên cạnh ngôi trường trung học cuả quận lỵ. Con đường lịch sử chạy dài từ đông sang tây, bao nhiêu lần trùng tu , khơi rộng. Trong ký ức muôn màu, câu chuyện kể lại như những manh vải nối kết nhau, biến thành tấm quil * trên khung mượt mà những mũi kim thêu tuyệt mỹ.

Roy, là con trưởng, vợ chồng anh có hai con nhỏ, tôi không thể hình dung anh chàng giáo sư nói năng nhỏ nhẹ đó có thể cầm súng trên chiến trường nóng bỏng Trung Á. Không khác gì thế hệ cuả chúng tôi, khi còn xanh tóc ở quê nhà, tuổi thanh niên rực rỡ, sách vở cầm tay, con đường tương lai đầy hứa hẹn, nhưng con đường nào cũng đưa về quân trường khói súng. Những ngày tháng học tập qua nhanh, một đôi ngày thành phố hoa đèn, đổi lại đêm đêm ngủ dưới vòm sao cùng tiếng đại bác thay cho tiếng hát ru ngọt ngào. Bài học lịch sử cay đắng, mối hận nước mất nhà tan, nối những chuỗi ngày tha hương đi tìm sự sống còn.

Vùng đất sa mạc, gió cát, sinh tử cận kề, chiến tranh lần nữa về gần, nỗi ám ảnh triền miên chết chóc. Tin tức hàng ngày, những cánh thư, viết bằng mạng điện tử, hình ảnh xuyên qua màn hình vi tính, từ một nửa địa cầu gởi từng lời nhắn nhủ về cha mẹ già, vợ dại con thơ. Cho dù tất cà các phương tiện tối tân nầy, vẫn không thể thu ngắn được khoảng cách không gian, thời gian, để được ôm con trẻ vào lòng, hôn lên đôi má nhăn nheo cuả mẹ, nhìn vào đôi mắt âu lo cuả vợ mà xoá tan đi những đám mây u ám đợi chờ.

“ Roy, sắp đến Mùa Giáng Sinh, các cửa hàng đang chưng bày rực rỡ, Mẹ lại nhớ những ngày con còn thơ và lá thư cho Saint Nicolas… Hôm nay Jack đang gò gẫm từng câu để gởi lên Cực Bắc, Mẹ hứa sẽ gởi đi nếu hắn viết xong … Julie lên mặt chị cả, chê em viết chưa ngay hàng thẳng nét…”

“ Mẹ, có phải là cuộc đời luôn tái diễn, và lập lại không ?? Cái tuổi thơ ngây, bao nhiêu là huyền thoại, tấm bánh và ly sữa để cạnh lò sưởi lót đường cho bầy nai và thánh Nicolas viếng thăm, những gói quà giấy màu điểm tô cho tuổi thơ thêm rực rỡ. Ôi ! Nhớ tấm bánh làm bằng nho khô và lúa mạch quá chừng…”

Chỉ một câu nói thường cũng làm lòng mẹ bồn chồn, thương nhớ con đoài đoạn. Jan gọi bạn bè hỏi thăm, tìm cách gởi bánh cho Roy. Nghĩ đến con mình, và nghĩ luôn những bạn bè đồng đội cuả hắn . Tất tả đi chợ, mua đường bột các thức, về cắm cúi nhồi nướng, quay quần với bọn trẻ con trong nhà, chia ra từng hộp nhỏ, đóng thùng để gởi đi…

“ Mẹ, các bạn không biết nói gì hơn, chúng nó cắn từng hạt ngọt ngào, nghĩ đến công lao khó nhọc…”

Jan lại nghĩ đến những khuôn mặt hắt hiu nhớ, nghĩ đến niềm vui mong manh, tấm bánh nhỏ mang theo niềm vui trọng đại, Ngày Lễ Giáng Sinh không được xum họp cả gia đình, nhưng ít nhất cũng đủ ấm lòng. Miếng bánh chở chuyên gởi gấm bao nhiêu ngôn từ thầm lặng, cho dù đang an bình hạnh phúc ở quê nhà, cũng không quên người chiến sĩ bên kia dặm ngàn gió cát .

“ Mẹ ơi! Nhớ món spaghetty * quá, bao giờ về phép chắc phải ăn một bửa thỏa thê…”

Jan nghe mà xót xa, lại đi mua các thứ và gói ghém để gởi sang cho cả đội, không quên dặn dò cách thức nấu nướng, phân lượng rõ ràng. Nhìn bức ảnh gởi về, Roy khoe tài nấu nướng đãi cả bọn, món quà quí do chính tay mẹ gởi sang, đọc những lời cảm ơn chân tình từ bọn trẻ, Jan vui mừng rơi nước mắt.

– Jan, làm sao bà có thể gởi ngần ấy thứ sang cho Roy vậy ?

– Cước phí gởi đi đắt hơn là tiền mua vật liệu, lần trước gởi vật liệu làm Taco*, tôi tìm được một công ty hảo tâm, họ tặng bánh Tortillas *, gia vị, tổng cộng mười thùng, tôi gởi sang, Roy nấu đãi cả đội hai lần mới hết.

– Hay quá, làm sao Jan biết nguồn mà tìm vậy?

– Không khó đâu bà, đặt chúng ta vào tình huống, chúng ta sẽ làm được ngay mà, không phải phụ nữ là nội tướng đó sao?

– Nhưng tôi phục Jan thật đó, bà đúng là người Mẹ yêu con hết lòng

– Có người Mẹ nào lại không yêu con? Tôi không thể cản bước cuả Roy, hắn có bổn phận với quốc gia, tôi có bổn phận làm mẹ, mỗi người cố gắng trong cương vị cuả mình. Con tôi đang ngoài chiến trường, tôi sẽ chăm sóc tiểu gia đình cho hắn, như vậy thì hắn mới an tâm thi hành nhiệm vụ chứ.

– Ít người ý thức được điều nầy, tôi rất cảm phục Jan.

– Không ít đâu, chỉ vì chúng ta chưa gặp đúng lúc thôi, Bà biết không, hôm nọ, khi tôi đến bưu điện để gởi quà sang cho Roy và đồng đội, sau khi xếp hết các hộp, tổng cộng số tiền hơn bốn chục đồng lận đó, tôi đang móc ví lấy tiền ra trả, chợt phía sau có bàn tay đặt lên quày tờ giấy bạc hai chục đồng, tôi chưa hiểu thì bà ấy nói với cô nhân viên :

“ Tôi trả một phần số tiền cước phí cho bà, xem như món quà nhỏ tặng cho những anh hùng đang bảo vệ chúng ta”

Tôi quay lại cảm ơn, bà ta mĩm cười xua tay, từ chối không cho tôi biết danh tính để tôi bảo Roy viết thư cảm tạ.

Tôi nhìn thấy giọt lệ long lanh trong đôi mắt cuả Jan, niềm cảm động vì nghĩa cử cuả người phụ nữ như luồng sinh khí lan tràn.

Cuộc sống tất bật bon chen, thời đại vi tính điện tử, ở bờ đông hay bờ tây bên kia, cuộc chiến nào cũng luôn có những chiến sĩ âm thầm dũng cảm, và những tấm lòng cuả người Mẹ vẫn không bao giờ thay đổi, tình thương trong con người vẫn chưa mất đi .

 

 

Vũ Thị Thiên Thư.

 

 

• Quilt : chiếc mền nối từng manh vải, lót bong chính giữa

• Spaghetty : Món ăn cuả Ý, gồm có sợi mì và sốt cà chua, thịt, rau …tuỳ khẩu vị.

• Taco : món ăn cuả Mễ Tây Cơ, thịt nấu với sốt , gia vị, ăn với bánh bột bắp dòn hay bánh bột mỏng tortillas.

• Totillas : bánh làm bằng bột mì nhồi với mỡ cán dẹp dùng để gói thịt , thức ăn thường ngày cuả người Mễ Tây Cơ.