Ôi ! Niềm nhớ Quê Hương

Ôi ! Niềm nhớ Quê Hương

Tôi đang cúi xuống nhặt những lá khô từ muà Thu trước, trời trong xanh ngắt, hương mùa Xuân phảng phất, cỏ non lấm tấm xanh, nhớ những ngày nắng mới aó luạ bay, lang thang bước chân chim non nhảy nhót, đường về quê Ngoại miên man niềm hạnh phúc.

Roman cầm mấy chùm hoa lilac trĩu nụ tím, khuôn mặt tươi cười, ánh mắt diụ dàng. Tôi nhìn nét rạng rỡ cuả anh ta, thầm nghĩ hôm nay ngày chúa nhật, nhưng hắn ta chưa say, hẳn là một phép lạ.

–   Dolly, nhìn đây nè, có đẹp không??

–   Vâng , rất đẹp, sao anh hái sớm vậy? Không chờ cho hoa nở à?

–  Hái tặng cho Dolly đó.

–  Oh! Cảm ơn Roman, thế anh đã hái cho Allena chưa? Cô ấy đâu rồi?

–   Allena còn ngủ, mới về sáng nay.

–   Cô làm tối qua à ? Thế các con đâu rồi?

–   Vâng, chúng đi chơi với bạn rồi, nầy Dolly có muốn hoa thì cứ hái vào nhà cắm nha, hoa nở nhiều lắm đó.

–   Cảm ơn Roman

Tôi mang mấy chùm hoa vào nhà, lấy cái bình thuỷ tinh, đổ nưóc vào, những chùm hoa tím, nhìn như những hạt ngọc long lanh, mai ngày sẽ nở thành những cánh mượt mà .

Roman là người láng giềng, khi chúng tôi về xây tổ, anh ta và Allena cũng như chúng tôi, đang tha từng cọng cỏ rơm. Đứa con đầu hãy còn đỏ hỏn trên tay, nghe tiếng khóc đêm đoạn đòi lòng mẹ. Sang xuân, khi những giọt nắng ấm bám nhẹ nhàng xuống thảm cỏ nhung, bầy chim non bay ra khỏi tổ, khung trời cao bát ngát xanh, đất trải bao la, hoa dendelion nở vàng rực rỡ . Allena mang con ra sân sau, nhìn thằng bé tóc mưọt như tơ nụ cười như hoa nở, tôi suýt soa trầm trồ. Có còn gì hơn mối dây mẫu tử, như những truyền cảm có chung thiên chức Mẹ. câu chuyện với Allena đang quay quanh chứng bệnh trở dạ, khóc đêm cuả trẻ con, Roman bước vào, nghiêng người cuí chào tôi rất ư lịch sự, nâng bàn tay tôi nhỏ nhắn lên môi hôn, lăng xăng vào nhà mở tủ lấy ly rót rượu nho mời . Chuyện trò chưa được dăm câu, tiếng Anh cuả tôi khả dĩ, với Allena  thì hoàn toàn lưu loát, vì cô sinh ra nơi đây, nhưng ngôn ngữ cuả Roman, mở miệng ra, câu  nói  nào cũng bắt đầu bằng tiếng chửi thề dòn tan , hai tai tôi nóng bừng, vốn tiếng Anh tôi học qua, cộng thêm với tháng ngày làm việc, mớ từ ngữ không tra được trong tự điển , thứ tiếng Anh học từ những cơ sở lao động , nặng nề hơn những chiếc loa phóng thanh , màng tai tôi như đang bị tra tấn, không còn đủ máu luân chuyển, khuôn mặt đỏ ngượng ngùng, Allena biết tôi không quen nghe chửi thề, cô xin lỗi rối rít, và giải thích thêm, Roman sinh ở Ba Lan, cách Warsaw chừng vài tiếng lái xe thôi, anh sang đây diện di dân lao động, làm việc, nhờ kết hôn với cô nên nhập tịch.

Vượt qua những tiếng chửi thề mở đầu và chấm câu cuả Roman, tôi nhìn thấy sự chân thật, đơn giản trong cuộc sống cuả anh. Mảnh vườn sau nhà anh trồng đủ các thứ hoa màu. Khi nhìn thấy tôi đang cuốc đất, dọn một khoảnh sân cỏ để trồng hoa, anh mang cuốc sang  hỏi bằng thứ tiếng Anh đơn giản:

–   Chồng   Dolly đâu rồi? đây là chuyện cuả đàn ông.

Tôi cố gắng giản dị hoá ngôn ngữ, nói với anh là nhà tôi đi làm , tôi nghỉ hôm nay, nên cuốc đất trồng hoa. Nói thế, anh vẫn giằng lấy cuốc, bảo tôi tránh ra, anh chỉ nhanh tay cuốc một loáng là cả luống đât đã bung lên, thành hàng, ngay ngắn. Manh vươn hoa con con cuả tôi vốn dĩ đầy đất sét, tôi phải khệ nệ mang từng bao đất về xới, trộn cho có chút màu mỡ, nuôi những luống hoa tươi thắm màu sắc cho mùa hè, rực rỡ vào mùa thu. Roman làm cả xóm phải khổ sở vì anh. Sân cỏ nhà anh bao giờ cũng xanh mượt, hết tưới nước thì lại cắt cho bằng, Những luống hoa kèn nhiều màu, hống thắm, tím ngát, ai đi ngang qua cũng trầm trồ…Suốt mùa hè, ngày nào Roman về tới nhà, không cắt cỏ thì trồng hoa vun quén khu vườn rau sau nhà…Khu vườn nhỏ nhoi nhưng trồng đầy các thức rau, gia vị, cà chua, cải xanh, ớt ngọt , bắp …

  • Cheer

 

Nâng  ly rượu Vodka lên , Roman cheer với Tân, dăm lần như vậy là cả hai ngồi lờ đờ, ngất ngưỡng, miết rồi  Tân phải chờ cho Roman vắng nhà mới dám ra ngoài cắt cỏ, vì thấy bóng Tân là anh chàng lại tay xách chai Smirnoff ra , hai cái ly đầy nước đá  cục, hắn uống như đổ nước xuống cống. Ngày nào không có rượu vào, là chuyện lạ với hắn … Nhưng hắn lại rất ngoan đạo, sáng chuá nhật nào, cũng quần áo chỉnh tề, đi nhà thờ xem lễ. Vừa về nhà, thay bộ quần áo hàng ngày, trên tay đã có cái ly đá pha Vodka trong vắt. Muà Lễ Chuá Giáng Trần hay Phục Sinh, anh ta  luôn biếu chúng tôi món xúc xích đặc biết cuả dân Ba Lan, anh tự đi giết thịt, làm lấy, hong khô. Đổi lại chúng tôi phải ròng rã cuốn chả giò, chiên cơm mang sang biếu trả lễ.

Tiếng máy cày rì rào, thù lù trông như con quái vật đang há cái mồm to, hàm phô lởm chởm, sừng sửng tiến vào, ngấu nghiến nhai nát  tấm thảm cây xanh , hàng Dã quì  vừa lấm tấm màu lá non, hoa daị vàng mơ rực rỡ, chưa kịp tắm nắng mai đã tàn theo dấu chân hung bạo, sinh ra từ lòng đất , nghiêng ngã trở về …Dolly sửng sờ nhìn những luống đất, hình ảnh Roman và Joey, những giọt mồ hôi thấm vào lòng đất hẳn chưa tan. Mảnh vườn con con mà hai bố con hì hục cuốc từng luống, lên từng liếp, thả những hạt giống , vừa bén mầm xanh mơ. Chiếc maý cày lù đù tiến vào,  cuốn theo chân, dưới làn mắc xích, rễ bật tung, thân nhầu nát, Dolly nhắm mắt lại, nhớ rõ ràng hình ảnh chiếc xe tăng, nhìn như con quái vật, cán nát giấc mộng đầu đời. Cuộc chiến bao nhiêu năm qua, chỉ là cơn mộng dữ, theo đưổi đến bao giờ ? Luồng hơi lạnh chạy dài theo sống lưng , tựa vào gốc cây, nhìn thẳng, ánh mắt như dán vào con vật vô tri giác, đang tham lam ngốn ngấu, đang gieo rắc kinh hoàng.Tưỏng chừng không còn nhớ lại được, thời gian qua, từ lâu lắm rồi, nhưng  nỗi ám ảnh không rời đi .

Roman hùng hổ bước ra từ trong khung cửa, chưa kịp thấy bóng người đã nghe một tràng chửi thề,  giòn giã như tiếng tiểu liên  đang khạc đạn . Dolly nhíu mày , không khí bùng lên muì chiến tranh, như cơn hoả hoạn đang được chế thêm dầu,  quạt thêm gió. Lao theo dấu chiếc máy cày, ném tung toé các cọc nhọn làm hàng rào chắn  họ hàng nhà thỏ, Roman như điên cuồng nhìn mảnh vườn tan hoang, chiếc máy cày ngạo nghễ , anh ta buông ra từng tràng, đầy những tiếng chửi ruả muôn màu vạn sắc, thứ ngôn ngữ một đời cần cù tụng tự điển cuả  Dolly cũng không thể hình dung. Hàng ngày, theo mỗi chấm câu, mở đầu của anh đã đầy tiếng chửi thề, trong cơn giận dữ, không còn từ ngữ dơ dạng tượng hình nào mà anh học được từ trong công xưởng , laị không mang ra thực hành .

  • Allena, ngăn Roman lại, anh nóng quá, đánh người  là mang hoạ vào thân
  • Roman nổi cơn điên vì mụ chủ đất cày nát vườn rau  đốn hàng lilac.
  • Mụ cày  xới , lấy đất làm gì vậy ??
  • Mụ có cần làm gì đâu , đất trống mà , chỉ vì mình trồng trọt , mụ không thích nên phá bỏ đó
  • Tưởng là mụ nên mang ơn mình mới đúng chứ, đã dọn dẹp và trồng trọt cho vui mắt , làm sạch sẽ các thứ cỏ dại cho Mụ rồi .
  • Thế thì còn nói gì nữa , đáng kiếp mụ, hồi lão gia qua đời  “God rest his soul” mấy anh chị em tranh nhau miếng đất, cãi cọ  lung tung , mụ ỷ có bồ là luật sư nên xử ép hai người kia, mụ nghĩ là miếng đất nhiều giá trị, có thể chia ra thành lô bán nhiều tiền hơn nên mới giành lấy, giao cá phần gia tài khác lại cho mấy người anh em, không ngờ là đất trũng, không thể xây cất được, cuối cùng thì nằm đó thôi. Đã vậy, vẫn phải chăm sóc, chi phí cho việc cắt cỏ, khai khẩn cho sạch sẽ, và nhất là phải nộp thuế đất đai hàng năm.
  • Thật ra thì muốn xây cất trên khu đất đó, bà ấy phải mướn hoạ sư vẽ và thiết kế cẩn thận, không thì tiền mất tật mang.
  • Mướn thì phải tốn nhiều tiền lắm, chưa kể, Dolly nhớ hồi mấy căn nhà bên kia khi xây không ? Tốn bao nhiêu là móng mới xây được, dù sao, đất chỗ ấy còn cao hơn, nếu mảnh nầy muốn xây nhà, còn cần nhiều hơn nữa đó
  • Vâng, phần đất nầy chỉ có thể để cây xanh thôi, chứ nếu xẻ ra, ít nhất phải có người thật giỏi, tính toán cho thật chính xác chi li, không thì xây hỏng, chưa kể sẽ dễ bị ngập nước. Mà nầy Allena, lâu nay không thấy  gã luật sư gởi giấy tờ gì hết ?
  • Sau lần mụ đòi đốn hàng lilac,  bị Roman điên tiết rượt chạy, hắn gởi thư hăm doạ, sẽ nộp đơn kiện ra toà, Roman mắng cho một trận tơi tả, không thấy gã trở lại. Chắc lại bỏ nhau rồi, cái bọn hút máu đó, giống như đỉa ấy mà, khi  hút đầy máu cũng đã chán chường rồi,  bám theo làm gì nữa ?
  • Chuyện cũng lạ đó, chứ đỉa mà laị tha máu hay sao ??
  • Biết đâu đã tìm được mồi ngon hơn ? Bọn già nhân ngãi non vợ chồng, không thích nhau thì xách gói ra đi .

 

  • Cheer,
  • Cheer

Vốn Anh Ngữ cuả Roman ngoài những câu chửi thề giòn tan, thật ít ỏi, nhưng cũng đủ giải thích với chúng tôi, tấm lòng thương nhớ quê nhà. Tiếng mất tiếng còn, từng manh chắp vá,  từ những cánh đồng bát ngát cuả quê nhà, Roman đã lớn lên,  Ba Lan vào những ngày Xã Hội chủ nghĩa, cũng giống như các nước nghèo nàn của Âu Châu, hắn tha phương cầu thực, lao động vinh thân. Roman sang đây, theo gót một người anh họ, lao động cực lực, công việc không đòi hỏi chuyên môn, vốn liếng từ ngữ.  Học thêm nghề nghiệp khi lao đầu vào công việc, dùng sức khỏe, mồ hôi đổi miếng ăn và cuộc sống hàng ngày.  Cái hào quang rực rỡ cuả thiên đường cộng sản không  giữ ấm được mùa đông băng giá, không làm đầy cái bao tử lép xẹp vì thiếu ăn.  Trong lúc thực phẩm thừa mưá đổ đi, trên điạ ngục tư bản bóc lột nơi nầy. Những muà Giáng Sinh, tấm thiệp ghi các món quà dài như lá sớ Táo quân , dù đông hay tây , dù màu da trắng hay vàng, trong tận cùng các ngăn tim máu đỏ, vẫn là hình bóng quê nhà , là người Mẹ già hắt hiu trông ngóng đứa con xa.

Mùa hè năm trước đây, Roman sang tâm sự với Tân, anh nhớ quê nhà da diết, muốn về thăm Mẹ, lại ngại chuyện phải qua bao nhiêu cửa khẩu khó khăn. Sau lần khủng bố, vào ra các phi trường như qua bao nhiêu vòng thành kiên cố. Thủ tục thật lôi thôi, hỏi han bất nhất .Vốn tiếng Anh quờ quạng, anh rất ngại ngần, nếu mang cả nhà, Allena và các con cùng về thì tốn quá nhiều tiền …chi phí nầy anh không thể kham nổi, cuối cùng thì Tân khuyên anh nên đi một mình, vì nghĩ đến Mẹ già mong thấy lại đứa con đi xa. Tân tình nguyện đưa anh ra phi trường, sẽ lo dùm anh các thủ tục xuất cũng như nhập cảnh, anh cám ơn rối rít, sau dăm ba lần “ Cheer “ anh ngất ngưỡng chân đàng nam lôi chân đàng bắc, lê thê bước về nhà .

Ngày hành trang lên đường, Roman lễ mễ, lăng xăng xếp các thức quà cáp, nhìn đống hành lý, nghĩ đến những chuyến về thăm quê nhà cuả chúng tôi, cho dù Âu hay Á, cũng giống như nhau, cũng gói ghém bao nhiêu thứ để mang về. Anh cảm ơn rối rít khi Tân đưa anh vào phi trường, giúp anh lo xong các thủ tục. Chia tay anh, Allena và hai đứa bé theo chúng tôi ra về, cô liên miên kể cho chúng tôi nghe về tình hình sinh sống bên ấy, lần cô sang thăm, lúc chưa sinh các con, những khó khăn vật chất cuả các nước xã hôi chủ nghiã, cũng khuôn phép, luật lệ lề mề như nhau. Cô sinh và lớn lên bên xứ tự do, cho nên những thiếu thốn chỉ là hình dung trong báo chí. Ngược lại, Roman sống trong khu nông trại, cả gia đình  bám vào năm mươi mẫu đất trồng trọt. Anh khoe với Tân những luống hoa màu, ngũ cốc, khi ngọn bắp trổ cờ, luống rau xanh ngắt, trong đôi mắt anh ,niềm kiêu hãnh long lanh rạng ngời, ánh mắt chan chứa nỗi khát khao, niềm vui thoát ra theo từng câu nói vụng về, nhưng tình thương đất Mẹ bao la, không phân biệt màu da chủng tộc.

Hàng  cây lilac, hình ảnh cuả Mẹ anh, qua từng mẩu chuyện, dù vụng về, tiếng mất tiếng còn, nhưng chúng tôi hiểu cơn giận dữ cuả anh, Khi nhìn thấy con quái vật đang chực chờ ngấu nghiến. Hình ảnh căn nhà ở vùng quê, Bố anh  đổ bao nhiêu mồ hôi ra xây cất, những luống hoa đủ màu sắc, mỗi năm, ngày Mother’s Day, anh  và các anh chị em trồng cho Mẹ.  Hàng lilac sau nhà, nụ đầy cành, tím long lanh, hương ngát từng muà Xuân, anh vẫn trân trọng cắt mỗi  ngày, khi nghe tiếng gõ vào cửa kính , nhìn thấy anh ngoài sân nắng, chùm hoa trên tay, anh lại mang sang  tặng tôi,  làm sao anh không nổi cơn , điên tiết  khi thấy chúng sắp sửa tận diệt?

Nắng đầu ngày, nắng thật trong, những nụ hoa tím ngát trên tay tôi hương thơm nhẹ nhàng, hương thơm gói trọn niềm nhớ quê hương .

Vũ Thị Thiên Thư

 

Lilac :
Hoa Tử đinh hương
Dendelion : Hoa màu vàng lá dài răng cưa nhọn như hàm sư
tử
Vodka : Rượu cuả Liên Sô , trắng như rượu nếp cuả Việt Nam
Smirnoff :Tên riêng cuả mốt loại rượu Vodka
“ God rest his soul “ : Cầu cho linh hồn ông ta an nghĩ

Mother Day : Ngày Lễ Mẹ

Xin Mời theo link :

Truyện : Vũ Thị Thiên Thư Diễn đọc Hồng Vân VOA

 

https://www.voatiengviet.com/a/2041060.html

 

 

 

Leave a Reply