Chút tình tri ngộ

Chút tình tri ngộ

Cuộn một lá cải xanh, môt lát chuối chát, khế, gừng non, rau húng cây, lá quế, ngò om gắp một con mắm cá trèn , một miếng thịt ba chỉ luộc thái mỏng, chấm nhẹ vào diã giấm ớt anh chậm rãi nhai như chiêm nghiệm từng thứ hương vị hoà quyện lại, chiêu một ngụm rượu đưa cay, quay sang Quân khuôn mặt mãn nguyện anh bảo:

– Chú phải ăn từ từ với đủ thứ hương vị như vậy, thứ mắm cá trèn nầy cuả người nhà làm tận Bạc Liêu, độ muối cùng chao đường vừa vặn, không ngọt lừ dẻo quánh hay mặn chát như thứ mắm bán đầy ngoài chợ đó đâu.

– Nhìn thấy đã biết là ngon, đúng là thức chọn lọc,con mắm nhò vừa ăn lắm, ước gì có chút rượu nếp nguyên chất để nhấp một ngụm vào thì mới đã điếu hén.

– Ừ, chú mấy nói như người nghiện thuốc phiện vậy, anh cũng đồng ý thứ nầy mà uống Cognac thì hỏng bét,tệ tệ thì Vodka Tribble Distilles cũng tạm được. Nói không phải chứ caí chuyện ăn nhậu cũng là một nghệ thuật chứ bộ dỡn sao.

– Có nghề chơi nào mà không lắm công phu đâu anh Hai.

– Chuyến về quê ăn Tết năm ngoái, anh đã về tận kinh cùng Cà Mau, anh sống gần suốt cuộc đời rồi, dù có đi xa bao lâu nữa, vẫn thấy tình cảm quê nhà đậm đà không sao quên được, để anh kể lại cả câu chuyện cho chú mầy nghe hén.

1

Cuối con đường quốc lộ lớn là khu chợ quê hiu hắt. Chiếc xe du lịch nhỏ ngừng lại trước cửa gian hàng bán nước nhỏ, người tài xế trẻ bước vào hỏi thăm, anh ta đứng tần ngần suy nghĩ rồi trở lại chiếc xe thò vào nói với người ngồi bên trong.

– Cậu Hai, ở đây chỉ có một khách sạn nhỏ bên kia thôi, đi xa hơn nữa thì không biết mình sẽ nghỉ đêm ở nơi nào.

– Thì mình cứ đi tới, chắc chắn phài có đường đến đất mũi ở cuối bãi chứ.

– Cháu chỉ sợ trời tối xuống không tìm ra nhà trọ để cậu mợ ngủ qua đêm .

– Hãy còn chưa xế bóng mà lo lắng gì. Cứ đi rồi mình sẽ tính tiếp .

 

Bến phà nhỏ nằm cuối con đường nhựa lưa thưa khách dừng xe gắn máy chờ qua sông, chiếc xe du lịch dừng lại, người đàn ông trung niên xuống xe, ông ta bước vào căn chòi lá che tạm, treo lủng lẳng mấy chùm bánh lá, nước ngọt…

– Cô quán cho tôi hỏi thăm, phía bên kia bến phà nầy có con đường nào dẫn về vùng đất mũi cuả Kinh Cùng không vậy ?

Người phụ nữ ngồi phía sau gian hàng thoáng nhìn không đoán được tuổi đời, một nửa khuôn mặt che sau vành nón lá tơi tả , bà ngước nhìn lên chậm rãi

– Qua bên sông rồi chỉ có một con đường trước mặt thôi, ông đi đến cuối cùng sẽ thấy khu đất mũi .

– Ở đó có nhà trọ hay hàng quán cơm cháo gì không vậy cô ?

– Ối ! Khu vui chơi du lịch mà, có khách sạn, nhà hàng, không thiếu thứ gì đâu ông.

– Vậy sao, hồi nảy trên chợ họ bảo đường cùng rồi không có chợ buá gì ráo.

– Họ nói gạt ông rồi, sao lại không, nhà hàng khách sạn, không thiếu thứ gì hết, chắc họ ế quá nên tính nói để ông ngủ lại đó. Ông cứ đi qua phà, cũng gần tới rồi, còn sớm chán

– Cám ơn cô quán, vậy cô quán bán cho tôi bao thuốc lá hén.

2

 

– Rồi anh có tìm được khách sạn như bà quán chỉ dẫn không vậy ?

– Được chứ sao không, khi qua khỏi con sông đó, đi không bao lâu là đã tới đất mũi rồi, không những có khách sạn mà còn có cả trung tâm du lịch có rất nhiều khách đang viếng thăm. Chú có nhớ anh em mình mấy năm trước đi xuống Key West, chú đã chở anh đến chụp hình ở cây số cuối cùng nằm sát bờ biển Nam nước Hoa Kỳ, lần nầy anh nhất định sẽ đi tìm cây trụ cuối cuả đất nước Việt Nam mình.

– Vậy chứ Anh có tìm được không ?

– Nhất định phải được chứ. Nhưng bây giờ Đất mũi đã biến thành trung tâm du lịch rồi, không còn như những ngày tháng cây mắm cây đuớc cành lá um tùm, anh vừa chống dầm vừa xua muỗi, chân không dám thò xuống bùn sợ làm vật hiến máu cho điã mẹ đĩa con . Buồn vui lẫn lộn, nhớ lại thời anh lặn lội khắp vùng Năm căn, Giáp nước, rồi lại thêm lúc còn lang thang tìm lối thoát, vậy mà bây giờ đã không còn tìm được chút hình ảnh dính vấp với ngày xưa, khu rừng đước biến thành một thắng cảnh cho du khách vào xem, có lối mòn, cầu treo… Còn đất mũi thì đã xây cất khán đài, trồng trụ xi măng phân định ranh giới cuả ba quốc gia, cái nầy anh thật không hiểu là tại sao lại có ranh giới cả ba quốc gia, anh nhớ bài học Lịch Sử từ ngày còn cắp sách “Đất nước chúng ta hình cong chữ S, đã từ lâu biên cương phân định từ Ải Nam quan cho đến mũi Cà mau “ . Bờ biển từ Móng cái Hải phòng dẫn tới chóp mũi Cà mau dài ba ngàn cây số, hổng lẻ anh già rồi đã không còn nhớ bài học thuộc lòng tự thuở bé hay sao ?

– Anh chưa già đến lú lẫn đâu. Chuyện Lịch Sử từ ngàn xưa cho đến bây giờ, ông cha mình đã đổ bao nhiêu là máu để bào toàn và truyền lại, con cháu phải luôn gìn giữ mới đúng đạo lý chứ sao lại nhu nhược đem dâng cho người.

– Thì đã biết vậy nhưng phải nói ra cho đỡ ấm ức vậy mà. Cho dù trong cái khó bó cái khôn, bần cùng sinh đạo tặc, lắm kẻ gian ngoan, nhưng dù sao bên cạnh những con người biến đổi vì thời cuộc đó, vẫn còn có những tấm chân tình, mộc mạc cuả người nhà quê mình. Ở cái tuổi gần đất xa trời như anh, còn được diễm phúc đi viếng điểm cuối cùng cuả đất nước, bản thân anh lưu lạc xứ người đã bao nhiêu năm nay, nhưng vẫn không làm sao quên được con cá linh muà nước giựt, đọt lá lụa ngày đầu mùa mưa, hương mắm đồng bay theo khói cơm chiều trong góc bếp. Chú cũng sinh sống, thật ra thì phải nói là lớn khôn ở xứ người lâu hơn thời gian ở quê nhà, vậy mà chú vẫn nhớ con mắm đồng, ly rượu đế thì huống gì anh.

– Đúng là thời gian em lớn lên ở quê nhà ngắn hơn thời gian sinh sống bên ngoài, nhưng chắc chắn vẫn còn thèm tô canh chua cá lóc, con cá rô kho tộ, cá trê vàng chiên dầm chén nước mắm ớt hiểm mới hái bên hè.

– Ừ! Chú nhắc tô canh chua, để anh kể tiếp chuyến đi đất mũi đó. Tới nơi thì trời đã xế chiều rồi, nên anh bảo tài xế tìm khách sạn nghĩ qua đêm, mai sẽ đi thăm các nơi sau. Cơm chiều nay thì ghé tạm một quán ăn nào đơn sơ thôi, kêu một tô canh nóng, dĩa cá kho mặn định bụng là ăn cho qua bữa thôi. Bà chủ quán nhìn Anh biết là khách xa đến, kêu mấy món thức ăn, bà bảo là chợ chiều đã tàn tự bao giờ, quán có thứ gì thì bán thứ ấy thôi. Nhưng nấu nướng thiệt là ngon miệng, tô canh chua, cá kèo kho, rau luộc, cơm nóng. Anh ăn đến mấy chén cơm no căng cả bụng. Sau khi trả tiền, anh hẹn với bà quán ngày mai sẽ trở lại ăn cơm chiều. vì trong ngày Anh còn đi lang thang thăm viếng thắng cảnh các nơi…

– Có phải tại Anh đã đi cả ngày nên đói bụng, ăn cơm mới thấy ngon lành như vậy không ?

– Chú biết tánh cuả anh, trừ chị cuả chú ra, ít người đầu bếp nào nấu ăn mà anh thấy vừa miệng lắm, quán nầy nấu thật đúng với khẩu vị, ăn ngon thật tình chứ không phải vì đói bụng đâu, anh hẹn với bà quán mai sẽ trở lại là thật lòng muốn ăn thử lần nữa xem có ngon như vậy không. Chiều hôm sau, thấy anh vừa bước vào là bà quán đã nói ngay “ Ông không cần thực đơn, hôm nay tui đã để dành con cá thật đặc biệt cho ông rồi, chính tui tự đi chợ sáng nay tìm cho được nó, cái đầu cá tui nấu canh chua, còn mình cá sẽ kho mặn cho ông thưởng thức.” Anh ngạc nhiên nên mới hỏi lại : “Mà bà có chắc là tôi trở lại không ? Sao bà dám mua con cá to vậy ? “ Bà ta trả lời “ Ông hứa sẽ trở lại, tui đã nghĩ bụng, mua con cá nầy cho ông ăn, nếu ông không trở lại thì thà tui bỏ nó đi chứ nhất định sẽ không bán cho khách hàng nào hết”

3

Anh ngưng kể chuyện, thò đuả gắp một con mắm cá trèn, một miếng thịt ba rọi, lá tiá tô, húng cây, húng quế, ngò om, chuốc chát, khế…cuộn tất cả các thứ lại cho vào chấm nước giấm ớt, đưa vào miệng chậm rãi nhai, chiêu thêm một ngụm Vodka, khuôn mặt bình thản thường nhật chợt thoáng đăm chiêu, nhìn vào khoảng không gian trước mặt

– Nói thật với chú, cho dù mai nầy có trở lại Đất mũi, anh cũng không biết là mình có tìm lại được cái quán nhỏ bên đường đó không. Ngay cả người chủ quán hay đầu bếp đó anh cũng không hình dung được khuôn mặt bà ta ra sao nữa. Chú có thấy người nhà quê mộc mạc chân tình không? Chỉ có một lời hứa suông thôi, vậy mà bà ta dám để dành con cá ngon nhất lại chờ, nếu như chiều đó mà anh không trở lại, có phải là bà đã lỗ vốn rồi không ?

– Vậy chứ Anh còn nhớ bài hát vọng cổ “ Tình anh bán chiếu “ đã đã thu thanh vào dĩa nhựa và đưa danh tiếng cuả nghệ sĩ Út Trà Ôn vang lừng thuở xưa không ?

– Chú lại hỏi đố anh, sao lại không nhớ chứ, Câu chuyện si tình cuả anh bán chiếu, chỉ một lời hứa suông cuả cô gái bên bến chợ, anh chàng sang mùa chiếu dong ghe trở lại tìm người, bến vắng, người đã mắt tăm, anh vác đôi chiếu bông lang thang …

– Thú thật, câu chuyện cuả anh sao mà giống như hai câu kết cuả bài hát

“ Chiếu nầy tôi chẳng bán đâu

Tìm cô không đặng tôi gối đầu mỗi đêm “

– Ừ! Tấm thủy chung nầy, cũng ví như tấm lòng cuả bà quán, chỉ vì lời hứa suông cuả anh. Nhưng ngưòi ta thật tình, còn mình chỉ môi miếng đãi bôi thì quả là phụ lòng người ta lắm. bởi vậy, ăn ở phải có trước có sau ‘ nhân nghĩa tợ thiên kim, bạc tiền như phấn thổ”. Uống đi chú, cuộc đời đãi ngộ mình vào những lúc bất ngờ nhất phải không ?

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Leave a Reply