Kiều Nương

 

 

Kiều Nương

 

– Em biết anh không nhớ em là ai đâu, em giữ xe ở trước nhà Bác Năm đó

– Thật tình anh không nhớ, nhưng em sang được bên nầy từ bao giờ ?

Cô nhỏ khởi đầu câu chuyện, như dòng nước lũ, tràn lan, không dứt. Trong trí nhớ chỉ mù mờ, hỗn mang hình ảnh, không biết hắn là cô bé nào, trước nhà ngồi bao nhiêu người, nón lá che nửa khuôn mặt, tiếng nói liú ríu, câu chào hỏi hững hờ. Căn nhà như pháo đài, vào ra hai lần cửa sắt, khoá chìa lẫn khoá số, ngột ngạt với khí trời oi bức, khói xe và bụi đường luôn dầy đặc. Thành phố ngày mới lớn thay đổi bộ mặt hoàn toàn. Trở về như Từ Thức, lang thang các nẻo đường khi xưa cùng bạn bè đàn đúm, những tên còn lại, đếm không đầy ngón tay, nhìn nhau ngại ngần, cái khoảng cách thời gian và mặc cảm cuả người ở lại, như đại dương chia lòng người, biết bao giờ mới bắt được nhịp cầu cảm thông ?

– Chuyện dài lắm anh a, em qua Mỹ hơn một năm rồi, hồi đó chị Mỵ có cho em số phôn mà em để mất nên chẳng biết đâu mà tìm.

– Chị Mỵ đi làm đến tối mới về, cuối tuần em gọi lại được không?

– Dạ, để em goị chị Mỵ, gọi đúng số cuả anh chị rồi, em mừng lắm, nhưng cuối tuần em đi làm anh à, mà thôi, không sao đâu, em gọi cũng được mà.

Cô nhỏ huyên thuyên kể chuyện, liên tục như dòng suối, không đầu đuôi…gác máy xuống Quân hoàn toàn không hiểu câu chuyện ra sao, nguyên nhân bắt đầu vả diễn tiến thế nào. Cố moi móc trong trí nhớ, chắp nối lại, cũng không thể hình dung, bức tranh chỉ toàn những màu sắc vô nghĩa. Trong cuộc sống thường nhật, vội vã chạy theo kim đồng hồ, máy móc, sinh hoạt hàng ngày, đôi lúc không còn thời gian để ăn và ngủ, huống gì chuyện bàng quang thiên hạ. Nhưng có điều gì làm cho Quân băn khoăn, thường ngày đọc báo chí, trên mạng, những mẩu chuyện cuả người phụ nữ cùng với giấc mơ vượt khỏi thiên đàng xã hội chủ nghĩa, đã có biết bao nhiêu trường hợp sa chân vào cảnh ngộ đoạn trường…??

Nghe câu chuyện Quân kể lại, Mỵ không đủ chi tiết để có thể tìm ra cô nhỏ. Như bao nhiêu chuyện cơm áo, bầu cử, giá xăng dầu cao vùn vụt, thực phẩm tăng theo mức độ phi thuyền, mà giá lương thì nằm ì không di chuyển, từng ngày qua, tưởng đã chìm lắng, Cô nhỏ gọi điện thoại bất ngờ.

– A lô ! Chị Mỵ? Em là Thùy, chị còn nhớ em không? Em ngồi giữ xe ở Bưu điện bên cạnh nhà, mỗi lần chị về là gặp em đó

– Ô! Chị nhớ rồi, em sang đây bao lâu ? Sao không gọi chị ? Hôm trước chị về thăm nhà, nghe Mẹ chị hỏi có gặp em không? Lạ quá chị không hề nhận được tin tức gì cuả em hết, tại sao vậy ?

– Em qua năm rưởi rồi chị à , em làm mất số phôn nên không biết chị ở đâu mà gọi hết? Chị về thăm Bác Năm hồi nào vậy?

– Chị mới về hôm Tết

– Trời ơi! nhắc tới Tết, em nhớ nhà quá chừng, khóc muốn chết.

– Tội nghiệp, bây giờ em đang ở đâu?

– Em không biết, cái thành phố nầy tên gì, chữ dài thòng khó nhớ quá .

– Em có điện thoại riêng không ? Em đang gọi chị từ nơi nào?

– Em có điện thoại di động mà, gọi dễ lắm chị.

Chắp lại các mẩu chuyện, không đầu không đuôi, cố gắng hình dung, bây giờ thì Mỵ hiểu tại sao Quân đầu hàng. Cô nhỏ nói chuyện huyên thuyên, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, đang kể chuyện mình, lại chuyển sang người khác… Từ sau chuyến về thăm Mẹ, thấy hắn đang ngồi giữ xe cho bưu điện cạnh nhà, hắn tíu tít khoe sẽ lấy chồng Việt Kiều, Mỵ ngần ngại, không biết câu chuyện thật hư, Mẹ kể lại rằng hắn hỏi thăm mấy chị bên Mỹ ở tiểu bang nào, biết Mỵ đang định cư ở Indiana, hắn mừng quá, chắc là cùng nơi hắn sắp đến.

Tết vưà qua lại về thăm Mẹ, không thấy hắn ngồi cạnh nhà giữ xe nữa, tưởng là hắn thôi việc. Cũng như bao nhiêu cơ sở kinh doanh nhỏ, bưu điện ế ẩm, bây giờ người ta dùng máy vi tính tại gia, các dịch vụ không còn thu được lợi nhuận, kèm theo chi phí thuê cơ sở lên cao, nên các nhà bưu điện dần dần đóng cửa, kinh tế bạo phát bạo tàn, người ta xoay qua tìm nguồn lợi khác để kiếm ăn.

– Chị biết tại sao em tìm ra chị không? Thiệt là hên chớ em biết chị ở đâu mà kiếm, mất cái số phôn từ nẳm rồi, Chị Giáo cho em số điện thoại, chuyện lạ hén, hồi em còn ở bên nhà, chị ấy đi bác sĩ, mắc mưa, em mời chị vô ngồi chờ mưa tạnh rồi hẳng đi, em hổng biết chỉ là Việt Kiều, ai dè khi em qua đây, em đi làm neo [nail] cho tiệm cuả bà Mỹ, gặp chị Giáo làm trong đó, em nhớ chỉ mà chỉ không nhớ em, mà em quên là hồi đó em ngồi ngoài nắng suốt ngày, da đen như Miên, bây giờ em ở trong nhà, da trắng và đẹp ra, mà chắc chắn chị cũng không nhận ra em đâu, em nói thiệt đó, em đẹp hơn hồi xưa nhiều lắm .

– Vậy chị cũng mừng cho em

– Ủa em kể tới đâu rồi ? Ừ ! Chị Giáo là bạn cuả bà Mỹ, nên em giấu chỉ, nói là em làm hôn thú giả để qua đây, nhưng mà qua bên nầy rồi em lấy chồng thiệt. Chồng em lớn hơn em nhiều lắm, nhưng ảnh thương em mà. Chỉ vì bà Mỹ ghen quá chừng nên ảnh phải dẫn em đi trốn.

– Ủa , sao có chuyện đó vậy em? Chị không hiểu em muốn nói gì, sao lại phải đi trốn?

– Thì bà Mỹ đó chị, bả là bồ cuả chồng em, bả có chồng rồi, nhưng ai cũng cặp bồ hết, bà mở tiệm neo, để cho chồng em hợp tác làm quản lý, rồi bả ghen tương tùm lum

– Lạ vậy em , không phải là vợ chồng thì ghen làm sao?

– Bả là chủ mà chị.Thợ neo nào đi làm cho bà không được đùa giỡn với anh ấy, bà mà thấy thì bà tức, cắt giờ làm, hay là cho nghỉ việc …Lúc đầu chị Giáo cũng làm cho bà, nhưng sau đó thì chỉ nghỉ, đi làm chổ khác dễ thở hơn, em còn chịu trận làm hoài, vì không biết đi đâu, chừng em lấy chồng thì bà biết được nên làm dữ với ảnh, bắt ảnh bỏ em, nên ảnh sợ quá, phải gởi em qua nhà bà cô ở xa lằm, ở tiểu bang gì khó kêu quá “ Sao Ca Rô Lai Na , Lái Nà [ South Carolina ] Mèn tiếng Mỹ khó nuốt quá.

– Em có chồng thì chuyện gì phải đi trốn ?

– Em làm giấy gỉả mà chị, đâu có tính ở thiệt đâu, bây giờ lỡ lấy thì phải chịu thôi

– Nhưng em có giấy tờ hợp lệ không?

– Chồng em ảnh lo hết mọi chuyện mà, em không biết gì hết, chữ Tây chữ Mỹ em học không vô, ảnh dạy em hoài, để em nói chuyện với khách mà em cứ quên trước quên sau, nói ngược nói ngạo, nhưng mà khách hàng cũng thương, tại em chịu khó và làm kỹ càng lắm, mình chiều khách nên họ không cần em nói chuyện giỏi, làm khéo là họ ưng rồi.

– Vậy em làm có khá không?

– Em làm có ba ngày thôi chị à, cuồi tuần và thứ tư, tại mấy ngày đó bả nghỉ làm, mấy con nhỏ mới không biết em là ai, hồi trước em là Ti Na, bây giờ em là Li sa, bả tưởng là chồng em mướn thợ mới.

– Sao lại khó khăn vậy em? Không đi chổ khác làm cho tiện việc ?

– Em không biết đường xá, chồng em chở đi đâu thì đi đó thôi, cuối tuần ảnh chở em đi chơi, đi chợ, đi ăn nhà hàng, em đi ngang nhà má chồng em mà không dám vô. Em mà nói ra chị chắc biết bà má chồng cuả em đó

– Nhà chồng cuả em ở đâu?

– Ba má cuả ảnh có cửa tiệm mà chị, ở khu “ up thau “ [ up town ]tiệm lớn lắm có tên tuổi nên ảnh chưa dám đưa em về giới thiệu

– Nhưng làm sao em quen với anh ấy

– Chuyện vầy nè, bà Mỹ quen với chị cuả em, bà đi về Việt Nam thường xuyên mà, nghe bà giới thiệu nên chị em mới biểu em làm đám cưới giả để qua đây, Chồng em về làm hôn thú rồi lo giấy tờ bảo lảnh, hồi em gặp chị ở bên nhà là em sắp đi phỏng vấn. Nhiều người rớt đài lắm chị à, em hên quá, nó chẳng hỏi gì, nhìn ông Mỹ là sợ hết hồn viá rồi, chừng nó chứng giấy chấp thuận, em còn chưa tin mà. Em đi sau tháng mười năm hai ngàn lẻ saú .

– Tháng đó chị có về thăm nhà, sao không gặp em?

– Em nghỉ làm rồi, mấy tháng gần đi Mỹ, em đi học làm neo [ nail ] mà, hồi đó chồng em tưởng là em đi dạy học, tại bà Mỹ biểu chị cuả em nói dối, chứ em có học hành bao nhiêu đâu mà dạy dỗ ? Vậy mà chồng em cũng tin, ảnh về làm giấy tờ xin cưới xong rồi đi, làm giấy giả thôi chị à, tốn tiền bao nhiêu, qua bên nầy em sẽ đi làm trả lại từ từ.

– Chị hỏi thăm mấy người làm , biết là em đi Mỹ rồi, mà không nghe em gọi điện thoại, cho nên không biết em ở đâu mà tìm

– Em làm mất số điện thoại cuả chị rồi lấy gì gọi, ừ mà ngộ hén, em gặp lại chị Giáo, hỏi ra thì chỉ nói biết chị và anh Quân rành lắm, hồi trước chỉ ờ gần chị, nhờ chỉ cho em mới có số phôn để gọi chị đây nè. Em qua cả năm, buồn nhớ nhà quá chừng, lúc đầu còn đi làm suốt cả tuần, ra ngoài tiệm neo , có bạn bè tán dóc, đở buồn hơn, lại có tiền. Chị biết không, em để dành được mấy ngàn gởi về cho Ba em rồi đó.

– Em giỏi quá, Ba em năm nầy mấy mươi rồi ?

– Thua bác Năm có mấy tuổi thôi chị à, hơn bảy mươi rồi. Em ráng kiếm tiền để dành thêm, chồng em hứa Tết sẽ dẫn em về thăm nhà.

– Em chưa về lần nào hết hở?

– Em đâu có biết đường xá gì mà đi, ảnh phải dẫn em về một lần, em sẽ ráng nhớ đường đi nước bước, lần sau có về một mình thì còn biết mà đi, ba em già rồi, lỡ có bệnh hoạn thì em phải về thăm, mà bác Năm khỏe không chị ?

– Cảm ơn em, Ba Mẹ chị cũng an em à.

– Ừ , quên, thôi em để chị làm việc , bữa nào em gọi nói chuyện tiếp nhen.

Tần ngần nhìn con số ghi vội trên mảnh giấy con, hình ảnh cô nhỏ chỉ là những nét chấm phá mờ nhạt. Mỗi người phụ nữ sinh ra, ẩn dưới ngôi sao nào, trong xanh hay tăm tối ? Câu chuyên làm Mỵ nghĩ đến những trường hơp phụ nữ lấy chồng xa xứ, Mẩu tin tức đọc hàng ngày, Thời đại vi tính, khoảng cách nửa vòng địa cầu, chuyện trò nhau qua màn hình như gang tất. Con người văn minh, hiện đại, kêu gào Nhân quyền, phỉ báng chế độ nô lệ, bóc lột, nhưng tại sao vẫn còn trường họp bán thân để nuôi gia đình?

Bầy con gái, sinh trong vùng đồng bằng, sông nước Cửu Long ngọt ngào, chỉ vì một câu nói : “ Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô “, giá trị là con số không vì trọng nam khinh nữ. Đến lúc cán cân gái thiếu trai thừa, không có phụ nữ để kết hôn, sinh con, nối dòng nối dõi, bấy giờ mới chạy đôn chạy đáo sang xứ sở cuả người anh em mà kiếm tìm. Giá trị của những cô gái chân lấm tay bùn, hoa hèn cỏ nội, bỗng chốc biến thành Kiếu Nương, bán thân mình làm cứu cánh cho nồi cơm manh áo.

Từ vùng ruộng đồng thẳng cánh cò bay khi xưa, những người thiếu nữ aó nâu tay nọc cấy, quanh quẩn bên sông ngòi, như bầy kiến bám theo vết mật, lăn về thành phố, lột lớp chân phèn, học đi đứng ăn nói, để biến thành những kiều nương, phấn son, lụa là, chưng bày trong chợ buôn người cho khách đến mua vui trả giá, kỳ kèo bớt một thêm hai, ngắm nghía thân mình, vò nắm tay chân, như một món hàng không hơn không kém. Nếu may mắn hơn, thì được bọn buôn người mối lái cho tấm chồng ngoại kiều, Đài loan hay Hàn quốc, cũng chỉ là thân phận bọt bèo trôi dạt, bến nước mười hai.

Những cánh thư từ xa, mang theo món tiền dành dụm để trả hiếu cho cha mẹ nghèo, em thơ dại. Lưu lạc trong dòng đời xuôi ngược, có mấy ai được hưởng phúc phần?

– Chị Mỵ, em biết chổ ở cuả mình rồi …

– Vậy tốt lắm em à , nói cho chị biết đi,

– À ..P bê phở đó chị , ô , bê ô x sờ . em đọc từng chữ chị ghi nhen

– Uả , vậy là P O BOX hở em

– Đúng rồi đó chị, rồi kế đó là ếch xê …

– Thuỳ ơi, không phải địa chỉ nhà ở cuả em rồi. Đó chỉ là số hộp thư thôi em, tên thành phố nằm bên dưới đó, Chữ Il hay IN và một hàng năm số kế tiếp.

– Vậy sao chị, em đâu biết, mà cái nầy dài lắm chị à, năm số, một gạch rối bốn số nữa , hay để chiều nay em hỏi lại chồng em nha.

Tôi ngẩn người, không biết nên khóc hay nên cười cho số phận cuả cô nhỏ, phiá sau khung cửa xanh màu tự do, nơi hàng trăm ngàn người ao ước, có còn điều gì bí ẩn? Cô bé Thuỳ, sang Mỹ đã hơn một năm rồi. Ngôn ngữ Mẹ viết chưa trôi, đọc hàng số P.O.Box cuả bưu điện mà cứ tưởng là điạ chỉ nhà. Quân nhìn tôi ái ngại, biết trong tôi có trăm ngàn câu hỏi, biết tôi luôn nhạy cảm về những vấn để liên quan đến phụ nữ, cảm thông cho thân phận bọt bèo, nhưng trường hợp hãn hữu nầy, tôi cũng đành bó tay.

Không lẽ ở thời đại nầy, biết hỏi ai , trời xanh cao, tại sao vẫn còn những Kiều nương lưu lạc theo dòng đời?

Thân phận cuả người phụ nữ, như cánh bèo trôi dạt …nước cuốn hoa trôi ..!!

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Leave a Reply