Động Hoa Lư

Cổng Vào Đền

 

VietTide Số Ra Ngày 7 Tháng 3

Động Hoa Lư

Từ bài học Lịch sử Đinh Bộ Lĩnh “ Cờ lau tập trận “, thuở bé thơ chơi đùa trong khuôn viên trường học, mỗi nhóm phân chia thành những toán quân, bày thế trận tranh bá xưng hùng. Những tưởng đó chỉ là những địa danh mơ hồ trong sách vở. Không ngờ lại có ngày đứng trước cánh cổng Lịch sử mở ra trước mắt, nhìn lại dấu vết của một thời kiêu hùng xưa cũ.

Chúng tôi khởi hành từ Phố cổ Hà Nội, qua Phủ lý về Ninh Bình, con đường gợi lại trong ký ức những liên tỉnh lộ từ thời Nam Kỳ Lục Tỉnh, khi theo Ba tôi về thăm Sài Gòn. Ra khỏi ngoại thành, từng mảnh ruộng rẫy chạy dài hai bên đường, lác đác bóng nông dân dọc theo bờ ven chăm chút. Nhìn lại thửa ruộng sào, liếp rẫy, vườn rau của từng nhà trong xóm thôn, hình ảnh lâu rồi chỉ bàng bạc trong ký ức của lần đầu về thăm quê cha, cũng như những lũy tre làng cùng ao bèo xanh biếc, con đường đất dẫn vào làng mạc trong các trang sách thuở học văn của Tự Lực Văn Đoàn, không biết những hình ảnh nầy sẽ tồn tại bao lâu nữa, với bước tiến bây giờ, nhìn các công trình xây cất từ phi trường Nội Bài về Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, dăm ba năm nữa có muốn đi tìm thì cũng không biết tìm nơi đâu.

Qua những đoạn đang trùng tu, khoảng đường ngắn đi mất hơn một tiếng đến Phủ Lý. Ngừng chân lại quán bên đường dùng bửa điểm tâm, món bánh cuốn nóng đặc biệt sản xuất tại địa phương. Nhớ lại trong các câu chuyện hai bác thường kể về miền quê nhà xa cách cũ, những món ăn thường nhật cũng như vào những ngày lễ Tết trong năm, nhìn xuống dĩa bánh cuốn xếp ngay ngắn những chiếc bánh mỏng như lụa mềm, giọt cà cuống nhỏ vào chén nước mắm trong thơm ngát. Chén canh bánh đa nấu cá rô đồng, lơ thơ vài sợi cải xanh cắt nhỏ. Không thể hình dung hương vị trong ký ức của hai bác để có thể so sánh với những gì đang bày ra trước mắt của ngày nầy, lẫn mất vào không gian chút dư hương của ngày tháng cũ .

Đã có nhiều người tra cứu sách Sử, từ các bản lâu đời “ Đại nam Nhất Thống Chí “, “ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư “ bàn định về tên gọi, ghi chú các địa danh, nhưng có đọc bao nhiêu trang sách, có nghe bao nhiêu chuyện kể lại, cũng không thể  hình dung được niềm cảm khái trào dâng khi nhìn rặng Mã yên xanh lam trước mắt,  dòng nước trong êm đềm chảy lặng lẽ ngàn năm của con sông Hoàng Long. Chúng tôi đang đối diện với non sông nhung gấm của cha ông muôn đời mà dấu vết vẫn còn lưu lại.

Kinh Đô Hoa Lư

Địa thế Kinh Đô Hoa Lư rất đặc biệt, bao bọc bởi các rặng núi chunh quanh, nhưng lại rất tiện lợi cho thủy lộ lưu thông. Sau khi dẹp loạn Thập nhị Sứ Quân, năm 968  Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất đất nước và lên ngôi hiệu Đinh Tiên Hoàng  quốc hiệu Đại Cồ Việt và lập Kinh đô ở Đông Hoa Lư .[ Xã Trường yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh bình ngày nay ]

Chỉ bằng mắt nhìn khách quan, chúng tôi cũng nhận thấy lợi thế phòng thủ rất tốt của Hoa Lư. Bao bọc bởi các ngọn núi đá vôi chunh quanh, với nhiều hang động. có thế quan sát cả hai mặt trong ngoài vòng thành tự nhiên nầy. Với tài năng thao lược, phát huy từ những ngày còn bé, Đinh Bộ Lĩnh đã nhìn thấu và lợi dụng thiên nhiên để xây dựng quốc gia, sau đó là  Triều Lê, Triều Lý đã tiếp nối công trình xây dựng đất nước cực thịnh về sau.

Theo các di tích khai quật được, ngoài các vòng thành thiên nhiên, Kinh đô Hoa Lư còn có các vòng thành xây bao bọc bên ngoài và bên trong.Tống số có 13 đoạn thành , 11 đoạn chạy qua các vùng sình lầy, 2 đoạn trên quèn* đá cao ráo. Tổng cộng chiều dài của các tường thành gần 2 cây số, đắp khá cao, từ 6m đến 10m, móng sâu 2m, chân tường rộng khoảng từ 15m đến 17m, mặt trên tường thành rộng từ 3m đến 4m. Tường  thành có đoạn xây bằng đá chen gạch, có đoạn phía trong xây bằng gạch, ngoài đắp đất, có đoạn đắp lẫn đá, chân thành bó gạch, móng thành lát bằng gỗ sát vào nhau. Hiện nay thì các tường thành không còn nguyên vẹn, chì còn dấu vết có thể nhận ra.

Đã tìm ra tường thành thì phải có cửa thành. Cửa chính có thể nằm hướng Đông,từ núi Thanh Lâu sang núi Cột cờ, đoạn tường thành  Đông Bắc có them một cửa phụ, và cửa sau nằm về hướng Tây. Thủy lộ gồm cửa Bắc ở đoạn sông Sào Khê gần núi Chẽ, cửa Nam là hang Luồn [ Xuyên thủy động] . Ngoài ra còn một cửa thành chung cho cả hai đường thủylẫn đường bộ là cửa Thành Dền. Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi là cửa thành Hoa Lư có cửa xây bằng đá rất kiên cố.

Chùa chiền

Vào thời  Nhà Đinh Phật Giáo đã phát triển mạnh qua các di tích Chùa chiền ở Kinh đô Hoa Lư. Chùa Tháp Bảo Thiên nằm phía bắc gần sông Hoàng Long. Chùa Bà Ngô cũng nằm gần sông Hoàng Long về hướng Đông bắc. Chùa Am nằm trong hang núi thuộc thôn Thông Bái. Chùa Đà nằm trong hang núi Đìa. Chùa Dền còn gọi là Hà Khánh Tự . Chùa Thủ còn có tên là Diên Ninh Tự nằm gần núi Thủ. Trong số các chùa nầy thì hiên nay có chùa Bà Ngô  đã được xây dựng lại, còn giữ được tấm bia đá bốn mặt cao hơn 1m bề ngang 0.5m khắc tên những người có công đức xây chùa bằng Hán tự.

Sông Núi

Kinh đô Hoa Lư có con sông Sào Khê bắt nguồn từ sông Hoàng Long ở phía bắc chày về hướng nam xuyên qua ngoại thành rồi đổ vào sông Vạc ở cầu Yên, gặp sông Vân Sàng tão thành ngã ba Vũ lâm là trục giao thông thủy lộ rất quan trọng.

Núi Cột cờ nằm hướng Đông Bắc của Kinh đô, là nơi Đinh Tiên Hoàng cắm cờ hiệu Quốc gia. Núi Mã Yên nằm trước đền thờ của Vua Đinh Tiên Hoàng, hình dạng núi giống như chiếc yên ngựa hai nên có tên nầy.Núi Đại Vân là nơi dựng điện Bách Bảo Thiên Tuế. Ghềnh Tháp là mõm núi nhô ra sát sông Sào Khê, tương truyền là nơi Nhà Vua dùng để duyệt thủy binh. Núi Hang luồn có hang cùng tên [ Xuyên Thủy Đông]  rộng hơn 30m dài khoảng 143m có sông Sào Khê chảy xuyên qua, đây chính là thủy lộ xuôi nam của kinh đô Hoa Lư. Núi Am Tiên cũng có hang động ,tương truyền đó là ngục thất giam giữ trừng trị tội nhân. Núi chùa Am và núi chùa Đìa là hai núi nằm hai hướng Bắc Nam có hang động biến thành nơi thờ cúng. Ngoài ra còn có Núi Hang Quàn  dùng để làm tang ma cho Vua quan trong triều đình trước khi đi chôn cất.

Biển

Vào thời nhà Đinh, phương tiện chính vẫn là thuyền bè, do vị trí của Kinh Đô Hoa Lư . Cảng Phúc Thành nằm sát cửa sông giao thông ra biển. Hầu hết các giao thương với nhà Tống là do đường biển về Kinh Đô

Năm 987 Vua Lê Đại Hành sai Thiền Sư  Đỗ Pháp Thuận cải trang thành người lái đò đón sứ Tống Lý Giác , họ Lý thấy hai con ngỗng trắng đang bơi trên sông nên ứng khẩu

“ Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha”

Không ngờ người chèo đò cũng ứng đáp ngay

“ Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo hải thanh ba”

Lý Giác nghe xong tâm thần kính phục, ở nước Nam chỉ một người dân quê đã giỏi chữ nghỉa thế nầy thì quả là không thể xem thường.

Hiện nay thì dấu vết của Kinh đô Hoa Lư ngoài các tường thành thiên nhiên là các rặng núi bao bọc chunh quanh, các dãy núi vẫn còn nguyên tên gọi nằm trong xã Trường yên. Khách đến thăm sẽ thấy hai ngôi đền cổ kính trang nghiêm, đó là Đến Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành.

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng nằm ở làng Trường Yên Thượng, nên còn gọi là Đền Thượng, được xây dựng sau khi Vua Lý Thái Tổ thiên đô về Thăng Long. Ngôi đền trông ra Núi Hổ, núi Chẽ  nhìn về hướng  bắc, và nằm trên nền cung điện chính của Kinh Đô Hoa Lư . Hai ngọn núi nầy như hai con hổ phục chầu về núi Cột Cở.

Đầu thế kỷ XVII thì Lễ Quận Công Bùi Thời Trung  người làng Chi Phong tổng Trường Yên đã trùng tu lại cả hai ngôi đền, nhưng lại chuyển  hai ngôi đền trông về hướng Đông.

Đến nhà Nguyễn, 1898 thì Ông Bá Kếnh [ Dương Đức Vĩnh] người làng Trường Yên Thượng đã sửa lại  cửa đá, đưa đá cổ bồng vào dưới chân cột gỗ lim nâng cao ngôi đền , vì thế đền Vua Đinh  cao hơn Đền vua Lê 0.6m và có thêm các tảng đá chạm trổ rất tinh xảo.

Đền Vua Lê Đại Hành

Đền Vua lê Đại Hành nằm ở làng Trường Yên Hạ, nên còn gọi là Đền Hạ, cách đền vua Đinh về hướng Bắc khoảng 300m, trước mặt đền có núi Đèn làm án. Kiến trúc gần giống nhau, nhưng đi vào đền theo cổng phía đông và không có ngưỡng cửa đá cũng như tảng đá cổ bồng nâng cao lên, vì vậy kiến trúc của đền Vua Lê còn giữ lại nét nguyên thủy trùng tu từ thởi kỳ Hậu lê.

Cả hai ngôi đền thờ đều có ba tòa: Bái Đường, Thiêu hương và Chính cung. Mỗi tòa đều có kiến trúc đặc thù, cột gỗ lim tròn to và cao đặt trên các tán đá vuông, cổ bồng và được sơn son thếp vàng rực rỡ.

Hai ngôi đền thờ là biểu tượng của sự tôn kính công lao của hai vị Vua đã góp phần vào việc xây dựng quốc gia, cũng như là di tích lịch sử, văn hóa, của dân tôc.

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Leave a Reply