Nối giấc mơ xưa

IMG_4075-001

 

Nối giấc mơ xưa

   1 Người láng giềng

   Thoạt nhìn hắn chậm chạp bước đi, trông như cụ già vừa qua cơn ốm nặng, khuôn mặt in vết thời gian không ưu đãi, tôi đoán hắn là dân Đông Âu. Trên khuôn mặt rất khó có mỹ cảm đó, ánh mắt lạnh lùng nhìn chăm chăm vào người đối diện, ngược lại vợ hắn rất  lịch sự chào khi thấy tôi đang lui cui dọn dẹp trước sân. Bà nói tiếng Anh nặng giọng, đúng là dân Đông Âu không sai trái được. Bà ăn mặc chải chuốt, trang điểm cẩn thận, câu chuyện thời tiết bâng quơ, giới thiệu láng giềng. Tôi cũng mới dọn về thành phố nhỏ nầy, vẫn còn sắp xếp vật dụng trong nhà, thu vén chunh quanh cho nên chưa có dịp làm quen cùng hàng xóm láng giềng.

   Hắn phàn nàn sân cỏ trước nhà chúng tôi cằn khô trông xấu xí quá. Căn nhà từ lâu không có người cư ngụ cho đến khi chúng tôi dọn vào, sân trước vườn sau cỏ vàng cháy lốm đốm. Quen mắt nhìn thảm cỏ xanh mượt của Ngũ Đại Hồ mùa xuân, nhà tôi rất bực mình, nhưng giống cỏ nầy thích nghi với khí hậu bán sa mạc nên không mịn màng xanh mượt như giống Blue Grass trong sân nhà ở Góc Rừng. Tôi thấy anh hàng ngày nhìn chúng bực bội như mũi gai nhọn châm chích, nhưng ít nhất cũng phải có thời gian  an cư rồi mới có thể  tìm phương cách để phục hồi màu xanh mượt mà cho chúng nó.

    Đầu thu, khi những chùm nho chín đen trên hàng rào, nhà tôi cẩn thận cắt xuống mang qua trả cho họ, vì dây nho trèo qua hàng rào thòng xuống bên nhà chúng tôi. Hôm sau lại thấy bà ấy mang biếu chúng tôi mấy quả dưa chuột trồng trong vườn nhà. Chút tình thân thiện chớm nở qua câu chuyện thăm hỏi, chừng ấy thôi. Vắng một lúc lâu, không thấy ông ta vãng lai, chúng tôi cũng tất bật với công việc, thiên di, an cư và chuẩn bị ngày cưới xin cho con trai vào đầu mùa xuân tới.

   Nhà tôi vẫn chưa quen với sự khác biệt của thời tiết trong Thung Lũng Lá Rơi, tháng giêng bên Góc Rừng tuyết trắng mênh mông, ngược lại bên nầy cỏ non trong sân nhà lún phún, màu xanh lá mịn như nhung, tháng hai chồi non đâm lộc, nhìn sân cỏ đã bén đất thay màu, hoa cỏ nở nhanh không cắt kịp, nhìn sang nhà láng giềng,  sân cỏ rậm rạp, cỏ dại tràn lan, hàng hoa hồng rực rỡ trước đây tiêu điều xơ xác. Nhà tôi thắc mắc, không biết ông ấy vắng nhà bao lâu mà không có người chăm sóc nhà cửa. Mãi  lâu mới thấy dáng ông ta chậm rãi ra trước sân,  nhà tôi chào hỏi thăm, ông bảo là vừa qua một cuộc giải phẩu, chưa hồi phục nên không thể cắt cỏ làm vườn. Cuối tuần, khi anh cắt cỏ trước nhà, anh cắt và dọn luôn bên sân của ông ta. Lúc chúng tôi còn ở Góc Rừng, mỗi lần đi chơi xa vắng nhà, không Roman thì Sam, chúng tôi không phải lo lắng tìm người chăm sóc, ngược lại, chúng tôi sẽ làm y như vậy cho cả hai bên khi họ đi nghỉ hè. Bố tôi lúc sinh tiền vẫn nhắc  “ Bán anh em xa, mua láng giềng gần “.

   Mấy hôm sau, lại thấy ông bấm chuông nhà, tay xách một túi giấy dầu [loại chợ thực phẩm dùng để gói ghém cho khách hàng] chúng tôi mời ông vào nhà, lần đầu tiên thấy ông vui vẽ theo vào, ngồi xuống chuyện trò với nhà tôi. Ông cảm ơn liên tục. bảo đã chờ và bấm chuông mấy hôm nay mà không thấy chúng tôi trả lời. Hôm nay may mắn thấy tôi vừa về đến nên ông phải sang ngay. Mở túi ra, tôi thấy từng chum nho đỏ chin mọng, loại nho Concord rất ngọt và dễ lên men rượu, tôi ngại ngùng bảo ông biếu nhiều quá, ông lại gạt đi, Ông có nhiều lắm, năm nầy nho trúng mùa, ông sang cảm ơn nhà tôi đã cắt cỏ và dọn sân giúp ông.

–        Ông không nên bận tâm, chúng ta là láng giềng, giúp đỡ nhau là chuyện thường mà

–        Tên tôi là Mikhail, gọi tôi là Misha cũng được.

   Nhà tôi cũng tự giới thiệu tên mình, tôi mời ông uống nước  chuyện trò một lúc thì ông ra về. Bây giờ tôi tin chắc là nhà tôi đã chinh phục được cảm tình, phá được bức tường nghi kỵ cuả người hàng xóm nầy rồi.

   Misha sinh và lớn lên ở Nga Sô, tiếng Anh của ông rất nặng giọng, giống như Roman và các giống di dân khác, ông sang đây lo đi làm kiếm sống, không trở vào trường học lại, nhờ siêng năng cần mẫn, giành dụm cho nên cuộc sống của ông rất thoải mái dù đã về hưu mấy năm nay. Vợ ông vẫn còn làm cho một cửa hàng trong vùng Vịnh, hàng ngày ông đưa bà đến bến xe điện, sau đó thì về chăm sóc  vườn tược. Mảnh sân sau của ông trồng đầy cây trái, chưa kể khu vườn rau bên hông nhà. Lúc chúng tôi mới dọn vào, nhìn khu vườn màu xanh rợp bóng của ông rồi nhìn lại sân cỏ cháy tiêu điều của mình mà ngao ngán. Anh nông gia bất đắc dĩ nhà tôi mỗi lần xắn len xuống đào hố trồng cây là càu nhàu đất toàn là đá cuội, không chút màu mỡ, biết bao giờ mới trồng được cây lá xanh tươi ?

 

2  Mối tình thơ

   Con sông Dnieper  biếc xanh lặng lẽ  chia đôi thành phố Kiev, bên nầy khu cư dân phố thị, bên kia bộ máy hành chánh cuả nhà cầm quyền. Đôi mái đầu xanh đang song bước, cả hai đều tràn đầy bao nhiêu ước mộng tương lai .

–        Michail, mai mốt mình sẽ  cùng nhau đi viếng  Roma, Florence, Venise,  sang kinh đô ánh sáng Paris,  thăm phố  nhà chọc trời New York .

–        Ừ ! Anna, bất cứ nơi nào em muốn đến, em muốn ngắm  mặt trời nửa đêm phía bắc, hay tắm nắng ấm miến nam, miễn là chúng ta cùng sánh bước với nhau, cùng chia sẻ những chuỗi ngày đầy hạnh phúc

–        Mikhail, em chỉ cần  một căn nhà nho nhỏ với mảnh vườn con, trồng hoa  hồng trước cửa…

   Đôi mái đầu xanh đầy ước mơ trong khu ngoại ô Kiev, mối tình học trò cũng như  trăm ngàn mối tình thơ dại khác, chan chứa với bao nhiêu bài hát thương yêu, tô thêm sắc màu rực rỡ.

   Kiev là thành phố thăng trầm qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, từ khi gót giầy Mông Cổ dẫm nát vào thời Trung cổ cho đến bom đạn cày xới trong Đệ nhị Thế Chiến. Sau các cuộc chiến tranh Kiev mất một thời gian dài để xây dựng lại. Mikhail và Anna, cũng như những  đôi tình nhân trẻ  lớn lên sau cuộc  chiến tranh Thế Giới lần thứ hai, tưởng là được sống thanh bình an lạc, không ngờ Chủ Nghĩa Cộng Sản đã làm đảo lộn tất cả những giấc mơ cuả một cuôc sống bình thường.

   Mikhail theo chân Hồng quân đi miệt mài, cuộc sống cuả quân nhân không hứa hẹn tương lai, trong lòng anh vẫn nhớ người yêu nhỏ ở quên nhà và những giấc mơ chưa thực hiện, anh nuôi hy vọng khi trở về sẽ có được sự nghiệp  để đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn.

  Nhưng đời sống không là mơ, cuộc tình thơ theo thời gian cũng nhạt nhoà, người thiếu nữ không thể chờ cho thanh xuân mãn hạn nên đã  lập gia đình cùng người khác . Mikhail không  trách cô ấy, anh an phận với binh nghiệp và cuối cùng cũng lập gia đình và di dân sang Hoa kỳ.

  Mặc dù không kết hôn, nhưng hai người vẫn giữ lại tình bạn, vẫn thư từ thăm hỏi thường xuyên. Anna sau khi tốt nghiệp, lập gia đình đã biến thành cô giáo dạy trong một trường tiểu học thuộc ngoại ô Kiev.  Mikhail  sang Hoa Kỳ lập nghiệp và định cư ở vùng Vịnh.

3   Cuộc tái ngộ

   Kiev là thủ đô và cũng là thành phố lớn của Ukrain nằm về phía bắc trên dòng sông Dnieper. Vào thời Nga Hoàng  cuối thế kỷ mười chin rất phồn thịnh. Ukrain  đã nhiều lần tuyên bố độc lập, cho đến năm 1921 Kiev vẫn còn là thành phố quan trọng trong Cộng Hòa Xã Hội Liên Bang Sô Viết. Sau Đệ nhị Thế Chiến bị bom đạn tàn phá, Kiev lại được phục hồi và tái thiết giữ vững vị trí quan trọng  đứng hàng thứ ba trong Soviet Union.

–        Misha, có bao giờ ông trở về thăm lại thành phố Kiev không?

–        Ukrainian giành lại độc lập một lần nữa vào năm 1991 sau khi Soviet Union tan rã. Tôi có trở về thăm lại quê nhà.

–        Cảm tưởng của ông như thế nào ?

–        Thay đổi nhiều quá, tôi không còn nhận ra

–        Tốt hay xấu ?

–        Tôi không biết nên vui hay buồn, tốt xấu do mỗi góc nhìn, nhưng sự thay đổi không thể phủ nhận, mặc dù đã nghe Anna kể lại rất nhiều, nhưng không thể nào tả được cảm giác khi đứng nhìn dòng sông cũ, con đường xưa. Tôi đi tìm lại những gì đã đánh mất, nhưng chỉ thấy một khoảng trống bát ngát trong tâm hồn

–        Rất khó mà quên được những kỷ niệm ấu thời, tôi cũng là người  tị nạn Cộng sản, năm 1975 tôi rời quê nhà sau cuộc chiến tranh anh em tương tàn, mặc dù  bây giờ tôi không trực tiếp sống dưới chế độ, nhưng tôi còn gia đình hai bên đang sinh sống  bên kia lằn ranh sắt máu đó.

–        Cuộc sống của những người còn lại dưới chế độ Cộng Sản cho dù Âu hay Á cũng không dễ dàng, tôi thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn cuả Anna, có nhiều lần ngỏ lời giúp đỡ nhưng bà rất tự trọng, luôn  từ chối.

–        Thế vợ ông có biết chuyện tình của hai người không?

–        Catherine biết chúng tôi vẫn còn liên lạc vì dù sao Anna cũng là người bạn từ thuở thiếu thời, tình cảm chúng tôi  bây giờ chỉ là kỷ niệm đẹp của thời mới lớn thôi. Chúng tôi luôn tôn trọng nhau, vì cả hai đều có gia đình và cuộc sống êm đẹp. Catherine chính là vợ tôi, người đang chung sống và chia sẻ hàng ngày, là mẹ của các con tôi, không ai có thể phủ nhận điều nầy.

–        Catherine có gặp Anna bao giờ không ?

–        Catherine gặp bà ấy một lần thôi vào sinh nhật năm thứ sáu nươi của tôi, đối với chúng tôi là năm rất quan trọng cho một đời người.

–        Vâng, Chúng tôi không mừng ngày sinh nhật cá nhân, ngày đầu năm đối với chúng tôi là ngày mừng thêm một tuổi và là ngày sinh nhật chung của tất cả mọi người, đặc biệt đến năm sáu mươi tuổi thì chúng tôi mừng thọ  Lục tuần rất trang trọng .

–        Năm đó, Catherine đề nghị tôi nên mời Anna sang mừng sinh nhật năm sáu mươi tuổi. mặc dù không hy vọng điều nầy có thể sảy ra, nhưng nhà tôi rất thật tình, chính bà viết thư bày tỏ nhã ý mời Anna sang  Hoa Kỳ thăm chúng tôi .

–        Bà ấy không ghen tương sao?

–        Vợ tôi  thấu hiểu tình cảm của tôi, và bà cũng muốn giành một món quà đặc biệt cho chúng tôi ở cuối cuộc đời.

   Mikhail nhìn vào khoảng trống trước mặt, ánh mắt dịu lại. Trong trái tim cằn cỗi cuả ông le lói chút hơi ấm tình người. Câu chuyện không dừng lại nơi đó, ông chậm rãi tiếp theo

–        Chúng tôi đón Anna ở phi trường khi bà sang Hoa Kỳ,  chính bà ấy cũng không nghĩ rằng còn có cơ hội gặp lại nhau, phải cảm ơn vợ tôi, người đã chu đáo thu xếp mọi việc, từ chuyện thư từ qua lại, giấy tờ xin phép, bà còn cẩn thận mang bó hoa đến đón mừng Anna. Sau khi thăm viếng các danh lam thắng cảnh trong vùng Vịnh, tôi đưa Anna sang thăm Las Vegas, đây chính là cái thế giới thu nhỏ mà tôi muốn đưa bà đi du lịch để hoàn thành giấc mộng thuở thiếu thời. Còn có nơi nào hơn nơi đây, tất cả các thành phố lừng danh trên thế giới đều có mặt trong khu vực sa mạc nầy. Từ thành phố New York vĩ đại cho đến Venice thơ mộng, Ai Cập cổ kính, Paris hoa lệ…

  Chúng tôi trôi theo dòng sông trên chiếc Gondola cuả thành phố nước Venice nghe lại  bài hát trữ tình ngày thanh niên cũ. Chúng tôi lang thang trong bầu trời nhìn ánh sao cuả Roma, ngắm  những cột nước phun theo điệu Valse nhịp nhảng lã lướt. Lời hứa thời thanh niên cuả tôi nay đã thực hiện, cảm ơn người vợ tốt cuả tôi, người đã hết lòng yêu thương tôi mà không hề ghen tuông cùng bóng ma dĩ vãng.

–        Catherine quả thực là một người phụ nữ hiếm có. Ông rất may mắn đó Misha. Thế ông bà có còn liên lạc với bà Anna không ?

   Mikhail im lặng, tôi ngạc nhiên nhìn ông, không biết ông có nghe câu hỏi hay đang  nhớ lại  những hình ảnh đẹp trong khoảng thời gian Anna đang thăm viếng. Một lúc lâu tôi thấy ông thở dài

–        Chúng tôi vẫn thư từ thăm nhau, bà ấy luôn nhắc nhở và cảm ơn vợ chồng tôi đã giúp bà thực hiện ước mơ . Chuyến đi đó là chuyến đi hạnh phúc cuối cùng trong cuộc đời cuả bà, hai năm sau bà chết vì ung thư.

–        Xin lỗi ông, tôi thật không ngờ đã khơi lại chuyện buồn nầy

–        Cuộc đời rất ngắn ngủi, hôm qua đã khuất, ngày mai chưa tới, chúng ta cứ tưởng nhớ chuyện cũ, lo lắng chuyện tương lai mà quên mất cái hiện tại chúng ta còn đang sống đây. Tôi đã an phận với mình, ông cũng lo vui sống đi thôi.

   Tôi nhìn theo Mikhail đang chậm rãi bước, màu nắng chiều in chiếc bóng nghiêng nghiêng trên thảm cỏ xanh. Mỗi con người chúng ta, ai cũng có một khoảng đời thanh niên, có những mơ ước lớn nhỏ, cho dù không cùng chung ngôn ngữ, màu da, sắc tóc, nhưng dòng máu đỏ trong huyết quản luân lưu vẫn chở theo trăm vạn mảng ký ức muôn trùng .

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Leave a Reply