Quả Trứng

Chim non 08 001

Viet Tide Xuân Giáp Ngọ 2014

 

Quả trứng

 

Mẹ giành nguyên một quả trứng trong ngày Tết Nguyên Đán cho em trai, tôi lặng lẽ đập quả trứng còn lại, khuấy đều trong nồi canh cho cả nhà. Lâu lắm mới được ăn trứng tươi, dù chỉ là chút  lưa thưa  trong tô canh như gợn mây trắng bay trên bầu trời trong vắt .

Ba tôi phục vụ trong Hồng quân, cho nên thường vắng nhà kể cả ngày tư ngày Tết, cái gánh nặng sinh kế chất đầy trên đôi  vai nhỏ cuả mẹ tôi. Bà là chuyên viên phòng thí nghiệm cuả bệnh viện, công việc đòi hỏi hầu hết thời gian cuả mẹ. Tôi không còn nhớ rõ mình bắt đầu làm các công việc chăm sóc nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ tự bao giờ. Sau giờ học, tôi vội vã đến hợp tác xã đứng xếp hàng chờ mua thực phẩm, có được thì phải nhanh chân về lo bữa cơm cho gia đình, sau khi dọn rửa bát diã thì lo học bài cho ngày mai.

Tôi rất yêu thương mẹ, bà làm việc cật lực để có miếng ăn cho ba chị em chúng tôi. Lương bổng trong quân đội cuả Ba tôi rất ít oi, không đủ cung ứng cho chi phí cuả cả gia đình, nhưng Ba tôi không có khả năng nào khác để kiếm thêm tiền. Thuở nhỏ. mồ côi trong cuộc trường kỳ kháng chiến cuả Mao lãnh tụ, đói lã chốn quê nhà, được Hồng Quân cho miếng ăn, Ba tôi trả lại bằng một đời trung thành với Đảng Lảnh đạo, tận tuỵ với binh nghiệp. Tôi chưa bao giờ nghe Ba than phiền  về sự thiếu thốn, bất công, luôn triệt để tuân hành mệnh lệnh ban xuống từ Trung Ương Đảng.  Ba không hề thắc mắc về sự thất bại hay sửa sai, chỉnh đốn cải tạo cơ cấu  của nhà nước. Khi tôi lớn lên, nhìn thấy sự thay đổi trong cuộc sống của những người chunh quanh, thường tự hỏi “ Nếu Ba tôi không tuyệt đối tin tưởng vào con đường cuả Đảng thì biết đâu bây giờ cuộc sống cuả chúng tôi đã yên ấm đến ngần nào?”

Khi mẹ sinh em gái, vì không thể nghỉ việc để chăm sóc con. mẹ mang em gởi cho người khác nuôi. Mãi cho đến khi em lên năm thì mới mang em trở về nhà cho đi học. Bấy giờ tôi đã đủ lớn lên để biến thành cột chống trong gia đình. Tất cả công việc hàng ngày đều trông cậy vào tay tôi, cơm canh chờ khi mẹ tôi về nhà nấu nướng thì đã quá muộn. Tôi tập nấu ăn từ khi chưa lên mười, càng ngày mẹ thấy tôi biết chăm sóc nhà cửa thì càng  rảnh tay cố gắng  làm thêm giờ để có tiền phụ trội chi dụng trong gia đình. Riêng em gái thì viện cớ học hành, từ chuyện đơn giản là xếp hàng lảnh phiếu thực phẩm cho đến giặt giũ lau chùi nhà cửa em cũng không phụ giúp gì cả. Đã thế  mẹ và em gái luôn cãi cọ trong nhà, em hận mẹ bỏ rơi những năm còn bé phải sinh sống với người ngoài. Điều nầy cũng đúng thôi, vì không nuôi em từ tấm bé thì làm sao có sự thương yêu gần gũi được? Cho dù chính em là máu thịt do mẹ cưu mang chin tháng sinh ra, nhưng không được bồng ẳm nâng niu, sớm hôm chăm sóc thì tình cảm cũng không thể mật thiết đậm đà. Tôi kề cận bên mẹ nên cảm thông hoàn cảnh khó khăn, trong khi em tôi không thấy điều đó, em lại thương Ba tôi hơn, vì chỉ có Ba giữa chuyến công tác thường xuyên ghé lại thăm chừng em, chứ mẹ tôi thì làm việc mòn mõi không còn thời gian nghỉ ngơi thì còn có lúc nào thăm viếng ?

Khi mẹ sinh ra em trai, bà rất vui mừng, xem như bổn phận cuả người phụ nữ đã chu toàn, mẹ đã sinh được đứa con nối dòng cho nhà họ Dương. Vì thế Ba tôi cũng xin thuyên chuyển về sống gần gia đình, điều nầy càng khiến em gái tôi sung sướng hơn.

Em gái vẫn là viên ngọc qúi cuả Ba, cho dù em trai mới là người thật sự quan trọng hơn trong mắt Mẹ. Từ tấm bé Mẹ luôn chăm sóc lo lắng tìm thức ăn uống bổ dưỡng, món ngon vật lạ hiếm hoi, tem phiếu mua thực phẩm đôi khi chỉ được hai quả trứng, vào tháng sinh nhật hay lễ Tết,  mẹ đã giành phần riêng nguyên quả trứng luộc, trong khi cả nhà chỉ còn chút trứng nổi lều bều trong tô canh nước nhạt.

Cho đến khi vào đại học, tôi vẫn không có thởi gian vui chơi với bạn bè cùng lớp tuổi, ngoài giờ học tôi còn phải về chu toàn công việc cho cả nhà, không ai nghĩ đến chuyện tôi đã thành thiếu nữ, đang tuổi xuân thì, tôi cũng có những ước mơ thầm kín, những giây phút mộng mơ cuả thời con gái.

Anh thường thấy tôi vội vã rời lớp học, không hề la cà cùng chúng bạn. Tôi không biết anh đã đề ý mình từ bao giờ, khi anh ngỏ ý muốn mời tôi đi dạo, hay đi xem hát, tôi phải vội vã nấu nướng cơm nước xong cho cả nhà rồi mới tất tả đến điểm hẹn cùng anh. Khi Mẹ biết tôi đang hẹn hò với anh, hình như bà mới nhớ ra mình có một đưá con gái đang tuổi xuân thì. Khi ấy em trai đã vào trung học, Mẹ đã trút hết tất cả tình yêu thương vào cho em trai nên không còn giành lại chút nào cho chúng tôi. Tôi có được món quà  đầu tiên vào ngày Tết là chiếc aó chiếc áo lụa mới màu xanh do anh tặng. Tôi nhớ mình cảm động đến nghẹn ngào. Anh bảo màu xanh là màu hy vọng, anh muốn thấy tôi vui tươi xinh xắn như màu trời.

Anh tốt nghiệp đại học có công việc làm hẳn hoi, đến xin phép Ba Mẹ để kết hôn với tôi. Tôi vẫn chưa tốt nghiệp đại học, nhưng biết mình không có nhiều cơ hội chọn lựa đợi chờ để đánh mất thanh xuân  nên đã vội vã nhận lời, dù vậy đến bây giờ tôi không hề hối hận, cho dù có thêm người để chọn lựa, tôi chỉ chọn ưng anh thôi. Sau khi kết hôn, chúng tôi sống trong một căn chung cư nhỏ. Tôi rất an lành hạnh phúc, cho dù có phải chung cùng với bao nhiêu gia đình khác cũng không hề gì.

Mặc dù đã kết hôn, nhưng tôi vẫn tiếp tục cho xong đại học và vẫn hàng ngày trở về  nhà lo cơm nước cho Ba Mẹ. Anh càng không phàn nàn tôi càng cố gắng lấy cho được mảnh bằng để có một nghề nghiệp vững chắc. Mặc dù  anh có công ăn việc làm tốt, nhưng thêm vào tiền lương cuả tôi thì mới có thể đảm bảo tương lai cho con cái sau nầy.

Tôi ao ước sinh cho anh đứa con trai để nối dòng, bây giờ tôi hiểu tại sao Mẹ tôi phải cưu mang cái gánh nặng tinh thần đó. Thật ra trong lòng tôi có chút phản kháng lại những phong tục tập quán ràng buộc bổn phận cuả người phụ nữ. Tại sao đã hô hào giải phóng phụ nữ, cho quyền tự do làm việc, phấn đấu trong các cơ sở cùng với nam giới mà vẫn khư khư giữ lấy thói “ Trọng nam khinh nữ ” ? Bây giờ Đảng Lảnh đạo ra chỉ thị mỗi gia đình chỉ được phép sinh một đứa con, với khoa học càng ngày tiến bộ, người ta đã biết giới tính cuả bào thai, những nữ nhi chưa sinh ra đời đã bị huỷ hoại từ trong trứng nước, những bé gái trót sinh ra bị vất bỏ như giấy rách giẻ vụn bên lề đường. Không còn phụ nữ để giữ cán cân bằng âm dương, để sinh con cái, tương lai cuả quốc gia sẽ về đâu? Trừ khi người ta có thể tạo được hài nhi mà không cần đến người mẹ cưu mang chin tháng muời ngày.

Những âu lo cuả tôi tan biến khi nhìn thấy anh nâng niu đứa con gái đầu lòng như trứng mỏng. Đồng thời anh cũng bảo tôi “ Anh sẽ đưa em và con  đi tìm nơi khác sinh sống. Vì tương lai cuả con mình cũng như cuả chính em, gia đình lợi dụng và bốc lột em còn hơn đầy tớ trong nhà, có ai nghĩ đến sức khỏe cuả em cũng có giới hạn, họ chỉ nhắm vào sự tận tuỵ phục vụ chăm sóc mọi người cuả em thôi, họ thật là vô ơn quá!.”

Và anh làm thật, khi anh báo tin là đã nhận việc làm mới và chuẩn bị đưa mẹ con tôi sang Hoa Kỳ, bấy giờ gia đình tôi mới thấy chới với hụt  hẫng. Bao nhiêu năm nay, họ đã  ỷ lại vào sự làm việc cuả tôi, bây giờ thì phải tự lực cánh sinh, em gái phải thay tôi săn sóc cha mẹ. Phần Mẹ đã gom góp hết tiền bạc gởi em trai lên Bắc Kinh trọ học để tìm tương lai. Mẹ đã cấy vào đầu em tư tưởng phấn đấu vươn lên, đất Trường An nầy không phải là nơi cho em tạo sự nghiệp, Bắc Kinh mới là đất để dụng võ giương oai.

Tôi  theo anh sang cư trú ở Boston miền bắc Hoa Kỳ, thời gian đầu rất khó khăn, ngôn ngữ bất đồng, con gái hãy còn bé, mỗi ngày hai bận đến trường đưa đón.Trời lạnh cắt thịt da, không một người thân quen hay bạn bè. Tôi học tiếng Anh cùng với con tôi, nhưng dù có cố gắng cách nào đi nữa cũng không thể phát âm chính xác được. Khi tôi ngỏ ý muốn vào trường học thêm sinh ngữ để tìm việc làm phụ giúp, anh ngại tôi khó nhọc, với thói quen tiết kiệm cho nên với tiền lương cuả anh thì gia đình cũng đủ chi tiêu hàng tháng rồi. Nhưng tôi thích làm việc, nên không thể ngồi yên nhìn anh vất vả, nhất là sau khi con gái vào trường học suốt ngày, tôi quanh quẩn trong bốn bức tường như tù giam lỏng.

Tôi ghi tên học nghề thẩm mỹ. Thật là trớ trêu, tôi chưa hề biết trang điểm làm đẹp như thế nào khi còn ở quê nhà, sang Hoa Kỳ choá mắt, ngẩn ngơ nhìn các gian hàng mỹ phẩm thật đồ sộ. Rất may mắn cho tôi, bài học lý thuyết lẫn thực hành không khó khăn, đàm thoại mới là trở ngại chính, tôi vượt qua được cưả ải nầy thì giống như cá hoá long. Khi cầm lấy mảnh bắng tốt nghiệp và giấy phép hành nghề, tôi sung sướng như cánh diều no gió bay bổng cho đến khi thực tế giáng cho tôi một cú đấm lăn lóc xuống đời.

Tôi làm việc cho một viện thẩm mỹ tư nhân, họ nhận tôi như một con ở để sai vặt, lương bổng trả theo luật tối thiểu, làm việc không ngừng nghỉ. Tôi phải đi hai chặng xe buýt, đến nơi bắt tay vào việc, từ  gội đầu cho khách đến giặt giủ khăn,  chùi rửa chén cọ pha màu, quét tóc trên sàn nhà, chạy ba tầng cầu thang để mang vật liệu lên cho thợ làm việc, mùa đông vùng Bắc Mỹ rất khắc nghiệt, trời lạnh như dao cắt da, hai tay tôi khô nứt nẻ sần sùi như da trâu, tôi xuống cân thảm hại nhưng không dám than phiền với anh, hơn nữa tôi cần tiền để phụ giúp ba mẹ tôi ở quê nhà. Tôi đã không giúp được anh thì thôi chứ còn lòng dạ nào dùng tiền do công lao khó nhọc cuả anh để phụ giúp cho gia đình mình ?

Khi anh xin thuyên chuyển làm việc ở miền Nam California, tôi như thoát gánh nặng. Những mùa đông dài thăm thẳm miền Bắc Mỹ như cơn ác mộng đã qua đi. Bây giờ tôi đã quen với đời sống ở Hoa Kỳ và đã có thêm kinh nghiệm nghề nghiệp. Tôi tự mình muớn một gian hàng nhỏ để làm việc riêng, không cần phải lệ thuộc hay chiụ dưới quyền sai bảo cuả chủ nhân hay người quản trị nào hết, lợi tức cuả tôi có phần ổn định, nhưng mỗi lần gọi điện thoại về quê nhà thăm gia đình lại chuốc thêm lo âu buồn bã, Ba Mẹ tôi ngày càng cao tuổi, nay yếu mai đau, tôi không ở gần chăm sóc được, cảm thấy xót xa nên cố gắng kiếm tiền để gởi về hàng tháng. Sau khi Ba tôi mất đi, em gái và mẹ tôi cứ phiền trách lẫn nhau làm cho tôi đứng giữa không biết nên nói năng thế nào. Mẹ muốn giữ lại kỷ niệm cuả chồng, em muốn giành lấy phần cuả Ba, cứ thế mà giằng co rồi nay lời qua mai tiếng lại. Trong lòng em vẫn hận mẹ bỏ rơi khi còn bé, tôi biết tính em cố chấp, nhưng đã quá lâu rồi tại sao không chiụ thông cảm cho mẹ, cả hai đều mất người thân thiết nhất cuả mình, sao lại không nương tựa an ủi nhau mà lại cấu xé cho thêm đau lòng?

Tôi xin cho mẹ sang du lịch Hoa Kỳ và ở lại với tôi được sáu tháng. Mẹ thích đời sống dể chịu bên nầy nhưng mẹ không thể định cư ở Hoa Kỳ được. Khi mẹ về lại quê nhà tôi gởi theo rất nhiều quà cáp cho em gái, cả hai sống êm ái được ít lâu. Đến khi em gái bảo tôi phải gởi tiền về để  xây nhà cho Mẹ thì tôi không còn nhường nhịn được nữa,  tôi đào đâu ra tiền? Tôi vẫn chưa có đủ tiền mua nhà cho mình thì tiền đâu mà gởi về ? Thế là chiến tranh lạnh giữa chúng tôi. Em trai tôi từ khi tốt nghiệp Đại học có việc làm ở Bắc Kinh, đã lập gia đình và di dân sang Úc Đại Lợi và không hề trợ giúp gì được cho Ba tôi lúc sinh tiền thì còn nói gì đến góp tiền xây nhà cho Mẹ ?

Tôi đón Mẹ sang Hoa Kỳ được hai tháng thì anh phải thuyên chuyển về vùng Vịnh. Giá sinh hoạt và nhà cửa nơi nầy quá đắt đỏ, cả gia đình chỉ có một căn phòng vuông vắn trong cao ốc để tạm trú. Mẹ phải trở về Trường An lần nầy buồn lắm, nhưng tôi không biết phải giúp cách nào đây, Mẹ đã già yếu rồi, với trợ cấp y tế và tiền hưu bổng của cuả nhà nước do những năm dài tận tụy, Mẹ cũng có thể sống qua ngày, chưa kể đến sự trợ giúp của tôi, nhưng tinh thần Mẹ sa sút vì cô đơn và thất vọng, đứa con trai mẹ đặt hết kỳ vọng, hy sinh cả quả trứng trong khẩu phần của gia đình để bồi bổ, chắt mót dành dụm từng đồng để lo cho nó ăn học, niềm ao ước được phụng dưỡng lúc xế chiều như bọt bóng bay tan biến trên không trung. Từ khi sang Úc Đại Lợi , ngày Lễ Tết hàng năm, em trai chưa lần nào về chúc thọ, viếng thăm Ba Mẹ, mỗi khi đau yếu thuốc thang, chỉ có tôi là người thường xuyên gởi tiền về phụ giúp. Ngay cả khi lo đám tang cho Ba, cũng chẳng thấy em gởi gắm gì. Khi Mẹ bệnh nặng, tôi về Trường An chăm sóc cho đến khi Mẹ hồi phục thì mới trở lại Hoa Kỳ. Không ngờ Mẹ chỉ cố gắng sống hy vọng để rồi mỏi mòn chờ đợi trông thấy đứa con trai lần cuối mà nó vẫn biền biệt như bóng chim tăm cá.

Mẹ mất đi tôi chín ruột gan, đau phần mất đi người cưu mang sinh đẻ ra mình, nhưng vẫn chưa bằng cho đau cho thân phận cuả người mẹ đợi chờ con trai trong tuyệt vọng.  Người ta thường nguyền ruả  “Đẻ ra đứa con bất hiếu thà rằng đẻ ra quả trứng để luộc ăn”…

Tôi không biết cho đến cuối cuộc đời, mòn mỏi chờ mong, Mẹ tôi có khi nào hối hận đã sinh ra đứa con trai bất hiếu đó hay không ?

Vũ Thị Thiên Thư.

Leave a Reply