Ốc mượn hồn

Ốc mượn hồn

 

– Sao cái nầy vỏ ốc mà thò chân cua ra vậy Dì?

– Ừ! Nó là con ốc mượn hồn

– Ốc mượn hồn là gì vậy Dì?

– Là càng cua, thân cua bên trong mà cái vỏ ốc bên ngoài thôi đó mà

Câu hỏi và trả lời nầy quanh quẩn trong trí nhớ của tôi …

 

*

– Châu à! Nói dùm với Vân là tôi yêu em lắm

– Anh điên rồi à, tại sao Châu phải nói dùm anh. Anh đâu phải người câm .

– Biết rồi, khổ lắm, có miệng nhưng không nói nên lời

– Rõ lẩm cẩm, thì phải ráng chứ, ai lại đi nhờ người khác tỏ tình, hừ, Vân nó hiền khô, anh sợ nó nuốt anh à ! Anh đóng đô nhà nó hàng ngày, thiếu gì dịp,

– Châu ngồi cùng bàn với Vân mà, lại luôn ra chơi chung …

– Con gái có nhiều chuyện khác để nói.

– Thì nói dùm anh cũng là chuyện làm phước mà, hay anh viết thư Châu trao dùm cho anh đi

– Châu có là bưu điện đâu.

 

*

– Châu à, sao hôm nay Vân không đi học

– Châu làm sao biết được? Có thể hắn bệnh

– Thật à! Châu có sang thăm không?

– Chiều nay, có thể thôi .

– Vậy Châu mang ô mai sang dùm anh được không?

– Anh đền ơn gì đây

– Châu muốn gì anh cũng chiều mà.

 

Vân là cô bạn mới quen những năm sau cùng trung học, hắn và Châu chẳng những chung lớp mà còn ngồi chung bàn, cùng là người Hoa nhưng hắn và Ngọc lại trái ngược cá tính, Ngọc liếng thoắng, Vân thâm trầm, MẹVân khi gặp bọn Châu sang thăm lần đầu “ Họ Trần , bà con , bà con…” thật ra thì Châu cũng chẳng biết bà con bao nhiêu đời, dòng máu luân lưu qua bao nhiêu thế hệ …Ông Cố còn gốc thầy thuốc với dao cầu cối đá, bàn tán, chúng tôi thường mang ra làm trò chơi. Mẹ Vân thật hiền lành, trong nhà anh Tú là người toàn quyền quyết định, anh là người con thứ hai, sau chị Trinh, nhưng lại là con trai đầu cho nên khi Ông cụ mất đi, anh là người thừa kế cả sản nghiệp, Ngoài giờ học, anh chăm lo cơ sở kinh doanh cùng chú Tài phú. Anh Tú trồng cây si trước nhà Cô tôi, mê bà chị họ, cho nên chiều chuộng cô em Châu hết lòng, bao giờ gặp Châu cũng vui vẻ chào đón, trong khi các bạn thường nói lén với nhau “… nhìn anh khó đăm đăm.”

Trong số những gốc cổ thụ trồng trong sân nhà Vân, Dư cũng là người Hoa, anh có lợi thế hơn bọn húi cua trong lớp, là bạn của anh Tú, nên thường lui tới nhà , nhưng dù vậy vẫn không dám ngang nhiên chuyện trò riêng tư với Vân .

 

Thập niên đầu bảy mươi, bước vào trung học đệ nhị cấp, học chung với các đấng “ húi cua ”.Bọn kẹp tóc chúng tôi, dăm cô, đếm chưa đầy hai bàn tay, đúng là hoa lạc rừng gươm. Thật ra thì con số ít oi nầy mang lại những phản ứng khác nhau, phía kẹp tóc lẫn húi cua. Húi cua thì cho rằng chúng tôi cả gan xâm lấn đất đai, kẹp tóc thì cho rằng chúng tôi đang xé rào , nhưng dù thế nào thì những phản ứng nầy đóng góp đầy vào những tháng ngày vui buồn của thuở học trò, thời áo trắng mơ mộng, không biết bao nhiêu bút mực đã và đang tiếp tục viết không ngừng .

Vào những dịp văn nghệ thường niên, mùa xuân Tết Nguyên đán và Hạ trước lúc nghỉ hè, bọn con gái ban B [ Toán – Lý ] bỗng trở thành những bông hoa rực rỡ yêu kiều. Vì muốn đánh đổ thành kiến của các ban cho rằng dân học Ban B khô như củi mục , cứng như đá…Cho nên hầu hết các tiết mục nào cũng cố gắng đóng góp vào, từ ca hát, bích báo, kịch vũ…Dĩ nhiên trong số các đóng góp nầy không thể vắng mặt Dư. Anh là trưởng ban văn nghệ của lớp . Vóc dáng Dư cao lớn hơn tầm mức trung bình của dân húi cua thời bấy giờ, ít nhất là một thước bảy mươi tám, ăn mặc luôn chải chuốt, rất sát thời trang, nhưng cử chỉ nói năng lại rất nhẹ nhàng, nổi bật trong các tiết mục văn nghệ. Châu đoán anh lớn tuổi hơn cả bọn, do đó nhìn anh luôn chửng chạc như người anh cả..Mùa Văn nghệ Tất Niên, anh bận bịu tới tấp, đốc thúc tập dượt cho kịp thời gian, xếp đặt các tiết mục, và còn phải lo hối lộ bọn chúng tôi , khi thì chè nồi đất ở góc Tồn Nguyên, khi thì quán kem Như ý, các cô được dịp tha hồ vòi vĩnh.

 

– Châu, ngã đầu sang phải một tí, cười đi chứ.

– Cười? Anh cứ bắt Châu diễn lại cả giờ rồi, mệt quá! Châu nghỉ bây giờ.

– Châu à, ráng chút nữa thôi, anh dẩn tất cả đi uống nước mía vậy .

– Dư à , cười mõi cả miệng đó, Châu uống hai ly nha.

– Ưø! Thì hai ly.

Dư chuyện trò và chiều chuộng chúng tôi, cử chỉ anh luôn luôn trìu mến, dịu dàng trong cái cử chỉ săn sóc đó có điều gì làm Châu cảm giác khác thường.Khi cùng nhau viết và diễn một điệu múa, đóng chung ván kịch, anh rất chính xác, ngay cả những động tác đòi hỏi sự ẻo lả nhẹ nhàng của nữ giới. Thường khi anh đến thăm, ngồi chuyện trò hàng giờ , mấy chị em đang thêu thùa, anh bảo cho anh làm thử xem, nhìn bàn tay anh khéo léo , không thua chúng tôi. Nhân dáng anh thì hoàn toàn nam giới, nhưng cử chỉ lại mang nhiều nữ tính hơn. Mọi người đều nhận ra sự khác biệt, nhưng điều nầy lúc bấy giờ Châu không quan tâm, vì hãy còn vô tøư, lo mãi mê bắt chẹt, vòi vĩnh …

Châu trôi qua nửa năm học hiền hoà, cuối năm, ngày nghỉ Tết, lớp tổ chức tất niên, mượn được căn nhà trống của Ba Mẹ anh Long, thế là có ban nhạc sống do Dư điều khiển , chúng tôi lo chuẩn bị thức ăn nhẹ, các anh thì lo phần dọn dẹp và chạy rong .Ngày Tất Niên, Dư diện bộ quần áo trắng, nhìn anh đẹp như tài tử trong phim xả hội Trung Hoa . Châu nhớ điều nầy, vì tình cờ cũng chọn màu trắng và Ngọc chọn màu đen hai đứa thường hẹn nhau mặc màu sắc trái ngược trong các cuộc họp mặt bạn bè. Riêng Vân lộng lẫy trong chiếc áo màu đỏ thắm, bộ ba là những bông hoa xinh tươi rực rỡ trong buổi tiệc vốn dĩ khan hiếm phái đẹp của ban B khô như đá. Châu nhìn Dư xum xoe bên Vân . Từng ly nước, từng cái nhìn khi khiêu vũ, khi chuyện trò, cái gã si tình nầy đã biến thành tên nô lệ tự bao giờ.

 

Sau Tết Âm Lịch, trở vào trường, hầu hết đều lo lắng cho ngày thi sắp đến, may mắn cho bọn kẹp tóc chúng tôi, học nhưng không bị cái ám ảnh hỏng thi phải vào quân ngũ, trong khi các bạn trai thì phải cố gắng nhiều hơn. Sau ngày thi, trút được cái gánh nặng lại đối đầu cùng những ngày lang thang vội vã, bâng khuâng vì sẽ có người rời xa, có người phải vào quân ngũ. Mùa Hè, Dư vẫn thường đến thăm và chuyện trò như những ngày tháng mới quen nhau, nhưng Châu cảm thấy anh có điều gì bất an, Dư nói về những dự tính tương lai, không hề nhắc chuyện yêu đương, hay mơ mộng. Châu vẫn nhận ra điều khác lạ trong anh, nhưng cảm thấy chuyện trò cùng anh thoải mái hơn, có thể bàn luận về quyển sách mới đọc, truyện phim vừa trình chiếu. hay cả những mầu kiểu thời trang đang thịnh hành của phụ nữ, và cười vui cùng nhau như tình bạn bè .Trước ngày rời tỉnh lỵ về SaiGòn, Dư đến từ giã, mang cho Châu quyển lưu bút và cẩn thận ép mấy cành hoa Phượng hái trong sân trường. Châu còn lại một năm học cuối cùng của trung học. Ngày tháng như mây bay .

Vắng một thời gian, không gặp nhau, cuối hè năm sau Châu về Saigon tiếp tục học, nghe các bạn báo tin Dư đã về lại tỉnh lỵ .Cũng như hai con thuyền trên hai dòng xuôi ngược, mãi đến sau 1975, lúc lang thang về lại tỉnh lỵ, trở vào trường Sư Phạm, Châu mới có dịp chuyện trò cùng Dư thường xuyên hơn. Anh vẫn đến thăm, ngồi bàn chuyện trời đất mưa nắng cùng nhau, Châu nhiều khi thấy anh có vẻ băn khoăn, nhưng nghĩ vì thời cuộc, bọn ruồi ba mươi vẫn theo anh hàng ngày. Châu trở về trường nhưng tâm trí không còn chuyên học hành, những bài học cách mạng như những vết dao đâm …

 

– Châu, anh đi xa, mình sẽ không gặp nhau nữa, Châu có buồn không ?

– Anh nầy lạ. Sao lại nghĩ quẩn như vậy? Thời buổi nầy đi đâu bây giờ , hay anh đi cưới vợ lo làm ăn, sinh con đẻ cá,i nối dõi tông đường cho trọn đạo, xong đời.

– Châu đừng đùa, Anh nói thật đấy …

Vắng dăm ngày, anh lại mang đến tấm ảnh, cắm cúi ký tên ghi ngày giờ, nghẹn ngào từ giã, nứớc mắt rưng rưng

– Anh vượt biên, chỉ nói cho riêng Châu biết thôi, cầu nguyện cho anh, nếu anh không có tin tức , Châu lấy ngày đi cúng anh chén cơm, chung rượu…

– Anh có uống rượu đâu mà bảo Châu cúng ?

Châu nói lãng đi, đùa cợt cho bớt chuyện âu lo, cố gắng giữ lại ý nghĩ của riêng mình, tình trạng nầy đến khi cả bọn đi chắc cái tỉnh lỵ bé nhỏ sẽ vỡ tung ra …Châu đã nằm bến bao nhiêu lần, không dám nhớ, sợ sẽ chùn bước chân đi .

 

Cuối cùng, khi đã bình an cư trú nơi ngàn dặm cách xa quê nha, tất bật cùng cuộc sống, cố gắng bước lại những bước đầu ,Châu không còn thời gian nghĩ suy về những ngày mới lớn. Trong tận cùng những ngăn trái tim, mỗi người ấp ủ những hình ảnh, kỷ niệm, tờ thư bạn bè như từng chiếc lá bay, lăn lóc một góc trời, cuộc sống thầm lặng tan vào dòng đời cuốn trôi những ước mơ thời mới lớn.

Châu được tin anh, cuối cùng, cũng rời khỏi quê nhà, cái tỉnh lỵ bé bỏng chất chứa bao nhiêu tháng ngày hồn nhiên. Anh định cư Down Under, Australia, nắm níu chung cùng một số bạn bè ngày cũ. Không được bao lâu, lại như bầy chim tan tác, mỗi người theo đuổi những giấc mộng bốn phương, Anh lang thang trong vùng xa xôi nào đó, im lặng sống một cuộc sống khác. Tình cờ, có người bảo “… Gặp Anh Dư, chỉ có thể là anh thôi, không thể nhìn lầm, anh trang phục thật thướt tha, âu yếm sánh vai một anh chàng Úc cao lớn, nhìn anh rất ư là dịu dàng, khép nép theo nhau, hạnh phúc như một người hiền phụ ngoan ngoản …”

 

Năm trước đây, khi gặp lại cô bạn học sau phần tư thế kỷ, hai vợ chồng hắn kể lại những thàng ngày chung cùng với Dư ở thành phố miền Biển khi mới sang Úøc Châu. Cả bọn độc thân gom góp nhau chung một căn nhà, mỗi tên cố gắng tất bật chạy sở chạy trường, học đêm làm ngày vật vã. Dư đến muộn , trong khoảng thời gian đầu, Dư còn chờ niên học mới , anh chăm lo công việc, săn sóc nhà cửa như một người nột trợ, các bạn đi làm , đi học về đã có cơm dâng , nhà cửa tươm tất, sạch sẽ, săn đón nhẹ nhàng, chăm sóc như người vợ hiền .Lúc bấy giờ thì mọi người không thể phủ nhận sự khác thường trong anh. Anh ghen với tất cả những người bạn gái đến thăm, các bạn trong nhà càng cảm thấy khó chịu hơn, từng người lần lượt viện cớ để dời đi, cuối cùng thì căn nhà không còn là chốn nương thân, anh cũng trôi dạt về một phương nào vô định. Lần cuối cùng vợ chồng hắn gặp lại anh trong một khu thương mãi sang trọng, trang điểm cẩn thận như lời đồn, chào nhau , chuyện trò nhỏ nhẹ…

 

Anh sáng cuối đường bùng cháy lại, trong ký ức muôn màu, Châu nhớ từng cử chỉ nhẹ nhàng, lời nói êm ái, những ngày còn bên nhau, những lần anh băn khoăn tìm kiếm .Những gì trong một xã hội bình thường không chấp nhận sự khác thường? Anh cố gắng thu mình sống với cái vỏ bên ngoài nam nhân như người đời gọi anh , nhưng bên trong anh kêu gào thèm khát cho một cuộc sống khác, vượt qua những giới hạn, sống như một người phụ nữ với ước mơ … nghĩ đến thế giới tự do , nơi con người sống không giới hạn, không bận tâm đến những ước lệ .

Có phải anh như con ốc mượn hồn , bên trong cái vỏ ốc là thân cua chỉ chực chờ, tìm kiếm một cuộc sống khác, Anh băn khoăn đi tìm chính mình , có bao giờ anh hỏi “ tại sao lại sinh ra trong cái vỏ nam tính trong khi anh chỉ muốn được sống như các cô gái bình thường …”

Tôi cầu chúc anh hạnhh phúc, dù sống một nơi nào đó .

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

Leave a Reply