Phép mầu

Phép mầu

 

Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cuả Amy làm tôi cũng vui theo. Từ bấy lâu, sau những tang ma dồn dập, cộng thêm việc săn sóc cho Mẹ chồng đang lâm bệnh trầm kha, nụ cười nở ra trên môi bà rất hiếm hoi. Mỗi lần gặp nhau, tôi lặng lẽ ngồi nghe Amy kể chuyện, than vãn cho nhẹ long đi, bà vẫn luôn cảm ơn tôi đã chia sẻ, giành cho những lời an ủi khích lệ, giúp đỡ tinh thần. Tôi mĩm cười gạt đi, đã là bạn bè, sao lại không nhỉ ? An uỉ bà không tốn kém tiền bạc, có chăng chỉ là những lời nói , bà tôi chẳng từng dạy bảo chúng tôi : “ Lời nói không mất tiền mua …” đấy hay sao .

 

– Chú Roy đã phục hồi và xuất viện rồi .

– Chú Roy ? Là ai vậy ? Sao tôi không nghe bà kể chuyện chú bệnh gì mà phải vào bệnh viện ?

– Oh ! Tôi lẩn thẩn quá, Chú Roy là bác sĩ gia đình, người đã chăm sóc chúng tôi cho đến khi tôi dời nhà về vùng ngoại ô.

– Thì ra Ông ấy là người bà thường nhắc lại mỗi lần phải đi tìm kiếm bác sĩ gia đình mới?

– Vâng, con bé nhà tôi không chiụ đi bác sĩ nào khác, nhưng mỗi lần mang cháu đi khám bệnh, phải đến tận phòng mạch cuả Chú, đi về mất luôn cả ngày trời …

– Tôi thông cảm với bà chuyện nầy lắm, vì chính các con cuả tôi cũng thế, chúng nó chỉ muốn đến Doctor Tang thôi. Nhưng Ông ấy không phải là Bác sĩ gia đình, Ông chỉ chuyên về nhi đồng thôi, khi chúng nó lớn lên, đã bắt đầu tuổi thiếu niên, Ông cứ bảo tôi phải chọn Bác sĩ khác, khổ nỗi không đứa nào chiụ, xin hẹn với bác sĩ khác là chúng nó phàn nàn đến bực mình thôi, mãi đến lúc Ông về hưu thì các con tôi đành phải chấp nhận người khác .,.Nhưng nầy, Bà bảo Chú Roy phụ hồi, nhưng bệnh gì thế ?

– Chú vào bệnh viện North-Westhern để thay tim đó.

– Thay tim ? chuyện quan trọng đến thế ư ? mà Chú bao nhiêu tuồi rồi, tại sao phải thay tim lận?

– Vâng, chuyện nầy khó tin phải không ? Chính tôi cũng không ngờ mà. Chú Roy tuy là bác sĩ, nhưng tuổi đã quá bảy mươi, cho dù tên chú có nằm trong danh sách chờ đợi để thay tim cũng coi như không có hy vọng rồi. Chưa kể phải tìm cho đưọc trái tim thích hợp, và còn tuỳ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác nữa chứ. Cho nên đến bây giờ, đã có bao nhiêu người được thay tim đâu, danh sách chờ đợi dài lê thê, khó khăn rất mực, cần phải đúng lúc và đúng người, vậy mà chú Roy lại rơi vào trường hợp hiếm có nầy. Tôi cho đó là phép mầu thôi bà ạ.

– Đúng là hạn hữu, nhưng Chú lại dám làm, tôi phục chú rất can đảm.

-Ô! Chú chấp nhận chuyện rủi ro, chú là bác sĩ mà , dĩ nhiên là Chú hiểu rõ những trở ngại cũng như những biến chứng đi kèm, chưa kể là cuộc giải phẩu dài lê thê. Hình dung là nằm đó cho người ta cắt lấy trái tim mình ra, rồi dùng trái tim khác thay vào, nối từng động mạch… ấy! ghê thật bà ạ!

– Vâng, Tôi cũng phải khâm phục sự tiến bộ vượt bậc cuả ngành giaỉ phẫu bây giờ .

– Điều nầy thì không thể phủ nhận được. Chú hiện nay đã xuất viện,và đang dưỡng bệnh ở nhà, cuối tuần nầy tôi sẽ ghé thăm. Tôi đang dự trù sẽ tổ chức một tiệc mừng vào ngày Lễ Tạ Ơn tới đây Lâu nay, từ sau những biến cố dồn dập trong gia đình, có quá nhiều thân thuộc cùng bạn bè đã hết lòng giúp đỡ chúng tôi, bây giờ đến lúc chúng tôi phải vượt qua những khó khăn để bước tới, tôi muốn cảm ơn mọi người , nhân tiện mời bà đến chung vui và chia sẻ cùng chúng tôi.

– Vâng, bà nghĩ rất đúng. Tôi cầu chúc cho bà trọn vui,

– Cảm ơn bà

Khi tôi kể lại cho bạn nghe trong mẩu chuyện hàng ngày cuả chúng tôi, niềm vui như vết dầu loang… Kèm theo tiếng cười qua làn sóng điện từ. Tôi cảm nhận được bên trong tiếng cười cuả bạn có trăm nghìn ước muốn không cần phải nói ra lời

Đây là câu trả lời cuả tôi:

– Vâng, nếu Tôi có phép mầu biến hoá, tôi sẽ cắt bỏ hết trái tim phản bội cuả con người thay vào bằng trái tim vị tha chân thành…

 

Vũ Thị Thiên Thư