Ỷ mạnh

Ỷ mạnh

Trở chiếc cán dù, dùng chiều cong như cái móc, cài vào cổ tên vô loại, gặt nhẹ cổ tay, hắn chới với, bật lui lại, mất thăng bằng ngã vào thùng nước rộng cá cuả bà bạn hàng, tôm cá và nước dơ bắn tung toé. Hắn đứng lên, sừng sộ quay phắt lại, một đời hắn cũng không ngờ, chỉ có người phụ nữ mảnh mai kia, đang đứng chống dù nhìn hắn, nhìn lại lần nữa, không còn một ai, ngoài những người hiếu kỳ đang dàn thành vòng tròn, họ chờ đợi tấn tuồng sẽ diễn ra. Chưa kịp cất tiếng, cô gái trẻ với hai bính tóc rẻ đám đông bước vào, hai khuôn mặt hao hao, chỉ có màu da rám hồng cuả người phơi ngoài nắng nhiều hơn trong nhà. Cô ta trừng mắt nhìn hắn, hỏi trống không:
– Muốn đánh nhau ? Làm tàng hả ? Đánh phụ nữ ?
Quay sang người phụ nữ, cô ta diụ dàng:
– Hắn làm phiền chị ? Muốn em đánh nó không ?
Người phụ nữ chậm rãi móc chiếc khăn luạ thêu tay, nhẹ nhàng lau chiếc cán dù, hành động như không cần thấy tên côn đồ đang sừng sộ, chỉ ngại làm dơ chiếc cán dù yêu quí. Giọng nói thật diụ dàng:
– Không cần em ạ, chỉ bẩn tay, về đi.
Tên vô loại không dằn được, khuôn mặt đỏ gay vì giận dữ, cánh tay giơ lên, chưa kịp gạt ngang thì “chát “, má rát rạt, hắn lùi lại, nhìn người phụ nữ đứng trước mặt, Cô ta an nhiên đưa ánh mắt lạnh lùng nhìn hắn, xoa má, hắn không thể hình dung đôi bàn tay nhỏ nhắn đó vừa tát mình, tiếng cười cô bé như châm thêm dầu:
– Đáng đời, định đánh cả trẻ con à ?
– Người chạm vào một sợi tóc cuả em, người sẽ ăn roi, về mà gậm nhấm, ta không nói suông.
– Đánh đi cô hai, phường vô lọai, thứ ỷ mạnh chỉ biết hiếp đáp phụ nữ tay yếu chân mềm, nay gặp hai cô.
– Chị cho em đánh nó một trận, em gai mắt lắm rồi, thứ súc sinh nầy, chưa đánh què tay nó, em chưa thoả mãn.

Ti quay sang nhìn đôi bàn tay cuả chị, mê mải nghe chị kể chuyện, nhìn lại trái thơm trên tay chị Trân, từng lớp vỏ, từng mắt thơm, từng lát dao cắt hình chữ V, chạy theo hình nghiêng, đều đặn, đẹp như vẽ. Ba vẫn khen chị Trân khéo, mà mình còn mê nghe chị kể chuyện hơn. Chưa bao giờ được về thăm quê nhà, miền quê hương tuổi nhỏ của Cha, cuả các chị , được chị Trân vẽ ra đầy màu sắc.
Sinh ra và lớn lên, Ti vẫn chưa bao giờ hình dung được căn nhà Tổ Đường, do chính bàn tay Nội gầy dựng lại. Hỏi trăm câu hỏi, về những người phụ nữ trong gia đình, về bà Nội, người chuyên kể chuyện vui , tính hài hước cuả bà Nội , do các chị kể lại chưa hết…Nhất là Chị Kim, mỗi lần chị sang đây, nghe chị kể chuyện, bảo đảm sẽ cười lăn xuống ghế, cười đau cả bụng, mỏi cả xương quai hàm…Chị kể mãi không dứt …
Ba bảo: “Học tính khéo léo, trầm tỉnh cuả chị Trân, vui tươi chọc cuời cuả chị Kim, giỏi giang cuả Chị Mai, ngăn nắp kỹ lưỡng cuả chị Mây…” Ôi ! Học hết mấy chị thì Ti cũng đến già mất.
– Chị Trân nầy, Cô Hai có thật giỏi võ không ?
– Có chứ em, Ba chị vẫn thường kể lại. Nghề cuả Cô là Nhuyễn tiên, đánh roi mềm đó em, cô nhanh nhẹ, đánh như lướt, Cô từng đánh trặc tay chú Ba Vinh, các Cô Chú học cùng thầy, là người nhà.
– Sao vậy chị, người nhà mà, đánh cả người nhà sao ?
– Không đâu, dạy bài học đó em, tính cô nghiêm lắm, rất ghét người hạ tiện, Chỉ vì Chú Ba lỡ đòn, đánh với người yếu hơn, Cô Hai kỵ tuyệt đối bọn ỷ thế mạnh, nên mới ra đòn nặng với Chú, đánh chú lọi tay, vậy mà Bà Năm không dám hở răng mách với Nội.

– Vậy Cô hai có đánh caí tên vô lại kia không chị ?
– Ti, em từ từ chứ, chị sẽ kể tiếp mà, còn Bà Kế Hiền …Bà mới chính là người …Những người phụ nữ mong manh trong nhà …còn nhiều người chẳng sợ anh Tây nào lắm …

Vũ Thị Thiên Thư
{còn tiếp }

Sân cỏ ngày nào

Sân cỏ ngày nào

 

Buổi sáng, hương cà phê diụ dàng, nhấp từng giọt , thấm từ môi thơm .Giọt nắng long lanh trên ngọn cỏ mươt mà xanh , cơn mưa nhẹ đêm qua lau sạch những hạt buị bám vào cành lá. Chòm hoa Kèn rực rỡ bên hiên nhà .Chút bình yên đầu ngày, tiếng chim rôn ràng hoà cùng nhịp điệu, chàng Blue jay nhảy nhót trong sân cỏ, phơi bộ cánh xanh điểm hoa tươi thắm, cô Cườm dỏm dáng khoe những hạt chuỗi long lanh. Chàng Cardinal ức đỏ choét cũng tung tăng phô sắc. Chợt nhớ những sáng ngày uống cà phê với Ba sau nhà , khoảng thời gian ngắn ngủi bên cạnh nhau, Ba đọc báo dưới nắng mai, bầy chim đã quen thuộc cùng bóng dáng gầy gò của ông cụ, chiếc lồng chứa thức ăn khởi điểm treo trên cành đào ở cuối vườn, cuối cùng chuyền sang cành lê sát bên lan can của sàn gỗ, bầy chim theo những hạt giống, chúng nối đuôi nhau chờ đến phiên mình …Ba bảo

– Con thấy lũ chim kia không , chúng nó biết xếp hàng đấy chứ, con nầy ăn xong bay đi, đến phiên con khác. Chim chóc còn biết tự trọng .

– Ba, chúng biết không mất phần , thức ăn thừa thãi ra đó mà , không cần phải chen lấn đâu

– Biết vậy , nhưng không phải nơi nào cũng có khuôn phép trật tự đâu con à .

– Con biết Ba muốn nói gì rồi …

 

Ba năm, như giấc mơ, những buổi sáng ngồi nhìn nắng sau nhà, dường như vẫn thấy dáng Ba ngồi chuyện trò cùng bầy chim líu lo . Bầy Chồn sau nhà vẫn vào thăm , chờ thức ăn mỗi tối, nhất là anh chàng thọt chân, ngồi thù lù dưới gốc cây mong đợi …

– Ba à , sao lần nào về con cũng không thấy bóng Cò trắng vậy? Hay là con về trái mùa ?

– Không còn tìm thấy đâu con, bắt giết, săn đuổi …Chim chóc tản mác hết , không còn tụ tập bay từng đoàn như ngày xưa

– Nhớ những lần Về Ngoại, nhìn anh chàng Cò cô độc đứng bên mé nước , dáng trầm ngâm , kiên nhẩn , con nhớ quá hình ảnh nầy , cứ tìm hoài , lần nào về cũng không tìm thấy hết , có nhiều hình ảnh còn đậm , nhưng không bao giờ thấy lại, bây giờ mới thấm thía chuyện Lưu Nguyễn về Trần

Những mùa khô, nắng gió, chờ từng cơn mưa rào, mưa không ướt đất, chỉ ướt áo người, thuở còn thơ nằm lăn trên sân cỏ đếm từng cánh chim bay giăng thành hàng trên nền trời chiều xanh tím . Trăm ngàn câu hỏi nối tiếp nhau

– Ba, con nầy là chim gì vậy ?

– Chim se sẻ

– Sao gọi là se sẻ

– Thì hắn nhỏ như con vậy

Con chim sẻ nhỏ cuả Ba chỉ mơ trời cao bát ngát, không thấy những nguy hiểm chực chờ, bao giờ cũng hăm hở nhiệt tâm lao vào đời bất chấp. Trong ngăn ký ức chất đầy , những câu hỏi tò mò, nhìn sự vật bình biện, trực diện, và bằng chiềư sâu thăm thẳm. Cũng như khi đứng trong sân cỏ cuộc chơi, khi phản hồi để tiến tới, khi trầm mặc nghĩ đến phương cách vượt qua …

 

– Ba, chaỵ hai vòng rồi, thôi đi Ba, mệt quá

Con bé thở phì phò như con trâu kéo cày, hai vòng cột cờ trong sân Nhà làng [ Trụ sở Hội Đồng xã ] Ba dẫn đầu, đội banh chạy theo, con bé chạy trong vòng đồng tâm, đôi chân nhỏ lấp vấp, mái tóc cũn cỡn phất phơ, kiệt tác cuả Bác Tư thợ hớt tóc [Ông mang cả bầy cháu đến xếp hàng trước cưả hiệu cuả Bác Tư, con trai con gái gì cũng huí cua, cho nó mát ] Bà nhìn đứa cháu gái đầu lòng yêu quí thở dài xót xa, con bé chẳng màng, cứ quanh quẩn theo Ba, sân cỏ mỗi chiều rộn ràng bao nhiêu đội banh, Thanh Niên, Thiếu Niên … tập luyện tới tấp, ngày thi đấu cận kề. Bác Tư cũng là Tiền vệ cho Đội Thới Long. Cuối tuần nầy sẽ đấu giao hữu với Trường Long trên sân Phong Phú. Ba làm Thủ Quân cho đội, ngoài chuyện đốc thúc còn cà phê, chanh, đá…nên kiêm luôn cả chức Mạnh Thường

Những trận banh trong trí nhớ qua giọng truyền thanh cuả Ký Giả Huyền Vũ , cộng vào tiếng hào hứng la hét, chiếc máy phát thanh hiệu Philipp sáu Band Ba kệ nệ mang về, hôm nào có đội tuyển quốc gia chơi trong sân Cộng Hoà, coi như cơm nước nguội lạnh, nhà đầy khách, tiếng hô “ sút “ bên ngoài còn to hơn tiếng máy phát thanh .

Năm nầy, Túc cầu Thế Giới cũng rộn ràng trong hộp thư Yahoo “ My crazy Relatives “. Cũng sôi nổi loạn bàn, từ những ngày USA đội nhà chơi bất cần, cho đến người anh em Down Under Australia vòng hai, rồi Brasil cuốn cờ tiu nghĩu …Ngày cuối tuần sang Michigan dự ngày kỷ niệm ba mươi lăm năm xiềng xích [ ngôn ngữ cuả quí vị Phu Quân khi Chén Huynh đệ chi binh hào hứng ] Ngạc nhiên khi thấy vắng người hùng ” Cọp ba đầu rằn” , thì ra anh ấy còn đang chờ trái bất cẩn cuả Brasil đưa chàng Tây Zidane lên tận đỉnh kinh thành hoa lệ. Trái đắng Brasil nuốt thật nghẹn ngào từ giã sân cỏ. Ôi! chuyến đi không lại về không .

Bên miền Viễn tây ngậm nửa trái chờ trận đấu tối nay …

 

Nhớ ngày như in trong tâm thức, lúc thúc chạy theo Ba trong sân cỏ ngày nào tóc chưa đủ dài đuổi gió bay …

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

[ Tập truyện rất ngắn : Ba ]

 

 

Chiếc áo tri thiên mệnh

Chiếc áo tri thiên mệnh

 

 

Những đêm khi các con đã yên ấm trong chăn nồng thì mẹ vẫn còn lọc cọc cắt may. Mỗi lần bạn bè họp nhau cuối tuần lại thấy các con diện bộ cánh mới đi chơi. Con trai thì như cậu hoàng con, áo sơ mi trắng, áo khoát ngắn mặc ngoài, Trân cũng một bộ cánh mới toanh, trông xinh xắn như con búp bê …

 

Ngày lang thang với nhau, trong khu thương mại, rẽ vào một cửa hàng bách hóa, Thu dạo một vòng, mang lại mấy cái áo đủ màu, cẩn thận ướm vào cho chị rồi khen:

– Chị à! Em thấy cái nầy coi cũng được quá đó, chị vào trong mặc thử nhé ?

– Nhỏ à! Đẹp thì có đẹp, nhưng chị không cần, bây giờ ít khi đi đâu, mua mà không mặc treo hoài cũng bám bụi thôi .

– Thì thỉnh thoảng chị đi ăn tiệc mặc cũng được vậy.

 

Tiệc tùng gì nữa em, cuối tuần gặp nhau, dăm ba người bạn vong niên, trẻ nhất cũng đã tri thiên mệnh, ngất ngưởng khề khà, chuyện trời đất mênh mông, chén anh chén chú . Cuối cùng cũng trở lại…” Phụ phù phu..” (*) Lặng lẽ dìu phu quân ra xe, miên man lái về, có khi nửa đêm, có khi gần sáng, như vậy cũng xong một cuối tuần yên giấc.

Bạn bè dăm ba người đếm trên đầu ngón tay, như cái vòng lẩn quẩn, gặp nhau chút chuyện cười đùa cho qua tuần trả nợ áo cơm. Trong sở thì một năm đôi ba lần khao thưởng, cưới xin dăm mấy khi mới có dịp, lúc đi mừng thì bỗng dưng thấy mình trở thành trưởng thượng ăn trên ngồi trước. Bước lên hàng cô bác, ai lại mang mặc bộ cánh của thời thanh niên, vào ra cùng bầy trẻ thì thật là chướng mắt. Nhưng cho dù có tha thướt trong áo dạ hội thì vẫn nhớ tà áo dài quấn quít theo từng bước chân.

Hàng năm, ngày liên hoan cho toàn thể nhân viên, bạn bè thường đùa nhau là “JCP Prom night “, từ mấy tuần lễ trước ngày đã ríu rít hỏi nhau, ” Chọn được áo chưa? Màu gì …” xôn xao như bọn trẻ. Lần nào cũng đứng trước gương nhìn lại tủ áo, rồi mang mấy chiếc áo dài ra nâng niu vuốt nhẹ, lụa mịn màng dịu mát dưới làn da tay, bâng khuâng.

 

Một lần nọ, cơn nhớ nhung dâng trào, trong buổi tiệc liên hoan, cứ phân vân, nhìn hàng áo, nhớ quá, chọn chiếc áo dài in hình lá phong, lụa mềm mại.

Trời tháng mười, thêm chiếc áo khoát mỏng che hờ trên vai, phòng tiếp tân ngợp màu sắc, bao nhiêu là áo kim tuyến lấp lánh, ngũ sắc loang loáng như vòng cầu, khi bước vào, vừa cởi chiếc áo khoát, trao lại cho người nhân viên phụ trách việc máng áo vào phòng chứa, còn đang đứng chờ một chút, cho đôi mắt quen với ánh đèn, và sẽ đi tìm chỗ ngồi, bạn bè chạy lại xúm xít, tên nầy lại vuốt áo, tên kia bấm máy ảnh…

– Áo của Bà kiểu lạ và đẹp quá, gọi là gì vậy ?

– A! Aó dài, đây là quốc phục của phụ nữ Việt Nam chúng tôi.

– Không ngờ quốc phục của bà vừa kín đáo lại tha thướt, cho dù che kín cả người không phơi bày một mảnh da, nhưng lại không che hết các đường cong trên thân người, thật là mong manh và quyến rũ…

Những năm sau nầy không còn tay bế tay bồng, không còn phải khư khư nắm chặt tay hay tất tả chạy theo, mỗi năm Tết về, tôi lại cắm cúi ngồi may áo dài đi chưng diện. Dần dà mùa đông hay mùa hè, mỗi khi cần phải đi dự tiệc tùng quan trọng hay đi ăn mừng lễ lộc cưới xin, áo dài vẫn là chiếc đầu tiên và cuối cùng tôi chọn lấy.

 

Mùa hè, nắng Ngũ Đại Hồ và không khí ẩm đầy hơi nước, sức nóng ngột ngạt như những ngày còn thanh niên ở quê nhà. Bọn chúng tôi bước dần vào tuổi tri thiên mệnh, nhìn những mái tóc nhạt dần theo màu thời gian, sợi trắng lấn sợi màu. Bạn bè mỗi lần họp mặt nhau, không phàn nàn về một căn bệnh vừa chớm phát, thì sẽ thở than về bóng chiều lăm le trên ngưỡng cửa.

Tôi và cô bạn nhỏ tuổi hơn đang ngồi chuyện trò, chợt cô đá vào chân tôi và nhìn ra cửa. Theo ánh mắt của cô, tôi nhìn mà ngữ ngôn bay biến. Một bà bạn khác của chúng tôi, tuổi tác có hơn tôi dăm ba năm, tôi cố không nhìn bà mà thở dài, chờ cho bà đi khuất, cô bạn nhỏ quay sang

– Mai mốt nhỡ em có thay đổi tính tình, sinh tâm, chị ráng gõ vào đầu cho vài cái nhé, kẻo em làm trò cười cho thiên hạ…

– Ừ nhỉ, người đi trước là chị đó, nhỡ chị có làm chuyện không giống ai thì cũng nhớ chặn lại, nhất là, khi có dịp gặp nhau nhớ nhắc nhở trông chừng cho nhau.

Bà bạn tôi, tấm thân nẩy nở theo những chiều không cần thiết, chiếc áo cánh phơi một vùng thiên nhiên màu mỡ, chiều dài chưa giáp thắt lưng, chiếc quần jean bó sát đùi, bày ra từng ngấn thung lũng chìm sâu. Tôi lắc đầu, dù cho có muốn cố gắng kéo lại thanh xuân, trong mỗi người chúng ta, nhưng tôi thật không có can đảm khoát lên người bộ áo cánh non nớt, riêng dành cho các thiếu nữ trẻ trung vào thời mới lớn, và còn ngang nhiên bất chấp , nhởn nhơ phơi bày ra trước nhãn quan thiên hạ.

Cô bạn nhỏ và tôi, điều chúng tôi lo ngại nhất là khi đến tuổi tri thiên mệnh, sự mất quân bình kích thích tố, tính tình đột nhiên thay đổi, hay làm những chuyện.. “out of line ” hay nói cách khác đi làm trò cười cho thiên hạ, như bà bạn tôi đang làm.

Đã lăm le vào tuổi năm mươi, tôi hiểu rất rõ là mình đang nắm níu, cố gìn giữ xuân xanh, tươi trẻ, nhưng không có nghĩa là ăn mặc như vậy, nhất là khi thân hình đã qua bao nhiêu lần cưu mang, không còn rắn chắc như thuở trước, vòng eo thon thả ngày nào đang có khuynh hướng tăng trưởng, những bắp thịt tay chân cũng nhão nhoét theo thời gian.

Tôi nhìn xuống đôi bàn tay của chính mình, những ngón tay thon thả ngày nào vẫn còn dài dặn, nhưng những lằn gân xanh chằng chịt đã ló dạng. Khi đứng nhìn chính mình trước gương, những nếp nhăn trên trán, nụ cười kéo theo đuôi mắt, có thể che đậy bằng phấn son trang điểm, nhưng không thể dối chính mình. Điều quan trọng là có giữ được cho chính mình cái nhân cách, cái bình an cho tâm hồn? Tươi trẻ không có nghĩa lố lăng, ăn mặc diêm dúa không hợp tuổi tác, nhất là đã bước vào cương vị cô bác trong nhà.

Điều khó khăn nhất là chiến đấu với chính mình, với bệnh tật, với triệu chứng, những ngày mưa sắp về, từng lóng tay, khớp xương đã báo trước, những lúc nóng lạnh bất thường, gánh con gánh cháu… cùng lúc với người bạn đời tuổi cũng sắp bước vaò thời kỳ viên mãn, chọn cho mình con đường nào để đi, nẻo nào để rẽ, quả là nhiêu khê…

 

Bạn tôi, chị cũng hơn tôi mươi tuổi, con cái đã thành tài, đứa nào cũng xong đại học, rồi cũng gia thất đề huề, mổi đứa một nơi, bờ tây Thái bình dương nắng ấm, ven đông Đại Tây dương bão bùng, năm một lôi hai năm, đứa gọi Mẹ ơi ới, chị bay sang đông nuôi con dâu dược tròn tháng thì lại bay về tây con gái đang chờ ngày… Khổ nổi anh hãy còn đang làm việc, phải chờ đợi vài năm nữa thì mới đủ tuổi để về hưu.Lại lếch thếch cơm cá đông lạnh ăn hàng tháng hàng ngày, lủi thủi cạo tuyết sớm mai, vào ra quạnh quẽ.

Nhớ lại những tháng năm chị còn bồng chống bầy con dại ở quê nhà, anh một thân một mình theo tàu vượt khơi, sang xứ lạ quê người, nhớ vợ con hiu hắt. Ngày cắp sách, tối đi làm, một nắng hai sương, dành dụm, mang được vợ con sang thì lại tiếp tục hai sương một nắng lo cho bầy trẻ nheo nhóc, đứa vào trung học, đứa vào tiểu học, đón đứa nầy, đưa đứa kia, ngồi xuống dạy kèm đứa lớn, quay sang giảng bài đứa bé… Cho đến khi chúng vào đại học, lần lượt thành tài, đi xa theo công việc, còn lại hai vợ chồng vào ra có nhau, sớm hôm bầu bạn. Mọi người nhìn anh chị trêu là bây giờ mới là tuổi vàng son như thuở… Chưa được bao lâu thì chị lại khăn gói sang đông, về tây…Anh lại một mình sáng cơm tay cầm vào sở, chiều về bạn với microway, thức ăn trong tủ đông đá mang ra nuốt vội, chời giờ giấc vào phôn vợ dăm câu, hỏi thăm chút sức khỏe hàng ngày, và đi ngủ, chờ sớm mai lập lại.

 

Bạn tôi, chị và phu quân hơn bốn mươi năm hương lửa, anh thuở xưa lấy quân đội làm nghề, lang thang ngày nầy tháng nọ. Chị ở lại quê nhà giữ một mựchiếu hạnh dâu con. Cái máu cuộc cờ chén rượu, anh đàn đúm bạn bè, chị không hề hé răng, hàng tháng tay bồng tay dắt, tay xách nách mang, gói ghém chút thức ăn, con cá khô quê nhà, hạt gạo hương lúa mới, chẳng lạ gì tính hào phóng của chồng, mang theo các thức để chia chát cho cả bạn bè. Ngày vất áo trận tiền, nắm níu vợ con, anh trốn lại lặn lội về quê nhà nhìn bầy con nheo nhóc, thở dài, dắt díu nhau tìm vào tận đồng ruộng xa xôi, đốn tre lợp mái lá, trồng luống rau, ngày cuốc đất ẩn thân, đêm nhìn sao hiu hắt. Thầm tính toán, chạy đáo chạy đôn…

Cuối cùng, bồng chống xuống con tàu lênh đênh, mang được vợ con tơi tả sang Bidong bi đát, đốn cây lợp mái chai tay, cắt nhánh chặt cành, gánh củi oằn vai, rồi cũng theo nhau về định cư xứ lạ quê người, bầy con như lúa xạ, lớn theo năm tháng, cũng phu thê, cũng con cái đề huề, cũng chén anh chén chú. Ngồi lại cùng nhau, chị vẫn dung nhan tươi cười, đơn giản.

– Ậy cái số mà, chạy nắng chớ không ai chạy trời, hồi đó ông già không chịu gả, đã từ chối rồi, ai lại đi hỏi nữa, vậy mà ông già chồng nhứt định hỏi cho bằng được.

– Ừ, hồi đó anh cũng bê tha, bồ bịch tùm lum, ai lại về quê cưới vợ bao giờ, ông già nhứt định lôi về, đám hỏi mà chưa gặp nhau nữa là, vậy mà hơn bốn chục năm đó.

Anh chị cũng con đàn cháu đống, các con quây quần chunh quanh, cách nhau không hơn nửa tiếng lái xe, cuối tuần trong nhà vang tiếng trẻ. Có đứa vào đại học, có đứa không, nhưng cũng cửa nhà êm ấm, cuộc sống bình an. Hai vợ chồng đi làm hàng ngày, chiều về anh khề khà lon bia, chị bên cạnh, khi thì tuồng cải lương trong máy, khi thì hài kịch, phim tuồng. Con cháu đi học về, hôm nào ghé ngang thì bà xới cho chén cơm, khi thì khứa cá kho, lúc thì miếng sườn nướng… Mỗi năm, ngày sinh nhật anh, chúng mang lại, đứa thì chai Cognac, đúa thì con tôm hùm cho Ba đánh chén, sinh nhật chị thì chúng kéo nhau ra nhà hàng Tàu, ăn cho đầy bụng, hể hả mọi người.

 

Hai chị bạn, hai cảnh đời, người thì con cháu quây quần, kẻ thì chạy theo tất bật, cùng lứa tuổi bên trời lận đận, hai ông chồng, người còn đìu hiu cơm canh nguội lạnh, kẻ thì khề khà chén rượu mỗi chiều. Hai bầy con, bên thì danh phận rỡ ràng, nhưng lại quá bận rộn áo cơm, không có thời gian lo chăm sóc con cái, sinh ra thì chỉ mong giao lại cho cha mẹ, đã không lo được miếng ăn, chén nước, còn bấu viú vào công lao cuả Mẹ, tranh nhau từng tháng từng ngày, Mẹ tuổi đã cao, nay chạy sang đông giúp, mai chạy sang tây lo…

Trong khi đó, bầy kia chỉ thì học hành cơ bản, lấy lao động lập thân, chăm chỉ làm ăn, ngày ngày vấn an cha mẹ, khi thì chén rượu, lúc miếng ăn, chưa kể hàng năm lo cho Cha mẹ cuộc nghỉ hè nầy, chuyến du hành nọ, luôn luôn lo lắng tìm cách cho cha mẹ an vui…

Cô bạn nhỏ và tôi, tuổi đời không cách xa nhau mấy năm, con đường tri thiên mệnh kề cận, nhìn hai hòan cảnh khác nhau, trong lúc trò chuyện, vẫn thường hỏi nhau “chúng ta rơi vào trường hợp nào? Dù biết là ngày mai không hứa hẹn, nếu có chọn được thì chúng ta chọn cho mình con đường nào để đi? “

Làm sao có thể chọn được cho mình, và biết rơi vào trường hợp nào? Cầu mong cho con cái thành công và hạnh phúc. Chắt chiu nuôi nấng cho chúng ăn học thành tài, dựng sự nghiệp, lập gia đình, và tiếp tục chạy tất bật theo chăm sóc luôn cho con cái chúng, hay chỉ chờ cho chúng yên bề gia thất rồi vợ chồng sẽ tiêu dao ngày tháng, an hưởng tuổi vàng?

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

(*) “Phụ phù phu” Do điển tích trong Văn học: Sư sử sứ – phụ phù phu:

 

Vua Lê Thánh Tôn đi kinh lý, thăm làng Cao Hương huyện Vụ Bản,Sơn Nam, quê hương của Trạng Nguyên Lương Thế Vinh, đến thăm chùa, lúc bấy giờ nhà sư cụ đang tụng kinh, bỗng đánh rơi chiếc quạt, người ra hiệu cho chú tiểu nhặt, nhưng vị quan tùy tùng của nhà vua đang đứng kề bên vội nhăt lấy và trao lại cho sư.

Nhà Vua thấy vậy mới nghĩ ra câu đối :

Đường thượng tụng kinh, sư sử sứ [nghĩa: trên bục đọc kinh sư khiến sứ ]

Và Ngài thách các quan đối lại, vế đối khó khăn ở ba chữ cuối : Sư sử sứ,thật là oái oăm

Trạng nguyên Lương Thế Vinh vẫn ung dung ngồi uống rượu, Vua gọi đích danh quan Trạng bảo hãy đối lại, Quan điềm nhiên uống xong bảo người hầu hãy về nhà vời Phu nhân đến dìu mình về, khi Nhà Vua hỏi thì Trạng trả lời : Thưa đó là câu đối của HạThần, và chỉ vào phu nhân Quan thưa:

Đình tiền túy tửu, phụ phù phu [Trước sân say rượu, vợ dìu chồng]

Khúc hát

Khúc Hát

 

 

Rút tơ lòng dệt thơ

Chở từ ngôn cẩn trọng

Trời Bắc phương lồng lộng

Nơi nào ươm ước mơ

 

Hồ Mã hí đoạn trường

Nam phương mờ cánh nhạn

Dòng sông thương nước cạn

Nhả sóng sầu vấn vương

 

Chén ngọc giọt lệ rơi

Tan mảnh tình huyền thoại

Trăng xuôi dòng nước đợi

Khúc nhạc trầm luân trôi

 

Cánh tiên bay lên trời

Đường trần gian mê mãi

Ôm mối tình si dại

Cất tiếng hát mù khơi

 

Vũ Thị Thiên Thư