Bên Kia Lăng Kính

Bên Kia Lăng Kính

 

 

– Cô có đi hộp đêm bao giờ chưa ?

– Hộp đêm à ? Là nơi uống rựợu phải không? Cô không uống được rượu

– Không , ý em muốn nói là loại vũ trường bỏ tuí ấy mà, nơi có bar rượu, có nhạc sống, có trình diễn vũ khỏa thân …

– Oh ! Chổ ấy thì , thú thật, cô chưa đến bao giờ

– Thưa Cô , Em đang làm việc nơi ấy .

 

Tôi nhìn cô bé hoc trò, khuôn mặt nhỏ nhắn, không còn nét ngây thơ. Ngày vào nhận lớp, từ cơ sở cũ chuyển sang, tôi ngại ngần vô cùng, thú thật , tôi vẫn thương đám học trò mà ban giám hiệu dán cho tấm nhản “ bất trị ”. Giống như dây chùm gởi, cơ sở daỵ dỗ cuả chúng tôi chỉ là những phòng học nằm bên một nhánh riêng biệt. Ngôi trường Trung học cuả thành phố nổi tiếng nhất nước Mỹ về tội ác, nơi tôi cắm cuí, kiên nhẫn, hàng ngày mang chút kiến thức mong truyền lại cho những thành viên tận cùng cuả xã hội, đưa bàn tay ra, níu kéo, diù dắt, giúp đỡ cho các em một cơ hội để làm lại cuộc đời. Điều cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn tự hỏi, các em có cuộc sống bao giờ đâu mà bảo rằng làm lại? Lây lất trong căn nhà tồi tàn với người tạo ra hình vóc, ăn uống những thức ăn vương vãi, hàng ngày nhìn những cơn say ngất ngưỡng cuả rượu chè hay lờ đờ cuả ma tuý , nếu bảo đó là cuộc sống .

Đứng trên bảng đen, nhìn xuống những khuôn mặt trẻ không còn, già chưa tới, trong lòng đầy âu lo, giống như đang chờ ngòi thuốc nổ chậm bên cạnh kho mìn, như hai đối thủ gườm nhau trong trận đấu một mất một còn, giây phút quyết tử đang kề cận. Bây giờ tôi hiểu rất rõ lời cảnh cáo cuả anh chàng giám đốc chương trình. Dù Anh còn trẻ, rất nhiệt tâm, mới vừa nhập cuộc, còn tôi là người lính già, đã bao năm dạn dày sương gió. Nhưng điều nầy không làm Anh ngại ngần thú nhận là công việc trước mắt, thật không dễ dàng. Học trò cuả chúng tôi, nếu gọi những phần tử có tiền án, từ tuổi không còn vị thành niên, là học trò. Nhưng không gọi là học trò thì tôi không còn tên nào khác để gọi , và thật sự cầu mong Thượng Đế, nếu Ngài có lòng thương, hãy cho tôi can đảm vượt qua bước đầu tiên, tôi biết rõ hơn ai hết, không có cơ hội bắt nhịp cầu cảm thông, thì sẽ không còn chuyện dạy dỗ trong tương lai.

Thu hết can đảm, nhìn thẳng vào những ánh mắt chờ đợi, đánh giá đối tượng, tôi hỏi tên từng người, tự giới thiệu tên tôi. Bài học đầu tiên cuả tôi không dính dáng gì tới chương trình học, không khoa học nhồi nhét, không giáo điều căn bản, tôi hỏi chuyện từng em, dành cho một khoảng thời gian để phát biểu, im lặng nghe hoàn cảnh cá nhân. Không hỏi han , không kết tội, nhìn vào em, cố gắng tìm chút thiên lương nằm trong những khuôn mặt chưa thành nhân đã là tội phạm, chưa nên người đã mất quyền làm người .

Em học trò đang kể chuyện, mười tám tuổi, mới sinh được một bé gái vừa tròn năm tháng.Tên em là Sunny, tuổi nhỏ hơn trong số các cô học trò, nhưng trông già dặn, nét mặt cương quyết. Tôi cố giấu cảm tình với em, yêu mến ngay cái cá tính thẳng thắng, nhìn thẳng vào người đối diện. Là phụ nữ như nhau, tôi hiểu nỗi đau làm mẹ. Sunny hãy còn quá trẻ để gánh lên người cái trách nhiệm nặng nề ấy. Chính bản thân em còn chưa tự lực cánh sinh thì nói gì đến chuyện cưu mang thêm mốt đứa bé. Thuở cùng tuổi cuả em, con gái tôi hãy còn ngây thơ trong vòng tay cha mẹ, ngày ngày tung tăng đến trường, hết giờ học trong trường thì học đàn, học múa. Cuối tuần theo bạn bè họp Hướng Đạo, họp thanh thiếu niên trong nhà thờ

Để sinh được con lành lặn, tôi đã phải nằm treo chân suốt ba tháng trời , bao nhiêu khó khăn, con bé như một phép mầu, sau bao nhiêu lần thụ thai và hư thai, cơ thể tôi không chứa đựng được thai nhi, không còn hy vọng vào chuyện sinh con, vợ chồng tôi đã nghĩ đến chuyện nộp đơn xin trẻ con về nuôi, những ngày chầu chực ở văn phòng, chờ đợi thủ tục, đòi hỏi bao nhiêu giấy tờ, khai đi khai lại. Có người lại bày cho giải pháp thuê mướn người sinh con. Quá mệt mõi với các thủ tục giấy tờ, chờ đợi dai dẵng, và không còn tia hy vọng nào, cuối cùng như một phép lạ, khi biết mình lại mang thai, tôi xin huỷ hết các hợp đồng .

Bác sĩ đã cảnh cáo tôi, lần nầy phải hết sức thận trọng, nếu muốn giữ cho thai nhi khỏe mạnh để có thể sinh nở được.Khi theo dõi tiến trình lớn mạnh của thai nhi, dù phát triển chậm hơn dự tính, nhưng dạ con lại không đủ sức chứa, bác sĩ ra lệnh cho tôi phải vào bệnh viện ngay, thế là ba tháng nằm trên giường, ngay cả chuyện hàng ngày ăn uống sinh hoạt, tất cả cử động đều phải hạn chế, giống như gà nuôi ống tre, chỉ hai thước chiều dài, thước hai chiều ngang … Ròng rã cho đến lúc sinh ra Laura, con bé đỏ hỏn chưa nặng hơn hai kí lô, nhưng nhìn cái đầu nhỏ nằm trong lòng bàn tay, tay chân mong manh như cái que, trong lòng tôi dạt dào như trăm nghìn cánh hoa nở, nỗi đớn đau cưu mang không còn, làm sao đủ ngôn từ diễn tả cho hết thiên chức cuả Mẹ ?

Sinh được con, với tôi, đã trọn vẹn chức năng cuả người phụ nữ. Tôi thấy thương hơn những người chưa từng cưu mang, như vòng tròn chưa khép lại, như đêm không có rạng ngày, như hoa chưa mãn khai. Laura là niềm vui bất tận, là chuỗi ngày hạnh phúc, nhìn con lớn lên như con chim non, mọc từng sợi tóc, nứt từng nứu răng, cất tiếng đầu tiên gọi Bố Mẹ, bước chập chững, đi vào cuộc đời …Trong lòng tôi như mở hội, như caí bóng của tôi, theo tôi từng ngày, tuổi thơ ngây trân quí từng phút giây, là cuộn giấy thấm chứa từng giọt nước đẩm, tò mò theo chân Mẹ vào lớp học, để hiểu biết công việc cuả Mẹ hàng ngày. Đón đưa ngày đầu tiên vào trường, theo nhau từng mùa hè, lang thang đi cắm trại, chia sẻ nhau từng mảnh vụn vặt cuả cuộc sống, mở từng lớp hào quang bao quanh tuổi mới lớn, khám phá từng mảnh vụn liên kết cuả cầu vồng, nhìn xuyên qua lăng kính muôn màu vạn sắc cuả cuộc sống.

– Mẹ ơi ! Em chảy máu rồi …

Giọt nước mắt long lanh, tôi lặng lẽ ôm con vào lòng, nhẹ nhàng dỗ dành, thì thầm giải thích chu kỳ cuả phụ nữ. Sự bí mật huyền nhiệm vượt qua ngưỡng cửa thơ ấu, bước vào khung trời thiếu nữ đầy mơ ước băn khoăn. Tôi nhìn con, như nhìn vào tấm gương soi lại tuổi thiếu thời, thuở bóng tối che đầy, bí mật khám phá từ lời rỉ tai cuả bạn bè trang lứa, không đứa bé nào có kinh nghiệm về chuyện nguyệt kỳ, không có can đảm hỏi người lớn, chỉ thì thầm với nhau, giấu diếm cơn đau toát người, ẩn trốn những ngày không sạch sẽ như tội phạm, lén lút giặt giũ một mình, chờ đêm xuống mới mang quần áo ra phơi. Tôi nguyện với lòng, sẽ không bao giờ để Laura phải âm thầm chiụ đựng, gồng gánh một mình, chu kỳ cuả phụ nữ, như chuyện nắng mưa cuả đất trời, chuyện sản sinh truyền giống, luật tuần hoàn cuả vũ trụ, những gì tôi hiểu đưọc, quyết không giấu diếm con tôi .

Những năm trung học qua nhanh như ánh chớp, không còn những ngày rộn ràng chuẩn bị áo dạ hội đầu tiên, không còn ngất ngưởng ôm sách ngồi chờ con trong các trò chơi , thể thao, âm nhạc. Ngày Laura tỏ ý muốn tình nguyện sang Phi Châu một thời gian, tôi không biết nên khuyên thế nào. Tôi hằng khuyến khích con, học hỏi luôn luôn, tìm về nguồn cội, sao lại đành tâm ngăn trở khi Laura có ý định sống thực tế với đời. Chuẩn bị các thức cần thiết, hành trang nào đủ mang theo tấm lòng người Mẹ âu lo qua hàng ngàn dặm xa? Ngày tháng như chậm trôi, thư từ không nói hết, tôi mong ngày con về như nắng hạn chờ mưa. Lúc mới vào đaị học, dù ở trong ký túc xá, nhưng chỉ cách nhà hơn một tiếng lái xe, tôi có thể đến đó, mang các thức, thuốc men thực phẩm, khi trái gió trở trời, có thể đến đón con về, không phải chờ đợi từng cánh thư, theo dõi tin tức hàng ngày qua viễn thông hay báo chí…

Cuối cùng, khi hạn kỳ đến, tôi xôn xao ra phi trường.Ôm con trong tay, vuốt nhẹ những bím tóc thả dài xuống lưng, tháng năm thơ ấu và kỳ niệm trùng trùng ngập cả nỗi lòng, từ ngôn mất hút. Những ngày riú rít chuyện trò bù đắp cho khỏang thời gian cách xa cũng qua đi. Laura trầm mặc hơn, làm việc chuyên cần, cố gắng không ngừng nghỉ, nhìn con, đọc được sự trưởng thành sau chuyến đi trong đôi mắt, trong cách hành xử hàng ngày , niềm vui thấy con khôn lớn không qua được nỗi lo âu. Nghĩ đến con, ngày phải đương đấu với cuộc sống, tương lai.

Sống gần gũi với người bản xứ, giúp Laura nhìn thấy rõ hơn thế giới bên ngoài, còn có những cuộc sống bấp bênh, những chiến đấu không ngừng nghỉ với thiên nhiên, bệnh tật, để sinh tồn. Có những lúc, Laura nhìn xa xôi, trầm mặc, những lúc thả thanh âm hoang dã theo từng ngón tay, trút xuống phím đàn, gởi gấm trong cung bậc nỗi niềm khát khao. Bất chợt, như trong những mẫu chuyện trò cuả chúng tôi, như bức tranh sinh động, hàng ngày biến đổi rõ rệt ý hướng, tôi cố gắng giữ khoảng cách thân thiết, cận kề, để luôn là người bên cạnh con, Ngày nhìn con bước lên bụt nhận văn bằng, tôi như mộng du trong niềm hân hoan. Ít nhất trong cuộc sống, tôi đã hoàn thành việc sửa soạn cho con mớ hành trang cần thiết. Tôi không còn cái cảm giác lo âu sợ hãi, dù cho tương lai có những khó khăn mà tôi bất lưc, không thể che chở cho con suốt cuộc đời, nhưng đến phút giây nầy , tôi đã chu toàn điều mình luôn mong mõi .

 

– Đây là em bé cuả em

– Oh ! Mẹ em mới sinh à ?

– Không, con cuả em

Tôi ngẩn người nhìn tấm ảnh, giọng nói Sunny kiêu hãnh, đầy tình cảm chất chứa, ánh mắt ngổ ngáo thường ngày, thách thức tất cả mọi nguời, chợt diụ dàng thiết tha. Con bé trong tấm ảnh chừng gần tuổi đời, mái tóc xoăn tít, vành môi toát ra nụ cười ngây thơ trong sáng.

– Em bé được bao nhiêu tháng rồi ?

– Hơn tuổi rồi cô à, hình nầy đã cũ , em chưa có tiền chụp hình mới

– Thế ai trông em khi em đi học?

– Ban ngày thì gởi Mẹ em, tối thì em mang nó theo vào chỗ làm, họ có nhà trẻ cho con nít

– Chỗ nào mà nhận trẻ nhỏ ban đêm ? Làm sao em đưa đón ?

– Đâu cần đưa đón, ở tại chỗ mà cô, trong hộp đêm có phòng riêng

– Ấy chết ! Thật vậy sao? Em mang con vào hộp đêm gởi ?

– Dĩ nhiên rồi. chính vì lý do đó mà em mới làm cho họ

– Sunny , em có biết là họ lợi dụng em không ?

– Cô nghĩ là em còn cách nào khác hơn ? Tiện lợi cả hai đàng, em làm cho họ, còn họ sẽ giữ con cho em .

Tôi nhìn em đau điếng cả người, bọn buôn người, chúng nó lợi dụng sự khó khăn cuả các em để mướn hành nghề. Hộp đêm, chỉ có trời biết bao nhiêu hạng người vào ra, thuốc lá, men rượu, âm nhạc cuồng loạn. Học trò cuả tôi, không còn những ánh mắt thơ ngây, khuôn mặt trẻ chưa vào tuổi hai mươi, đã dạn dày sương gió, khói thuốc thở hàng đêm, cởi từng mảnh y phục mong manh, khêu gợi, làm một thứ trò chơi cho bọn đàn ông khả ố. Tôi không dám tin vào đôi tai mình, nghe những lời chân tình kể lể, suốt những năm dài hành nghề, truyền dạy kiến thức, sống qua bao nhiêu cảnh đời, vẫn không đủ sửa soạn cho tôi, làm người phải đối đầu với thực tế, mà tôi chỉ hình dung là những hư cấu cuả các nhà văn. Cuộc sống bên kia lăng kính muôn màu, không là màu hồng hạnh phúc, không là màu xanh hy vọng, không là màu vàng kiêu sang, không là màu đỏ thắng lợi rực rỡ. Trước mắt tôi, màu đen tăm tối đã tàn nhẫn tô lên đôi mắt trong sáng thơ ngây. Tôi cảm ơn thiên lương còn sót lại, cảm ơn tình yêu con vô biên cuả người nữ chân truyền mà thượng đế ban cho, tôi cuí xuống nhìn lại nụ cười thơ ngây trong tấm ảnh, vuốt ve chiều cong cuả manh giấy, tôi thành tâm cầu nguyện, hãy ban cho tôi nghị lực, soi sáng nẻo đường tâm, hãy cho tôi niềm tin và tinh thần minh mẫn, đủ can đảm để hoàn thành công việc, giúp cho các em cơ hội làm lại cuộc đời.

 

– Laura, Bố mẹ sang thăm Nội , con có đi bây giờ không ?

– Con đang soạn thêm một chương nữa. Chút làm xong con sẽ sang sau.

Laura trở về nhà chung sống với chúng tôi được hơn năm nay. Tôi thật sự an lòng hơn khi con quyết định về nhà. Dù tôn trọng ý muốn tự lập cuả con, nhưng hai năm sống bên ngoài, tất bật công việc mưu sinh và cộng thêm các công tác thiện nguyện đủ hao mòn sức khoẻ, cơn suyển thường xuyên phát tác, làm tăng thêm nỗi lo sợ cuả tôi. Từ khi Laura về, không khí trong nhà ấm hẳn lên, Bố cháu cũng trở nên linh động, vào ra tươi cười, căn bếp trống lạnh lẽo từ mấy năm nay, như có luồng khí nóng hồi sinh, đêm đêm trong nhà lại vang lên tiếng đàn thánh thót, chiếc dương cầm đứng trong góc buồn thiu, được người chuyên viên đến cẩn trọng cân lại từng cung bậc, những phím ngà réo rắc reo vui dưới những ngón tay thân yêu.

Muà Lễ Giáng Sinh, hai tuần nghỉ phép thong dong, chuẩn bị cho nửa năm học tới, Laura đang thảo chương trình sẵn sàng. Mai chúng tôi sẽ đi chơi xa vài hôm, năm nầy chúng tôi thực hiện chuyến đi Hot Spring đã hẹn từ bao lâu nay mà vẫn lần lựa mãi. Sau ngày rời trường, lao đầu vào công việc, chúng tôi có rất ít thời gian cho nhau, ngoài những lần đi làm tóc, đi lang thang trong thương xá ngắm hàng. Lần nầy chọn điạ điểm nghỉ ngơi, vào vùng suối nước nóng, tôi đã goị giữ chỗ trước, cho một ngày nghỉ ngơi và làm đẹp, phần thưởng giành riêng làm quà tặng bất ngờ cho Laura.

Phòng khách đầy bóng tối yên lặng, hơi lạnh rờn rợn, bật công tắc tiền sảnh, ánh đèn sáng diụ dàng không đón mời như thường ngày. Lạ nhỉ, Laura đi đâu mà không báo cho tôi. Chờ lâu, tưởng là con bận viêc làm chưa xong, không chờ thêm nữa, ăn tối xong chúng tôi từ giã bà Nội cháu quay về. Trong nhà im lìm không đèn đóm, cửa vẫn khóa. Ánh sáng nhỏ nhoi hắt ra từ trên phòng Laura, mở cánh cửa đang khép hờ, tôi bước vào, đèn bàn viết vẫn sáng, Laura gục trên bàn tư thế bất thường đập vào mắt tôi, hốt hoảng lay con, thân nhiệt không còn, bàn tay lạnh ngắt, tôi gọi chồng, không biết mình đã nói gì, điện thoại cấp cứu, cuống cuồng theo xe ..Tôi không còn nhớ những gì sảy ra sau đó, đầu óc hoàn toàn tê liệt, đi đứng như bản năng sinh tồn cuả muông thú. Cơn mộng dữ, trăm ngàn câu hỏi quay cuồng. Sao lại là con ? Sao không chờ Mẹ ? Ưóc gì tôi có thể quay lại thời gian, ước gì tôi đừng đi , ước gì …

 

– Bà nói gì ? Tôi có nghe lầm không ?Ai chết ?

– Laura, khi tôi về thấy con gục trên bàn, tay đã lạnh . Tôi không biết cháu bị từ bao giờ, goị cấp cứu nhưng đã muộn .

– Chúa tôi , sao lại có chuyện như vậy được ?

– Tôi cũng hỏi như vậy .

 

Tôi mất hướng đi, không còn thiết sống, nhìn quanh mỗi góc nhà, từng dấu vết thân quen. Vào nhà thờ, bạn bè nhìn tôi ái ngại, trông tiều tuỵ và mệt mõi, tôi như già nua hẳn dù chỉ một qua đêm. Bà bạn cũ gọi điện thoại thăm tôi, hẹn nhau đi ăn trưa. Thật lòng chuyện ăn uống không còn hứng thú, nhưng quanh quẩn mãi chắc tôi sẽ phát điên lên, nên tôi nhận lời. Bà hỏi tôi :

– Bà có nghĩ đến chuyện trở lại làm phụ giáo không ?

– Tôi đã về hưu mấy năm nay rồi .

– Nhưng không có nghĩa là Bà không có khả năng daỵ dỗ, hơn nữa Bà hãy còn trẻ, thừa kinh nghiệm, năng lực chưa dùng hết, bao nhiêu công trình học ngày trước, sao không nghĩ đến chuyện mang ra giúp đỡ cho người khác ?

– Tôi không biết mình có còn sức để làm việc không ? Tôi buồn chán quá bà à .

– Tôi hiểu chứ, tôi đâu có khuyên Bà quên Laura, cháu là người năng động, đầy sức sống, lúc nào cũng hăng hái, cháu mà biết Bà chán nản như vậy chắc cháu cũng không vui đâu . Người Phương Đông chúng tôi tin tường rằng người chết vẫn quẩn quanh, lưu luyến, không về được thiên đàng nếu người thân cứ lo buồn.Bà có nhớ cháu thì ôn lại những ngày tháng có nhau, giữ gìn, trân quí những gì đã chia sẻ, Laura mang laị bao nhiêu năm hạnh phúc cho bà, chỉ nên nhớ lấy điều nầy thôi. Cuộc sống phù du, ngay cả chúng ta cũng không thể sống mãi được, những gì có, còn lại cuả ngày hôm nay, giúp ích được mọi người, sao chúng ta lại không tiếp tục ?

– Tôi hiểu ý bà, cảm ơn bà đã khuyên tôi, thật ra thì chính tôi cũng suy nghĩ điều nầy, nhưng tôi không quyết định, Vâng, tôi sẽ tiếp tục công tác, đầu tiên là sinh hoạt thanh niên với bầy Nữ Hướng Đạo Sinh, Laura chắc chắn sẽ vui mừng.Tôi cũng gọi vào Phòng giáo dục cuả thành phố, xin phục hồi công tác.

– Tôi chúc bà thành công.

 

Tôi trở vào làm bán thời gian, ở trung tâm giảng dạy những người lớn tuổi muốn quay về trường lấy bằng tốt nghiệp trung học. Có ngồi lại tâm tình, mới thấy bên kia lăng kính, cuộc đời muôn màu vạn sắc. Học trò cuả tôi là những người tuổi từ trung niên cho đến thanh niên, họ vào lớp chuyên cần hơn vì muốn đạt được mảnh bằng tốt nghiệp trung học. Có người vì hoàn cảnh, phải thôi học đi làm việc sớm, chuyển trường, đi xa …Nhưng lý do gì thì hiện nay cũng đang ngồi chung trong lớp, đang chuyện trò tâm tình…Có mở mắt ra mới thấy nỗi bất hạnh cuả mình như giọt nước trong đại dương thăm thẳm. Ngồi xuống lắng nghe mới thấy chunh quanh mình còn bao nhiêu nỗi đắng cay. Học trò cuả tôi, họ từ những vùng trời xa thẳm, dắt diú nhau, như con chiên đi tìm đất hứa, từ bao nhiêu đời lận đận … Không ít thì nhiều, đã trải qua những thăng trầm …Tôi thường nghĩ đến cuộc sống với những ưu tư riêng, mỗi người chúng ta sinh ra dưới một vì sao, mang theo một định mệnh nào, đớn đau hay hạnh phúc, ngắn hay dài, số năm tháng hiện diện trong cõi trần gian, có vui buồn, có yêu thương giận ghét …

Mãn khóa học, tôi chúc cho mọi người may mắn, duyên thầy trò cuả chúng tôi chỉ một khóa học phù du, nhưng đã giúp cho tôi tìm lại được chính mình, phần thưởng quí giá cho những ngày thầy trò là mảnh bắng tối nghiệp. Chỉ là hình thức, nhưng nó là chu toàn, viên mãn, cho một ước ao, sự thành đạt cuả chính mình, để caí vòng tròn khép chặt lại, chút kiến thức không làm thay đổi cuộc sống, nhưng làm bình an cho tâm hồn

 

Tôi lại mở ra một chương mới, quyển sách đời còn đầy những trang giấy trắng. Nhặt lại mớ hành trang, tôi lặng lẽ lên đường. Chọn nơi dạy ở thành phố Gary, chính bạn bè cũng ngạc nhiên: “Tại sao bà lại muốn đi vào vùng nguy hiểm đó ? Bà không biết đây là vùng từng thống kê là thủ phủ cuả tội ác hay sao ?” Tôi biết rất rõ, nhưng tôi không nghĩ ngợi hay lo lắng, tôi đã tin vào sự an bày cuả chính bản thân mình, hơn nữa, tôi đã sống hạnh phúc suốt những năm tháng dài có Laura kề cận, khoảng thời gian còn lại cuả cuộc đời, ít nhất tôi cũng mang lại chút hữu ích cho mọi người, nghĩ tận cùng thì còn nơi nào cần tôi hơn nữa ?

Ngày đầu tiên vào nhận việc, dù đã chuẩn bị tinh thần đối phó, cùng với lời cảnh cáo từ anh giám đốc chương trình, nhưng cũng không thể giấu được sự ngạc nhiên, cơ sở thật nghèo nàn, học trò lơ láo, những em tuổi nhỏ hơn con tôi, nhưng đã dạn dày từng trải. Trong lòng tôi, những câu hỏi sẽ không có câu trả lời. Nhìn xuống lớp học, không biết nên bắt đầu từ đâu, ba mươi năm đi dạy, lần đầu tiên tôi thấy mình thất bất lực, từ ngôn bay biến.

 

Khói thuốc lờ đờ như sương trắng, màn sương đục quấn quít trói buộc, giam hãm, những khuôn mặt nhuể nhại dưới ánh đèn quay cuồng. Tôi tựa lưng vào tường, khuất trong góc tối, nhìn chunh quanh mình , không ai bận tâm nhìn tôi, chợt thấy hoang mang với chính mình, sao lại có ý định đi thăm chổ làm việc cuả Sunny ? Tôi chỉ muốn nhìn tận mắt, nơi mà tôi chỉ hình dung nhưng chưa có can đảm bước vào, dù là những ngày còn lang thang với bạn bè, khi chúng hô hào chống chiến tranh, lan man hút sách, dật dờ với âm nhạc xé màn tai, lao đao với chuyện gọi hay không gọi đi vào quân đội, xem chuyện học hành như trò chơi.. Ba tôi, người đã từng chiến đấu cho cuốc chiến tranh thế giới thứ hai, anh tôi, người nối gót, bốn năm chờ đợi tin nhắn từ Nam, trở về như giấc mơ, chuỗi bệnh hoạn xác thân, không so sánh được với niềm câm lặng hơn hai mươi năm, sống âm thầm , làm việc, với những cơn ác mộng đêm đêm, rồi cũng qua đi.

Trong vùng ánh sáng chập chờn, muôn màu vạn sắc tranh nhau từng khoảng không gian, tiếng nhạc dồn dập, xoáy vào tai, buốt tận óc, liên hồi giục giã, quay quắt loạn cuồng, âm thanh chợt im bặt, ánh sáng vụt tắt, như con thuồng luồng, đủng đỉnh trườn mình ra từ trong vùng thâm sâu, cùng lúc với ánh đèn chiếu xuống, bao nhiêu tia tím hồng tía đỏ, tập trung vào thân hình rực sáng, bóng loáng vệt dầu thoa, toát ra nồng nàn thứ hương vị sa đoạ. Như ác quỉ đội lốt mỹ nhân, cái thân thể uốn éo theo từng tiếng, từng âm, từng cử động gọi mời. Manh ván nhỏ nối nhau làm sân khấu, không đủ chứa những tia lửa đốt thiêu. Cái không gian ngộp mùi thuốc lá và men rượu, không dung được tấm thân trần, làn da như bung vỡ thành trăm ngàn sợi cơ, muôn vạn tia máu dồn lên mặt, tưởng chừng như đang dẫy duạ, như cố cùng bám víu. Bao nhiêu tiếng reo hò, giống như bầy lang sói châu nhau, chực chờ xé toang con mồi đang giẫy chết, như bầy kênh kênh giương đôi mắt canh từng cử động, chỉ cần đôi cánh tay kia buông xuôi là lao xuống, móng vuốt xé ra từng mảnh tan hoang.

Bây giờ tôi mới biết được công dụng cuả chiếc cột trồng trơ trơ giữa phòng, chiếc dây thừng xoắn không dùng để neo cột con tàu. Nhìn cái thân hình bốc lửa đang làm thứ trò chơi cho những đôi mắt hau háu, những đôi tay vuốt ve, cử chỉ trêu ghẹo, ánh mắt đong đưa, từng bắp thịt di động, từng mảnh vải tí ti không che đậy, chỉ là những sợi tơ vô tình, cột tờ giấy bạc màu xanh, món tiền thưởng đổi trao cho những hành động trơ trẽn. Tôi nhìn khuôn mặt phấn son che đậy, hình dung cái bàn tay nhẹ nhàng cầm tấm ảnh ra khoe, không thể nào nối được cái vòng tròn, giống như hai thái cực, hai bộ mặt thật trái ngược cuả cuộc sống. Khoảng không gian tù hãm muôn đời, thân phận mong manh cuả người phụ nữ, từ thuở khai sinh cho đến ngày cùng tận, làm sao tôi tìm được câu trả lời ?

 

Vũ Thị Thiên Thư