Ngọn Đồi Tuổi Hạc

 

IMG_4958

Ngọn Đồi Tuổi Hạc

 

 

   Trong tầng hầm của nhà thờ , dọc theo những cái bàn dài nối sát nhau, bên trên bày các sản phẩm thủ công, vật dụng làm bằng gỗ, khăn thêu …một nửa phía bên kia bày đủ thứ bánh trái, người người đi qua nhìn ngắm, hỏi han nhau.

   Bà Theresa đến từ giã chúng tôi, hai vợ chồng sẽ dọn đi nơi khác.

– Dolly, tôi đến chào bà, cuối tháng nầy vợ chồng tôi sẽ dọn về Sant Charles .

– Thật bất ngờ, tại sao Bà dọn đi xa quá vậy “

– Vâng, Chúng tôi cũng không ngờ, vì mới vừa nộp đơn ít lâu thôi, thường thì phải lên danh sách và chờ đợi, nhưng lại được thông báo rất nhanh, đã có chổ sẳn sàng trong chung cư, chúng tôi có thể dọn vào ngay đầu tháng. – Thế còn căn nhà ở đây ” Bà đã bán chưa “

– Tôi chỉ mới quyết định nên chưa kịp thu dọn gì hết. Chắc phải chờ đến mùa xuân mới có thể đăng bảng ” For Sale” được .

– Tôi không biết tình trạng bên khu nhà của bà, nhưng mới đây, căn nhà bên khu của chúng tôi, cách nhau chỉ có ba căn, bảng vừa cắm xuống đất, chưa kịp phai màu là đã có người đến mua rồi, chỉ mất có mười ngày thôi.

   Theresa là president cho Alstar and Rosary , bà rất tích cực, hăng hái trong công việc, được mọi người chúng tôi tín nhiệm bầu vào nhiệm vụ nhiều năm liên tiếp.Vợ chồng bà đã về hưu từ lâu, cư trú gần cả đời ở thành phố nhỏ yên tỉnh nầy .Vóc người cao lớn, tiếng nói dịu dàng, bà còn phụ trách đàn phong cầm trong các thánh lễ lớn , tang ma, cũng như lễ hàng tuần chúa nhật. Tôi làm việc thiện nguyện chung với các bà trong hội từ ngày về cư trú nơi đây. Hầu hết họ là cư dân lâu đời, các bà đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, gắn bó, có một vốn hiểu biết vô tận về địa hình , dân chúng, cũng như lịch sử của thành phố nhỏ nhoi nầy .

   Lúc tôi chân ướt chân ráo về đây, một đàn con nhỏ theo chân, đến gặp Cha Sở xin cho các con vào học trường tiểu học và trung cấp, Cha ân cần giới thiệu với họ Đạo, tôi vừa ra cửa thì gặp một cụ ông rắn rõi, cụ vồn vã đón chào, hỏi thăm ,và báo cho tôi biết về sinh hoạt của hội phụ nữ , các bà thường họp nhau ngày thứ ba, còn mời tôi đến tham dự , kết thân.

  Tôi bận tíu tít chuẩn bị cho các con nhập học nên mãi mấy tuần sau đó mới đến thăm, phòng họp nằm trong tầng hầm của nhà thờ, bên cạnh nhà bếp. Tôi tự báo tên, bà Liliam đến mừng và bảo chồng bà là người gặp tôi hôm nọ , chính ông đã báo cho bà biết tôi sẽ đến sau khi ổn định nhà cửa. Các bà vui vẻ giới thiệu tên họ, chuyện trò hỏi thăm, xem tôi có cần giúp đở gì không. Người trẻ tuổi nhất trong bọn, hỏi ra cũng hơn tôi gần hai chục tuổi.

   Đây chỉ là một chi nhánh của hội phụ nữ trong họ Đạo, các bà họp nhau hàng tuần, mỗi người một công việc, người thì đang may thêu, kẻ làm những sản phẩm thủ công. Mỗi năm nhà thờ có tổ chức một ngày hội chợ nho nhỏ vào dịp Giáng Sinh, một nhóm các bà sẽ bán các sản phẩm để gây quỹ, nhóm khác sẽ bán thức ăn cũng như bánh trái, tiền thu được dùng để sửa chửa nhà thờ cũng như chi dụng vào những khóa lễ trong năm. Bà Lilliam là người đang đảm trách phần quilting ( Quil: một loại mền dầy làm bằng vải sợi, cắt ra thánh từng manh nhỏ, xong lại nối lthành những miếng to hơn, nhiều màu sắc, đối chọi hay hài hòa, lót một lớp gòn bên trong và mặt dưới là vải trơn, dùng mũi may tay thật nhỏ, may dính cả ba lớp lại, công việc đòi hòi sự khéo tay, tỉ mỉ vì rất công phu) Tôi thú thật với các bà là chỉ biết may và thêu, nhưng chưa quil bao giờ, bà kiên nhẫn giải thích, công việc của mỗi người, họ đang may từng manh nhỏ, nếu tôi thích thì có thể đến giúp một tay. Bà Ruth đang kết những những mảnh nỉ màu sắc nhẹ nhàng thành những chiếc mền cho trẻ sơ sinh, Hội bảo trợ cho Birht Right : tổ chức giúp đỡ những thiếu nữ mang thai ngoài hôn phối sinh nở, nuôi con, hay tặng cho người khác đang chờ đợi thay vì hủy bỏ bào thai . Mỗi người trong nhóm nầy ai cũng có công việc riêng tùy theo ý thích của từng người.

   Người cao niên nhất trong Hội là bà Marian, đã gần chín mươi, nhưng rất khang kiện, bà là người sinh ra, lớn lên, lập gia đình và sống suốt đời ở đây, bà như pho tự điển sống của chúng tôi, chunh quanh câu chuyện trao đổi giữa bà và bà Henrietta, tôi vẽ được bản đồ hành chánh cũng như địa hình thành phố Dyer không phải nói ngoa. Mấy bà thật vui vẻ, họ biết tôi mới đến nên tận tình chỉ dẫn, tôi như con bướm bay nhở nhơ, khi thì phụ bà Ruth, khi thì quil với Liliam, nhưng chung qui sinh hoạt chuyện trò với các bà giúp cho tinh thần tôi thật thoải mái, bình an.

   Tôi quen làm việc nhanh chóng, buông việc nầy, bắt việc khác, Liliam rất cẩn thận, bà cân nhắc từng manh vải, mũi kim, thường bảo tôi “Slow down ” Tôi học nơi bà cung cách khoan thai , cũng như chú tâm vào công việc thật thoải mái, làm từ từ và làm việc vì thật sự yêu thích hơn là làm cho xong công việc.

   Mỗi tháng, tuần thứ ba, hội phụ nữ họp nhau để hoạch định chương trình, cũng như báo cáo công việc hàng tháng, ngân quĩ chi thu. Tôi gặp bà Theresa trong các cuộc họp nầy. Bà là người rất nhiệt thành, làm việc chu đáo, thường có những đề tài hấp dẫn sau các phiên họp, lúc mọi người trà nước, bà có lối kể chuyện rất duyên dáng, và mang các phim ảnh tài liệu trong các chuyến du hành ra trình chiếu cho mọi người . Họ đạo lớn theo sự phát triển của thành phố, con số giáo dân cũng tăng theo, nhưng số người thiện nguyện lại không thay đổi, chỉ có một số người luôn góp công góp của, người trẻ thì bận bịu con cái, công việc, người già thì lần lượt qua đời, nhiều lần các bà cũng lo lắng tìm người thay thế, nhưng vẫn chưa có kết quả. Trong lúc đó, số người già yếu bệnh hoạn càng ngày càng tăng, mỗi năm chúng tôi lại mất thêm người. Những năm đầu tôi mới về, còn tổ chức tật rầm rộ và rất thành công những ngày hội hè vào mùa Giáng sinh, nhưng dần dà, con số người giúp việc giảm quá nhiều, đến lúc Rosemary lâm bệnh , không còn cán đáng nổi phần nhà bếp, nấu nướng thì Hội phải thu hẹp lại, hủy bỏ phần bán thực phẩm buổi trưa Chúa nhật , chỉ có thể bán bánh trái và sản phẩm thủ công sau các khóa lễ cuối tuần thôi.

   Năm nay, trong ngày hội, khi Theresa đến báo tin và từ giã chúng tôi, lúc nâng chung trà ngồi giải lao, bà tâm sự

– Tôi tự biết sức mình, nhà tôi sau cơn tai biến qua, ông yếu đi nhiều, đi đứng khó nhăn, dễ té ngã, tôi không đủ sức đở ông dậy, bác sỉ khuyên tôi không nên dùng sức , mùa hè qua tôi đã phải giải phẩu thông động mạch tim, tôi cũng cần thời gian hồi phục. Nhà tôi càng lúc càng yếu đi. Những năm trước đây, nếu ông chịu nghe lời khuyên của bác sỉ, chỉ cần siêng năng luyện tập thì cũng đở hơn, ít nhất ông cũng còn chống gậy và đi đứng, hiện nay, tôi ngại là nếu dùng xe lăn thì ông sẽ không còn cố gắng nữa.

– Thế ông vẩn còn đi tập hàng tuần ở bệnh viện club house không “

– Mỗi tuần hai ngày, thứ ba và thứ năm.

– Bà dọn về Sant Charles thì ở với ai “

– Tôi ở trong một loại chung cư, gần như nhà dưỡng lão, nhưng có bếp nước riêng, tôi có thể tự nấu ăn, bằng không thì xuống nhà ăn chung, mỗi ngày ba buổi ăn, chung cư có phòng sinh hoạt, phòng khách chung, phòng thể dục…hàng tuần có người đến thay khăn giường, dọn dẹp lau chùi trong nhà, Nếu tình rạng sức khỏe suy nhược, không thể tự mình chăm sóc thì có thể xin sang khu vực dưỡng lão, nơi có người chăm sóc hàng ngày.

– Bà có người con nào gần đó không “

– Tôi còn hai đứa con gái và mấy đứa cháu ngoại gần đó. Các cháu cũng lớn rồi, tham gia vào các sinh hoạt thường xuyên, như vậy tôi cũng có thể đến xem các cháu chơi thể thao, hay ít nhất tôi cũng có mặt trong các buổi hòa nhạc. Lâu rồi, tôi cũng không còn nấu nướng những ngày Lễ lộc, các con luân phiên nhau. Mấy năm trước đây, lúc nhà tôi hãy còn khỏe, ra ngoài cắt cỏ, xúc tuyết, chiếc John Deere nằm trong garage từ lâu, tôi không quen làm công việc đó, nên chỉ mướn người đến phụ trách hàng tuần.

– Bà về chung cư thì không phải lo đến việc xúc tuyết hay cắt cỏ, nhưng diện tích của căn nhà trong chung cư bao lớn ? Có đủ phòng cho ông bà hay các con ở xa về thăm không?

– Tôi chỉ có hai phòng ngũ và hai phòng tắm, bếp và một phòng khách. Thang máy ở mỗi đầu dãy, tôi cũng mừng, như vậy thì phải đi qua một dãy hành lang, đủ dài cho nhà tôi đi bộ, nhưng nếu cần thiết thì đã có xe lăn, mặc dù tôi không thích dùng đến, nhưng vạn bất đắc, cũng an tâm hơn. Tuy rằng với diện tích nhỏ, và tôi cũng không cần nhiều phòng ốc làm gì nữa, ngay cả những đồ đạc , chén dĩa, bàn ghế trong nhà tôi cũng bảo các con chia nhau, những gì chúng không cần tôi sẽ mang tặng cho hội từ thiện. Càng giản tiện càng tốt. Tôi cũng chưa biết mình còn sống bao lâu nữa mà nắm níu làm gì . Hơn nữa, con gái tôi chỉ cách đó có mươi phút, tôi có thể lái xe đi về mà không phải lo lắng. Tôi ở đây, quen thuộc bao lâu nay, nhưng thấy hối tiếc khi không thể đến xem các cháu thi đua, tụi nhỏ lớn lên nhanh quá rồi, tôi còn chút sức khỏe, mai mốt sẽ không còn cơ hội nữa.

– Bà có thấy buồn quyến luyến căn nhà kỷ niệm mấy chục năm nay không “

– Dĩ nhiên rồi, nhưng tôi thấy mình nên thực tế, hiện nay đầu óc tôi hãy còn minh mẫn, tôi muốn tự quyết định cho mình. Tránh những khó khăn cho con cái sau nầy. Nhất là sức khỏe của nhà tôi, càng ngày càng yếu đi, căn nhà không còn là một nới an hưởng nửa, mà trở thành gánh nặng, tôi nhìn thấy ông cố gắng lái chiếc máy cắt cỏ với một tay hồi mùa hè mà lo ngại, sau lần bị chấn động mạch máu não, ông hồi phục chỉ có một nửa người thôi. Vào chung cư thì không phải lo lắng vấn đề nhà cửa, mọi thứ đã có người chăm sóc, khi nhà tôi bệnh hoạn, hay cần người nhắc nhở thuốc men, di chuyển, đã có y tá đến nơi. Tôi suy nghĩ cẩn thận, thà rằng tôi vào chung cư hơn là chờ các con tôi phải đặt vào hòan cảnh khó xử, đưa tôi vào thì chúng cảm thấy như bỏ bê, thiếu bổn phận với Cha mẹ, còn không đưa tôi vào thì lấy ai chăm sóc “

– Tôi đồng ý là bà giải quyết vần đề thật giản tiện và thực tế . Bao giờ thì ông bà sẽ dọn đi “

– Có thể chúng tôi sẽ vào trước mùa lễ Giáng Sinh nầy. Dù sao thì Giáng Sinh cũng sẽ sang mừng Thánh lễ với các con, từ khu chung cư sang đó gần hơn, mấy năm trước ,không thể lái xe về thì chúng tôi thường ghé lại khách sạn ngủ qua đêm, nay thì không cần phải làm như vậy.Dù sao cũng đã quyết định rồi, thời gian sớm muộn không cần thiết, tôi đi ngay cũng là tránh cho mình những bịn rịn, luyến lưu.

Cuộc chuyện trò với bà Theresa làm tôi chợt băn khuăn, mấy năm trước đây về thăm thung lũng hoa vàng, anh bạn thân của tôi vẫn thường mơ ước : ” mình có nên tìm một chỗ an thân lúc xế chiều không ” ” Chúng tôi thân nhau từ ngày còn cắp sách, tình bằng hữu theo những tháng năm dài, vất vả khó khăn trong cuộc sống, khi hoang mang trong cuộc chiến dai dẵng, lúc lê thân trên những con đường vất vả sinh nhai. Lúc liều thân vượt biển tìm tương lai, rời quê hương tưởng đã không còn cơ hội tìm thấy nhau, khi nghe tin khi rời trại tị nạn, lại định cư cách xa hàng nghìn cây số, gặp nhau hiếm hoi đếm được trên đầu ngón tay. Chia nhau chuyện buồn vui, con cái, gia đình, Bước vào tuổi tri thiên mệnh, mỗi lần ngồi lại với nhau, ngồi ôn chuyện cũ, tính chuyện mai sau, anh vẩn luôn nhắc chúng tôi

– Ông bà phải chuẩn bị về miền nắng ấm cho có nhau, mình tìm một ngọn đồi hay một manh đất nào đó, xây mấy căn nhà nhỏ gần nhau để sớm chiều còn tụ tập chuyện trò, con cái mình lớn lên tụi nó có gia đình riêng, rồi cũng phải lo làm ăn, bạn bè có bấy nhiêu người, chỉ có bọn mình với nhau, khi về hưu, sáng chiều cuộc cờ túi thơ, ly rượu cho ấm lại tuổi gần đất xa trời.

   Hè vừa qua, chúng tôi gặp nhau, anh vừa qua một cơn trọng bệnh, xanh mướt, người vốn dĩ đã không cân nặng bao nhiêu, giờ ra vào như chiếc bóng. Lại ngồi xuống bên nhau, thúc hối chuyện về gần , những điều thực tế trước cuộc sống và nỗi chết chắc không còn xa, năm nay, nhà tôi vừa tiển hai người bạn thân về cõi an bình, cả hai tuổi vừa qua ngũ thập, chưa kịp về hưu an hưởng tuổi nhà mà đã sầu ly tan.

Khi bước vào tuổi bốn mươi, con trai nắn nót vẽ cho Tôi tấm thiệp chúc mừng với câu ” Mẹ , Up hill and stay there ” Cái ngọn đồi an thân vui tuổi hạc cũng không xa lắm. Nhưng có can đảm chọn cho mình con đường như Theresa lúc tâm thân hãy còn minh mẫn , hay lại nắm níu rồi đặt các con vào hòan cảnh khó xử sau nầy”

 

Vũ Thị Thiên Thư

Việt Báo  04/12/2003

 

 

 

Sau cơn say , trời lại sáng

Good bye sumer

Cẩm Nang
Sau cơn say , trời lại sáng

[ Kính tặng các đấng…]

Không biết trong khoảng đời yêu đương nồng thắm, xẻ gối chia chăn ,đã có bao nhiêu lần cuối tuần, những chiều thứ bảy dăm đứa bạn bè, mấy đức phu quân quần nhau từ trận chiến chinh mấy chục năm xưa, chuyện trò từ quê nhà gắn bó cho đến trận túc cầu thế giới đang nóng hổi, chuyên giải giới Saddam Hussein, đến chuyện mấy thằng bạn hiền đang khốn khó, chuyện cả thế giới chung qui về mấy cái ly con, mấy cái lon nhôm đầy màu sắc, cuối cùng thì cả bãi chiến trường thênh thang mấy cái chai không hờ hững bên chồng lon rỗng nằm ngổn ngang chưa thu dọn.
Buổi sáng, khi tiếng oanh thỏ thẻ
– Anh ơi!
– Mình ơi!
Nắng mai nhẹ nhàng soi qua mành, buổi sáng sương long lanh còn đọng..
Đức phu quân lăn qua ôm đầu, tiếng chim sẽ líu lo bên ngoài cửa sổ như tiếng đại bác 108 ly nổ bên giao thông hào, hương men chua quyện trong đường hô hấp như mùi xác chết cùng mùi thuốc súng ngày xưa. Hai tai bưng kín còn nghe như tiếng diều hâu hét qua máy phóng thanh lớn tột cùng, mở mắt ra cố nhìn cái hình ảnh yêu kiều mấy chục năm chăn gối, mặt em hiền như Ma soer đâu chẳng thấy chỉ thấy bóng bóng áo đen thần chết đứng bên giường, ánh nắng nhẹ nhàng ban mai tưởng như ai tạt cả chai ác xít vào đôi mắt cay xè, bãy thước nam nhi, anh hùng một cõi đang lê tấm thân rã rời bò dưới tầm hỏa lực … ôi! Cái thân phận Anh hùng ngã ngựa, đất thảm trời sầu …
Tất cả, chắc chắn là dù có mỹ nhân hay dao kề cổ thì phu quân cũng xin chào, miệng hát ..”thôi là hết chia ly từ đây” …thần men dù có quyến rũ cách mấy anh cũng xin chừa… cho đến một ngày cuối tuần đẹp trời nào đó …bổn cũ soạn lại.

Xin thưa cùng các vị phu nhân, nhỡ phu quân có …” hang over ” thì chỉ có cách duy nhất là chờ cho chất rượu tan trong máu thì sẽ tự động bình phục. Tuy nhiên nếu vì cái nghĩa tào khang, cùng trăm năm nặng nợ, tối qua thiếp có mang được xác chàng về từ bãi chiến trường thì cũng ráng mà cứu đấng anh hùng một phen .

Xin chuyền tay quí vị phu nhân quyển cẩm nang :

1 – Nước trái cây .Mang cho chàng một ly nước trái cây, tốt nhất là cam tươi hay cà chua, trong nước trái cây có chầt đường fructose giúp cho cơ thể nhanh chóng giải trừ số lượng alcohol trong cơ thể.Nói cách khác sẽ đốt lượng rượu trong máu nhanh chóng hơn.( Dr. Seymour Diamond : director of the Diamond Headache Clinic in Chicago

2 – Bánh lạt và mật ong : mật ong nguyên chất chứa chất đường Fructose, ăn một chút bánh lạt với mật ong sẽ giúp cho cơ thể giải thoát chất rượu còn vương vấn. ( Dr Diamond )

3 – Thuốc nhức đầu :Tặng cho chàng một viên aspirin , acetaminophen, ibuprofen , nhưng không nên dùng loại chống đau cực mạnh, và nhất là lạm dụng thuốc biến thành cơn ghiền, sẽ gây ra hậu quả không tốt về sau

4 – Vỏ cây : Nhai vỏ cây willow , vỏ cây nầy chứa chất salicylate, dược liệu tương đương như của viên aspirin,l ấy từ thảo mộc trong thiên nhiên .( Dr Kenneth Blum, Addictve Deseases Division, university of Texas Health Sciences center, San Antonio )

5 – Cháo , súp : Nấu cho chàng chén súp nóng, hay tạm thời dùng súp bột ( biếi quá rõ phu quân ,trử sẳn trong tủ thức ăn khô một ít Chicken hay beef bouillon bán ở chợ thực phẩm), để bồi bổ cho lượng Potassium và muối bị mất đi khi chàng quá vui chén anh chén tôi cùng bằng hữu, ( Dr Diamond )

6 – Nước :Rượu đốt đi một số lớn lượng nước trong cơ thể, ráng nén cơn phong ba bảo tố mà mang nước cho chàng uống, càng nhiều càng tôt trước khi chàng bất tỉnh ( chưa kể lúc chàng phóng pháo, càng mất thêm một số lượng nước quí báu nữa ) thôi thì ráng lo đổ nước cùng non, chờ trời quang mây tạnh .

7 – Vitamin B : Rượu và tress đốt cháy lượng vitamin quí báu cần thiết của cơ thể, theo các thống kê và nghiên cứu chứng minh, cơ thể dùng càng nhiều vitamin B khi quá mệt mõi, uống một viên B tổng hợp cũng giúp cơ thể chống lại triệu chứng say sưa do alcohol gây ra một cách hiệu quả ( Dr Blum )

8 – Amino acids : ăn một ít thức ăn chứa chất protein, cũng như vitamins và khoáng chất, Rượu phá hoại các tế bào cần thiết trong cơ thể, amino acids là viên gạch xây cất, không thể thiếu được, khi mất đi thì cần phải bồi hoàn lại, tốt nhất là ăn vào một ít chất carbohydrates để dẩn amino acids vào máu nhanh chóng, giúp cơ thể hàn gắn lại sau trận chiến đêm qua. Amino acids có bán trong dạng thuốc viên ( capsule ) ở tiệm health food store.

9 – Cà phê, uống một cốc chất nước đen nầy có thể giúp cơ thể chống lại cơn búa bổ trong dầu, nhưng nhớ rằng cà phê cũng là con dao hai lưỡi,không nên vừa say rượu vừa bị cà phê hành thì không biết điều nào đau hơn

10 – Thức ăn ,nếu chàng còn chút sức lực,mang cho chàng một ít thức ăn ,sau trận hành quân toàn thắng tối qua, địch quân thua tơi tả, tiệc liên hoan không nên chứa quá nhiều chất dầu mở béo ngậy, vì cơ thể không thể tiêu hóakịp thời, chưa kể đến bao tử trống rỗng sau khi dùng toàn lưc oanh tạc trong trận chiến tối qua .

Thưa quí phu nhân,tốt nhất là ngưng chiến 24 giờ,vì đó là cách duy nhất để phục hồi, Trong khi chờ cho chàng lấy lại đầy đủ phong độ hãy ráng mà tiếp tế thực phẩm, nước nôi đầy đủ, để yên cho cơ thể ngủ thật nhiều, ( có muốn hét bài ca tụng thì cũng ráng chờ cho hai tai không còn nghe tiếng đại bác, và cái não bộ đã trở về bình an ngự trị trong xương sọ ) , hy vọng sau khi phục hồi thì phu quân nhớ đó làm gương, chờ ít lâu sau mới dám …cùng bạn bè khiêu chiến tiếp…

Tài liệu tham khảo: The doctors book of Home Remedies

Bí Kiếp

Câu nói của tiền nhân “ Nam vô tửu như kỳ vô phong” (có lẽ một vị đệ tử của họ Lưu ?? )Thôi thì đã lỡ làm thân trai, gẫm lại thì qua bao nhiêu đoạn đường chiến binh, gót giày sô lê bốn vùng chiến thuật, cánh chim bằng một cõi trời mây, sông nước rộng bá hùng một thuở …
Sau một trận chén chú chén anh, hâm nóng tình chiến hữu, hay nôm na say một cơn say nghiêng ngã, ma men dẩn lối thần tửu đưa đường, mấy ai thức dậy nghe chim muôn ca hát , nắng lụa dịu dàng, chưa kể phu nhân nhà nó oanh vàng như đinh đóng .
Xin tặng quí vị cuốn bí kiếp sau đây

1 – Uống từ từ, đêm chưa tàn,ngày mai chưa rạng. Alcohol cần thời gian để du hành lên tận khối óc, vận tốc đốt của alcohol là 1 oz mỗi giờ . Uống càng chậm thì càng ít chất rượu lên được nảo bộ,như vậy thì giảm bớt đi cơ hội đau đầu cho ngày hôm sau. ( Dr Mack Michell, M.D. vice precident ,Alcoholic Beverage Medical Research Foundation in Baltimore, Maryland , assitant pro fessor of medecine at Johns Hopkins University )

2 – Uống lúc bụng no . Đây là bí quyết hữu hiệu nhất bên cạnh uống từ từ để giảm bớt ảnh hưởng của alcohol sau cơn say . Theo Dr. Michell alcohol ngấm vào thức ăn làm giảm vận tốc đi vào nảo bộ, càng chậm thì càng ít chất độc có cơ hội thấm vào óc để sinh ra tác hại , và cũng không nhất thiết loại thức ăn nào, chỉ cần no bụng là tốt.

3 – Uống thứ nào ? tuỳ theo cá nhân ,nhưng biết được loại rượu nào thích hợp với cơ thể của mình thì tốt nhất, Hầu hết các loại thức uống chứa chất ethanol là thủ phạm của bệnh đau đầu sau khi say, theo Dr. Blum chưa biết rỏ ảnh hưởng trực tiếp, nhưng chắc chắn một điều là uống thứ nào chứa nhiều ethanol sau khi tỉnh dậy sẽ biết ngay.

Trong các loại rượu mạnh thì Vodka là thứ dễ chịu nhất, cognacs, brandies, whiskies và champagne các loại nên xếp vào danh sách tránh xa, chưa kể rượu chát đỏ cũng là thứ nên chừa, nhưng với một nguyên nhân khác, rượu chát đỏ có chất tyramin, một chất cùng loại histamin là nguyên nhân gây ra cơn búa bổ trong đầu. Nếu chưa tin thì thử mở một chai rượu chát đỏ ( anh hùng như ta thì một chai rượu chát đỏ có là bao , 750 ml và 13% alcohol thôi bạn ạ!ỉ ) và ngày hôn sau thức dậy sẽ biết kết quả ngay.

4 – Bong bóng màu , không những chỉ champagne mới có cái bong bóng muôn màu quyến rũ những chàng thiêu thân ,thử pha dung dịch hổ phách màu nâu Coke và rum, ngon ngọt, mềm môi. Sáng hôm sau sthức dậy sẽ biết ngay.Mấy cái bong bóng màu và chất đường ngon ngọt đó dẩn alcohol vào máu nhanh như hoả tiển tầm nhiệt, theo dính đuôi, cái lá gan anh hùng cố luồn lách, nhưng tránh một thì gặp cả bầy vây lại, tàn đời như ánh chớp …

5 – Trọng lượng ,Đừng vội anh hùng châu chấu đá xe, vì xe ngã thì chấu cũng nghiêng. Cưa đôi một chai, hai chúng ta tướng anh học trò mà so với lựs sĩ thì thức dậy mới biết ai là người thắng trận, vì nhớ rằng trọng lượng góp một vai trò quan trọng trong mức tiêu thụ, 110 cân Anh chỉ bằng có một nửa 250 cân. cho nên lượng alcohol dù có cưa đôi thì cán cân làm sao thăng bằng ??

6 – Uống nước lạnh và Alka-seltzer trước khi vào mộng cũng giảm bớt tốc lực đinh búa vào đầu. Điều nầy chưa có thống kê rõ ràng, nhưng với kinh nghiện qua nhiều cuộc thăm dò, thực hiện .khảosát của Dr John Brick, chief of research in Division of Education and training at Ru tgers State university of New Jersey ‘s Center of Alcohol studies in Piscataway , New Jersey. Cũng có bạn khuyên nên dùng 2 viên aspirin ( tương đương với alka-seltzer , chĩ khác là không sủi bọt ) thì ngày hôm sau khi thức dậy còn thấy mặt trời, và tiếng oanh vàng của phu nhân dù không hẳn êm ái cũng không đến nổi đại bác ngang đầu .

Dù có gởi tặng quí vị bản bí kiếp, nhưng thiết nghĩ cũng nên đọc thử bản tường trình sau đây từ thí nghiệm khảo sát của Đại học Stanford và US Navy
Phi công bay loại P-3 Subcharger ( dùng máy P – 3 simulators để thử khả năng của phi công ) cho một nhóm phi công uống rượu đênù độ alcohol vừa đủ say theo luật định ,chờ cơn say qua đi, tỉnh táo hẳn sau 14 giờ, những cánh chim bằng nầy sẳn sàng tung mây lướt gio. Kết quả: dù tinh thần có bình tỉnh, nhưng khả năng bay lượn sút kém hơn bình thường . Nhớ rằng dù đã không còn chút gì alcohol trong máu .nhưng cũng không thể sánh bằng lúc chưa uống giọt rượu nào .
( Dr Von Lierer,director of research anhd owner od Decision systems ,a research and development firm in Stanford, California )
Tóm lại : Dù trong cơ thể không còn alcohol nhưng vẫn còn ảnh hưởng . Suy ra : Nếu muốn đạt đến kết quả tột đỉnh cho phiên họp, hay thành công vượt bực cho công việc ngày hôm sau thì không nên dùng alcohol đêm trước. Dr Lierer.
Không những chỉ có các phi công chịu ảnh hường của alcohol,ngay cả các tài xế cũng có kết quả tương tự .Theo thống kê khảo sát của Swedish study report trong Journal of the American Medical Association, dùng 22 người tình nguyện , lái xe Volvo station tránh qua nhửng chướng ngại vật đặt sẳn. 19 trong số đó có kết quả không đạt tiêu chuẩn khi lái xe sau cơn say tỉnh dậy.
Kết luận : dù anh có đứng lên sau trận chiến, chiến thắng, an toàn, nhưng vẫn còn ảnh hường đến khả năng, dù ngay cả nghề nghiệp chuyên môn đã được huấn luyện kỹ càng. Sự thua sút thấy rõ ( Còn về kiểm chứng hay nhất cho mỗi cá nhân : Hỏi lệnh phu nhân thì sẽ rõ ! )

Sau hết kính chúc quí vị : Qua cơn say, trời lại sáng

Vũ Thị Thiên Thư

Phép mầu

Phép mầu

 

Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cuả Amy làm tôi cũng vui theo. Từ bấy lâu, sau những tang ma dồn dập, cộng thêm việc săn sóc cho Mẹ chồng đang lâm bệnh trầm kha, nụ cười nở ra trên môi bà rất hiếm hoi. Mỗi lần gặp nhau, tôi lặng lẽ ngồi nghe Amy kể chuyện, than vãn cho nhẹ long đi, bà vẫn luôn cảm ơn tôi đã chia sẻ, giành cho những lời an ủi khích lệ, giúp đỡ tinh thần. Tôi mĩm cười gạt đi, đã là bạn bè, sao lại không nhỉ ? An uỉ bà không tốn kém tiền bạc, có chăng chỉ là những lời nói , bà tôi chẳng từng dạy bảo chúng tôi : “ Lời nói không mất tiền mua …” đấy hay sao .

 

– Chú Roy đã phục hồi và xuất viện rồi .

– Chú Roy ? Là ai vậy ? Sao tôi không nghe bà kể chuyện chú bệnh gì mà phải vào bệnh viện ?

– Oh ! Tôi lẩn thẩn quá, Chú Roy là bác sĩ gia đình, người đã chăm sóc chúng tôi cho đến khi tôi dời nhà về vùng ngoại ô.

– Thì ra Ông ấy là người bà thường nhắc lại mỗi lần phải đi tìm kiếm bác sĩ gia đình mới?

– Vâng, con bé nhà tôi không chiụ đi bác sĩ nào khác, nhưng mỗi lần mang cháu đi khám bệnh, phải đến tận phòng mạch cuả Chú, đi về mất luôn cả ngày trời …

– Tôi thông cảm với bà chuyện nầy lắm, vì chính các con cuả tôi cũng thế, chúng nó chỉ muốn đến Doctor Tang thôi. Nhưng Ông ấy không phải là Bác sĩ gia đình, Ông chỉ chuyên về nhi đồng thôi, khi chúng nó lớn lên, đã bắt đầu tuổi thiếu niên, Ông cứ bảo tôi phải chọn Bác sĩ khác, khổ nỗi không đứa nào chiụ, xin hẹn với bác sĩ khác là chúng nó phàn nàn đến bực mình thôi, mãi đến lúc Ông về hưu thì các con tôi đành phải chấp nhận người khác .,.Nhưng nầy, Bà bảo Chú Roy phụ hồi, nhưng bệnh gì thế ?

– Chú vào bệnh viện North-Westhern để thay tim đó.

– Thay tim ? chuyện quan trọng đến thế ư ? mà Chú bao nhiêu tuồi rồi, tại sao phải thay tim lận?

– Vâng, chuyện nầy khó tin phải không ? Chính tôi cũng không ngờ mà. Chú Roy tuy là bác sĩ, nhưng tuổi đã quá bảy mươi, cho dù tên chú có nằm trong danh sách chờ đợi để thay tim cũng coi như không có hy vọng rồi. Chưa kể phải tìm cho đưọc trái tim thích hợp, và còn tuỳ thuộc vào rất nhiều điều kiện khác nữa chứ. Cho nên đến bây giờ, đã có bao nhiêu người được thay tim đâu, danh sách chờ đợi dài lê thê, khó khăn rất mực, cần phải đúng lúc và đúng người, vậy mà chú Roy lại rơi vào trường hợp hiếm có nầy. Tôi cho đó là phép mầu thôi bà ạ.

– Đúng là hạn hữu, nhưng Chú lại dám làm, tôi phục chú rất can đảm.

-Ô! Chú chấp nhận chuyện rủi ro, chú là bác sĩ mà , dĩ nhiên là Chú hiểu rõ những trở ngại cũng như những biến chứng đi kèm, chưa kể là cuộc giải phẩu dài lê thê. Hình dung là nằm đó cho người ta cắt lấy trái tim mình ra, rồi dùng trái tim khác thay vào, nối từng động mạch… ấy! ghê thật bà ạ!

– Vâng, Tôi cũng phải khâm phục sự tiến bộ vượt bậc cuả ngành giaỉ phẫu bây giờ .

– Điều nầy thì không thể phủ nhận được. Chú hiện nay đã xuất viện,và đang dưỡng bệnh ở nhà, cuối tuần nầy tôi sẽ ghé thăm. Tôi đang dự trù sẽ tổ chức một tiệc mừng vào ngày Lễ Tạ Ơn tới đây Lâu nay, từ sau những biến cố dồn dập trong gia đình, có quá nhiều thân thuộc cùng bạn bè đã hết lòng giúp đỡ chúng tôi, bây giờ đến lúc chúng tôi phải vượt qua những khó khăn để bước tới, tôi muốn cảm ơn mọi người , nhân tiện mời bà đến chung vui và chia sẻ cùng chúng tôi.

– Vâng, bà nghĩ rất đúng. Tôi cầu chúc cho bà trọn vui,

– Cảm ơn bà

Khi tôi kể lại cho bạn nghe trong mẩu chuyện hàng ngày cuả chúng tôi, niềm vui như vết dầu loang… Kèm theo tiếng cười qua làn sóng điện từ. Tôi cảm nhận được bên trong tiếng cười cuả bạn có trăm nghìn ước muốn không cần phải nói ra lời

Đây là câu trả lời cuả tôi:

– Vâng, nếu Tôi có phép mầu biến hoá, tôi sẽ cắt bỏ hết trái tim phản bội cuả con người thay vào bằng trái tim vị tha chân thành…

 

Vũ Thị Thiên Thư

Khinh người

Caí Tôi đáng ghét
Bạn tôi, chuyện hàng ngày

Khinh Người

– Chị đúng là khinh người
– Thật sao ? Điều gì làm cho em nghĩ là chị khinh người ?
– Thì chị Thức nói vậy mà
– Hình như chị và chị Thức không thường nói chuyện với nhau, sao chị ấy biết là chị khinh người ?
– Thì chính vì chị không nói chuyện với chị ấy nên mới bảo là chị khinh người
– Chị xin lỗi, nếu chị ấy hiểu hành động im lặng cuả chị là khinh người thì đành vậy, thật tâm chị, không khinh ai, có gì hơn ai mà dám khinh người khác, trong cuộc sống phù du nầy, vạn vật, sắc không, chị thấy mình không thích hợp thì ít giao du thôi …
– Nhưng chị không thể tránh hết mọi người.
– Chị có tránh ai bao giờ đâu, chị vẫn tham dự các cuộc họp mặt, vẫn thăm hỏi từng người.
– Em hỏi thật, chị có bao giờ ngồi chuyện trò với mọi người không ? Chỉ nói chuyện vu vơ ấy mà
– Có phải em muốn hỏi chị chuyện xã giao hay chuyện ngồi lê đôi mách ? Em biết chị chúa ghét thói đó, nhất là chuyện gây ra lời qua tiếng lại đôi chối, chuyện thiên hạ không dính dáng, chuyện nhà mình chưa lo xong thì có thời gian đâu mà lo chuyện bên ngoài vậy em ?
– Chị có bao giờ nói chuyện với các chị Hoa, với Mỹ, với Nga, với Nương …
– Chị hiểu ý em, nhưng tất cả quí vị đó đều có chung đề tài, chị không có điều gì bàn cãi, nên ít khi ngồi chung góp tiếng, chị vẫn lắng nghe, vì chị chưa học thuộc bài học Đui Điếc Câm nên không thể gác ngoài tai mọi chuyện thị phi, nhưng bài học im lặng là tốt nhất đó em a.
– Chính vì sự im lặng đó mà người ta cho là chị khinh người
– Nếu vậy thì chị đành chiụ thôi, chứ chị không thể thay đổi được, chị thật tình không thấy hứng thú khi bàn chuyện mua sắm kim cương, hay quần áo cuả người vẽ kiểu thời danh, hay phải trả lời những câu hỏi thẳng vào tình trạng tài chánh và công việc riêng tư. Chị đi làm một năm có bao nhiêu tiền thì cũng không liên quan với người khác. Hay là chị có sắm thêm dăm ba hạt kim cương thì cũng có ai trang sức ngoài chị ra ? Hoặc dã chị có mua chiếc xe đời nầy hay năm trước thì cũng không ai dùng. Tại sao phải so xem cái nhà cuả chị có bao nhiêu phân diện tích, hay trong nhà sắm sửa chưng bày những thứ gì ? Em à! những thứ nầy chỉ là vật chất, sống thì dùng, chết không mang theo được, nên chị không bận tâm .
– Chị làm cho người ta mất hết hứng thú để khoe khoang, Giời ạ ! Nói chuyện với chị chán ngấy.
– Ừ thì chị đã bị bạn bè khi xưa gọi là “ gàn bát sách “ mà, chị không chối, chị có nhiều tật xấu lắm , không phải một chuyện nầy thôi , chị sẽ kể cho mà nghe khi nào hết chán nha .

Vũ Thị Thiên Thư

Áo Tết

Già được bát canh, trẻ manh áo mới …

1 Chiếc áo tết cuả em

– Chị Hai, em mới nhận được thùng quà chị gởi sang, Tết đến, đang tủi thân , không biết có ai nhớ mình không .
– Thế đã mở ra chưa ?
– Mới vào nhà, chưa kịp ăn uống, mở ra ngay. Áo vừa lắm, em thích cả mấy màu Hai chọn, Chi luôn biết ý em . Vậy là có áo mới diện đi chùa Hội Chợ Tết cuối tuần nầy …
Em, tiếng nói vẫn xôn xao, “ Tam Thập nhi lập ” rồi, vẫn là em thơ .Nhớ laị muà Tết đầu tiên sau ngày tang thương, Chú nằm trong trại tù đâu đó, Năm Căn, Bảy Ngàn …Nhà không biết tin, Cô lặn lội tìm kiếm các nơi, Thím bồng thằng bé chưa đầy năm, vào ra thấp thỏm …Chị ngồi tháo từng mũi chỉ đường may, nối từng manh vải nhỏ, chiếc áo dài lụa hoàng anh, có bao giờ mặc nữa ? Áo tiểu tư sản không sống được với chính sách bây giờ. Em xúng xính trong chiếc áo lụa mát, Mẹ thêu từng mũi kim .Chiếc áo đẹp em mặc ngày đầu năm. Tết không bánh mứt, Mẹ chắc chiu từng đồng, bao nhiêu tiền, bao nhiêu ngày dành dụm, từng giọt mồ hôi đổ, gởi vào tay nhà nước đổi lại được hai trăm .Chị chạy rong chợ trời, tìm người thân quen cũ, chia nhau từng chai thuốc trụ sinh, từng viên thuốc cảm…Theo bạn bè đi buôn, thứ gì cũng bán được, đã bán đi rồi, thứ gì mua lại để tiếp tế cho người thân, cũng tìm mua .
Xa nhau phần tư thế kỷ, ngày gặp lại nhau, em đã tuổi thành niên. Nhìn em đứng, gầy cao hơn chị cả cái đầu. Đứa em sinh sau muộn màng, gói trong lụa là nhung gấm, nuôi bằng sữa bột ngoại quốc, bằng thuốc bổ tư bản, năm đầu tiên, em bụ bẩm như búp bê, như hình mẫu .Tưởng là cuộc sống bình an .Không ngờ thương hải biến vi, em chưa tấp tểnh theo chân đến trường, chị đã rời đi. Khi nhà cửa được chính quyền bây giờ nhân danh cách mạng, trắng tay tư sản, em đang tắm sông, chạy lên xin chiếc áo để che thân, Cách mạng lạnh lùng, niêm phong tất cả, thằng bé con, nhi đồng, sự nghiệp trăm năm cuả nhà nước đứng như trời trồng giữa trưa nắng, nướcmắt hay nước sông chảy dài trên mặt ?
Tiếp nối cho những ngày lang thang, trốn chạy, bao nhiêu lần …vẫn in trong tâm thức cái Tết cuối cùng ở quê nhà, chiếc áo mới cho em, cắt từ chiếc áo dài lụa của thời thanh niên, gói lại cả một trời ước mơ, nâng niu, yêu dấu …

Quà Tết

Mai sm

 

Quà Tết

 

Móc trong túi áo trên , tờ giấy xếp cẩn thận , ông cụ ngồi xuống bàn , mở ra , danh sách dài nhìn như lá Sớ Táo Quân

– Cô ghi dùm tôi , cái địa chỉ nầy

– Dạ , Bác cho cháu tờ giấy đi, phần nào không đọc được , cháu sẽ hỏi Bác

Tôi lặng lẽ ngồi gõ phím, từng tên một , cái danh sách dài lần lượt hiện ra , những tên họ tiếng mẹ thân quen , những con số vô hồn , nhưng nghĩ đến chiếc áo Tết , bửa ăn no, bàn đầy hương hoa. Con số biến thành các thứ cần thiết cuả ngày đầu năm.

Nhìn lại Ông cụ hom hem, những ngón tay run rẩy, co ro trong cái lạnh cắt da thịt, chiếc áo dạ dầy cộm như nuốt chửng cả mớ thịt xương mấp mé trăm cân Anh.

– Bác xem lại dùm cháu, có còn thiếu ai không?

Cầm tờ giầy , dò lại từng tên , Ông cụ trả lại cho tôi

– Được rồi , cô gởi luôn cho tôi hôm nay

– Vâng , ở tỉnh thì hơi chậm hơn nha Bác

– Miễn về trước Tết là được rồi , năm nầy tôi đau yếu luôn , định đi từ tuần trước , nhưng không kịp, thôi đành vậy , cô có cách nào nhanh hơn không?

– Cháu sẽ cố gắng , Tết nên mọi thứ đều gấp.

Ông Cụ trao cho tôi số tiền, những tờ giấy bạc màu xanh , nhìn làn da tay xám vì lạnh hay vì những giọt máu không còn đủ để luân lưu.

Những cái tên, chỉ là từng chữ trên tờ giấy , hay là móc nối cho một sơị dây vô hình. nối nửa đại dương, nối kiếp sống con người , nghiệp duyên nợ nần , đã cuối con đường , sống bao lâu , vẫn còn băn khoăn , vẫn còn chia sẻ.

Tiếng chuông điện mở cánh cửa rít lên Ông cụ bước ra , ngoài kia cơn gió thổi từ hồ thốc vạt áo và tấm thân gầy long chong…

Vũ Thị Thiên Thư

 

Về miền nắng ấm

suoinang

Về miền nắng ấm

 

Buổi sáng, tiếng chim hót từ góc rừng đánh thức, giấc ngủ ngoan. Ánh sáng đầu ngày tràn ngập qua khung cửa sổ, những giọt cà phê nhỏ xuống, như những giọt an vui chảy qua tâm hồn ngày chúng ta bên nhau.

Bạn và tôi, như đôi chim ríu rít, chuyện trò, hơn phần tư thế kỷ qua, về những ngày tháng không bắt kịp nhau trong dòng đời trăm ngã, về những trăn trở trong cuộc sống riêng tư, những nỗi đau chung cuả một thế hệ, chia nhau nỗi băn khoăn, niềm thao thức. Thời gian, không thật sự giới hạn, những cảm thông nhau, truyền cho nhau từ trong tận cùng tâm thức, ngữ ngôn, đôi khi không cần thiết , chỉ thêm thăng hoa cho cuộc sống cuả đời thường…

Tôi mang theo những tia nắng ấm, những chân tình bạn gởi trao, từng phút từng giây, biết mình có nha,. Tôi thương hại những con người bạc phận, cuộc sống có quá nhiều phiền muộn, trái tim chứa đầy những dòng máu đen lừa lọc, sống bao lâu mà phải băn khoăn, phải lo toan, phải tranh chấp nhau.

 

Tiếng cười như pha lê qua những làn sóng điện thoại, cảm ơn kỹ thuật hiện đại, chúng tôi gần nhau dù cách nhau hàng ngàn dặm. Trong lòng tôi reo vui theo. Bạn kể cho tôi nghe, những tâm tình cuả Em, tưởng tượng tiếng Em cười, như chính tôi đang nghe… Gánh cuộc sống trên hai vai nhỏ, gánh âu lo quẳng xuống, bước thênh thang Em nhé, hành trình gian truân, cuối cuộc đời sẽ an nhiên…

Cảm ơn Em, âu lo những trận cuồng phong trút xuống, Em ơi! thân lá cỏ mềm, gió bão có qua đi, sẽ bình an trỗi dậy…Thị phi trong cuộc sống nầy, hãy để gió cuốn đi… chỉ cần một tấm lòng, sống tử tế với nhau…

Những phiền muộn, đã là ngày hôm qua, giọt nắng mai cuả ngày hôm nay, nắm lấy bàn tay, dìu nhau bước…

 

Những tưởng là chúng tôi không cần phải nói với nhau, thức giấc, yên tĩnh cuả đầu ngày, nghe từng giọt cà phê nhỏ xuống, nhưng khi nhìn vào khung hình, trăm ngàn từ ngôn…Bạn gởi cho tôi tấm chân tình, những màu sắc đậm nỗi nhớ thương, căn nhà nhỏ chứa đầy kỷ niệm, những dấu chân, cuí xuống nhìn khóm rau vừa bén đất, lá xanh non, những nụ hoa vừa mới mọc, e ấp cười vui… Thấy bạn, nhỏ nhoi từng ngày… Cảm ơn quân tử, chăm sóc cho nhau, nhắc nhở nhau, cuộc sống mong manh, như dòng sông khúc chìm đoạn nổi, duyên nghiệp cuả một đời, hãy vì nhau mà chia nhau bình an cho đến cuối…

 

Món quà từ ngàn dặm, đủ tưới mát trong lòng…

Rạng ngày, nghĩ đến nhau…lòng rất an vui…

Bạn tôi, thương quá, từ ngôn không cần thiết…

 

Vũ Thị Thiên Thư

 

 

Ngũ Đại Hồ Phú

Ngũ Đaị Hồ Phú

 

Bát ngát , Ngũ Đaị Hồ, bát ngát

Nước biếc mên mông , trời xanh man mác

Thênh thang không thấy bến cùng bờ, giáp nối trời mây .Traỉ rộng đông tây chẳng cội nguồn, chia phân nam bắc

Nhớ xưa : Đất vỡ từ trời , lưỡng nghi tan tác

Bày bốn biển năm châu băng giá, thổi luồng sinh taọ hoá muôn loài , lộ cân phân trũng nuí song ngòi,biên giới rành rành phô dấu tạc

Nay có : Mênh mông nước bạc, cận kề nhị quốc

Ngũ hồ phân chia vành vạnh, ngõ ngách tiếp nối nhau. Xanh mượt đôi bờ thông phong, nghiêng soi bên dòng thác

Trăm thứ trò vui, từng ngày an lạc

Tung tăng bầy trẻ nhỏ , bong bóng đỏ xanh. thong thả dăm cao niên,  phơ phơ tóc bạc

Kià thăm thẳm trên cao, lo lững đứng cầu treo . Nọ cuồn cuộn theo dòng , nước xoay quanh sóng bạc

Kính kong chuông đổ trên sân ga, nhôn nhịp khách chen vai. Ù ù còi hú dưới cầu tàu  vội vã người chen bước

Khác gì :  lũ lượt hội xuân , trang thanh thuỷ mặc

 

Ta nay : bình nguyên bát ngát , về Ngũ Đaị Hồ , cảm non song hung vĩ vui thay , làm chơi một đạc

Ai tri âm , ai hữu tình , dừng laị cùng nhau, kiếp nhân sinh là bao , hưởng trời mây an lạc

 

 

Vũ Thị Thiên Thư

BMV

BMV

 

Hàng người dài như trò chơi Rồng Rắn , tiếng lách cách cuả bàn phím.Nhìn những khuôn mặt chunh quanh , chuẩn bị cho thời gian chờ đợi.

– Chào Bà , Bà cần gì hôm nay?

– Tôi cần chuyển bảng số cuả chiếc xe cũ sang chiếc tôi mới mua

– Bà cần Bằng lái xe , thẻ bảo hiểm xe, biên nhận mua xe , đóng thuế.

– Vâng , tôi có đây

– Bà cầm hồ sơ, ngồi vào chổ kia , nhân viên sẽ gọi tên

– Thế không cần phải bắt số

– Không cần nữa.

– Cảm ơn bà

Tôi chọn chiếc ghế gần lối đi , do thói quen. căn phòng đầy người, ngày đầu tiên văn phòng mở cửa lại sau cuôi tuần lể lộc kéo dài, trên vách hãy còn trang trí khung cảnh Noel , những vòng Evergreen cột nơ đỏ thắm. Tưa vào ghế, biết phải chờ nên tôi mang theo quyển sách. Sách là người bạn trung thành từ những ngày thơ ấu, lúc gối đầu , khi ôm ấp…

– Xin lỗi

Nhích chân, nhường lối cho người đàn bà phốp pháp lách vào, tội nghiệp chiếc ghế, tưởng chừng như chiếc xe vận tải đang oằn xuống vì sức nặng , chợt nhớ ngày Ba tôi sang thăm, mỗi lần nhìn khẩu phần ăn bán ở các tiệm ăn nhanh , Ba lắc đầu

– Thức ăn nhiều quá, ăn như vậy mà không bệnh béo phì sao được.

Bà nhìn tôi phàn nàn

– Làm viêc như ruà , chờ hết cả ngày mất.

– Hy vọng không đến nổi

Cuí xuống quyển sách , những dòng chữ nhảy muá trong tầm mắt. Ah ! dù cố gắng tránh , nhưng chắc không bao lâu nữa , phải mang mắt kính. Mấy ngày bận biụ với bầy trẻ con, chúng nó bay về tổ cũ, vaò ra như ngày hội , tiếng cười đuà ấm áp cả căn nhà. Nghĩ chúng thức khuya , dậy muộn, tranh thủ ra đây làm cho xong chuyện nầy , bây giờ ngồi chờ, thời gian dài lê thê , trong lòng nôn nóng.

– Tên trên chiếc xe mới cũng giống như chiếc trước?

– Vâng , cả hai tên.

– Bà chỉ còn đến tháng bảy là hết hạn

– Vâng tôi biết.

Bà nhân viên mày mò với bàn phím , click…click…từng giọt thời gian nhỏ xuống , tôi nhìn đồng hồ , gần giữa trưa…

– Mary, tại sao không hiện ra số tiền??

– Bà làm có đúng không?

– Tôi thử mọi cách rồi.

– Trở lại từ đầu

Tôi tựa vào lưng ghế, chuẩn bị chờ mười lăm phút sau , bà nhân viên quay sang xin lỗi

– Chúng tôi dùng hai hệ thống máy , đang chuyển từ cũ sang mới, nhiều ” bug ” quá , không biết đường nào mà mò , chúng tôi phải thử cái chương trình mới trước, không làm được thì quay lại…

Tôi nghĩ thầm ” quí vị dùng chúng tôi làm vật tế thần…!!!. Vạn sự khởi đầu nan…Tôi đã ngồi đây hơn tiếng đồng hồ rồi , dù sao thì cũng mất buổi sáng…

– Chào bà , chúc bà may mắn

– Vâng, chào bà

Người đàn bà bên cạnh cũng vừa bước ra cùng lúc , chậm một bước , nhường lối cho bà ta , trước khi đi còn quay lại lầu bầu

– Làm việc chậm như rùa, đóng cửa quách cho rồi.Tốn bao nhiêu tiền thuế cuả dân, nuôi lũ ăn hại.

Trong lòng vui , bước thẳng lại cánh cửa ra , trên tay là phong bì chứa tờ biên nhận , ôi !! luật lệ và thủ tục lề mề , nhất định không để cho vương mắc buổi sáng làm mất đi hơi ấm cuả một ngày muà đông bình an.

 

BMV : Bureau of Motor Vehicle